Lúa dài

Hằng Minh Vũ

17/10/2021 09:13

Theo dõi trên

Nhớ ngày xửa, ngày xưa cái thời còn đói nghèo thiếu thốn lũ chúng tôi thường vác mủng đi mót thóc. Mùa gặt thì nhặt chẽ cào cào cắn rơi xuống ruộng, rồi mót những bông lúa kẽ còn giắt lại ở gồi rạ. Và đến những ruộng lúa cắt lửng để bứt những bông lúa dài.

lua-dai-1634436419.jpg

"Mụ nông dân" đi thăm đồng

Mẹ con nhà Cu Bo mới về đấy à?  

Người chưa thấy đâu nhưng tiếng bà cụ Lan đã ấm áp từ ngõ vọng vào:

- Dạ. mẹ con cháu về tối qua, mời bà vào uống nước ạ.

Bà Lan tầm 70 tuổi , vóc người nhỏ nhắn và nhanh nhẹn. Bà xách trên tay một túi "cám cò" khá nặng. (loại bao dứa đựng 1 yến cám cò, các bà ở quê tận dụng đựng đồ, hoặc dùng đi chợ)

Bà đặt túi "cám cò" xuống cạnh cửa rồi xoa tay, phủi quần áo và bước vào nhà.

Đâu? , đâu cu Bo biết làm gì rồi? ra bà bế tý nào. Bà cho yến gạo để cu Bo ăn bột nhé, gạo lúa dài đấy. Bà đi mót được gần tạ thóc dài, chỉ để xát rồi mang cho các cháu ăn bột cho lành. Thóc này không có thuốc sâu thuốc sia gì nhá.

Nghe bà nói tôi chợt hình dung ra ngay những bông lúa mọc lên từ gốc rạ sau khi gặt xong. Mỗi cây lúa chỉ có một,hai bông, mỗi bông chỉ có vài chẽ nhỏ. Hạt thóc gầy vì không được chăm bón phân gio gì.

Nhớ ngày xửa, ngày xưa cái thời còn đói nghèo thiếu thốn lũ chúng tôi thường vác mủng đi mót thóc. Mùa gặt thì nhặt chẽ cào cào cắn rơi xuống ruộng, rồi mót những bông lúa kẽ còn giắt lại ở gồi rạ. Và đến những ruộng lúa cắt lửng để bứt những bông lúa dài. Thường là muốn mót lúa dài thì phải đợi hơn tháng sau vụ gặt. Chẽ lúa non từ kẽ lá mọc lên sống và phát triển nhờ dưỡng chất còn sót lại từ cây lúa mẹ. Chẽ lúa làm đòng và phơi màu rung rinh trong gió. Khi nhìn thấy chẽ lúa uốn câu là chúng tôi xà vào bứt , tuốt. Mỗi đứa thường mang theo một đôi đũa tre một đầu được buộc dây nối vào nhau cho khỏi rơi. Chúng tôi dùng đũa tuốt bông lúa vào cái mủng và mang về .Lúa mót thường đủ các loại thóc nên nấu cháo rất ngon. Ngày đó chính nhờ những mủng thóc mót, thóc chẽ, thóc dài ấy mà nhiều gia đình chúng tôi đã vượt qua những ngày giáp hạt.

Tôi hỏi bà Lan:

- Bà ơi. bà mót được nhiều thế ạ?

- Ừ! bây giờ ít người đi mót, mà máy gặt lửng lên nhiều lắm cô ơi, mà chả ai thèm cắt. Có hôm bà cắt được mấy bó đội lên đường nhờ các cháu chở về, lại rủ mấy bà đến tuốt cho vui. Các cháu bà cứ bảo bà đi mót làm gì. Nhưng nhìn tiếc lắm cô ạ. Tôi còn khỏe tôi cứ đi. Khi nào không đi được thì thôi. Của ngọc thực mà bỏ đi xót lắm!.

Vâng, những ai trải qua giai đoạn thiếu đói mới biết tiếc của bà nhỉ!. Chứ trẻ bây giờ... tôi không nói hết câu vì hình ảnh những chiếc xe ga bị đốt cháy đùng đùng, những bữa cơm, chai rượu hàng chục triệu bỏ phí... chúng sao biết cảnh cả nhà quây quanh nồi cháo hoa nghi ngút khói... loáng cái cháo hết nồi còn nóng hổi...

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Lúa dài" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn