Memot

Nguyễn Thế

18/09/2022 23:39

Theo dõi trên

Memot, một thị trấn nhỏ sát biên, thuộc tỉnh Kongpong Cham (Campuchia) nằm trên quốc lộ 7 cách thị xã Kongpong Cham gần 100 km và cũng cách thị xã Tây Ninh của VN chừng 80km tính theo đường chim bay.

305374909-1427555251085239-8451419749950650105-n-1663391455.jpg
Phong cảnh đất nước Campuchia (sưu tầm)

Là thị trấn vùng biên nhưng tương đối đẹp, những căn nhà sàn theo đúng kiến trúc của người Khmer. Nơi đây sau này 10/1978: Hengsom Rin đang là sư đoàn phó kiêm bí thư của một sư đoàn, thuộc quân khu 203 của Khơme đỏ, cùng một số binh lính có nguy cơ bị Ponpot thanh trừng tìm đường theo về ta, được ta giúp đỡ(8/1978) kết hợp cùng Hunsen (trước đó, tháng 6/1977 Hunsen đã dẫn theo một số người phản chiến chạy sang) tập hợp các lực lượng; tiến tới thành lập “Mặt Trận Đoàn Kết Dân Tộc Cứu Nước Campuchia” Memot trở thành căn cứ kháng chiến của Mặt Trận.

Gần một ngày ngồi xe từ Sa Nghe, nơi hậu cứ của sư đoàn đi đường Trần Lệ Xuân nẩy tưng người... con đường xuyên rừng chạy theo tuyến biên giới này, do Trần Lệ Xuân mở ra nhằm vận chuyển gỗ và hàng lậu từ Campuchia về VN trong thời gian Ngô Đình Nhu làm cố vấn đặc biệt, thời Việt Nam Cộng Hoà. Giờ trở thành con đường chiến lược chuyên chở lương thực, vũ khí phục vụ cuộc chiến Tây nam của bộ đội ta. Đường rừng gập ghềnh rất khó đi, để chống sình lầy lực lượng công binh, cụ thể là C15 thuộc Tiểu đoàn 17 công binh của F10 phải cưa từng đoạn thân cây rồi đem lát ngang dưới lòng đường khi xe chạy qua sẽ không bị lún. Ngược chiều với chúng tôi trên đường thỉnh thoảng có những chiếc GMC, gác trên thùng xe là những tử sỹ được bó vào cáng, một đầu cáng ghếch lên thành trước của thùng xe ... có xe đang chạy, có xe tạm dừng nghỉ bên đường do lái xe quá mệt. Họ đã phải chạy suốt đêm qua.

Tiểu đoàn tới nơi tập kết trời cũng vừa tối... tất cả nghỉ tạm một đêm trong các ngôi nhà bỏ không nằm sát ven lộ 7. Không đèn, không phương tiện thắp sáng chúng tôi mò mẫm đi tìm nước, trong vườn có những chiếc giếng nhưng không ai dám tắm giặt, chỉ rửa chân tay cho hết bùn đất khi di chuyển trên đường mà thôi. Nhớ đã có trường hợp khi trời tối lính ta dùng cạn nước mà không biết, hôm sau trời sáng rõ mới phát hiện đáy giếng có đầy xương người, những người dân bị Khmer đỏ đập đầu rồi quăng xuống giếng.

Sáng nay 20/6/1978 chúng tôi được chia bổ sung về Trung đoàn 24 và 28 của F10, thằng bạn thân Minh Đen, Sơn cùn, Lợi kều, Long điên, cùng một nửa quân số cuốc bộ rẽ tay phải về hướng bắc, hướng thị trấn Snoul chừng hơn chục cây số nơi trung đoàn 24 đang tác chiến. Quân số còn lại rẽ trái chếch hướng tây hướng tỉnh lỵ Kongpong Cham, vùng tác chiến của E28. Tôi cùng thằng Hưng người Đông Anh về trung đội thông tin của tiểu đoàn, còn 5 thằng khác về trung đội vận tải. Thằng Trị kều Yên Lãng, Tuấn bẩn Đoàn Thị Điểm về C7. Dinh chéc Đông Anh, Bùi Văn Chạy Hoà Bình về C6. Thằng Quế khàn Yên Lãng, thằng Mai Vĩnh Phú và mấy thằng nữa về C5, thuộc K2 còn lại chia về K1 và K3 tất cả chừng 50 thằng.

Lững thững đeo ba lô đi bộ trên con đường của thị trấn... thị trấn không bóng người dân, chỉ có các ngôi nhà bỏ không nằm giữa những khu vườn trông hoang vu, thỉnh thoảng có những chiếc xe quân sự chạy ngang qua, đi hoặc về từ mặt trận. Theo chân anh Long quân lực chúng tôi về tạm nghỉ ở bếp ăn của đơn vị đóng trong các bản, tôi và mấy thằng lính trực thuộc về bếp tiểu đoàn bộ. Dặn chúng tôi ở lại, anh qua Sở chỉ huy Trung đoàn cũng ngay gần đây, ngày mai anh sẽ quay lại rồi cùng về tiểu đoàn. Anh Ký bếp trưởng vui vẻ đón... trò chuyện cùng anh, được biết anh quê Vĩnh Phú cùng mấy anh cũng đều là lính 72, đang chờ đủ 5 năm để phục viên lúc quân đoàn còn ở Tây Nguyên, nay vào chiến đấu tất cả bị hoãn. Mấy anh đi 73, năm 1976 đủ tiêu chuẩn ba năm nên đã xuất ngũ về hết, anh ca cẩm: ” biết thế đéo chờ đủ 5 năm lấy cái tiêu chuẩn phục viên, về mẹ xuất ngũ cũng được có phải đang ở nhà với vợ con, đâu phải còn ở đây biết đến bao giờ hết chiến tranh để trở về...“. Thật ái ngại cho các anh từ 72 cho đến giờ đã là sáu năm, mới kịp đi phép một lần về lấy vợ nay thì lại biền biệt...

Nằm gối đầu lên chiếc ba lô, trong căn nhà sàn rộng rãi của người khmer nơi viễn xứ, ngoài kia tiếng pháo vẫn “... ầm... ầm...” vọng về từ hướng mặt trận... (còn nữa).

Đời chinh chiến ra đi vì đất mẹ

Ngắm sao trời lặng lẽ giữa màn sương

Trăng viễn xứ trăng kia sao không tỏ

Đêm chiến trường... lòng lại nhớ quê hương.

Hà Nội 2/7/2018

Trích trong: VÀ MỘT THỜI CHÚNG TÔI LÀ NHƯ THẾ

 

Chuyện Quê

Bạn đang đọc bài viết "Memot" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn