Mẹ tôi

Nhân ngày 20/10; xin trích đăng một phần bài viết của Nguyễn Văn Nọi về Mẹ của mình. Hy vọng bài viết tả thực này; tuy là của riêng Nọi nhưng bạn đọc sẽ cảm nhận được tấm lòng của những người mẹ; người vợ; người phụ nữ ở quanh mình xuất hiện ở đâu đó trong bài viết.

 

Mẹ tôi quê ở làng Phò Trạch; xã Phong Bình; huyện Phong Điền; tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng Phò Trạch (Nệm) của mẹ tôi nổi tiếng với nghề đan nệm cỏ Bàng (một loại thảm giống chiếu cói nhưng mềm hơn và sợi dẹt to hơn cói). Làng Phò Trạch là một làng cổ; giàu và đẹp. Giàu không phải do làng nghề mà do hầu như nhà nào cũng có người thân đi lao động ở Lào; ở Thái Lan gửi tiền về để xây nhà, để thể hiện và vì thế nên nhà cửa, đường sá đẹp lên nhiều. Mẹ tôi là con gái thứ 2 trong gia đình có 14 chị em; 5 trai và 9 gái.

b1a-nvnoij-1697787754.jpg
 

b1ab-noi-1697787968.jpg

Hai ảnh trên do tác giả cung cấp.

 

Gia đình tôi về nước vào khoảng tháng 6 năm 1960 trên một chuyến tàu hàng; xuất phát từ cảng biển trên Vịnh Thái Lan (từ tp. Mukdahan; Đông - Bắc Thái Lan; các gia đình Việt kiều được vận chuyển bằng ô tô và tàu hỏa đến cảng). Các gia đình Việt kiều đều nằm ở khoang chứa hàng của tàu biển; mỗi gia đình được một khoảng rộng bằng hai tấm chiếu; bên thành khoang tàu có các ô cửa sổ tròn thông gió. Mọi người muốn thay đổi không khí hoặc ngắm biển thì có thể lên boong tàu; đấy là khi không say sóng; còn ai say sóng thì chỉ có nằm, nôn, ọe. 12 ngày lênh đênh trên biển cả; tôi không nhớ nhiều (vì mới 6 tuổi khi đó) tuy nhiên tôi nhớ có lần cá chuồn (hay cá chim) phi hàng đàn lên bong tàu trông thật lãng mạn. Sau khi cập bến Hải Phòng; các gia đình Việt kiều được phân bổ đi nhiều nơi. Gia đình tôi và một số gia đình khác được đưa về Bắc Giang và điểm đến là làng Thổ Hà. Tôi nhớ các gia đình Việt kiều được đưa qua sông bằng những con thuyền to của làng Nguyệt Đức. Phía bên Thổ Hà; dân làng đổ ra bờ sông như ngày hội; tò mò nhiều hơn là sự hân hoan chào đón.

"Gia tài" mà gia đình tôi mang về nước bao gồm: một chiếc giường dẻ quạt bằng gỗ lim; một chiếc ghế lười bằng gỗ lim (chiếc ghế dành cho bố tôi và đã theo bên ông đến cuối đời) và một chiếc rương (hòm gô) kiểu như những chiếc hòm trong truy tìm kho báu; chỉ có vậy (không xe đạp; không tiền vàng). Chiếc rương khá to nhưng luôn rỗng; một đứa trẻ lên 10 như tôi lúc đó có thể nằm gọn bên trong. Có lần đùa dại; tôi nằm trong đó và em tôi đóng nắp rương lại; cài móc làm tôi ngạt thở tý chết. May mà em tôi kịp mở ra để có người viết lại chuyện này.

Mẹ tôi người nhỏ nhắn; răng đen, có hai bàn chân đặc trưng của người giao chỉ (hai ngón cái choãi rộng ra phía ngoài). Tóc mẹ tôi dài đen, hầu như không có mấy sợi bạc khi về già; răng mẹ tôi nhuộm đen từ thời trẻ và còn chắc nguyên ở tuổi 90 (không có răng sâu). Mẹ tôi thích dùng dầu dừa để xức tóc; tôi luôn lùng mua dầu dừa ở Hà Nội và ở Thái Lan về làm quà cho bà (có lẽ nhờ vậy mà tóc bà luôn đen bóng). Mẹ tôi nghiện ăn trầu (có thêm chút thuốc lào hoặc thuốc lá); có lần ra nhà tôi; vì không có trầu nên bà gọi hàng xóm để hy vọng xin trầu (tôi và vợ đi làm nên phải khóa cửa nhà). Hàng xóm ở HN ngơ ngác không biết bà nói gì và họ không đáp ứng lại cái văn hóa làng xóm lạc lõng với họ. Từ đấy bà luôn giận người HN (tất nhiên không giận con bà). Khi răng bà yếu; tôi đã ra chợ Đồng Xuân mua tặng bà bộ cối giã (nghiền) trầu bằng đồng; còn ống nhổ bằng đồng, tôi đã mua cho bà trước đó.

Mẹ tôi sinh 12 đứa con (11 con trai; 1 cô con gái, chị trên tôi); có 2 lần sinh đôi. Bà mất 6 đứa con do sinh nở trong điều kiện thiếu thốn của dân du cư; 6 đứa con còn lại toàn là con trai. Tôi luôn ước rằng phải chi chị gái tôi còn sống để bầu bạn, chăm sóc bà lúc cuối đời (thật may vợ chồng em trai tôi đã làm thay khá tốt việc đó). Mẹ tôi kể tôi nghe; có lần bà phải tự sinh nở một mình ở một căn lều giữa rừng; bà tự tay lấy mảnh nứa cắt rốn cho đứa con mới sinh ra (tôi rùng mình; thấy thương mẹ nhiều hơn). Sau mỗi lần sinh nở; dù ở xứ nóng nhưng bà luôn được giữ ấm bằng than củi; thiếu thốn đủ bề; thật tội và thật can trường.

Khi về nước mẹ tôi có mang theo một đôi bông tai (hình giọt lệ hay tép bưởi) cỡ khoảng 1 chỉ vàng. Mẹ tôi không dám đeo mà chỉ gói vào mảnh vải cất trong túi áo hoặc vỏ gối (hồi ấy mấy ai dám đeo vàng ra đường; tôi biết là một lần vô tình thấy mẹ giở ra ngắm). Cuộc sống quá khó khăn nên mẹ tôi phải bán đôi bông tai kỷ niệm đó để trang trải cuộc sống gia đình; bán lúc nào tôi cũng không biết. Một lần tôi bắt gặp mẹ tôi bị một phụ nữ trẻ đẹp (xóm 1) chì chiết ngay giữa chợ Thổ Hà. Té ra mẹ tôi vay lãi để chi tiêu và không đủ khả năng trả nợ nên bị chủ nợ sỉ vả trước đám đông. Mẹ tôi lặng ngắt chịu đựng sự xỉ nhục; còn tôi cũng lặng ngắt đau đớn, thương mẹ mà chẳng biết làm gì (chưa đến 10 tuổi mà). Hình ảnh xót xa đó đã theo tôi suốt cuộc đời và tôi nguyện sẽ cố gắng để bù đắp cho mẹ.

Với 6 thằng con trai; mẹ tôi luôn dành cho mỗi đứa một trái tim trọn vẹn. Anh cả của tôi (ở Tuyên Quang) bị viêm cầu thận; ở bệnh viện mà anh đau đến mức phải kêu lên "mẹ ơi con đau quá". Anh (60 tuổi) khi đau chỉ kêu mẹ chứ không kêu vợ con; và mẹ tôi đã lặn lội lên Tuyên Quang để chia sẻ nỗi đau với con mình. (thời đó đi ô tô từ HN lên TQ phải mất 6 tiếng đồng hồ). Anh hai tôi; bắt đầu trụy tim trước khi mất cũng có mẹ tôi ngồi bên vỗ về.

Mẹ tôi có 4 thằng con trai đi bộ đôi đánh Mỹ; cả 4 đứa lành lặn trở về; mẹ tôi thật may mắn khi không phải là "mẹ VN anh hùng"; không phải đờ đẫn ngồi bên những chiếc bát, những đôi đũa cạnh mâm cơm lạnh ngắt của nhiều bà mẹ VN anh hùng. Tôi nhớ; mẹ là người tiễn tôi (một lính sv mới nhập ngũ 2 tháng) ra bến đò trả phép, sau kỳ nghỉ phép 12 ngày trước khi đi B (vào Nam chiến đấu). Đứng dưới gốc bàng; chờ đò sang; mẹ tuyệt nhiên không khóc; chỉ dặn đi dặn lại tôi "đừng bỏ trốn con nhé". Vậy đấy; một bà mẹ vùng quê, mù chữ mà có trách nhiệm với tổ quốc như vậy đó! Nhưng cũng người mẹ ấy khi thấy con xuất hiện sau 4 năm bặt tin lại khóc nức nở. Tôi nhớ lắm khi vác ba lô bước vào nhà (tháng 12/1975); mẹ tôi đang nắm than trong góc tối của bếp; trên phản ngoài nhà là đứa cháu gái 5 tuổi đang ngồi chơi một mình. Tôi gọi "mẹ"! Mẹ sững người đứng dậy nhìn tôi rồi òa khóc; hai tay vẫn lấm than. Đó là sự nức nở và những dòng nước mắt tích tụ tròng lòng mẹ tôi suốt 4 năm rồi; nước mắt dành cho ngày gặp mặt; tôi thấm điều ấy lắm.

Mẹ tôi là một người mẹ luôn chịu đựng; với con trai hay với con dâu bà không bao giờ thể hiện sự không bằng lòng ra mặt; bà không bao giờ kể tội con dâu với con trai; chỉ rất tinh ý mới nhận ra. Người già thường khó tính; nếu không ở với họ sẽ dễ bị hiểu lầm. Tôi thỉnh thoảng hay biếu mẹ tôi tiền mỗi khi về thăm bà (dù bà chẳng tiêu gì mấy ngoài việc dúi mấy đồng cho các cháu; hoặc mua thức ăn về cho con chó yêu của bà). Thế mà có mấy lần không hiểu giận dỗi gì vợ chồng cậu út; sẵn có tiền trong người bà đi lên Bố Hạ với gia đình anh cả tôi; chỉ vài ngày thôi, hết giận, mẹ tôi lại về Thổ Hà (đó mới là nhà Bà). Cậu em tôi sợ các anh hiểu lầm nên phân bua với tôi; các anh tôi cũng có khi hiểu lầm thật; nhưng tôi thì không vì tôi về thăm bà mỗi tháng nên hiểu vợ chồng cậu em đối xử với bà hiếu nghĩa nhường nào. Tôi giải thích cho các anh tôi biết tình huống câu chuyện để thông cảm; từ đó tôi cũng hạn chế biếu mẹ nhiều tiền theo nguyện vọng của cậu em.

Sau chiến tranh mẹ tôi đã về thăm quê (1975); thăm em gái và họ hàng của bà trong đó. Hồi ấy ở miền Bắc còn khó khăn; những người ở miền Bắc về thăm quê ở miền Nam; khi trở ra Bắc thường tay xách, nách mang đồ gia dụng (nồi, chậu thau nhôm...) do được biếu hoặc xin được ra Bắc cho gia đình dùng. Do văn hóa; do kỳ thị nên một số người thân ở miền Nam đã chê trách; khinh miệt người nhà từ miền Bắc vào thăm; mẹ tôi cũng là một nạn nhân cho mối quan hệ đấy; tôi đoán biết dù mẹ tôi chẳng bao giờ nói ra. Mấy lần tôi rủ mẹ tôi về quê; mẹ đều lắc đầu. Cả khi cô em gái của mẹ tôi ra thăm sau khi bố tôi mất; mẹ tôi vẫn lạnh nhạt với dì tôi như người dưng. Mẹ tôi là vậy đấy; thương mẹ lắm.

Trong mấy anh em; có lẽ tôi hay chăm chút cho mẹ nhất và có lẽ mẹ cũng đồng ý cho tôi chăm chút (chắc hợp ý mẹ). Tôi mua vỏ ăn trầu từ HN về cho mẹ; tôi mua dầu cá; sâm để mẹ uống và mẹ đều uống theo căn dặn của tôi (chứ không vứt bỏ). Tôi đặt may áo cho mẹ tôi tại một nhà thợ may từ Thái Lan về; những chiếc áo cánh có móc diềm cẩn thận; hợp với mẹ tôi lắm. Tôi chỉ áng chừng kích thước của mẹ tôi để may vậy mà vừa in; may nhiều áo đến nỗi tôi trở nên thân thiết với cả nhà thợ may Việt kiều ở Bắc Ninh ấy; thường xuyên ăn cơm và có khi ngủ lại tại nhà bác thợ may.

Tôi có nguyện vọng muốn đưa mẹ tôi đi vãn cảnh chùa Hương; nài nỉ mãi mẹ mới đồng ý. Không may hôm ấy trời lại mưa phùn, đường lên Động Hương tích đầy bùn nhão; rất nhiều người bị trượt ngã. Tôi sợ mẹ tôi ngã (khi đó bà đã ngoài 80 tuổi) nên những chỗ khó đi tôi đề nghị được cõng bà; mẹ tôi đồng ý; rồi hai mẹ con cũng lên được Động Hương Tích. Cả hai mẹ con đều vui. Giờ đây; mỗi lần nghe ca sỹ Hồ Hoàng Yến hát bài "Gánh Mẹ" của tác giả Qách been với những câu hát lay động lòng người:

"Mẹ ơi! Cho con gánh mẹ một lần.

Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con...

Sợ khi mẹ mất muộng màng gánh ai.." là tôi lại nhớ tới lần được cõng mẹ ấy; thấy nhẹ lòng hơn.

Những ngày tháng cuối cùng của mẹ tôi; tôi về thăm mẹ nhiều hơn. Mẹ tôi thường bị tụt huyết áp; ngã ngất ra đường. Não teo dần; trí nhớ giảm sút; không ăn được nên gầy rộc nhanh chóng. Tôi hay dìu bà ra hiên ngồi nói chuyện. Tôi nắm bàn tay gầy guộc của bà; bà nói "mẹ gầy quá nhỉ"; tôi đùa mẹ "tại thịt mẹ sang hết người con rồi này", nhìn mẹ cười mà tôi muốn khóc.

Mấy ngày cuối; ngay cả tên tôi bà cũng thỉnh thoảng quên; nhưng tên Thái, Nhung (tên vợ chồng cậu út) thì mẹ tôi luôn nhớ. Đôi lần thấy bà thảng thốt kêu Nhung ơi; Thái ơi.

Mẹ tôi ra đi nhẹ nhàng; không đau đớn; như đi vào giấc ngủ. Lúc mẹ tôi ra đi có tôi; vợ chồng cậu út và một bà hàng xóm đến thăm. Tôi lặng lẽ đặt một nụ hôn dài trên trán bà; nụ hôn đầu tiên và cũng là cuối cùng tôi dành cho Mẹ tôi.