Xuyên suốt trong cả 4 phần của tập thơ là sự hồi tưởng về quá khứ, về những điều đã xảy ra trong thực tại, về những giá trị hồi cố xa xưa. Một sự nhận thức sâu thẳm của một người khi đã trưởng thành và nhìn lại những điều đã đi qua. Như nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa nhận định: “Thi tập này vừa hồi cố một cũ xưa xa xăm trung du quán xứ- nơi khởi sinh trong chủ thể thơ những thao thức cô đơn ngơ ngác lặng im lao lạc khuyết lẹm dư thừa, vừa quán chiếu một thực tại- nơi mà giấc mơ của chủ thể thơ chưa kịp ra khơi đã mắc cạn, và cái lưng túi cảm trạng hiện sinh bất ly hồn kia thì ngày một đầy lên”.
Thông thường khi nói đến hai chữ “tưởng tượng” thì người ta hay nghĩ đến tương lai, đến những điều chưa xảy ra trong thực tại. Nhưng ở Nguyễn Thị Kim Nhung, chị lại “tưởng tượng” về quá khứ trong sự thao thức của tâm hồn, một sự thức tỉnh của một người đã lâu lắm rồi không quay về chốn cũ.
Ở phần “Cha bảo con gái trung du phải biết ăn rau đắng”, trong sự tưởng tượng trở về của mình, điều đầu tiên vang vọng trong lòng chị là câu nói của cha. Rau đắng ư, có lẽ nhiều người không biết, nhưng chị hay bất cứ người con nào sinh sống ở những vùng trung du, miền núi những năm ấu thơ đói kém ấy chẳng có gì là xa lạ. Một thức rau kiếm trên núi, vô cùng đắng nhưng vẫn phải ăn: “Ấu thơ rộc rạc/ bữa cơm rau đắng em quay đi”(Trung du). Nhưng câu nói ấy ở đây còn là lời răn dạy của người cha- một người đã trải qua bao đắng cay cuộc sống muốn đứa con của mình phải hiểu chuyện, phải biết rằng cuộc sống không có gì là dễ dàng cả, chẳng có đâu mật ngọt: “Cha bảo con gái trung du phải biết ăn rau đắng/ bởi không tin vào những ngọt bùi/ con không nghe con đi tìm cỏ mật/ mun mút mùa ăn ăn/ roi cha gác bếp còn lằn ấu thơ” (Có một ngày).
Tưởng tượng và trở về quê hương, “tôi” như được sống lại quãng thời thơ ấu, những thời nông nổi của mình. Hình ảnh mái rơm rạ cũ của cha sau bao thời gian vẫn nguyên sơ vậy, những người già ngồi trên bậc cửa nhìn ngắm những đứa trẻ con chơi đùa, những bữa cơm rau đắng mà đứa trẻ nhìn là thấy sợ… Hình ảnh người mẹ đau đớn trong những đêm trở dạ quằn quại tóc rối, người cha trở về sau cuộc đỏ đen, hình ảnh người anh những buổi trưa lặn lội để tìm bắt những con cá rô mong bữa cơm nhà mình không phải ăn rau đắng… Một cuộc sống trung du miền núi vô cùng khó khăn thiếu thốn. Nhưng không phải vì thế mà không có những kỷ niệm đẹp: những lời yêu nhau, hẹn ước, những tình cảm mới đi được lưng chừng ngang núi để lại bao nhiêu hối tiếc của một thời nông nổi…
Kim Nhung tưởng tượng về quá khứ một thời đã đi xa nhưng không chỉ là để nhớ lại, mà “thức” tỉnh ra bao nhiêu điều đáng suy ngẫm. Khi còn trẻ, chúng ta thường không để ý đến những thứ quen thuộc xung quanh mình, dường như chẳng có gì đáng bận tâm “Con thoảng về như khách/ cũ xưa trở lại một lần” (Nhà cũ). Không biết rằng điều mà những người cha mẹ luôn mong mỏi là chỉ cần có con cái ở bên để có người trò chuyện: “Từ khi ấu thơ đi vắng/ tò vò đắp tổ bỏ không/ cha cất vài câu chuyện cũ/ chờ con mấy bận đem hong” (Nhà cũ). Bởi thế mà trong giấc mơ, hay trong thâm tâm của mình, “em” luôn như có một sự gợi nhắc vang vọng thúc giục “Em hãy về xem hoa trái vườn cha” (Nhìn nắng).
