Đối với người dân Việt Nam, tò he, món đồ chơi xuất phát từ làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), không chỉ độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn là món ăn tinh thần gần gũi, tích lũy trí tuệ nhân dân qua nhiều đời. Tò he là một loại đồ chơi của trẻ em nặn hình loài vật, làm bằng bột gạo hấp chín và có nhiều màu sắc. Trước đây, nặn tò he là một nét văn hoá dân gian ở các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là Bắc Bộ. Ban đầu, tò he là sản phẩm làm bằng bột để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật. Cũng vì thế mà tò he trước đây còn có tên gọi khác là “đồ chơi chim cò”.
Nguyên liệu làm tò he là gạo nếp, gạo tẻ đem trộn đều, ngâm nước, sau đó đem xay hoặc giã thành bột, nhào kỹ đến khi không dính tay rồi mới nắm thành những nắm nhỏ, đem luộc chín. Sau đó nghệ nhân sẽ đem “đấu” màu và nặn hình.
Nhìn bề ngoài nhiều người nghĩ nặn tò he không khó nhưng thực tế lại không hề đơn giản. Nặn tò he như một môn nghệ thuật, ngoài kỹ thuật 3V là (vê bột, véo bột, tạo vân) đòi hỏi người làm phải khéo léo, sáng tạo, chính xác trong từng chi tiết thì mới tạo ra sản phẩm bắt mắt. Có dịp được trò chuyện với nghệ nhân tò he Đặng Văn Tiên – một trong 65 gương mặt trẻ được Trung ương Đoàn tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2018, ông cho biết “Công đoạn nặn tò he quan trọng là kỹ thuật luộc bột, làm bột phải ước lượng theo thời tiết. Mùa Đông thì phải làm bột dẻo hơn mùa Hè. Gạo phải chọn gạo nếp dẻo thì chất lượng hàng tốt và dễ làm hơn. Ngày xưa các cụ sử dụng màu từ vật liệu tự nhiên như màu đỏ lấy từ quả gấc, màu vàng lấy từ củ nghệ, hoa hòe, màu xanh lấy từ lá trầu không, rau ngót... Bây giờ công nghệ đã phát triển các nghệ nhân lấy màu thực phẩm làm bánh pha chế vào thì thuận tiện hơn và màu sắc cũng tươi, đẹp hơn.
Để làng nghề không bị mai một, những nghệ nhân và những người tâm huyết với nghề tò he Xuân La luôn ý thức được giá trị văn hóa tinh thần của những con tò he và đã tìm mọi cách để làng nghề phát triển. Việc Câu lạc bộ nghệ nhân tò he Xuân La ra đời năm 2009 cũng là bước ngoặt góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề. Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều cuộc thi nặn tò he, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thường xuyên phối hợp biểu diễn tại các sự kiện văn hóa quốc tế, tại các lễ hội, triển lãm, đón tiếp các đoàn khách thăm quan du lịch làng nghề, liên kết giảng dạy môn nghệ thuật nặn tò he tại trường học giúp học sinh và sinh viên hiểu, làm quen với đồ chơi truyền thống.
Vốn được sinh ra tại làng nghề tò he truyền thống thôn Xuân La xã Phượng Dực, anh Đặng Văn Hậu đã được tiếp xúc với những con tò he ngay từ khi còn nhỏ. Ban đầu chỉ xuất phát từ sở thích bình thường, nhưng dưới sự chỉ dạy tận tình của ông ngoại - nghệ nhân tò he nổi tiếng Đặng Văn Hạ, dần dần những cục bột màu, những con tò he đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh Hậu. Anh Hậu chia sẻ: “Nghề nặn tò he là một nghề thật quý giá, nó đã nuôi sống cả làng vượt qua những năm tháng khốn khó, thời chiến tranh và cả bây giờ. Nhưng hơn thế, điều làm những người làng Xuân La chúng tôi tự hào, là vì mình đang là người giữ gìn một nét đẹp văn hoá của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng”.
