Má nuôi

Thời Hoàng kim của cải lương đâu phải Bầu gánh nào cũng có vốn để dành. Mưa dầm dề chừng chục ngày là nghệ sỹ ít ra quán vì... hết tiền. Bầu gánh thì thảm hơn nhiều, cái gì cũng thuê cũng mướn hết nên trăm thứ để lo, vậy nên đoàn hát nào cũng có người đi theo cho mượn tiền góp. Mà cho Bầu mượn tiền mất đâu mà sợ mỗi tối ra ngồi bán vé là chắc ăn.
ma-nuoi-1639591370.jpg
Ảnh minh họa do tác giả lựa chọn.

 

Nhưng bù lại, trời sinh voi sinh cỏ, bà con coi vậy chứ ngày xưa thương nghệ sỹ lắm. Tối xem hát thấy thích thì ngày hôm sau tìm tới đoàn mời đến nhà đãi cơm, biết đoàn hết gạo bà con mang gạo đến cho, thấy hết củi kêu cho củi... thương quá rồi nhận làm con nuôi, em nuôi, lo ăn lo uống đủ thứ.

Lúc theo đoàn Hương Bình (1987) thời đó trong đoàn có hai tay kép chánh. Một là kép dài hơi Minh kỳ thuộc phe ăn nhậu, ghệ gộc liều mạng lắm, bến nào anh ta cũng có em nuôi, mẹ nuôi, chị nuôi đến thăm... còn hai là anh chàng Vương Thanh Tuấn thì thuộc phe làm ăn không nhậu nhẹt, nên hay chơi thân với tôi.

Một lần đoàn về hát ở xã Khánh An Huyện An phú, Vương Thanh Tuấn khều tôi nói nhỏ:

- Chút anh đừng ăn cơm đoàn, theo em lên nhà má nuôi em ăn cơm.

Chợ Khánh An là chợ Biên giới nên bà con buôn bán sung túc lắm, qua con đò ngang bên kia sông là đất bạn Campuchia, tối bên đây hát cải lương thì chiều chiều trên chuyến đò ngang có nhiều khách qua xem hát, nhìn là biết người khơmer vì nước da đen nhẻm, hàm răng trắng tinh. Phụ nữ đàn ông gì cũng hay vấn xà rông, còn quần áo xe cộ thì màu mè mi nơ nổi bật. Vậy mà tối thì mấy người buôn bán ở chợ họ chỉ lấy tấm bạt đậy lên đồ buôn bán rồi về nhà ngủ mà không cần phải dẹp, sáng dở ra bán tiếp. Hỏi sao không dẹp người ta nói:

- Ở đây có ai lấy gì đâu mà phải dẹp.

Má nuôi của Vương Thanh Tuấn là Dì Năm Đẹp, dì ở dưới chiếc bè nuôi cá dưới bến sông cuối chợ, gia đình Dì Năm sống bằng nghề mua cá Sặc bổi làm khô. Cá thì mua từ nguồn bên kia sông, mỗi ngày làm cá phơi khô tính bằng tấn... khô làm giàn phơi như phơi bánh tráng cặp theo bến sông. Mỗi buổi sáng mấy chục người làm cá rồi ướp xong đưa lên giàn phơi. Mỗi mối mua cá bên sông có khi đưa trước cho họ cả chục cây vàng. Dì Năm nói như khoe:

- Người khơmer họ đâu ra đó con ạ, nhận tiền của mình rồi thì có chết bất tử cũng không sợ mất. Họ nuôi vuông cá đã hứa bán cho mình thì dầu cho ai mua giá cao hơn họ cũng không bán, vì vậy khi họ cần vốn mình ứng trước cho họ 5, 10 cây vàng là chuyện bình thường.

Mà ăn cơm dưới bè nuôi cá thì toàn là ăn cá ngon. Mấy người con Dì Năm thấy tôi biết nhậu mấy anh mừng lắm. Từ hôm đó, mỗi buổi sáng là Anh Sơn con trai Dì Năm lên rạp rủ tôi ăn sáng uống cà phê xong anh hỏi :

- Hôm nay chú muốn nhậu mồi gì?