Hình ảnh người bà, người mẹ trong sâu thẳm ký ức của Kim Nhung vẫn luôn biết mẹ là duy nhất. Nơi ấy chúng ta được sống trong những khu vườn cổ tích, những nụ cười hiền hậu, sự bao bọc, chia sẻ, những mảnh vườn thức quà con trẻ. Và chợt nhận ra “Ta làm mẹ mà chưa kịp hiểu/ trái chín cây sẽ rụng vào chiều” (Giấc mơ người mẹ); “Như bông hoa héo khô dần/ rồi một ngày người rụng vào lòng đất/ đêm thêm một vì sao” (Khu vườn ký ức).
Trước khi bước vào quá trình tưởng tượng về xa xưa ấy, “ta” còn ngờ vực liệu rằng “Người” có còn “chờ ta trở lại”. ‘Người” là ai? Là cha, là mẹ, người bà, người yêu hay những đứa bạn thời chăn trâu lội ruộng, hay chăng là những cảnh làng quê cũ xưa kia mà ta từng quên lãng. Hay chính là sự ngờ vực chính bản thân mình rằng liệu mình có còn nhớ gì chăng? Và khi mọi thứ thực sự “thức” trong sự tưởng tượng của “ta”, “ta” lại đặt ra một dấu hỏi lớn “Người còn chờ ai trở lại”, bởi lẽ “ta” không thể tin rằng mọi thứ hồi cố xa xăm ấy lại còn nguyên như cũ: “Một đứa trẻ từ nhiều năm trước/ vụng về tạm biệt khu vườn/ gai dứa dại cứa vào nỗi nhớ/ tôi trở về nghe tiếng khóc bé con” (Khu vườn bí mật).
Ở phần “Giấc mơ là cây cầu gỗ mục”, ta thấy được ở Nguyễn Thị Kim Nhung có một sự rơi rụng gì đấy, không bi lụy nhưng đầy trăn trở. Cũng có thể trong sự yên lặng của bóng đêm, sự thinh lặng của tâm hồn, Kim Nhung thực sự thả lòng mình và nhận ra sự thật tồn tại đằng sau những giấc mơ.
Ở Bình yên, Kim Nhung cho ta thấy có một cái ranh giới giữa hiện tại và ngày mai. Hiện tại là không gian đêm, mọi thứ đều gượng ghẽ trở mình, có sự chuyển biến nhưng nhẹ nhàng, cẩn thận lắm, như lo sợ sẽ làm ai đó tỉnh giấc mộng. Tìm lại những ngày tuổi dại, những sự ngọt ngào của vị mía trên bãi sông quê, những sự mất mát để đánh đổi tương lai trong hình ảnh những con thiên nga vẫn mải miết nương theo dãy Hymalaya di trú mong muốn tìm được vùng đất mới. Nhưng tất cả mới dừng ở giấc mơ hiện tại. Bởi lẽ sự chờ đợi là của ngày mai: “vệt sáng nằm đâu đó đợi ngày mai”, “em mơ gì ngày mai”, “phía bên kia ấm áp đang chờ”.
