“Cháu ơi, cho chú cốc chè xanh nhé.” Lão ngồi xuống ghế, nhẹ nhàng gọi cô gái khi cô vừa trả tiền lại cho một vị khách đi ra. Quán nước này nằm chỗ vỉa hè rộng, mới lát gạch trên góc phố mới. Lúc lão xuống xe đầu đường, lão nói lái xe cứ về khách sạn trước để lão tản bộ một chút. Lái xe nghĩ lão đi quan sát đất cát, bất động sản nên cũng không hỏi gì.
Mùa Thu rồi, nắng không còn gắt nữa, khu phố mới, các hàng cây cũng mới trồng trơ trốc cái thân bọc vải, chỉ lác đác vài cái lá nhưng lão vẫn cảm nhận sự khoan khoái khá dễ chịu với gió nhẹ nhẹ thổi từ phía sông vào. Bước trên phố, xa phía trước là một ngọn đồi phủ kín cây rừng xanh rì, xen lẫn những mái nhà ẩn mình nhấp nhô theo triền dốc cùng con đường uốn lượn từ dưới lên. Phía sau lưng, hướng ngược lại chính là con sông, bờ bên này đang được tu bổ, xây kè cũng như tôn tạo hàng cây, lối đi và hạ tầng cơ bản nên bề mặt lổn nhổn đá, cát, cống hộp và xe thi công. Vì thế, lão chọn hướng phía đồi để đi.
“Nước chè của bác đây ạ” cô chủ quán lễ phép đưa cho lão cốc nước chè xanh, chiếc cốc thuỷ tinh gần như cốc bia hơi Hà nội thường dùng, nước chè nóng màu vàng nhạt sóng sánh tạo làn hơi trên bề mặt. “Cảm ơn cháu.” Lão đón cốc nước rồi đặt ngay xuống bàn vì nóng. Cô gái có vẻ quen với việc khách lạ vào quán nên cũng không ngại việc nhìn săm soi khách. Sau một hồi quan sát, cô gái bạo dạn bắt chuyện và hỏi: “Bác đi xem đất phải không ạ? Khu vực này mới quy hoạch, nhiều dự án đã đươc đền bù và có sổ đầy đủ bác ạ, cần thông tin gì bác cứ bảo cháu.” Cô nhanh nhảu tiếp thị. Nhấp ngụm nước chè xanh, dường như vị chè chát lan toả vào cơ thể làm cho lão bừng tỉnh bởi vị xưa gợi lại, như một cuốn phim được tua ngược, rất nhiều khung cảnh, sự kiện ùa về, kéo lão đi khỏi thực tại…
Nhà lão đông anh em, cuối tuần thường tranh thủ làm thêm việc, tuỳ theo các nhóm bạn của mỗi đứa, từng đứa cắt cử công việc, chẳng cần bố mẹ yêu cầu nhưng là bản năng, tất cả cứ thế thực hiện, ai đi việc nấy. Bà chị gái xách cái liềm, đi vào đồi trong bản mường xa cắt tranh về phơi. Anh cả cầm bao tải và con dao nhọn, vào rừng kiếm măng. Hai đứa bé theo đám chăn bò ra ruộng chơi, một người ở lại lo việc nhà. Lão đã hẹn trước với mấy đứa, hôm nay lên đồi Cao kiếm củi. Củi dạo này cũng phải đi xa vì lâu nay người mấy huyện dưới xuôi lên lấy về nung lò vôi và gạch vét hết.
Gọi là đồi Cao, nhưng nó là một phần của cả dãy núi, là ngọn nhô lên cao nhất khu vực. Đồi Cao gần quốc lộ và dân cư nhưng cũng có rừng cây rậm, rừng nhiệt đới, đa tầng. Nhìn từ xa vài chục cây số trên đường quốc lộ là đã thấy cây đa cổ thụ ở lưng chừng, nó là mốc cho người đi xa về định vị tới đất quê. Dưới chân núi là trường học cấp III, nằm ở khoảng đất bằng phẳng sát các nương vườn của người Mường. Trường được dời tới đây sau giải phóng ít năm. Quanh chân đồi Cao có nhiều điểm đến với đám thanh niên như Thung dâu, nơi lấy gỗ nhỏ và củi. Phía trong là lấy măng giang, nứa. Vào sâu hơn có măng vầu, dưới thung lũng là nơi lấy lá dong gói bánh chưng. Đi sâu nữa vào trong, mất cả ngày, thậm chí vài ngày, có cả gấu, trăn dành cho đội đi săn. Còn ngay chân đồi Cao, sát trường học, đàn khỉ nhảy múa chí choé làm sao nhãng việc học của những đứa mơ mộng.
Trên đồi Cao, rất dốc với những vách đá vôi, dành cho những đứa kinh nghiệm và bạo dạn hơn, lên chặt gỗ, củi về bán hoặc làm nhà. Có nhiều đứa đi lấy ong ở đây. Ong mật, nằm cheo leo trên vách đá dựng đứng, mỗi tổ ong, lấy được là một sự kỳ công, mật có thể thu được cả xô to, mấy chục lít. Nhưng, cũng đồi Cao này, có đứa bạn học đã bỏ mạng vì lấy ong và có đứa vì lao gỗ xuống, người lao theo.
“Khu mới dọn mặt bằng phía bên kia đồi Cao rất đẹp bác ạ, toàn bộ cánh đồng của người dân tộc đã là sân golf rồi, từ khu đô thị đó sang sân golf có vài cây số. Bác cần thông tin không?” Cô gái bán hàng xởi lởi vẫn sẵn sàng chia sẻ thông tin dự án, cắt ngang luồng suy nghĩ của lão. “Chỗ mỏ khai thác đá phải không?” Lão hỏi lại. Cô gái thoáng ngạc nhiên và trả lời: “Vâng, cháu nghe nói là mỏ khai thác đá khi xưa gần đó.”
Phía bên kia núi, đồi Cao, khu vực xa dân cư, là xý nghiệp khai thác đá, đá vôi, đá hộc, đá nghiền làm đường, đá làm xi măng sau này. Chính mỏ đá này, lứa học trò như lão, ngồi trong lớp học tầm 10 giờ là nghe tiếng mìn nổ. Mìn mỏ đá, như còi tầm hay chuông điểm giờ ra chơi cho học sinh, dù rằng luôn có trống trường cho từng tiết học.
Sau chiến tranh, vùng lão ở sát với bộ đội đóng quân, có cả xe tăng cùng các phương tiện chiến tranh. Xe Zin Khơ, xe Ipha, xe Giải phóng, cứ là cả hàng dài. Ở cổng trường cũ, lối vào làng Mòng của người Mường, là một trung đoàn bộ đội nổi tiếng thời chống Mỹ đóng quân, thi thoảng xe tăng trùm bạt đậu lại, chúng bạn đi học chui qua bạt lên xe chơi và khám phá đầy hứng thú. Đặc biệt hơn, nhiều kho đạn với đủ loại thùng đạn, che chắn chỉ bằng các nhà tranh vách nứa, đám chăn trâu, chăn bò chui vào lấy ra nghịch. Đạn B40 như bắp chuối, lôi ra suối chơi. Đạn 12 ly 7 mang ra đồi, vun cành chè đốt cho nổ, đầu đạn bay đỏ lừ vào luống chè. “Cắc tút này mày mang về cưa làm nhẫn đẹp lắm đấy.” Thằng Thư đưa cho lão cái vỏ đạn bằng đồng nói. Chẳng là lão khéo tay, từng làm mấy cái nhẫn giả bạc từ cổ phốt xe đạp bị gãy, mang tới lớp đứa nào cũng mê tít.
Mìn, thỏi thuốc nổ bằng nửa cái cẳng tay, bọn đàn anh thường lấy trộm hoặc xin của công nhân mỏ đá rồi mang ra suối đi đánh cá. Chúng kiếm được cả những kíp mìn với dây cháy chậm. Ném cá suối có thể chỉ bằng kíp không, nhưng nếu có mìn, cột nước cao trên 20 mét cùng tiếng nổ “ục… oàng” đầy chết chóc. Đã có những đứa bị cụt chân, tay, hay mù mắt vì những thứ này. Ở đây, cả vùng lão ở, nhất là Tết đến, giao thừa không chỉ có pháo nổ, người ta quen luôn với tiếng súng chỉ thiên các loại, tiếng kíp và tiếng mìn nổ. Sau giao thừa, ra đồng nhìn những hố sâu hoắm, vết tích của tiếng mìn nổ đón năm mới đầy nguy hiểm mà những chú chó mọi nhà phải bỏ chạy vài ngày mới dám về.
“Quanh khu nông trường thì như nào?” Lão chỉ tay hướng phía bên phải đồi Cao, hỏi tiếp cô bé, cả khu vực núi đồi rộng lớn mênh mông, có rất nhiều các dự án, khu công nghiệp, khu resort, đô thị mới được hình thành. “Phía trại bò nông trường quy hoạch lâu rồi, có khu bên trong thôi…” cô bé trả lời và ngập ngừng.
Khu vực nông trường cách xa với khu vực làng bản của người Mường. Có lẽ khi lên khai hoang, lập nông trường, người ta chọn các ngọn đồi thấp để định cư, làm lán, trại và nhà nông trường cũng như các khu định cư cho công nhân các đội. Khu vực nhà lão, cũng là những quả đồi lúp xúp, có đồi là khu dân cư, nhà ở của dân với nhiều cây ăn trái, xen giữa nhiều quả đồi đã được dọn sạch cây bản địa và những luống chè thẳng tắp đều đặn như vành nón được trồng lên, vẫn có nhiều quả đồi đang để hoang mọc nhiều cây bụi, cây tự nhiên cũng như những bụi bương, nứa, phù hợp cho bọn trẻ bé hơn hoặc ít thời gian hơn bọn lão, đi lấy củi, măng quanh đó.
Sáng sớm lên đồi, tiếng chim “Bắt cô trói cột” vang cả vạt rừng, tiếng ríu rít chim sẻ, sáo đá. Tiếng chí choé khỉ hay những con gà lôi, gà rừng bay nhảy trên những cành cây hay tiếng cu cườm chiếm lĩnh vạt rừng. Bước trên lối mòn, gạt trên những bụi cỏ mần chầu treo đẫm giọt sương đêm bằng những mạng nhện như những cần vó ven ao xen lẫn nhấp nhô dưới đất đùn lên những cục cứt giun xoắn cục. Sát các gốc cây khô bên trong gần các bụi nứa tép, nhiều cây nấm đủ màu mọc lên sau mưa. Có cây nấm to hơn bắp ngô, xoè như cái ô. Đám trẻ hay nghịch ném cứt giun vào cây nấm, nó bay đám bào tử ra như đám khói nhẹ rồi ré lên bỏ chạy, đứa nào cũng sợ vì nấm độc. Những cây nưa đẹp đẽ xanh mướt mập mạp chẳng dùng được vào việc gì, nhìn chúng như rừng trong truyện cổ tích, những rừng cây nguyên thuỷ xa xưa có trong sách. Bọn trẻ quen với rừng, sống với rừng, nhưng cũng nhát gan, có những khu vực được coi như “rừng cấm” là của người dân tộc. Có những góc đồi, trên đỉnh bằng phẳng, chúng rón rén đi qua, là những nấm mộ lâu năm, có cái là mộ của người dân tộc, có cái nghe nói là mộ Tàu từ xa xưa, chúng cũng chỉ là những nấm đất cỏ mọc trùm lên nhưng kèm theo nhiều câu chuyện đồn thổi ly kỳ đáng sợ.
Đi lấy củi, gỗ, giang, hay măng phía đồi Cao, thường nhanh thì từ sáng sớm tới tối khuya mới về nhà, đường xa 10 km tới 15 km phải tự mang và vác nặng. Điều chúng sợ nhất là đi về qua nghĩa trang, khi trời đã tối. Mà mùa đi rừng là mùa Đông, mưa phùn, chúng nó từng nghe về ma, ma trơi, những lân tinh bay theo kẻ yếu bóng vía. Ban ngày, đám chăn bò có thể còn ngồi lên những ngôi mộ xây, chúng biết tên, biết của nhà ai từng ngôi mộ, nhưng ban đêm, đứa nào cũng cố rảo bước thật nhanh đi qua, dù đã rất mệt sau cả ngày trong rừng và phải mang vác thành quả về nhà. Chúng lặng lẽ bước trong tiếng ri ri của dế, tiếp ộp oạp của ễnh ương vang vọng.
“Công viên Vĩnh hằng cách vùng chúng ta khoảng 20 cây số nên khu nghĩa trang được quy hoạch để di dời đi cả, nhiều nhà đã đưa mồ mả ông bà về quê, cũng có người mua chỗ khác.” Cô bé bán nước chừng như nhận ra ông khách hiểu rõ khu vực này nên không ngần ngại kể thông tin khu nghĩa trang xưa. Xung quanh sát đó, các khu phân nền cũng đã quy hoạch.
Nghĩa trang, nằm một quả đồi biệt lập với khu dân cư bởi vài đồi chè, khu vườn cây ăn quả và trại bò. Nằm trên đường đi lên đồi Cao cũng như vào các khu rừng bên trong. Ngày lão biết đến nghĩa trang thì ở đây cũng đã chi chít các ngôi mộ cũ, mới. Có những ngôi mộ xây được đắp to khổng lồ. “Mộ này là một tướng cướp, từng đỡ đòn cho nhiều tù nhân chính trị trong nhà tù Pháp, mọi người nể trọng đấy.” Bọn thằng Hùng thường thì thầm với lão mỗi khi đi qua đây. Chuyện kể là, tướng cướp đó, khi bị nhốt trong các nhà tù xưa, từ thành phần bất hảo, cảm phục các tù nhân chính trị rồi được cảm hóa. Với bản tính ngang tàng cũng như có sức khỏe, có lẽ đám cai ngục cũng nể phần nào nên e dè hơn với các tù nhân khác mà tướng cướp kết bạn. Chuyện kể là thế, nhưng với đám trẻ, các nhân vật được anh hùng hóa hình tượng làm chúng khâm phục lắm.
