Giá trị ảo, giá trị thực
Giá trị ảo: là những giá trị không có thật, không bền vững, thường chỉ tồn tại tạm thời, phút chốc. Giá trị ảo thiên về biểu hiện bề ngoài, hình thức, không phản ánh đúng bản chất đối tượng.
Giá trị thực: là những giá trị có thật trong cuộc sống, là những giá trị bền vững, tồn tại lâu bền. Giá trị thực thiên về những biểu hiện tinh thần, thể hiện bản chất, nội dung của đối tượng.
Trong cuộc sống, biểu hiện của giá trị ảo rất đa dạng: ảo trong thế giới ảo và ảo trong cả cuộc sống thực. Giá trị ảo trong thế giới ảo thường gắn với những cảm giác thành công, chiến thắng, được ngưỡng mộ, được sùng bái, những tình bạn, những sự chia sẻ trong cộng đồng mạng. Giá trị ảo trong cuộc sống thực thường thiên về những giá trị hình thức, vật chất như trang sức, áo quần, ở một khía cạnh nào đó còn có thể là danh vọng, quyền lực, tiền bạc, sự nổi tiếng…
Xã hội ngày càng phát triển kéo theo đó là những thay đổi trong tư duy và nhận thức của người trẻ, đâu đó vấn đề này cũng được xem là tích cực bởi nó mang đến sự sáng tạo, không ngừng đổi mới để phát triển bản thân. Tuy nhiên, cũng đã tạo nên sự chênh lệch về mức sống của mỗi người khiến tâm lý chạy đua theo những giá trị ảo gia tăng.
Tâm lý dùng hàng xa xỉ “đắp” vào người để thể hiện đẳng cấp, để trông giống như “người giàu” là tâm lý chung của khá nhiều người, đặc biệt giới trẻ. Người Việt thì dường như rất thích “đốt” tiền vì... bệnh sĩ. Những câu chuyện về sự ăn tiêu không theo sức sản xuất trong giới showbiz, kiếm được bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm thời trang, đồ hiệu đắt tiền... trở thành một định hướng lệch lạc trong lối sống, nhất là giới trẻ thông qua các trang mạng xã hội.
Sống ảo trên không gian ảo từ con người thật
Mạng xã hội có tính năng kết nối những người cùng quan điểm, sở thích. Vì vậy, không ít bạn trẻ ảnh hưởng lối sống bạn bè, luôn mong muốn mình được như bạn: giàu sang, sành điệu. Lâu ngày, trở thành khát vọng trong mỗi cá nhân. Nhiều bạn trẻ không ngần ngại chi một số tiền lớn để có được món hàng công nghệ đắt đỏ, ganh tị khi ai đó có những thứ xa xỉ mà từ đó mù quáng chạy theo, trong khi khả năng kinh tế của mình không cho phép phải đi vay mượn, trả góp… Thậm chí có nhiều bạn trẻ còn mua chung một món đồ rồi thay nhau check in như mình đang sống cuộc sống của ông bà hoàng vậy, chỉ cốt để được nổi tiếng, được nhiều người để ý trong khi vay mượn tiền khắp nơi, không có được định hướng rõ ràng cho bản thân.
Ở Việt Nam, Facebook là mạng xã hội được đa số giới trẻ ưa thích. Không khó để bắt gặp hình ảnh những đám bạn đi chơi, đi uống cà phê với nhau trong cùng một không gian, mỗi người cầm trên tay một chiếc smartphone và làm những việc như lướt facebook, up ảnh,… Thay vì chuyện trò hỏi thăm nhau, tâm sự, chia sẻ cùng nhau thì giới trẻ lại “cắm mặt” vào thế giới ảo đó.
Có những cặp vợ chồng trẻ, thay vì ngày nghỉ, buổi tối sau khi ăn xong chơi với con, trò chuyện với con, dẫn con đi chơi... thì chồng cầm smartphone nằm một góc, vợ ôm smartphone ngồi một nơi để lướt facebook, còn con thì được “ưu ái” giao cho chiếc ipad (máy tính bảng) màn hình rộng hơn để chơi games. Vô hình chung, cha mẹ đã tiếp tay để dẫn dắt con mình bước vào thế giới ảo ngay từ nhỏ thay vì dạy con những điều hay, lẽ phải của cuộc sống thực.