“Căn phòng đêm nay rất trắng
Bóng dùng dằng rồi cũng bỏ đi
Giấc mơ là cây cầu gỗ mục
Chạm vào rồi làm sao bước qua”
(Đêm)
Giấc mơ là những trải nghiệm, ảo tưởng trong trí óc khi ngủ, nghĩa là những điều chúng ta thấy nó thực sự không tồn tại trong thực tế. Cây cầu là thực sự tồn tại, nhưng thông thường nó cần phải được xây dựng chắc chắn, còn ở đây lại làm bằng gỗ mục, có cầu nhưng không dám đi. Giấc mơ là cây cầu gỗ mục, chỉ có thể chạm, nhìn nhưng không dám bước qua. Nỗi sợ hãi về một sự rơi rụng nào đấy, giống như cái bóng trong đêm vậy. Một người con xa quê, bươn chải nơi đất khách quê người, hằng đêm thao thức, rạo rực, gửi gắm những niềm nỗi của mình cho bóng đêm. Không có tiếng nói, chỉ là nỗi lòng tự gửi gắm, giống như bản nhạc không lời bao kẻ vẫn hằng nghe như một sự chiêm nghiệm lắng đọng của bản thân với những ập òa mất được, như cây đắng cảy sau đồi dù thời tiết giông bão sấm nhiều hơn cỏ vẫn nở hoa như thường.
Phố phường nhộn nhịp nhưng “tôi” lại thấy mình lạc lõng ở một góc riêng, như chiếc bình hoa bất động nằm ở góc phòng quầy bar. Sự đối lập giữa con người, không khí nơi đây với “tôi”, như giọt cà phê đắng ngắt trong tiếng nhạc giậm giựt quờ quạng, những con người, những cuộc gặp gỡ đến rồi đi trong làn khói thuốc, nực nụa hơi men, gặp nhanh rồi cũng quên nhanh như cuộc tình vội. Một con người luôn mong mỏi tìm chốn bình yên nơi phố phường chật chội nhưng “Tôi đã nghĩ nơi này không dành cho tôi” (Quán cà phê bên hồ).
William Hazlitt, nhà văn, nhà phê bình kịch và văn học người Anh từng nói: “Thơ là những gì đáng ghi nhớ trong cuộc sống”. Kim Nhung cũng vậy, cuộc sống trong thơ chị có quá khứ của quê hương, vị đắng đỏi của làng quê trung du nghèo khó, chật chội của phố phường. Những năm tháng đã đi qua còn là dấu tích của một thời trẻ rạo rực: tình yêu đầu đời tuổi hai ba, những sự tưởng tượng về tình cảm với những người lính. Điều đó cho ta thấy một chủ thể thơ vẫn đong đầy cảm xúc, khao khát những sự tán tỉnh, những sự cuồng nhiệt, những niềm tin cuồng khấu về một tình yêu chân thành. “Tuổi hai ba rục rã tình đầu/ neo nẻo nào cho niềm tin cuồng khấu/ có người như những vì sao/ chỉ ngắm thôi không thể chạm vào” (Tuổi hai ba), “Yêu người bằng tưởng tượng/ vui buồn như trẻ đi xa/ chiều ngưng nơi phiến lá/ phố nhà binh vài chàng lính trẻ/ hồn nhiên buông tiếng bông đùa/ mái ngói không lời tán tụng/ vẫn biết mình trăm năm” (Ở phố nhà binh).
Có lẽ đêm là thời gian lý tưởng nhất cho những mơ mộng, suy ngẫm, những miên man cảm xác mà không sợ có ai đó chen ngang. Trong Thiếu phụ và ánh trăng, hình ảnh người thiếu phụ dường như muốn để chính âm thanh cuộc sống thực tại của mình tan chảy trong bóng đêm với “Những đêm trăng non/ thiêú phụ không ru con bằng lời ru của mình/ lời ru ngủ quên trên núi”. Bình thường người ta dùng tĩnh để lắng đọng cảm nhận, nhưng ỏ đây Kim Nhung lại muốn từ thực tại tiếng khóc con trẻ để ngẫm nghĩ một thời đã qua với bao nuối tiếc. “Tiếng khóc ơ hờ/ dội trăng vàng tươi tưởi/ dòng suối khuya lẩn lánh ngại ngần/ người vội đi rơi cái nhìn nhát nhúa/ đã không còn ngọn lửa/ đủ sưởi ấm lòng nhau/ Khau Vai chỉ còn trong chuyện kể”. Tiếng ơ hờ của con trè đã làm thức dậy bao cảm xúc tươi tưởi trong lòng. Những sự lẩn lánh ngại ngần của người đời, những ánh nhìn như những vết dao đau nhát nhúa, những mong muốn được gặp lại ân tình xưa chỉ còn trong những câu chuyện kể. Lòng người đã nguội lạnh, đâu thể mong có ngọn lửa tình sưởi ấm. Chỉ biết một mình lặng lẽ, lơ đễnh, ngàn ngàn tiếc nuối, mơ về một ngày mai khác ngày hôm nay, một ngày mai đầy nắng.
