Tiếng thằng con trai phát lệnh xong, lũ nhỏ chúng tôi vội vàng khom người, mặt la mày lét, cố chạy thật nhanh qua đường ray xe lửa. đến khi thấm mệt và an tâm rồi mới dám đi chậm, còn ngoái đầu lại nhìn cây gáo.
Trên cây có mấy bóng đen xì treo lửng lơ đu qua đu lại.
- Ôi mệt quá, sợ quá!
- mà sao nhiều ma dữ vậy tụi bay ơi!
- Nó theo sau lưng mày á.
- Á! Hu hu...
- Tao sợ lắm!
Lũ chúng tôi vẫn chưa hết sợ, bàn tán xôn xao về cây Gáo sau một hồi chạy muốn đứt hơi.
Đứa nào đứa nấy ốm nhom đen nhẻm, người mệt lừ chỉ có đôi mắt là lanh... vì sợ.
Trên tay mỗi Đứa cầm mấy tập vở sách. Chúng tôi đi học.
..................
Con đường từ thôn 1qua Thôn 2 để đến lớp ( trường tiểu học Phổ Châu bây giờ ) dài khoảng 4 km ( đó là tôi ước đoán). Trưa nào lũ nhỏ thôn tôi cũng cố đi học sớm để đến trường còn chơi Nẻ, U Mọi, Nhảy dây...
Đi hết đoạn quốc lộ một, rẽ phải là đoạn đường đất qua thôn 2, có một cây cầu nhỏ gọi là cầu Bà Phiến ( người dân thôn 1 gọi) hay còn gọi là cầu ông Giang ( người dân thôn2
gọi). Cách cầu năm mươi mét là đường tàu hỏa cắt ngang- ranh giới giữa thôn - có một cây Gáo rất to, toả bóng cả một góc đường.
Huyền thoại Ma từ chiếc cầu và cây gáo không biết từ đâu đã khắc sâu trong tâm trí lũ học trò chúng tôi. Mỗi lần đi học ngang đây tôi sợ đến lưng mật. Qua cầu thi sợ ma kéo chân xuống nước , qua dường tàu thì sợ ma vồ kéo
lên trên cao.
Hôm nào gặp được người lớn chúng tôi còn đàng hoàng bước. Trưa nào chỉ có lũ học trò như chúng tôi đi, thì ôi thôi Ma đâu mà xuất hiện nhiều kinh khủng. Một thằng bạn trai lớn nhất đám ( sau năm 1975, một lớp học có rất nhiều lứa tuổi) được tôn như là anh hùng, để chúng tôi dựa dẫm mà khỏi tè ra quần. Nó hét gì lũ nhóc chúng tôi nghe theo răm rắp.
Cứ hễ qua đây nghe lệnh nó là cả lũ đều chạy.
Sợ lắm, nhưng trưa nào tôi cũng cố nhìn lại mấy con Ma lủng lẳng trên cây gáo đó. Trong trí của tôi mấy con ma đó sao giống nhau lắm, cùng kích cỡ cùng màu đen và đặc biệt là nó chỉ du trên cành cây chư không rượt theo trẻ nhỏ.
Vì vậy, đi qua được Cây Gáo rồi là chúng tôi thở phào ung dung đến lớp.
... Và rồi những trò chơi trên sân trường với buổi học quen thuộc lôi cuốn nên tôi không còn nhớ con ma trên cây gáo nữa. Đến chiều, khi trở về nhà là lúc người lớn đi làm đồng về nên chúng tôi không còn sợ ... cây gáo.
Trưa hôm sau, lũ chúng tôi lại tiếp tục cuộc phiêu lưu, huyễn hoặc nên một hành trình với những con Ma và cây gáo.
Lúc đó chúng tôi mới chỉ học cấp một ( là tiểu học bây giờ).
Ôi tuổi thơ tôi!
..............
Sau này, khi lên lớp lớn hơn, tôi mới hiểu những con ma ngày ấy trong trí tưởng tượng của chúng tôi là những tổ chim Dồng Dộc. Chim Dồng Dộc hay làm tổ trên bụi tre, hay cây dừa...
Mỗi lần đi qua cây gáo chúng tôi không dám nhìn chỉ cắm đầu chạy và tưởng tượng ma đu lên cây Gáo vì gần cây gáo là cả một bờ tre.
Tuổi thơ tôi, mái trường tôi, quê hương tôi với những con đường làng, những rặng tre, hàng dừa, cây gáo...và những điều bình dị quanh tôi, đã làm nên một tâm hồn tôi ngày ấy, bây giờ và mãi mãi.
Theo chuyện làng quê