Những gia đình lâu năm ở vùng đất này, người dân tộc có, người Kinh có, ông bà họ cũng chôn cất ở đây. Rồi những đứa bạn bè cùng lứa với lão, số phận hẩm hiu cũng được chôn cất ở nghĩa trang này. Nhiều thế hệ lớn lên và đi qua mảnh đất, những lớp sau lớn lên rồi đi xa, nơi chúng hướng về, đi về mỗi dịp lễ, Tết, hay Hè, các kỳ nghỉ... một trong chốn chúng đến là nghĩa trang, thắp nén nhang tới người thân, ông bà, tổ tiên, người bạn xưa. Cho dù là sợ, nhưng rồi cũng là chỗ lui tới khá nhiều với mọi người.
“Khu vực đó quy hoạch lại hết thành khu dân cư hả cháu?” Lão có vẻ vẫn muốn nghe khẳng định thêm lần nữa, nên hỏi lại với giọng nhỏ nhẹ, gần như tự hỏi chính mình. Cô bé cũng gần như không nghe thấy, nhưng rồi nhận ra câu hỏi và đáp: “Đúng rồi ạ, ban đầu mọi người cũng không muốn, nhưng địa phương vận động, giải thích, dự án thuyết phục, dù sao giờ vẫn chưa di dời...” Lão nghe vậy nhưng cũng hiểu. Không chỉ vùng này, nhiều làng xã xưa kia, việc mồ mả nằm trong vườn nhà, nằm rải rác cùng khu vực dân cư, cũng cần được quy tập. Tuy nhiên, việc phần mộ người thân, tổ tiên di dời, khiến vùng đất còn lại có phần xa lạ.
Về những ngôi mộ hoang, lúc giao thời Bao cấp, trào lưu tìm đồ cổ, bọn đào mộ đi khắp nơi tìm. Chúng có những cái thuốn là những thanh sắt bằng sắt sáu hay mười, dài cả mét, phía đầu làm như cái ngoáy tai. Chúng đi chọc thăm dò, chỗ chúng nghi ngờ, các ngôi mộ và các di chỉ được người ta mách. Rút thuốn lên mà có vết than củi, cơ hội đồ cổ sẽ có. Nghe nói khi đào, có lần chúng được cả chồng bát, nhưng tất cả bị xiên thủng lỗ vì cái thuốn! Các ngọn đồi ngoài làng dân tộc như đồi ông Ẩm, ông On, đồi Hai mẫu bẩy, Hủm cây dương… đều bị chúng xới.
Cô bé thông tin về khu vực khác: “Từ bên Mường, bản Mòng phía bên bộ đội, họ đang mở đường quốc lộ thông qua bên này, huyện uỷ được quy hoạch chuyển từ ngoài phố về trên mấy quả đồi phía trong bác ạ.” Mấy quả đồi phía trong mà cô nói là những đồi thuộc đơn vị không trồng chè, chè chỉ lác đác của công nhân và dân, còn lại là vườn của các gia đình hoặc đồi hoang. Về sau các quả đồi được chia, giao khoán trồng keo, tràm để phủ xanh vì trước kia tự phát dân khai hoang trồng sắn, sắn chẳng được bao nhiêu, sau vài năm đất bạc màu, xói lở trơ trọi đồi trọc rồi những cây mâm xôi gai, xấu hổ, phân hôi, de cỏ... mọc kín. Phía đó cũng là nơi lão có tuổi thơ, nhà lão ở với bao người thân quen.
Ngày thường đi học, đám trẻ học cấp I, II có trường ở trung tâm sát nông trường bộ, đi qua mấy đồi chè. Chúng đi theo đường mòn ra phía nông trường bộ, thường gặp các cô các bác hái chè, làm cỏ trên đồi Vành nón. Đồi thường có những khoảng rộng là bãi tập kết chè hay phân bón, là những điểm đám trẻ thích nhất vì đây chính là sân chơi sau buổi học. Sát trường có con suối, nước chảy trong vắt từ trong núi ra, nơi đi tắt vào trường, nhưng cũng có lúc biến thành con sông cuồn cuộn khi mùa mưa lũ về, thậm chí chúng không thể qua được để vào trường, phải đi vòng ra quốc lộ có cầu để vào cổng chính.
