Miếng da trâu

Chiều, vợ mua ít vó bò chấm tương gừng cho chồng nhắm rượu. Gắp miếng vó bò chấm đẫm tương, nhai sần sật chợt nhớ đến miếng da trâu năm ấy ở Khe Cóc.
minh-hoa-1666107695.jpg
Ảnh tác giả minh họa

 

Mười sáu tháng Chín năm Bảy hai, trung đoàn rút khỏi Thành cổ Quảng Trị. Ra Ba Lòng rồi hành quân về Khe Cóc. Lính tráng mệt rã rời. Lại đói. Thiếu chất tươi. Lúc hành quân dọc con suối, nhìn thấy rau dớn mỗi lính hái một nắm. Rồi gặp trên bờ suối một bộ xương trâu có cả da, còn mới. Cậu Hải quê Thái Bình dừng lại, rút dao găm cạo ít thịt trâu còn dính ở dẻ sườn, miệng lẩm bẩm “Đứa nào ăn uống mà phí của giời thế”. Chiều ấy, trung đội được món canh rau dớn nấu với thịt trâu vụn. Lính tráng xì xụp đến thìa canh cuối cùng. Hôm sau nữa, hết nạc vạc đến xương, mấy dẻ sườn được mang về đập dập rồi ninh lên lấy nước nấu canh. Cả bộ xương trâu chả còn gì. Miếng da trâu nằm bên bờ suối tênh hênh như thách thức. Rồi cậu Hải bảo “Em sẽ làm món giò mời các anh xơi”. Ái chà. Nghe đã thấy toát mồ hôi lưỡi.

Mình với cậu Hải ra suối, đun một xoong nước to rồi tha miếng da trâu cắt từng miếng nhỏ thả vào. Miếng da trâu làm sạch xám ngoét, ghê ghê. Hải bảo “Không sao đâu. Ngon đấy “. Nhìn miếng da trâu, mình nhớ đến truyện đắm tàu nào đó người ta mang cả da giày ninh lên để ăn. So với da giày thì da trâu tươi chắc ngon hơn. Rồi cậu chàng xát muối vào da trâu. Rồi da trâu được cuốn trong lá dong, gói chặt. Lá dong ven suối mọc đầy, thiếu gì. Hai anh em lễ mễ khiêng đống “giò trâu” cho vào nồi ninh. Lâu lắm. Hết một chiều và một đêm. Sáng hôm sau, vớt ra rồi cho xuống suối rửa sạch. Rồi lại ngâm dưới suối. Đến trưa, cậu Hải trịnh trọng gỡ từng lớp lá dong. Một thỏi gì đen đen, trong trong. Ngửi, thấy mùi trâu hăng hăng. Cậu Hải lấy dao găm xắt một miếng, rồi đưa vào mồm nhai. Cả trung đội trợn mắt nhìn. Chảy nước miếng. “NGON!”. Hải dõng dạc tuyên bố. Mình thò tay nhón một miếng. Dai dai. Hôi hôi. Sần sật. Rồi nuốt ực. Chả biết có ngon không. Nhưng đó là thịt. Thịt thì ăn được.

Năm mươi năm đã trôi qua. Nửa thế kỷ đấy. Ít đâu! Gắp miếng vó bò mà lòng rưng rưng nhớ một thời chinh chiến…

Chuyện Làng Quê