Má ơi!

Gia tài Cha để lại cho Má là bầy con bảy đứa, Má phải tần tảo, làm nhiều việc, miễn sao có tiền nuôi con là được, không ngại ngần nắng mưa, những lúc túng thiếu. Má và chị Hai kiếm sống bằng cách dùng chiếc tam bản củ kỷ mà bà Ngoại cho Má tôi, làm phương tiện đi lại trên sông.
me-con-gong-ganh-1629028007.jpg
 

Má tôi chết chồng (góa chồng ) khi tuổi mới ngoài bốn mươi, lúc ấy tôi chỉ là chú bé khoảng 2 tuổi, mới biết tập đi những bước đi đầu tiên.

Có lẽ tôi và một phần chị thứ Bảy là thiệt thòi hơn các anh chị trong nhà vì không biết mặt cha, dù rằng chị Bảy lớn hơn tôi 4 tuổi, sau này tôi có hỏi chị mặt cha thế nào, chị nói là cũng chỉ nhớ mang máng chớ không rõ lắm.

Hằng ngày cha nằm trên giường bệnh, đầu tựa vào đầu giường, cây gậy để phía dưới đầu giường, hậu quả của mấy mươi năm làm nghề: Kẹp cây dũm tiện vào nách, tiện những bắp chân tiện bàn tròn, hay chân tiện bàn bida, đầu tiên chỉ là những khúc cây vuông, lấy búa đẽo, đẽo bớt cho ra dáng hơi tròn, sau đó mới tiện phá to ra cho tới khi ra vóc dáng sản phẩm mình muốn làm, thời gian này mũi dũm bị sốc, cán dũm va đập vào thành xương sườn, thời gian dài dễ gây bịnh hậu nghề nghiệp.

Tôi hai tay vịn vào thành giường, đi từng bước, miệng thì bập bẹ "cha cha", không biết vì lý do gì mà cha tặng cho tôi một gậy, đúng là dân nhà võ, một cái vung tay, toi ngay thằng nhỏ, tôi ngã lăn ra, chết giấc không khóc được tiếng nào. Má tôi chỉ biết kêu trời,

Gia đình cũng chẳng hiểu lý do vì sao?! Nếu vì quấy rầy Cha thì cũng không đến nỗi, Cha cũng có thể kêu Má hay Chị bồng em đi.. hay là chuyện khác, sau này có nghe Má kể là khi sinh tôi ra Cha cầm hai bàn tay tôi lên xem và nói: "Thằng này sống là tôi chết!". Thời gian ngắn sau đó Cha tôi chết, một cái chết không bất ngờ, vì trong cơn ngủ trưa Cha tôi bất ngờ gọi: "Má ơi, chờ con đi với!", cả nhà đều nghe thấy, nên Má tôi hiểu là Cha tôi gần đi rồi, bà Nội tôi chết trước đó một tháng ở Cam bốt.

Gia tài Cha để lại cho Má là bầy con bảy đứa, Má phải tần tảo, làm nhiều việc, miễn sao có tiền nuôi con là được, không ngại ngần nắng mưa, những lúc túng thiếu. Má và chị Hai kiếm sống bằng cách dùng chiếc tam bản củ kỷ mà bà Ngoại cho Má tôi, làm phương tiện đi lại trên sông.

Từ nhà tôi Mỹ Luông (Ang Giang) xuôi giòng Sông Tiền xuống Kiến Văn (Đồng Tháp) về Ngoại chở về những trái cây trong vườn nhà Ngoại như vú sữa, mận, xoài, dừa, về quê nhà tôi, Má bán đi, để mua thực phẩm, riết rồi nhiều lần đi lại trên sông Má tôi có kinh nghiệm sông nước, biết tránh mưa gió to, biết chọn luồng để đi, có đều là tuy quen sông nước nhưng Má tôi không biết lội, bà Ngoại thấy vậy nên nói với Má là chồng chết rồi, con thì đông, không có cục đất chọi chim, mẹ con bồng tróng về quê Ngoại đi, chứ đi xuồng như vầy có ngày chết chìm bỏ con lại ai nuôi, Má tôi không nói gì, và vẫn nhất quyết là ở lại Mỹ Luông quê chồng.

Mà thật vậy như lời Ngoại nói, Má đi trên sông, nhất là trên đường về, nước ngược giòng, xuồng chở đầy trái cây nên khm, nếu sóng gió to không khéo dễ bị chìm lắm, nhất là đoạn trên Cao Lãnh một chút, ngay đền thờ Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên, lúc xưa đó, còn nằm cặp bờ sông, ai bơi xuồng qua đó mà gặp cặp ngỗng trắng thì y như rằng khoảng thời gian ngắn sau đó sẽ có một  trận mưa to gió lớn rất nguy hiểm cho xuồng nhỏ, trận đó Má thoát chết vì xuồng cũng gần bờ và có người dân gần đó cứu giúp.

Tôi lớn dần, và các chuyến đi của Má cũng ít dần, các Anh, Chị lớn cũng đi làm phụ Má nuôi em, phải nói là tôi được mọi người trong gia đình đều thương yêu, các Anh, Chị chỉ học tới lớp Ba, lớp Nhì trường bà Phước là cùng, chị thứ Bảy thì tới đệ Lục, nên tất cả đều dành sự ưu ái cho thằng em Út nhỏ bé là tôi, biết đâu sau này thay đổi cuộc đời nó, không như lớp Anh, Chị.

Mùa Hè đỏ lửa, vì không thể trốn tránh hoài được nên anh thứ Sáu tôi phải đăng lính, ngày anh đi, cũng là ngày tôi đi với Má qua Long Xuyên làm giấy căn cước, trên đường tôi về, hai xe đò qua mặt nhau, tôi trông thấy anh và hai anh em vơ tay chào nhau.

Một buổi chiều đầu năm học lớp 10, tôi và Má ngồi ăn cơm chiều, Má nói về những điều tốt khi có anh ở nhà, giờ thì không có ai phụ Má, tôi nói với vẻ ganh tị: "Má ơi, thường thì những đứa như vậy thường chết trước!". Đang cầm đôi đũa trên tay, Má cốc vào đầu tôi "nói bậy”. Lát sau chị Năm đi đâu về cầm theo tờ giấy trắng, đôi mắt đỏ hoe, sau lưng có thêm chị Hai, nhìn thế thì tôi cũng đoán ra và Má tôi có lẽ cũng cùng ý nghĩ như tôi. Chỉ nghe Má hét to: "Đứa nào?". Tôi có người anh thứ Tư cũng đi lính. Chị Năm nói: "Thằng Thuận!". Chỉ nghe thế, Má lăn ra chết giấc...

Ngày đi nhận xác anh, sợ Má không ổn, nên chị Năm, người lanh lẹ, tháo vát nhất nhà, nói với tôi, thôi mầy đi coi chừng Má, mọi chuyện chị lo, đến nghĩa trang quân đội Biên Hòa, nhìn những cổ quan tài,  quàn trong phòng phía trước tôi và chị tìm không thấy tên. Theo từng khu vực dành cho người theo từng tôn giáo, chúng tôi được mấy lính trực nhiệm vụ đưa ra phía sau, một dãy dài, từng hộc một, chứa tử thi và những kỷ vật và thẻ bài mang tên người chết. Tôi và chị Năm nhận diện xong, xác được đưa ra phía trước khâm liệm, lúc này tôi mới kè Má lại nhìn mặt anh lần cuối, người mà chỉ mới cách nay vài tháng, anh em còn chào nhau. Nỗi sợ Má sức khỏe không ổn khi nhận xác con đã không xảy ra, vì khi lên phòng quàn quan tài, ôi thôi đủ tiếng khóc than của từng vùng miền, đều có đủ, rất nhiều và rất nhiều gia đình mất mát trong chiến tranh.

Chịu đựng sự mất mát quá lớn trong thời gian này, Má tôi vẫn nén lòng, lo cho cuộc sống hiện tại. Rồi thời gian qua đi, ngày giải phóng, tôi cũng bỏ học từ Cần Thơ về, chẳng biết làm gì, Má vào tập đoàn, làm ruộng, tôi cũng chỉ ở nhà với Má một thời gian, rồi ôm đàn đi suốt, Má một mình hằng ngày vẫn ra đồng, dù tuổi đã cao, cũng may cho tôi là vẫn còn vài chị ở gần bên Má nên có gì các chị cũng phụ chút ít với Má được. Tôi lập gia đình xa, thỉnh thoảng mới về quê thăm Má, dù thời gian vài tiếng đồng hồ..

Cuối thập niên 90, tôi nghỉ làm nghề thợ chạm, chuyển qua chạy xe Honda ôm. Những chuyến chở khách xa, trên đường về, tối quá thì tôi ghé nhà thăm Má. Thời gian này tôi có điều kiện về thường hơn, Má cũng yếu, ở với chị thứ Bảy. Năm 2003, sức khỏe Má quá yếu, chị điện thoài cho biết, tôi về bên Má, có lẽ đây thực sự là thời gian tôi ở bên Má lâu nhất sau một thời gian dài vắng mặt trên quê hương mình, trong 2 tuần. Má mê sảng và gọi tên các con cháu suốt. Chị em tôi chia nhau canh chừng Má, thường là tôi chọn c khuya từ 12 giờ đêm, còn ban ngày thì có mấy đứa cháu trông chừng tiếp...

Giờ phút cuối cùng của Má, chỉ có đứa cháu gái lớn con chị Hai, Má đã chết trên tay cháu Ngoại, chúng tôi chẳng có ai bên Má giây phút định mệnh này, các chị thì mỗi người làm công việc khác, còn tôi sáng hôm ấy, thấy Má có dấu hiệu tốt, nên các chị có nói, Má thấy khỏe, thôi cậu Út mầy về nhà nghỉ vài ngày đi. Vừa về tới Kiên Giang, tôi ngả mình xuống ghế salon dài ở phòng khách, nằm chưa được nửa tiếng đồng hồ, là tiếng điện thoại bàn reo, con gái Út của tôi, đang học y dược ở Cần Thơ về nghỉ Hè bắt máy và nó hét: "Ba ơi Nội chết rồi!". Tôi tỉnh ngay, không còn buồn ngủ, mệt mỏi nửa, chạy vội vào bồn rửa mặt, cho tỉnh táo chút. Vợ tôi, biết tôi mất ngủ nhiều ngày, đường xa mới về mệt mỏi, nên cho con gái Út đi với tôi, sợ có chuyện bất trắc trên đường đi, còn bảo tôi hôm sau mới về...

Mẹ tôi mất ở tuổi 89, thọ như các bậc tiền bối của giòng họ bên Má. Tôi hụt hẫng thật sự, một mất mát quá lớn đối với tôi, có lẽ ai ở trong hoàn cảnh này mới cảm nhận hết được nỗi đau này.

Từ ngày Má mất, mỗi lần về quê hương, thăm các bà chị, U70/U80, các chị còn đây mà hình bóng Má đâu rồi, có những phút giây tôi không kiềm chế nổi giọt nước mắt, sự hụt hẫng, sự mất mát quá lớn,.. rất hụt hẫng trong tôi.

Má ơi! Má ơi!...

 

TV - 21/8/2021 - Q.H.