Đối diện trường phía bên kia quốc lộ là con sông lớn chảy qua khu vực, sông nhiều sỏi, đá cuội nhẵn thín. Có chỗ có thể đi bộ qua vì bãi sỏi cạn, nhưng có những khúc sông sâu nhiều mét, nước trong veo, đám trẻ trốn học ra tập bơi trên những thân chuối và thường được cổ vũ bởi đàn cá trắng bám theo, chúng rỉa chân bọn trẻ khi thả lỏng nghỉ giữa dòng. Có khúc sông, bên dưới đáy là cánh đồng rong tóc tiên, rong đuôi chồn, những thứ anh cả lão phải lặn xuống lấy về làm thức ăn cho lợn hằng tuần khi mùa Đông cạn kiệt rau xanh.
Có đoạn sông sát bên núi, nước chảy xiết nhưng nông, luồn lách qua các bãi cát bồi. Nghe nói, có đôi trẻ mới cưới, làm nhà mới. Nhà thời này là tranh vách đất. Vách được đan bằng nan tre thành ô 10 x 10cm thành dừng, rồi người ta trộn bùn với rơm, phân trâu bò để thành vữa trát lên dừng làm tường. Hai vợ chồng nhà nọ, nằm trong nhà mới, ngắm thành quả ngôi nhà vừa xong, bỗng thấy lóng lánh trên tường. Cạy ra được một cục vàng như hạt lạc. Rồi trào lưu đãi vàng tới, từng nhóm, từng nhóm, với cái máng gỗ, họ đào bới khắp khúc sông. Đến mức ai cũng đào, ai cũng đãi. Nhiều đứa đến lớp khoe với lọ Penicillin trên tay, bên trong lấp lánh vảy vàng như vảy nhót, thứ chúng đãi được.
“Cả khu vực bên sông này, cháu nghe nói trước là bãi ngô, mía, đã được quy hoạch và xây thành các khu biệt thự bác ạ. Dọc sông được kè và san sát nhà hàng đặc sản cùng các khu phục vụ du lịch, công viên mọc lên nữa.” Cô bé giới thiệu khi lão hỏi về những cánh đồng, đồi trong thung lũng trải dài theo Quốc lộ chạy song song với con sông, ở đó, các cánh đồng rộng hơn, dân tộc không chỉ có Mường, còn có Dao, Sán chỉ nữa và khá heo hút dù cách có vài cây số. Ruộng họ thường trồng ngô, dưa chuột và mía. Mùa thì, lão hay theo bạn ra chòi canh giữa đồng để học ôn. Xuống ruộng ăn trộm dưa chuột lên chòi. Học chán, kéo nhau ra lò mật mía của ông chú bạn. Mía cây được chặt về chất đống, sẵn sàng che mật. Một con trâu được đóng ách và đi vòng quanh như cái cối xay, mía cây được cỗ máy này ép nước ra bã. Nước mía được cho lên lò nấu ngay. Thằng Sơn nói thì thầm: “Phải cho cả bột vôi nấu từ xương bò đấy, để xử lý các thứ mới làm ra mật mía được.” Việc ghé vào lò che mật mía không phải để xem, vì ít nhiều chúng nó đều biết, việc chính là kiếm cục mật mang về chòi để tiếp tục ôn thi.
Dọc theo bãi, tùy mùa, những đàn cò cùng chim đủ loại bay dập đờn, lão nhớ đến những câu hát ru mà các bà trong xóm thường hát cho bọn trẻ con còn phải bế ẵm. Ngồi trên chòi, nhìn ngút mắt xanh mướt cây, ngắm chim bay chán. Mấy đứa mò ra suối, đoạn này thường cạn và có nhiều khúc rẽ nhánh và có cả nhánh cụt. Chúng nó ra xem người dân tộc bắt cá. Ở đoạn sông cụt, họ chặt cành cây cơi, kéo qua lại một lúc lâu, cá đồng loạt bị ngất nổi cả lên và họ chỉ việc vớt. Ở đoạn nước chảy, họ kéo lưới, lưới được gắn rất nhiều các vỏ sò lấp lánh, khi kéo làm cá sợ và dần bị lùa vào chỗ quây như cái dậm. Cứ vậy rồi mùa thi cũng qua đi cùng tuổi thơ của Lão và đám bạn.
