Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 13

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 13.

Thành Gia Định thất thủ tháng giêng năm Kỷ Mùi 1859.

Trương Công Định mang quân bản bộ của mình (quân Đồn Điền) từ Gia Thuận Gò Công lên Thuận Kiều (Gia Định) đánh Pháp. Trương Công Định đem quân lên Đại Đồn Chí Hòa cùng Nguyễn Tri Phương chiến đấu giữ Đại Đồn. 25 tháng 2 năm 1861 Đại đồn Chí Hòa thất thủ. Quân triều đình rút lui về Biên Hòa, còn Trương Công Định và các tướng lính đem quân về Tân Hòa, Gò Công thành lập căn cứ đánh Pháp.

Tháng 3 năm 1861 quân Pháp bị đánh mạnh phải rút khỏi Gò Công-Gò Công là lỵ sở của huyện Tân Hòa. Trương Công Định đã mở rộng xây dựng căn cứ Gò Công, biến nơi này thành trung tâm kháng chiến Tân Hòa cùng những trung tâm kháng chiến khác trên đất Định Tường. Hạ tuần tháng 12 năm 1861 đã mùa đông rồi nên vùng Gò Công nắng  rải xuống như tơ mỏng. Nắng rải xuống bờ biển phía đông vẫn ngày đêm dào dạt sóng và tiếng rì rầm như hát, như ru muôn thuở. Nắng rải xuống sông Tiền Giang con nước mênh mông đưa vài con đò xuôi ngược. Nắng rải xuống những rạch, những dòng kênh, những con đường um tùm xanh ngát muôn miền. Những rừng dừa nước, rừng dã vôi, những rừng đước, cây giá, cây trang, cây vẹt đen, cây trâm quả màu xanh khi non, màu vàng khi già, màu đỏ khi chín um tùm xào xạc theo gió. Nắng làm cho bầu trời như cao hơn, xanh thăm thẳm. Vài đám mấy trắng bay làng thang biến ảo muôn hình. Vài đàn chim tung cánh trên không trung bay về nơi viễn xứ.

Tháng 12 năm 1861, trong Tổng hành dinh ở Gò Công, Trương Công Định đang ngồi với Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị bàn việc đánh Pháp, chợt có lính do thám về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, có lính của tướng quân Đỗ Trình Thoại về báo:

-Cho vào ngay:

-Dạ.

Người lính vào quỳ, khuôn mặt buồn thảm nói:

-Dạ bẩm chủ tướng, tướng quân Đỗ Trình Thoại đã hy sinh rồi ạ:

-Nói rõ hơn xem nào.

-Dạ, bẩm, tướng quân Đỗ Trình Thoại đã từ Đại Đồn Chí Hòa về Gò Công chống Pháp. Ngày 22-6-1861 ngài đã cùng 600 nghĩa quân tấn công đồn Pháp ở Gò Công. Nghĩa quân vượt qua phòng tuyến kiên cố. Trong đồn quân Pháp bắn ra dữ dội. Quân ta đánh giáp lá cà với quân Pháp trong đồn. Đỗ Trình Thoại có võ nên dùng gươm tiêu diệt tên lính thủy đánh bộ của Pháp Boziez, đâm trọng thương tên đồn trưởng  kiêm Giám đốc bản xứ sự Gò Công  Paul Vial. Nhưng tướng quân Đỗ Trình Thoại sau đó đã trúng đạn hy sinh cùng 12 phó tướng ạ.

Trương Công Định, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu ngồi lặng đi đau buồn. Một lát Trương Công Định hỏi người lính:

-Anh định về quê hay ở lại trong nghĩa quân của ta chiến đấu trả thù cho chủ tướng:

Người lính đáp:

-Dạ, tại hạ xin gia nhập vào quân của chủ tướng chiến đấu trả thù cho chủ tướng Đỗ Trình Thoại ạ.

-Tốt lắm.

-Đa tạ chủ tướng ạ.

Lại có lính vào báo: 

-Bẩm chủ tướng có một nghĩa quân của tương Phan Văn Đạt về báo việc khẩn cấp.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

Người lính bước vào toàn thân mệt mỏi quỳ xuống khóc và nói:

-Bẩm chủ tướng, chủ tướng của tại hạ là Phan Văn Đạt bị quân Pháp bắt và giết rồi ạ.

Trương Công Định, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị lặng người sửng sốt. Trương Công Định bảo người lính:

-Ngồi uống nước và nói rõ đầu đuôi sự việc xem nào?

-Dạ.

Người lính đứng dậy, sau khi uống xong ly nước thì nói:

-Đa tạ chủ tướng, sáng 16 tháng 7 năm Tân Dậu 1861, tướng Pháp là Baxu đã đem quân tấn công vào căn cứ Biện Kiều. Nghĩa quân chiến đấu rất anh dũng, diệt nhiều lính Pháp và mã tà nhưng cuối cùng hy sinh gần hết. Chủ tướng Phan Văn Đạt và Phó Tướng Lê Cao Dũng đã bị bắt cùng sáu nghĩa quân. Chúng dụ Tướng Phan Văn Đạt đầu hàng theo chúng nhưng ông kiên quyết từ chối, liên tục chửi mắng chúng là đồ xâm lăng cướp nước. Pháp đã dùng móc sắt móc vào họng ông mà treo lên cột tàu của chúng tại Vùng Giò Tân An. Sau đó chúng ném thi hài ra đường. Chị của phó tướng Trần Quang Nghị đem thi hài về mai táng ở phía nam Biện Kiều, nơi ông khởi nghĩa. Hu!hu!hu!...Mong chủ tướng trả thù cho chủ tướng Phan Văn Đạt và Lê Cao Dũng của tại hạ. Hu!hu!hu!...

Nguyễn Đình Chiểu, Trương Công Định và Phan Văn Trị lặng lặng người, mãi sau Nguyễn Đình Chiểu mới nói:

-Thân phụ của tướng Phan Văn Đạt là Phan Văn Mỹ. Phan Văn Đạt sinh năm 1828 quê ở Bình Thạnh, Huyện Tân Thạnh, Gia Định. Năm 1848 thi đậu cử nhân, năm 1861 khởi nghĩa đánh Pháp ở Gia Định, như vậy Phan Văn Đạt hy sinh năm nay mới 34 tuổi.

(Còn nữa)

CVL