Mạng xã hội: Chia sẻ đầu năm

Đàm Nhuần

17/02/2022 08:11

Theo dõi trên

  Đúng là mạng XH là một thế giới ảo nhưng theo tôi - ảo hay không còn tùy thuộc vào sự tiếp nhận của mỗi người.

bao-chi-1624157721.jpg
 

  

    Tôi không hề có tham vọng viết chân dung về những “văn sĩvà “thi sĩ” ở nhóm CLQ, tôi chỉ có một cảm giác mình đã gặp may và có duyên nên mới được biết những người mà ở họ, ít nhất tôi đã học được một điều gì đó về cách sống, cách viết và còn được thưởng thức những món ăn tinh thần tuyệt vời của họ.

   Tôi muốn chia sẻ đôi điều nhân ngày năm mới bằng những suy nghĩ đơn thuần, xuất phát từ những cảm nhận được từ khi biết họ.

  Đúng là mạng XH là một thế giới ảo nhưng theo tôi - ảo hay không còn tùy thuộc vào sự tiếp nhận của mỗi người.

  Có lẽ tôi cũng không nhớ tôi đã biết đến anh Lê Kim Lê, bạn Trương Thành Sơn và Hải Minh, bắt đầu từ trường hợp nào, nhưng dấu ấn về họ đã thôi thúc tôi phải cầm bút viết.

 Tôi đã phát hiện ra ở anh Lê Kim Lê  một điều rất khác biệt, đó là cách viết rất sắc sảo ở hầu hết các bài và truyện ngắn. Thay vì có người muốn viết trần trụi những gì họ muốn viết, anh lại thường dùng hình tượng để đi sâu vào những mảng màu sáng tối trong cuộc sống xã hội, như truyện “Trò chuyện với ông ba mươi ", “Phí tham quan", “Tôi bị cụ Trạng Trình mắng".  Đặc biệt là cái kết và câu kết ở mỗi truyện, khiến người đọc phải ngạc nhiên vì bị ám ảnh, bị thôi miên - truyện “Mồng ba tết vui vẻ ", “Quá khứ và hiện tại ". Có câu nói : “Văn là người ", văn của anh, dù nói gì đi nữa, điều còn lại, đó là tình thương yêu con người - truyện “Thằng điên ", “Sộp ... Ở tác giả Lê Kim Lê , vốn tri thức kim cổ đông tây như đã từng có sẵn tự bao giờ, khiến người đọc cảm thấy bị cuốn hút và muốn khám phá...

             

le-kim-le-1645060184.jpg
 

  Người tôi muốn nói đến, đó còn là tác giả Trương Thành Sơn với khối lượng bài viết “khổng lồ". Khi tôi cũng như mọi người, chưa ai dám nói đến sự thành công trong cách viết của Trương Thành Sơn, hoặc những vấn đề gì khác nữa, thì điều đáng nói ở đây, đó là sức viết và vốn sống của bạn ấy rất đáng nể. Từ những dòng tản văn, truyện ngắn, truyện dài, chuyện vui, buồn... đều đề cập đến mọi ngóc ngách cuộc sống đời thường của con người trong xã hội, như truyện “Công nghệ tham ", “Chia đất tổ tông “Cái áo tù, “Bà mẹ bị lẫn "...Tôi có cảm giác như bạn ấy luôn mang trong mình chữ NHẪN để viết, để xây dựng nên một cốt truyện nhằm gửi một thông điệp gì đó cho người đọc phải suy ngẫm. Có nhiều bài viết khiến người ta vui đấy, cười đấy, nhưng lại phải suy ngẫm, phải đặt ra câu hỏi cho mình. Ở đó còn là nỗi niềm trăn trở về nhiều khía cạnh của cuộc sống.

 Không hiểu sao ở Trương Thành Sơn, dấu ấn để lại trong tôi lại khó phai mờ đến vậy. Đó là có một lần tôi và Trương Thành Sơn tranh cãi nhau về một đề tài, (một khía cạnh thì đúng hơn) rất là “khốc liệt ". Bạn ấy đã chốt cho tôi một câu: “Chị nhìn đời lúc nào cũng chỉn chu, nhân hậu và qui phạm - điều đó không hẳn là tốt cả...”. Chúng tôi tranh cãi (bàn luận) như không có điểm dừng và bạn ấy đã kể một câu chuyện có thật khi được trực tiếp chứng kiến cho tôi nghe. Sau một thời gian không lâu, sự việc diễn ra ngay cạnh nhà tôi như một sự ngẫu nhiên được lặp lại, khiến tôi đã tự ngộ ra được vấn đề và bỗng dưng liên tưởng đến một nhân vật trong truyện “Tuổi thơ dữ dội”của nhà văn Phùng Quán, đó là em Mừng: “Vì em quá ngây thơ và trong trắng nên không hiểu, không tin ở đời còn tồn tại nhiều cái xấu, cái ác nên em đã phải vĩnh viễn sống ở cái tuổi mười ba...".

