Mâm ngũ quả ngày tết ở làng tôi

…Vậy là năm cũ chuẩn bị qua đi, một mùa xuân mới lại sắp về. Ở quê lúc này, mọi người vẫn đang hối hả, tất bật với công việc thường ngày, chưa có không khí tết nhất gì cả. Kể cũng phải, cuộc sống thời hiện đại, mọi thứ đều được chuẩn bị nhanh chóng, thuận tiện chứ không như ngày xưa, có khi dành cả nửa năm trời để lo đón năm mới.
271908729-2015989081882009-1666790809889330033-n-1642475425.jpg

Này nhé, tháng bảy, trời bão, cây xoan già trước ngõ bị gãy, cái gốc được bố đánh ra, phơi khô, để dành nấu bánh chưng. Tháng tám, ông chú họ ở miền ngược về chơi, cho mấy ống giang, ông nội chẻ lạt gác bếp để cuối năm gói giò. Tháng chín, bà nội đánh dấu mấy quả bưởi đẹp trong vườn làm mâm ngũ quả… Mọi người trong gia đình cứ theo đúng “chức năng, nhiệm vụ” mà chủ động lo tết, không phải nhắc nhở nhiều. Tết xưa là thế, nghèo một tí, thiếu một tí nhưng mà vui, mà háo hức lắm, chứ không như bây giờ…

Nói đến mâm ngũ quả, với người làng tôi, đây là một phần không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền. Trước là để thờ cúng tổ tiên, sau là ước muốn cho năm mới được an khang, thịnh vượng. Do vậy, trước đây cũng như hiện nay, trên bàn thờ của mỗi gia đình, ngoài chân đèn, lư hương, ống đũa, bao giờ cũng có một mâm bồng to để bày ngũ quả vào những dịp lễ, tết. Theo các cố trong làng truyền lại, việc “xây” một mâm ngũ quả phải tuân theo nhiều “quy định” lắm. Nếu đúng “luật”, phải là mâm quả gồm 5 loại khác nhau, phối theo 5 màu được bày theo thuyết Ngũ hành: Kim là màu trắng, Mộc là màu xanh, Thủy là màu đen, Hỏa là màu đỏ, Thổ là màu vàng tượng trưng cho các yếu tố cấu thành nên vũ trụ, vạn vật dung hòa cùng trời đất. Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả phải được thực hiện xen kẽ để vừa tạo sự đẹp mắt, vừa hợp phong thủy: màu xanh bố trí chếch về phía Đông phương, màu vàng là Trung phương, màu đỏ ở Nam phương, màu trắng ở Tây phương và một loại quả có màu sẫm khác xếp ở phía Bắc phương (phức tạp quá). Tuy không câu nệ nhiều hay ít, to hay nhỏ, đắt hay rẻ nhưng từng loại quả được sử dụng còn tượng trưng cho những ước nguyện năm mới của mỗi gia đình, thông qua tên gọi như: Chuối: con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm; lê: công việc trơn tru, suôn sẻ; đào: thăng tiến; quả trứng gà: lộc trời cho... Thế nên mới có chuyện ngày xưa ở làng, vào ngày lễ, tết, các cụ cao niên đi chơi nhà con cháu, bạn bè, hàng xóm, chỉ cần nhìn mâm ngũ quả cũng biết gia chủ năm nay ước muốn điều gì để chúc phúc, chúc lộc cho đúng ước vọng của chủ nhà. Cái tinh tế của người xưa là thế, phàm những gì thuộc về sự bày biện, sắp đặt cũng đều có quy tắc, ý nghĩa cả.

Nếu nói mâm ngũ quả nào to nhất, đẹp nhất ở làng ngày tết, xin thưa đó là mâm ngũ quả ở ngoài đình. Nhìn mâm ngũ quả, phải bái phục sự khéo tay của các bà, các chị quê tôi. Tất nhiên là to, đồ sộ nhất rồi (nhà nào dám làm to hơn đình?), nhưng cái sự bày biện khéo léo thì đáng khâm phục lắm. Này nhé, ba nải chuối lớn ghép vào nhau mà trông đều tăm tắp như một. Quả bồng to ở giữa, các loại quả khác chầu xung quanh. Và mỗi năm theo một chủ đề khác nhau (cái này chỉ người tinh ý mới biết). Năm thì mong mùa màng bội thu, năm thì mong bình an, năm thì mong con cháu thi cử đỗ đạt (tùy theo nguyện vọng thực tế của dân làng). Không biết có phải do cụ thành hoàng làng luôn cảm nhận được ước nguyện thành tâm của cháu con qua mâm ngũ quả để phù hộ hay không, mà mấy năm qua làng tôi luôn mưa thuận gió hòa, kinh tế phát triển, xóm làng đoàn kết, dân chúng an cư, kể cũng là cảnh thái bình trong thiên hạ.

Xưa kia, làng tôi nghèo lắm, các loại hoa quả làm mâm ngũ quả chủ yếu lấy ở vườn nhà, phổ biến chỉ là chuối, bưởi, trứng gà, hồng xiêm, sung, táo, khế… những sản vật bình dị của người dân lao động quê hương. Nhà nào “sang” hơn một chút, thì có thêm quả thanh long, dưa hấu… Trong ký ức của tôi hồi nhỏ, ngày tết, về quê, đi đến nhà ai, nhìn lên ban thờ cũ kỹ cũng chỉ thấy mâm ngũ quả là có chút nổi bật, tươi màu, còn lại chỉ là chai rượu trắng, cặp bánh chưng, hai cây mía. Những năm mất mùa, đói kém, có nhà khó khăn quá, mâm ngũ quả được “rút gọn”, chỉ còn là tứ quả. Nhưng không khí ấm cúng, sum họp của mỗi gia đình ngày tết thì chẳng hề thua kém nơi nào…

Mấy năm nay, đời sống ngày một phát triển, người làng tôi chuẩn bị cho tết đã đàng hoàng, chu đáo hơn. Bên cạnh bánh kẹo, rượu bia đủ loại sắc màu, còn có cành đào đỏ thắm, lọ cúc vàng, chùm ly phớt hồng thơm ngát. Cũng chẳng còn câu nệ phải là “ngũ quả” như xưa mà có thể là bát, cửu, thập quả… để mâm quả sinh động và đẹp mắt, cốt phô ra sự sung túc, đủ đầy, cũng chẳng sao. Âu cũng là phú quý sinh lễ nghĩa, nhưng điều quan trọng là việc làm mâm ngũ quả vẫn được các gia đình quan tâm, coi trọng như xưa..

 

Theo Chuyện Làng quê