Có lẽ chính tính lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và giáo dục trong mỗi con tò he là yếu tố khiến cho tò he được khôi phục lại, duy trì và phát triển như ngày hôm nay. Nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ: “Trong những năm làm nghề, tôi vẫn thấy trẻ con vẫn rất thích tò he. Trong khi đó, rất nhiều nghề truyền thống đang lâm vào tình trạng khó khăn và có những nghề đã bị thất truyền. Nhưng đối với tò he, nó vẫn đang hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta. Bởi tò he không chỉ là món đồ chơi mang lại niềm vui cho trẻ con mà còn là kí ức, cảm xúc và hồi ức của người lớn”.
Ngoài việc nặn và bán tò he tại các hội chợ và trung tâm Thương mại, vào hai ngày cuối tuần, anh Hậu còn mở thêm lớp dạy nghề tại nhà. Bên cạnh đó, mỗi khi nhận được lời mời đến biểu diễn và dạy tò he tại các trường tiểu học, THCS và một số nơi trên địa bàn Hà Nội, nghệ nhân Hậu đều rất phấn khởi vì không ngờ tò he vẫn còn nhận được sự quan tâm lớn từ mọi người. Điều này càng khiến quyết tâm gắn bó với nghề của anh Hậu càng thêm sâu sắc. Trong các lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên, anh Đặng Văn Hậu cũng đã tham gia một gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm tò he độc đáo như bức tranh nhà Việt, các con giống bột làm bằng tò he đã thất truyền nửa thế kỷ về trước nhằm đưa văn hoá tò he được nhiều người biết đến.
Ngày nay, nguyên liệu làm tò he đã được cải tiến để an toàn hơn cho người sử dụng cũng như giúp sản phẩm có thể giữ được lâu hơn mà không bị mốc, bị hỏng. Các hình dáng của tò he cũng đa dạng hơn nhằm đáp ứng thị hiếu của công chúng hiện đại. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là đổi mới nhưng làm sao vẫn phải giữ được nét truyền thống riêng vốn có của tò he. TS. Nguyễn Thanh Mai – Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian - trăn trở: “Bảo tồn văn hóa truyền thống không có nghĩa là giữ khư khư cái gì đã có. Bởi hiện nay sự cạnh tranh trên thị trường là rất nhiều, nhất là đồ chơi hiện đại. Việc những người nghệ nhân hiện nay đang cố gắng để làm thế nào cho tò he được bền vững và để quảng bá đến nhiều nước trên thế giới là rất cần thiết”.
Workshop “Nặn tò he – Khoe bản sắc” diễn ra lúc 14 giờ 00 ngày 26/11/2022 tại B59 Coffee (59 Khương Trung - Thanh Xuân - Hà Nội) cùng các chuyên gia khách mời MC/BTV/TS. Trịnh Lê Anh, TS. Nguyễn Thanh Mai. Đến với workshop, khán giả được tìm hiểu về Tò he truyền thống trong “dáng dấp” của sáng tạo hiện đại qua những chia sẻ thú vị từ các chuyên gia của chương trình. Cùng với đó, mọi người còn được nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn cách nặn tò he và tự tay tạo ra một sản phẩm theo sở thích của mình.
Chị Nguyễn Trà My – khán giả tham gia chương trình chia sẻ: “Đây thực sự là một workshop rất hay, thú vị và ý nghĩa. Cá nhân mình đã biết tới nghệ nhân Đặng Văn Hậu từ khá lâu, từ các mùa Trung thu trước. Mình đặc biệt yêu thích các sản phẩm tò he của anh về độ tỉ mỉ và sinh động. Dù chỉ là 1 workshop nhỏ của các bạn sinh viên nhưng thành phần khách mời tên tuổi, chất lượng, nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan khiến mình rất ấn tượng. Hi vọng sẽ có thêm nhiều workshop như vậy trong tương lai để các bạn trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc và trải nghiệm”.