Mà mồi nhậu thì nguyên một bè, vựa đủ thứ cá, cứ bắt vài con thì nhằm nhè gì... cá ba sa, cá chài, mè vinh, trám cỏ cá gì cũng có dưới bè của dì Năm ...

Tới lui vài hôm tôi cũng kêu Dì Năm bằng Má lúc nào cũng không hay, biết ở đoàn ăn uống kham khổ nên má kêu cứ lại nhà bè của má ăn cơm, mà toàn mồi bén nên hôm nào cũng nhậu với mấy người anh trai con của má. Người con trai Thứ hai của má ra riêng cũng với một chiếc bè đóng bằng gỗ nhưng không nuôi cá, anh cho biết chỉ vài hôm nữa là ăn "Tân bè", mà cái bè đóng thì toàn bằng gỗ thau lao, anh hai muốn vẽ hình ảnh trang trí lên cho đẹp mà rước ông họa sỹ nơi đó ổng cứ hẹn hoài mà không chịu đến nên anh giận lắm.

Bỗng Vương Thanh Tuấn chợt nhớ ra và khoe:

- Em nhớ rồi, anh Trung biết vẽ nè, mà ảnh vẽ đẹp lắm nghen.

Thế là hết cách từ chối, phải bỏ ra mấy ngày để vẽ trang trí cái bè cho anh Hai. Ngay vách nhà bên trên vẽ chử Cửu Huyền Thất Tổ phía dưới là tranh Tứ Bình, anh hai thích truyện Thủy hử nên bên vách một bên vẽ hình Võ Tòng đã Hổ tặng anh, bên kia vẽ hình Khương Tử Nha ngồi đội chiếc nón tre mơ màng ngồi câu cá dưới thạch bàn. Tưởng tượng ra mà vẽ thôi chứ Võ Tòng hay Khương tử Nha hai ông đó có nhậu chung lần nào đâu mà biết mặt mũi ra sao? Vậy mà ngày Tân bè khách đến ai cũng khen Họa sỹ nào mà vẽ đẹp quá? làm tôi cũng nở bùng hai cái lỗ mũi, đúng là mèo mù vớ cá rán.

Rồi đoàn dọn xuống chợ Đồng ky cách Khánh An 9 cây số, vậy mà mỗi sáng anh Sơn vẫn chạy Honda qua rước tôi về nhà má ăn cơm anh nói:

- Bà già nhắc hoài, bả nói ở đoàn ăn uống cực khổ quá tội nghiệp nó. Mày chịu khó qua chở nó về nhà mình ăn cơm. Mà anh thấy hay mày đừng theo gánh hát nữa cứ về đây ở với tụi anh, không làm cá được thì lấy khô đi bỏ mối vốn liếng khỏi phải lo.

Lời đề nghị của anh tiếc là mẹ tụi nhỏ không chịu, bả nói:

- Người ta thương ông chắc gì thương mẹ con tôi.. mà tôi có làm cá làm mắm gì được đâu...

Sau đó Vương Thanh Tuấn nghỉ hát về nhà làm con nuôi má Năm, nghe nói vợ chồng đi bỏ mối cá khô cũng khá... còn tôi cũng vì cuộc sống gian nan mà mãi tới bây giờ cũng chưa một lần trở lại khánh An...

Năm rồi tình cờ gặp một người bạn mới quen anh cho biết mình là dân khánh An, mừng quá hỏi tin má năm anh cho biết bà Năm mất lâu rồi. Còn mấy người con có còn sống với nghề làm cá khô cá Sặc không thì cũng không biết chắc...

Vậy đó, cái khổ cũng nhiều cái may cũng đến không ít lần, tiếc là tôi chưa lần nào nắm bắt được nó, có lẽ vì vậy mà đời tôi cứ mãi phiêu linh để kể cho các bạn nghe những gian nan trên những dặm đường gió bụi.

Theo Chuyện quê