“Mùa mưa lũ, khu đó có bị ngập hay lũ không?” Lão hỏi cô bé, trong ký ức lão nhớ về những đập tràn từng đi qua, khi mùa mưa, từ trên rừng cây que đủ kiểu trôi về mắc lại và tạo thành con đập tự nhiên, nó giữ nước rồi quá tải, “Ục” là khi hồ nước được tháo vì đập vỡ, toàn bộ bãi phía dưới, thậm chí nhà sát bờ sông cũng bị cuốn trôi vì lũ này. “Từ khi cháu lên đây, không thấy nói gì về lũ hay lụt cả?” Cô bé ngạc nhiên trả lời. “Có lẽ, từ khi có thủy điện trên kia, nước đầu nguồn đã được điều tiết nên trị được lũ lụt rồi chăng?” Lão tự nghĩ. Thực tế, quy hoạch họ cũng phải kè bờ sông và chừa dự phòng bãi ngập khá xa, việc bồi đắp, bê tông hóa cùng hệ thống cống và cầu mà lão vừa đi qua là làm việc đó.
Tại chỗ lão ngồi, trước đây là khu nhà của công nhân, mỗi gia đình cũng được chia một khoảnh, mạnh ai khoanh được bao nhiêu thì rao bấy nhiêu. Mãi về sau mới được đo đạc, người 3 sào, người 5 sào, thậm chí có nhà nguyên nửa quả đồi. Vì công nhân cũng đa dạng, mà dân bản địa là dân tộc. Dân Kinh trước đây chỉ là số ít, nên cả khu vực này gần như không có đình, đền, chùa hay nhà thờ nào cả.
Thời Bao cấp, Tín ngưỡng thường bị quy chụp mê tín dị đoan, bị cấm đoán khắp nơi, nhưng khó cấm được trong dân. Nhiều nhà tự lập điện thờ, rồi cũng có các con nhang đệ tử lén lút lui tới. Với bọn trẻ, đây là những thứ huyền bí khí chỉ được biết đến những khẩu hiệu chống mê tín dị đoan và những câu chuyển rỉ tai nhau suốt thời đi học. Lão bật cười khi nhớ đến thời đó, trong khu vực hay xuất hiện các cô bé “thần đồng” bỗng nhiên có khả năng phán về tử vi, tướng số cho mọi người. “Cháu có biết bà Xuân không? Bà ấy có cái điện rất thiêng ở phía ngã ba vào nhà máy.” Lão hỏi cô bé.
“Không ạ, chắc lâu rồi không còn điện nào ở đó. Nhưng cháu nghe nói một ngôi chùa lớn được quy hoạch rồi, sẽ xây dựng trong năm nay ở phía Lâm trường cũ.” Có vẻ cô bé có khá nhiều thông tin, dù là thông tin đồn thổi, không chắc chính thống, nhưng là đúng. Lão cũng biết, người ta đang dự định xây dựng một ngôi chùa cho khu vực này. Một môi trường tín ngưỡng, tôn giáo cũng đã tới đây, thay vì từ xưa, người ta chỉ biết các điều huyền bí của người dân tộc.
Tuổi thơ lão gắn liền với những bài hát Tân nhạc, Văn Cao, Nguyễn Văn Thương,... mà mẹ lão hát hằng đêm thay cho các lời hát ru hay được mẹ kể những câu chuyện về rừng núi, nơi bà từng trải qua thời thanh niên. Nhưng, những câu hát ru, dân ca, giai điệu chèo mà bác hàng xóm thường hát mỗi khi đan lát cũng đi theo lão suốt về sau này. Nhà bác có cả chục người con, ai cũng khoẻ mạnh, tháo vát, nhanh nhẹn tự sống với thiên nhiên cùng thích nghi với xã hội khó khăn. Quê ở Hưng yên, bác mang cả nghề đan lát và những giai điệu Chèo lên cùng làng xóm.
Lão thường sang nhà bác vì rất nhiều thứ hay. Bác cũng là thợ săn dúi, nhím hay bìm bịp cự phách. Cứ vạt rừng lau, sậy hay nứa, bương có cây khô chết bất chợt, y như rằng các anh gặm nhấm đào hăng xơi rễ, và tiết mục hun khói diễn ra. Không chỉ vậy, chuột nhà, từng đàn trong hang dưới nền đất cũng được bác tổ chức tóm gọn! Bác đan rổ, ra, thúng, nia, những nông dụng gia đình phổ biến. Thậm chí, bác cũng đóng cả cối xay lúa, một thứ không hề dễ dàng. Một thú lão rất thích đi theo bác này, đó là đánh dậm. Đang chăn bò ở ruộng, nhìn thấy bác vác cái dậm đi từ xa là lão chạy theo. Con suối chảy từ bên làng Mường sang, hai bên bờ bạt ngàn sậy, dương xỉ và dớn. Mép nước lấp xấp là nơi đánh dậm. Cua, tôm, tép, cá suối, tất tần tật bị tóm gọn cho và giỏ đeo bên hông.
Để tăng gia đủ lương thực nuôi chục người con, trong khi thời Bao cấp khó khăn, gạo nhà nước thiếu thốn, bác cũng thường đi khai hoang những mảnh ruộng ven suối này. Những lần đánh dậm, sẽ như lần khảo sát để xác định có khai khẩn, mở thành ruộng được không. Rồi hằng đêm, trên vai bác là hàng chục cái đó, ống trúm, mang đi đặt trên cánh đồng để bắt lươn, cua và chạch. Các anh lớn nhà bác cũng là những tay đi rừng, lấy gỗ, nứa, củi hay măng cự phách mà lão mơ ước được đi theo.
Chỗ đội nhà lão, tuy mỗi nhà một khoảnh, ở trong khu vực khá rộng lớn phải cả ngàn hecta, nhưng gần 200 gia đình ai cũng biết nhau, thân thiết với nhau. Mọi chuyện buồn vui đi suốt thời Bao cấp. Người mất, người còn, những cuộc chia ly, những đám cưới, cả những chuyện cãi, chửi nhau, chuyện mất gà, trộm quả. Chuyện trẻ con đánh nhau ra chuyện người lớn. Đủ thứ chuyện cứ lần lượt lướt qua đầu lão.
“Các gia đình bị giải toả để mở đường và di dời để lấy mặt bằng cho cơ quan hành chính, họ hoặc nhận chỗ mới được quy hoạch đền bù, hoặc theo con cái đi chỗ khác bác ạ. Đa số là người mới đến như chúng cháu thôi.” Ngồi nghe cô bé nói chuyện, lão định đi vào khu nhà xưa nên hỏi cô bé về khu vực phía con đường mới mở. Cô gái chợt nhận ra là lão không hẳn là người đi mua đất, mà có thể là người ở đây nên đã nói luôn thông tin về khu đội mà lão đề cập đến.
Chào cô bé, lão đứng lên đi theo con đường mới. Đường khá rộng, đủ 4 làn xe chạy thay cho con đường đá hộc đầy các cụm cỏ với các ổ gà to ngày xưa lão đạp xe mỗi ngày. Hai bên đường có vỉa hè rộng cùng hàng đèn cao áp khang trang. Vừa đi lão vừa quan sát và nhớ. Trước kỳ nghỉ Tết, đám học sinh thường nhận nhiệm vụ của nhà trường, đi lấy cây sặt và bông đót về nộp cho nhà trường. Số lượng được tính bằng cân. Sặt họ nhà lau nhưng thân bé hơn nứa tép, cứng, thẳng, nhà trường lấy về để bán cho đơn vị làm mành mành xuất khẩu, đem lại ngoại tệ cho quốc gia. Bông đót cũng họ lau, giống cây de nhưng bông đủ dai để làm chổi đót. Đó là sản vật rừng mà mỗi học sinh đều phải đi lao động hằng năm.
Con đường một bên là sườn đồi được bạt xuống, một bên là con suối từ bên Mường sang, chảy ra con sông ngoài kia. Ở sườn đồi này cây đót mọc rất nhiều, bọn lớn sẽ đi xa hướng phía Lâm sơn để lấy cả sặt và đót nhiều hơn, bọn bé thường trèo ở các vạt sườn đồi này, tranh thủ khi chăn bò, gom từng ít một. Từng bụi cây, từng hủm suối, đám trẻ cùng lão nhớ chỗ nào có cây gì, mùa nào co con gì. Từ nhà lão, đi qua nhà bác đội trưởng, vào trong đê là mấy nhà cô y ta, cô thú y có mấy đứa bạn học cùng. Tối thường xách đèn hoa kỳ đi học nhóm hoặc mùa hè ý ới gọi nhau đi sinh hoạt đội.
Bỗng giật mình, tiếng còi xe ngay sau lưng lão. một đôi nam nữ trẻ chở nhau dừng lại “Cháu xin lỗi, cháu rẽ vào đây ạ.” cậu thanh niên nhanh nhảu nói vì lão đứng tần ngần chắn ngay trước ngõ. Lão tần ngần vì quan sát kỹ và lấy vài mốc địa hình vạt đồi dốc cũng như cái hồ phía trước, định vị dường như đây là nền nhà xưa của gia đình lão. Đúng vậy thì gần như hoàn toàn nằm trên mặt con đường. Hai bên giờ là những ngôi nhà phân lô hiện đại, tiếng nhạc rốc rộn ràng vang ra. Có lẽ hai bạn trẻ tới bữa tiệc trong đó.
Đi thêm nữa, khu phố hiện đại với những căn nhà, những người trên phố lạ lẫm. Thi thoảng lão cũng cố định hình được đoạn suối xưa nằm trong công viên đẹp đẽ cùng nhiều cây nhãn cổ bằng cách định vị theo hướng các ngọn đồi và núi xung quanh. Tất cả hoàn toàn mới, mảnh đất xưa với bộ mặt mới, quy hoạch diện mạo mới, những công trình mới, những con người mới. Người xưa phần thì đã không còn, phần di chuyển chỗ khác. Chẳng có gì thân quen nữa.
“Cháu ở đây lâu chưa?” lão hỏi cô bé bán quán khi quay trở lại. Lão vào quán ngồi chờ để gọi xe ra đón, không đi bộ nữa. “Nhà cháu gốc ở đây đấy ạ, bố mẹ cháu đến đây từ hai mươi năm trước cơ, thế nên quanh đây bác cần thông tin gì cứ hỏi cháu.” Như được lời, cô bé nhanh nhảu tiếp thị.
“Bác người ở đâu đến ạ?”
“Bác người ở đâu đến ạ?” phải đến lần thứ hai, cô bé hỏi lại lão mới giật mình quay sang. Lão không biết phải trả lời sao cho cô bé. “Bác người ở đâu đến ạ?” Lão người ở đâu?
Ngày đó, cả gia đình lão gắn bó với nơi đây, với bà con chòm xóm. Lão lớn lên cùng cây cỏ, cùng mỗi mùa đơm hoa kết trái, cùng những chia sẻ khó khăn ngọt bùi của bao gia đình trong xóm, đội. Cùng mót lúa, bắt tôm tép, cua, cùng lấy củi, măng. Những buổi đi chăn bò, cắt cỏ. Những đùm bọc của các gia đình với nhau vượt qua sóng gió của Bao cấp. Thế rồi vì cuộc sống, vì cơ hội, gia đình lão chuyển về phố, rồi lão đi học, đi xa.
Bố mẹ lão vẫn đau đáu muốn quay về, muốn trở lại mua một mảnh đất xưa, nơi có bao kỷ niệm, nơi có bao gia đình thân quen, làng xóm họ hàng. Cuộc sống bon chen, thời gian cứ cuốn trôi, bố mẹ lão cũng đã khuất núi. Lão cũng đã lên ông, đám con lão đã lớn đi học, đi làm xa. Đên hôm nay, lão mới quyết định tìm về, đi khảo sát và dự định có thể về được chốn xưa. Người ta nói “Lá rụng về cội” rồi ai cũng muốn được về quê. Đúng, lão về tìm đất thật, lần này về là kế hoạch dự tính từ nhiều năm qua, không chỉ tìm lại đất xưa để ở, lão cần tìm một cuộc đất có thể quy hoạch cho mộ phần của gia đình lão, cho chính hậu sự của lão, của những người trong nhà về sau nữa.
“Đâu cũng thay đổi bác ạ!” Cô bé nói một cách già dặn. “Đúng, mọi thứ đều thay đổi, đều phát triển. Chỉ có điều, ta không cùng nó khi nó thay đổi, nên nó không có ta và ta bị xa lạ nó” Lão lẩm nhẩm như nói một mình. Như đứa trẻ, khi ở cùng ta vài tuổi. Ta có thương yêu nó, có cùng huyết thống với nó đi chăng nữa, nhưng xa cách mây chục năm trong thời gian đứa trẻ lớn, ta không chứng kiến, không chăm sóc, không tương tác. Khi gặp lại, là hai kẻ xa lạ. Đứa trẻ không có ký ức gì về ta, ta chỉ còn mơ hồ về ngày bé của nó. Hai kẻ xa lạ như bất cứ ai trên đời.
Vừa bước lên xe, điện thoại lão đổ chuông “A lô, bố ạ?” tiếng gọi đầu kia. Thì ra con lão gọi từ bên kia về, nó biết hôm nay lão đi xem đất nên gọi hỏi thăm. Lão im lặng một lát rồi nhỏ giọng trả lời. “Bố đây, mà thôi, con cứ xem mua nhà bên đó hoặc kiếm chỗ nào ở phố chỗ bố mẹ cũng được, miễn là thuận tiện cho con. Quê đã lạ rồi, chúng ta không còn quê nữa, không cần phải mua ở đây nữa.” Nói xong lão tắt máy và bảo lái xe quay về…
Xuân Giáp Thìn – ĐVP