Trong ngàn ngàn tiếc nuối ấy, chủ thể thơ tìm về thuở hỗn mang của thưở trước, nơi khởi nguồn của tất cả: của nước, của lửa, sự lạnh lẽo của đêm trăng, những ánh nắng vàng trước cơn giông buổi chiều, của con người với tình cảm sơ khai “chệnh choạng”. Hóa ra sự khởi nguồn của tất cả, từ thiên nhiên đến con người đều lạnh lẽo, đều mang nỗi buồn lênh loang bất định, ồn ảo nhưng bên trong rỗng rễnh. “Nước là nỗi buồn thuở trước/ không ai chạm vào/ vẫn lênh loang”, “Nước chết lịm sau nụ cười bệ rạc/ tỉnh ra đã hóa cũ càng/ Những con chữ ồn ào trên giá/ rêu rao gì mà rỗng rễnh đời ta” (Cho những lặng im).
Sau tất cả “ta” còn lại gì? Một câu hỏi như tự “thức” ra từ sâu trong tâm tưởng của chủ thể “tôi”: “Rồi thì/ mọi thứ cũng ra đi/ còn ai nhớ nụ cười xót nắng”; “Sau cùng sẽ là nước mắt/ nước mắt luôn là kẻ đến sau/ nhưng không lỗi hẹn bao giờ” (Còn lại). Nụ cười, đêm đông lằng lặng, vàng hoa mùa cải đắng, màu áo cưới ngày xưa, những lời nói chân thật, mái tóc dài duyên dáng đều sẽ trôi vào quên lãng, đều tan vỡ, chỉ còn lại giọt nước mắt: “Sau cùng sẽ là nước mắt/ nước mắt luôn là kẻ đến sau/ nhưng không lỗi hẹn bao giờ”. Sau tất cả sẽ là nước mắt. Tưởng rằng mọi thứ quên đi sẽ rơi vào tĩnh lặng, nhưng giọt nước mắt lại làm thức tỉnh thêm con người vốn đang đắm chìm trong giấc mơ suy tưởng. Thức tỉnh để rồi còn lại chỉ là những hối tiếc: “ừ nhỉ, sao cứ là hối tiếc/ khi không thể quay về ngày xưa”, “Năm tháng khoác trên mình chiếc áo lãng quên/ choàng lên cổ chiếc khăn nỗi nhớ”, “Mẹ bảo, kỷ niệm là tấm thảm đẹp/ thi thoảng đem ra phơi/ Em chỉ là người con gái thứ hai” (Người con gái thứ hai). Những câu thơ vang vọng đầy chiêm nghiệm ấy làm ta nhớ đến câu nói đầy ẩn ý về thơ của William Wordsworth- một nhà thơ lãng mạn Anh: “Thơ tràn ra tự phát khi cảm xúc dâng cao. Nó bắt nguồn từ sự hồi tưởng trong yên tĩnh, cảm xúc dự tính sẽ đến nhờ một phản ứng. Từ đó sự yên tĩnh dần biến mất và một cảm xúc đồng điệu với sự chiêm nghiệm ra đời. Đó cũng chính là điều thực sự tồn tại trong tâm trí chúng ta”.
Đêm nay ngựa trắng không ngủ
Phi mãi trong rừng mưa
Tiếng hí buồn hơn điệu sáo
…
Vó ngựa tung giấc mơ biên ải
tạnh rừng mưa và cạn lòng ta
Ngựa trắng
Hình ảnh con ngựa trắng trong bóng đêm một mình phi trong rừng mưa, hay hình ảnh ai đó đang xé đêm đi về phía đốm lửa mong chờ một điều gì đấy “tìm giọt sao rơi lạc nơi đáy mắt”. Hình ảnh vó ngựa tung giấc mơ biên ải như một sự bứt phá, vượt thoát ra ngoài tầm kiểm soát của khu rừng, của bóng đêm, hay của chính lòng ta “tạnh rừng mưa và cạn lòng ta”.
Phần “Hay chúng mình đi vắng trong nhau” có nhiều điều thú vị. Robert Frost, một nhà thơ Mỹ từng nói: “Thơ ra đời khi cảm xúc đã tìm thấy suy nghĩ của mình và suy nghĩ thì đã tìm ra lời giải để diễn đạt chúng”. Câu nói ấy rất hợp khi đặt vào thơ của Kim Nhung. “Không tin mình là đất/ xù xì lầm lẫn đa mang/ nỗi buồn trồi lên óng ả” (Gốm). Để trở thành một công cụ gốm, người ta phải nhào nặn đất sét, trải qua bao quá trình tạo hình, sơn vẽ, nung lửa mới thành gốm mịn màng đa màu sắc như vậy. Đó là những bí ẩn xâu xa về sự tạo thành của vật và cũng là của người. Mọi thứ từ thuở hỗn mang đều xù xì, nhuốm màu tro bụi như thế, nhưng không có mấy ai khao khát và tin vào sự thực hỗn mang ấy “không ai khan khát ngoài ta/ những bí ẩn trở nên tẻ nhạt”.
Ở phần "Hay chúng mình đi vắng trong nhau” này, hiện lên một Kim Nhung đầy sự cô đơn trống trải, một nỗi buồn man mác không thành lời. Sự ẩn ức trong giấc mơ với những ngộ nhận về tình cảm, sự chia ly thấm đẫm nước mắt “nhạt và trong”, một sự do dự về đời mình trong công cuộc khao khát ngọn nguồn trong Nghĩ; những âu lo trong buổi chiều cuối năm bên những câu chuyện, làn khói của tách trà, những tia nắng vụt qua nhanh như nụ cười nàng Monalisa vừa hé, lớp học luôn thiếu vài bóng người, không ai mang khuôn mặt thật của mình trong Cuối năm; hay hình ảnh người thiếu phụ trong đêm khuya vắng suy ngẫm về tuổi trẻ, những bình yên mau chóng vụt qua chỉ còn lại sự tàn lụi, buồn bã “Giữa phố chật lòng như sông vắng/ chợt bình yên chợt buồn bã dâng lên/ không có đò qua sông bằng tưởng tượng/ Người tầng cuối về trong đêm muộn/ gặp giấc mơ mảnh dẻ vờn lên/ trong tiếng mớ của người thiếu phụ” (Đêm thiếu phụ).
“Chưa kịp cúi đầu/ đã qua hết phố/ ngẩng lên có chạm điều gì” (Phố Gầm Cầu). Kim Nhung muốn mượn sự chật chội nhỏ bé, ngắn ngủi của con phố để nói về chính mình. Sợ “chạm điều gì” hay đang muốn chạm vào điều gì đó, chủ thể dường như đang rất phân vân, mơ hồ, mọi thứ dường như chỉ có trong hình dung, giống như bầy ngựa chỉ có thể nhìn thấy khu rừng rộng lớn bao la trong hình dung của nó khi đã vô tình đi lạc. Cuộc sống diễn ra nơi đây như một sự tạm bợ, bấu víu, neo bám vào những sự chật chội nhỏ bé “không có vỉa hè” nên neo đậu vào buổi trưa để tìm lối đi. Sự lặng lẽ, tạm bợ im lặng hoàn toàn đối lập nơi phố phường nhộn nhịp. Đó là cuộc sống của những tầng lớp nhỏ bé trong xã hội. Nhưng sâu xa hơn đó là tiếng lòng chung của những con người rời xa quê hương lên phố , cố bám víu, mong muốn và chờ đợi một cuộc sống khác nơi phố phường.
“Cỏ xanh không cần tưởng tượng” là phần cuối của tập thơ. Chiến tranh đã lùi xa, từng lớp lớp người trẻ đã được sinh ra mà không hề biết đến mùi của súng đạn, bom rơi. Nhưng không phải vì thế mà họ gạt bỏ đi quá khứ hào hùng của dân tộc mình. Kim Nhung cũng vậy, tuổi đời của chị còn rất trẻ, nhưng lớn lên trong cái nôi dân tộc có truyền thống yêu nước ấy, chị luôn mang nặng trong lòng sự biết ơn, cảm kích về những người lính đã hy sinh nơi trận mạc. Cỏ xanh không cần tưởng tượng là một sự “thức” của chị trong cuộc hành trình về miền biên giới, nơi những người lính đã nằm xuống bảo vệ từng tấc đất cho quê hương.
Có lẽ đây là chuyến đi “tưởng tượng” dài nhất của chị về một thời quá khứ- thời mà chị còn chưa được sinh ra trên cõi đời này “Sự thảng thót đẹp tựa nỗi đau/ trên khuôn mặt những người đi vắng” (Chứng nhân). Kim Nhung hoảng hốt, xen lẫn vẻ ngơ ngác, sững sờ khi nhìn thấy “khuôn mặt những người đi vắng”- một khuôn mặt đẹp tựa nỗi đau. Người đi vắng ở đây chính là những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến của dân tộc.
“Tháng hai đến từ im lặng/ ồn ào ở phía khói sương” (Chứng nhân). Mỗi độ tháng hai về cũng là lúc mọi người tìm đến nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên- nơi an nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo về biên giới phía bắc. Trong làn khói nhang, chị nhìn thấy những khuôn mặt của những người lính ấy, họ về một cách lặng lẽ như đám mây trong không gian tĩnh lặng, không chiêng chống, họ về như cách họ đã nằm xuống hy sinh cho Tổ Quốc mình “Chìm vào phía lặng im”. Họ chính là chứng nhân của lịch sử, chứng nhân của một dân tộc luôn sẵn sàng đảnh đổi tất cả để bảo vệ quê hương mình.
“Đoàn quân mỏi đã dừng chân đâu đó/ trong đất/ trong mây/ trong bất định về người” (Đỉnh mưa). Không có một nơi nào cố định, một vị trí cụ thể nào, những người lính dừng chân ở mọi nơi trong đất nước của mình. Kim Nhung đến đây, đến với nơi linh thiêng này không phải chỉ vì sự hùng vĩ của thiên nhiên: sông Mã, Châu Mộc, mà là từ tận đấy lòng, từ trái tim của người con luôn tha thiết ghi nhớ công ơn của những người lính; “Ta nghĩ đến người nhiều hơn cơn mưa”, “Để từ trang giấy qua con chữ/ ít nhiều ý nghĩ vượt biên”.
Trước nghĩa trang những người lính, những giọt nước mắt đã rơi xuống “Một giọt nước oằn mi”. Nhưng giọt nước mặt ở đây nó hoàn toàn khác với giọt nước mắt của những đứa trẻ bị cha mẹ đánh mắng, bị người tình bỏ rơi. Nó có một sức nặng vô hình không thể cân đo đong đếm. Đó là sức mạnh của “Mãi mãi / hơn mười ngàn tuổi hai mươi ở lại/ Trường Sơn xanh quá/ những giấc mơ/ ngủ vùi trong đất” (Những chuyến đi dài hơn cuộc đời). Một sức nặng vô cùng hùng vĩ đè lên một trái tim đa cảm. Giọt nước mắt ấy lăn xuống đưa con người trở về thời nóng nung của bom rơi đạn lạc với câu hát như vang vọng trong im lặng “hỡi người con gái nắng non còn thêm bão giông”. Dường như Kim Nhung đang thấu hiểu nỗi lòng chờ đợi, những giọt nước mắt của những người con gái ngày đêm vẫn chờ đợi những người lính- người yêu của mình- nằm lại mãi mãi nơi Trường Sơn với tuổi hai mươi. Khói lửa bom đạn, cái nắng nóng bỏng rát miền Trung, màu máu của người lính, những giọt nước mắt xót thương đồng đội, đó là những ký ức của những năm tháng Trường Sơn xẻ dọc. Có lẽ đây là chuyến đi dài nhất của Kim Nhung trong cuộc đời của mình. Nhưng dài ở đây không phải là khoảng cách địa lý, mà là chiều dài của tâm thức, chiều sâu của lòng người trong sự tưởng tượng về một thời khói lửa.