  Một chi tiết nữa của Trương Thành Sơn, đó là hình ảnh hai vợ chồng bạn ấy chụp ở quán cà phê khi du lịch Côn đảo, có dòng chữ “ đây bán cà phê và bán cả ký ức- một chi tiết rất vụn vặt, thế mà chỉ là mấy từ “Bán cả ký ức” khiến tôi cứ khao khát hoài được một lần đến đó. Mới đây thôi, người em trai của tôi khẳng định “Nếu sức khỏe của chị ổn, em sẽ đưa cả bốn chị em đi du lịch Côn đảo... ", nhưng đành chịu vì bây giờ tôi đã “Lực bất tòng tâm".

  Trương Thành Sơn - một trưởng nhóm của gần tám chục ngàn người nhưng đã chủ động tận tình chu đáo cho một lần duy nhất tôi gửi bài cho nhóm bị trục trặc “kỹ thuật". Lần ấy, mãi sau này tôi mới vỡ lẽ được nguyên nhân.

 Tôi quí bạn ấy ở những bài viết động viên khuyến khích mọi người ở trong nhóm nên viết, vì “trước hết là viết cho mình, là để thỏa mãn cảm xúc và lâu dần sẽ thành quen, thành kỹ năng..."

                          

truong-thanh-soin-1645060219.jpg
 

   Với tác giả Hải Minh, tôi chỉ biết thơ của bạn ấy mang nhiều sắc thái khác nhau và mang lại cho độc giả nhiều cảm xúc khác nhau. Thơ của bạn ấy mộc mạc, chân tình, sâu lắng, không hoa mỹ, cầu kỳ mà cứ thẩm thấu dần vào cảm xúc của người đọc. Có những bài chứa đựng hình ảnh nhưng lại như sờ mó được, như chạm vào được khứu giác và vị giác của con người, đó còn là sự hoài niệm về quê hương, cội nguồn, về gia đình với một tình cảm ấm áp, sâu nặng nghĩa tình, như bài “Đông vào xóm nhỏ”, và khi hoài niệm về một mối tình, có bài “Thuở ấy xa rồi ", “Chuyện xưa không cũ". Thơ của Hải Minh còn mang lại cảm giác vui, thư thái - bài “Hãm tài", “Vợ về bên ngoại". Sự suy ngẫm đã thật sự chạm vào lòng trắc ẩn của mỗi người - bài “Chợ người", “Bà và cháu”Là lòng biết ơn và rưng rưng - bài “Nhớ”và trong ngày vu lan nhớ Mẹ - bài “Đón con về ăn tết". Là chất thơ rất dễ thương - bài “Mẹ ốm", “Bà ơi “.v.v...Điều không thể thiếu trong thơ Hải Minh còn là sự lãng mạn rất nên thơ - bài “Tiếng xuân”, “Hoa rừng". Đặc biệt là bài thơ “Anh rể tôi”- đây là một sự đề cập khôn khéo về đề tài chiến tranh, khiến tôi không thể diễn tả hết được tâm trạng của mình mà chỉ bằng một lời chia sẻ ngắn :”Thương Mẹ, thương Anh, thương Chị - bằng nhau. Bài thơ được chắt lọc ra câu chữ từ lòng thương cảm của tác giả..."

Cứ thế, tôi đọc tiếp và đọc tiếp vì sự lôi cuốn, vì một cảm giác rất lạ và vì sự hiếu kỳ.

  Thơ của tác giả Hải Minh còn là những ước mơ rất bình dị, đời thường - bài “Nếp nhà ", “Một giấc mơ đời ", còn là sự khiêm nhường, đáng nể, tuy giễu mình nhưng ai mà chẳng nhận diện được tác giả qua những bài thơ hay - bài “Giải cứu... thơ ".

  Tôi đã suy ngẫm và hiểu được ít nhiều rằng - việc sáng tác thơ sẽ khó hơn nhiều so với văn xuôi vì câu từ phải được chắt lọc tinh túy, rồi vần điệu, rồi thể loại... cho nên người làm thơ chắc phải có cảm xúc hơi khác biệt mới cho ra đời những bài thơ chính phục được lòng người.

                             

hai-minh-1645060184.jpg
 

   Điều cuối cùng tôi muốn nói, đó còn là những lời chia sẻ chân tình của những thành viên trong nhóm đối với tôi trong lần tôi báo nghỉ sinh hoạt nhóm vì lý do sức khỏe, nên tôi biết mình còn nặng nợ...                                          

   Đối với những người tôi thật sự ngưỡng mộ nên đâu dám có quyền phán xét. Chỉ là vài dòng bộc bạch, mong mọi người hãy đại xá cho tôi. Cuối cùng chúc mọi người luôn dồi dào sức khỏe và luôn duy trì nguồn cảm hứng viêt không ngừng nghỉ để nhóm CLQ luôn phát triển không ngừng về mọi mặt. Xin cảm ơn vì tất cả.

 

Ngày 15/2/2022 – ĐN – Chuyện làng quê

                                                  

Bạn đang đọc bài viết "Mạng xã hội: Chia sẻ đầu năm" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn