Mẹ tôi và những người ăn mày

Ngày xưa, cứ sau mỗi mùa mưa bão, lụt lội hay có đợt hạn hán, hoặc vào dịp "ngày ba tháng tám" đói ăn, những người ăn mày dạt về quê tôi xin ăn.
lang-que-buon-1631956650.jpg
 

Ngày tôi còn nhỏ, thỉnh thoảng nhà tôi hay có những người ăn mày ghé vào "thăm". Những người ăn mày ngày xưa hình như không đáng sợ như những người ăn mày ngày nay. Tất nhiên đó là nhận xét phiến diện của tôi, chứ đã là ăn mày thật sự thì ai cũng đáng thương, đều nên được mọi người giúp đỡ.

Ngày nay, do có nhiều thông tin trên mạng xã hội, tất cả những người lạ đều không đáng tin. Dù là người bán hàng rong, người mặc đồ nhà chùa, kể cả những người ăn mày... trong đầu đa số người chỗ tôi sinh sống đều có mối hoài nghi, họ có thể tẩm thuốc mê, bắt cóc trẻ em... bất kể lúc nào. Do vậy mà khi không có đàn ông ở nhà, cửa cổng phải luôn khoá kĩ, người lạ không được vào nhà.

Ngày xưa, cứ sau mỗi mùa mưa bão, lụt lội hay có đợt hạn hán, hoặc vào dịp "ngày ba tháng tám" đói ăn, những người ăn mày dạt về quê tôi xin ăn. Họ có thể là những người nói tiếng trọ trẹ miền trung khó nghe, cũng có người ở ngay trong tỉnh, tôi nhớ mang máng là dân Quảng Thái gì đó. Đa phần họ là phụ nữ hoặc người già.

Ngày trước lũ trẻ con chúng tôi cũng không đến nỗi ác cảm với người ăn mày lắm, nhưng thường là hoặc coi thường họ, hoặc là cảm thương họ, một phần do những câu chuyện bố mẹ, ông bà thường kể, cũng có thể xem trên ti vi có những cuộc đời éo le, có khi thương cảm mà rơi nước mắt như Tống Chân Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn... Nhiều đứa trẻ xóm tôi thấy ăn mày còn chạy theo làm cái đuôi rồng rắn theo sau, xem họ qua các nhà ăn xin.

Những người ăn mày nhìn lam lũ, đầu tóc bù xù. Họ thường mặc bộ quần áo rất cũ, đội cái nón cũ rách, tay chống gậy và xách theo cái bị vắt ra sau lưng. Khi vào nhà, họ hay lí nhí, thì thầm to nhỏ, cũng chẳng ai kịp nghe họ nói gì, cả nhà tôi thường mặc định là họ đang trình bày nỗi khổ và xin ăn. Mẹ tôi thường sai chúng tôi chạy vào trong nhà cho họ gạo, hoặc thóc, hoặc vài củ khoai, hoặc vài bắp ngô... Tôi vẫn nhớ khi ấy hay cho họ nửa ống gạo hoặc xét ống, vì nhà tôi lúc đó chẳng khá giả gì, thậm chí nhiều đợt còn phải đi vay gạo, vay lúa về ăn.

Trong cái đầu thơ trẻ ấy, tôi luôn nghĩ những người ăn mày thường hôi hám, bẩn thỉu nên ít khi dám đến gần họ. Thương thì có nhưng khi đổ gạo vào túi hoặc bì cho họ là tôi chạy vào nhà ngay. Tất nhiên xin được họ cũng quay ra và lầm lũi đi sang nhà khác. Ngày ấy ăn mày cũng hiền, có hôm chỉ có hai anh em nhỏ bé ở nhà, tôi vẫn lấy cho họ nửa ống gạo, họ cũng chỉ đứng ở ngoài sân chờ tôi cho rồi đi. Lúc đó hầu như không có khái niệm bắt cóc hay vào nhà trộm đồ, lừa lọc như bây giờ...

Mẹ tôi rất thương những người ăn mày. Có thể do ngày ấy quê tôi cũng đói nghèo. Tất nhiên, khi tôi lớn lên cảnh ăn cơm độn sắn, ngô khoai, hay độn thân rau muống già phơi khô chỉ còn là cổ tích... Cũng có thể khi còn trong đoàn kịch của làng, mẹ hay đóng những vở kịch có người ăn mày đáng thương. Mẹ thường dạy chúng tôi biết thương người đói khổ. Nhiều khi nhà đang phải đi vay gạo ăn những ngày "ba tháng tám", gia đình tôi vẫn sẵn sàng cho những người ăn mày ấy. Mẹ bảo, một miếng khi đói bằng một gói khi no, mình khó khăn nhưng họ có khi còn khó gấp trăm nghìn lần mình.

 Cũng có lúc chúng tôi thắc mắc, biết đâu họ lừa mình thì sao, mẹ bảo, thà mình cho nhầm còn hơn không cho, lỡ người ấy khó khăn thật mình không cho có phải tội họ không. Có nhiều nhà không cho ăn mày đâu, họ thường chửi bới xối xả, đến mức chúng tôi đứng ngoài cổng nhìn vào cũng thấy sợ. Họ còn suỵt chó đuổi ăn mày. Có đứa khi thấy ăn mày định vào nhà khó tính, còn báo cho người ăn mày đừng mất công vào nhà đó nữa.

Vào lúc cả nhà đang ăn cơm hay có ăn mày. Mẹ thường mời họ ăn cơm. Ngày ấy tôi không thích vậy. Thương họ thì có nhưng mời họ ăn thì không muốn. Mẹ bảo chúng tôi, ăn mày họ cũng là con người, họ đâu có muốn làm ăn mày. Mẹ cũng thường hỏi han về gia cảnh, họ thường kể về vùng đất họ ở Nghệ Tĩnh, Quảng Trị... mất mùa bão lũ buộc họ phải dạt đi khắp nơi xin ăn. Nhiều người thường cầm tô cơm ngồi ở mép hè ăn, có khi có người được mời ăn cùng mâm nhưng thường thì tôi đã ăn xong. Tôi sợ ăn chung với ăn mày...

Hôm nào có ăn mày qua, mẹ lại kể chuyện ngày xưa đói khổ, mẹ kể chuyện những cảnh đời gian khó. Mẹ bảo, cho họ bát cơm có khi cứu được mạng người. Xưa, có người ăn xin chết đói ngoài gốc phượng đầu phố. Khi nghe tin có người chết đói vậy, tôi cũng rất cảm thương cho họ.

Những năm gần đây, quê tôi vắng bóng ăn mày. Có thể đời sống người dân các nơi đã đỡ khó khăn, bởi ngay quê tôi từ vùng thuần nông đã chuyển mình thành vùng công nghiệp với san sát các công ti, có thể người dân vùng bão lũ hạn hán đã được nhà nước hỗ trợ khắc phục khó khăn kịp thời...

Suy nghĩ con người mỗi thời mỗi khác, suy nghĩ các thế hệ lại càng khác nhau. Ngày nay, qua phương tiện thông tin và truyền miệng, những vụ bắt cóc, lừa lọc được người quê tôi rất cảnh giác. Tuy vậy, tôi vẫn dạy các con, bên cạnh sự cảnh giác vẫn dành bên mình tấm lòng thương người như thể thương thân...

 

Theo Chuyện làng quê