Cuộc sống luôn chứa đựng nguy hiểm mà ta không lường trước được. Nhiều bạn gái thích những thứ hào nhoáng, đẹp đẽ, không tin vào lời người xung quanh. Dẫn đến sa đà vào những lối sống không lành mạnh, trở thành nạn nhân của buôn người, mại dâm, lừa lọc… Cần phải biết rằng không thể đánh giá con người ở vẻ bề ngoài. Cuộc sống luôn chứa đựng nguy hiểm mà ta không lường trước được.
Coi trọng lối sống ảo, con người sẽ đánh mất thời gian, sức lực để tô vẽ cho gương mặt ảo của mình, thỏa mãn những xúc cảm có được từ thế giới ảo, họ sẽ không còn tâm trí vun đắp, bồi dưỡng, trân trọng những mối quan hệ, những tình cảm đích thực trong cuộc sống hàng ngày và ngày một ngày hai, những điều đó sẽ bị tàn lụi đi. Bạn è chẳng có thời gian gặp mặt trò chuyện, ôn lại kỷ niệm cũ, học trò chẳng đến thăm thầy cô nhân ngày nhà giáo, con cháu chẳng có thời gian thăm hỏi, chăm sóc, trò chuyện với ông bà bố mẹ, anh em cũng vì thế mà trở nên xa cách… Vô hình chung chúng ta tự đẩy mình vào cuộc sống đơn độc, xa rời thực tế, đánh mất chính mình.
Chạy theo hình thức, nô lệ của tiền bạc, địa vị, danh lợi một cách mù quáng, con người không chỉ đánh mất những người thân yêu, mà thậm chí còn bị tha hóa về nhân cách, dẫm đạp lên những chuẩn mực đạo đức xã hội, sống hưởng thụ, ích kỉ. Không quan tâm đến mọi thứ diễn ra xung quanh mình, cũng không quan tâm đến cảm giác của mọi người xung quanh. Đã có rất nhiều việc xảy ra gần đây, khi những nữ sinh bị đánh, bị lột đồ, lăng mạ, những người xung quanh không những không an ngăn mà còn cổ vũ, hô hào, quay clip tung lên mạng với mục đích câu like, không hề quan tâm đến danh dự, cảm xúc của những nạn nhân đó. Nhiều bạn trẻ gặp những người già, người khuyết tật ăn xin còn xua đuổi, xa lánh, sợ tiếp xúc gần sẽ làm mất hình tượng. Nhiều người chỉ vị sự ích kỷ của bản thân, chỉ muốn hưởng thụ đua đòi theo bạn bè mà làm cho bố mẹ lâm vào cảnh nợ nần…
Khi theo đuổi những giá trị ảo, đời sống bên trong con người luôn luôn bị những tính toán, suy nghĩ thiệt hơn, sự bon chen bao phủ. Cuối cùng, đến một lúc nào đó, khi những giá trị ảo va vấp vào đời thực và biến mất, con người cũng sẽ thấy mệt mỏi, hoang mang, trống rỗng. Nhiều vụ tự tử thương tâm đã xảy ra khi nạn nhân quá tin vào cuộc sống ảo, thế giới ảo, để rồi khi bước ra đời thực thì vỡ mộng, không còn thiết tha với cuộc sống nữa.
Xã hội sẽ trì trệ, chậm phát triển khi con người coi trọng những giá trị bên ngoài hơn là những gì thực chất bên trong, coi trọng danh hơn thực, hình thức hơn nội dung, tiền tài địa vị hơn là tâm hồn trí tuệ. Thế giới ảo tự nó không phải là xấu, tiêu cực nhưng cách làm của con người đã làm nó có tác động ngược lại đến đời sống xã hội. Tiền bạc, địa vị, danh vọng cũng rất quan trọng trong cuộc sống mỗi người nhưng không nên coi đó là mục đích tối thượng, chạy theo một cách mù quáng, trở thành nô lệ của nó.
Tiêu chí đánh giá con người là ở nhân cách, nhân phẩm, trí tuệ, học vấn. Bởi vậy, trong cuộc sống, con người phải biết tiết chế những tham vọng về tiền bạc, về địa vị để có cuộc sống ý nghĩa, bình yên, thanh thản. Đó mới là những gì bền vững, thiết thực, để mỗi con người được là chính mình, đóng góp cá nhân vào việc phát triển đời sống xã hội.