Trong tưởng tượng của Kim Nhung, người lính trở về trong một sự trẻ trung, như cây cỏ non xanh đang cựa thức: “Những người lính trở về từ cỏ/ dấu ngụy trang tắm táp vội làm gì/ ta thèm một vết chim ri/ trên da anh ấu thơ cựa thức” (Thức cùng tưởng tượng). Anh- những người lính dường như bắt đầu mơ về những ngày tháng bình yên của mình: thằn lằn đuổi bắt, hương vị đồng quê, tiếng dế mèn, những đêm tình yêu. “Cỏ xanh không cần tưởng tượng” như một lời khẳng định về sự bất diệt của thanh xuân, của niềm tin, , sự hy sinh của các anh sẽ mãi mãi sống trong lòng người dân Việt Nam, như cây cỏ luôn mãi xanh như màu vốn có của nó.
“Đừng nhìn xa hơn phía ấy/ còn những đôi mắt chong đêm/ họ thầm thức về khói nhang say ngủ/ ai lay những vạt cỏ mềm” (Trước những ngôi mộ dọc biên giới). Những đôi mắt hay chính là những người lính nằm dọc biên giới. Họ tuy nằm xuống rồi nhưng dường như họ không ngủ, vẫn mải mê bắn với “những đường bay chao chát chân trời”. Đi dọc con đường biên giới ấy, Kim Nhung cảm thấy nó như dài vô tận, đi mãi chưa đến Kỳ Cùng, những ngôi mộ như mọc nhiều lên, như “cỏ mọc không cần biên giới”. Hình ảnh “cỏ cứ xanh ngằn ngặt đến giờ” như khơi lại một cảm xúc mãnh liệt trong lòng người con khi trở về nơi rừng thiêng ấy. Có nước mắt, nhưng có cả những niềm tự hào. Tâm hồn họ- những người lính ấy sẽ mãi mãi xanh như tuổi đời khi họ nằm xuống, như sự nhiệt huyết trong chiến đấu của họ, sẽ khơi gợi lên cho những thế hệ con cháu mai sau cũng sẽ thấm đượm một màu xanh tươi trẻ ấy vì quê hương dân tộc.
“Họ đến đây như một bến đợi/ chước mưu nào cũng dự cảm rủi may/ những được mất mang tên Tổ Quốc/ dều hóa bia im lặng nơi này”. Những tấm bia im lặng, không lời đứng cạnh nhau nơi núi rừng hùng vĩ. Họ- những người lính từ mọi miền Tổ Quốc không hẹn mà gặp, cùng đến đây và cùng nằm lại mãi mãi nơi này. Những tấm bia chạy dọc biên giới ấy làm thức tỉnh bao người con khi đặt chân đến đây. Những bí ẩn ngàn năm mãi mãi được lưu lại và chôn dấu tại nơi này, nơi những người lính dù trong tư thế nào cũng vẫn luôn sãn sàng bảo vệ cho Tổ Quốc thân yêu của mình.
“Thức cùng tưởng tượng” của Nguyễn Thị Kim Nhung là một tập thơ gợi lại cho mỗi người đọc chúng ta những suy tư, chiêm nghiệm từ những hồi ức xa xưa nơi làng quê, nơi phố phường, những năm tháng tươi trẻ, những nhận thức sâu xa trong tâm thức về miền biên ải. Để vẽ nên tất cả những bức tranh ấy, Kim Nhung đã xây dựng cho mình một ngôn ngữ thơ chính xác, giàu hình tượng, có tính truyền cảm, thể hiện một cá tính riêng của chị. Giống như Rita Dove- là nhà thơ và tiểu luận người Mỹ từng nói “Thơ là ngôn ngữ chưng cất mạnh mẽ nhất của bản thân tác giả”.
Ngôn ngữ thơ Kim Nhung giàu hình ảnh, đường nét, màu sắc, âm thanh có khả năng gây ấn tượng mạnh mẽ, tác động sâu xa vào trí tưởng tượng và cảm nhận của người đọc.
Để nói về những năm tháng nơi miền quê trung du nghèo khó, một loạt hình ảnh đượm chất quê được chị đưa vào những câu thơ của mình: trăng lưỡi liềm, mái rạ, ang nước, bờ đê mòn lở, bữa cơm rau đắng, đàn bò xuống núi, vườn cà, hàng rào dứa dại, căn nhà phên lếp, nhát dao… Tất cả đã tạo nên một bức tranh làng quê đơn sơ mộc mạc, ẩn chứa một ký ức về một thời trẻ thơ ngây dại với biết bao kỷ niệm vui buồn.
Để vẽ nên khung cảnh con người nơi phố thị với sự cô đơn lạc lõng, Kim Nhung sử dụng những hình ảnh: cây cầu gỗ mục, ấm trà ban mai, mặt hồ, tiếng nhạc nơi quầy bar, ly cà phê, đèn lồng đỏ mắt, bức tường gạch loang lổ, kim đồng hồ, ngựa trắng không ngủ… Kết hợp với những từ gợi tả: gượng ghẽ, rải rác, lau lách, mê mải, nông nổi, nông nỗi, dùng dằng, đắng đót, thao thức, rạo rực, ập òa, lênh loang, chệnh choạng, thầm thì, len lén, ồn ào, rêu rao, rỗng rễnh, thong thả, cuống quýt, nhợt nhạt, giậm giựt, quờ quạng, mỏi mệt, lê thê,… Mọi vật đã trở nên sống động, có hồn, có tâm trạng như chính tâm trạng con người vậy.
Để nói về sự thức tỉnh của một con người khi đã trải qua và trưởng thành, hàng loạt những hình ảnh sóng đôi với những từ láy kết hợp với động từ để tăng thêm phần hoang vu, hiu quạnh của con người: áo choàng- đi vào- ẩn ức, áng mây- bay- khát- cơn giông- tàn tệ, người hành khất- níu- chạng vạng, hoa tím- nở- rịm rịt- giấc mơ, lũ chuột- lích rích- tỉ tê- van xin- thỏa hiệp…
Hình ảnh trong thơ Kim Nhung còn được tạo bởi nhiều phương thức khác nhau: ẩn dụ, nhân hóa, hình ảnh hiển thị bằng thính giác, thị giác, bằng cảm giác hoặc siêu cảm giác. Đó là kết quả của khả năng quan sát tinh thế và nhạy bén của Kim Nhung: “Sự thảng thốt đẹp tựa nỗi đau”, “Tháng hai đến từ im lặng/ ồn ào ở phía khói sương”, “Ban mai gọi tên màu sắc/ màu sắc cúi đầu trước trắng đen”, “Đá núi từng là nỗi nhớ/ mềm và ướt dải biên cương”, “những giấc mơ/ ngủ vùi trong đất”, “ những người lính trở về từ cỏ”, “tiếng cười lặn vào lòng đất”, “đêm sốt ruột một vì sao lẻ”,…
Tóm lại, bằng chất liệu ngôn từ, thông qua khả năng quan sát tinh tế và cách vận dụng ngôn từ mang đậm phong cách riêng của mình, Kim Nhung không những tái tạo được những cái hữu hình mà còn tái hiện sinh động và gợi lên một cách trực quan những cái vô hình, những cái mỏng manh mơ hồ nhất. Để qua đó nói lên được cái tình cảm và cái chiều sâu thế giới nội tâm của mình, giúp khơi gợi nơi độc giả cái khả năng lĩnh hội và phân tích một tác phẩm văn học ở nhiều khía cạnh khác nhau. Giống như câu nói của Leonardo De Vinci: “Thơ là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm”.