Tận cùng nỗi đau tiểu đường: Khi tình yêu thương trở thành “liều thuốc quý”!

Tâm Hồng

28/09/2021 21:41

Theo dõi trên

“Hơn 3 tháng nay, kể từ ngày giãn cách, tôi mới lại về quê. Cảnh vật quê hương vẫn vậy, đồng ruộng mênh mông, gió lạnh man mát, luồn qua kẽ tóc từng hơi dài.

chuy-lang-qu2x-1632839059.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Đang thẩn thơ đi bộ vào đầu ngõ, tôi va phải một chiếc xe Dream cũ, phi vội từ phía bên trong ngõ đi ra. Ngẩng đầu lên định mắng, tôi mới chợt nhận ra là người quen: Vợ chồng bác Viễn, hàng xóm gần nhà tôi.

Sau xe là bác Viễn, ngồi xẹo hẳn sang một bên xe và bác trai phải quàng một tay ra phía sau để đỡ. Tôi chưa kịp gặng hỏi, bác vội vàng xin lỗi, nói rồi, phóng xe đi thật nhanh.

Thấy cảnh tượng người cao tuổi như các bác bị bệnh tuổi bủa vây, đau đớn, hớt hải thế kia, tôi lại thấy thương. Bất giác, tôi nóng ruột, lo cho bố mẹ già ở nhà.

Ba chân bốn cẳng, tôi chạy vội về, vừa đến cổng, thấy mẹ tôi gọi với: “Con gái mẹ về rồi đấy à? Vào nhà nhanh không có nắng lắm con!”.

Mẹ vội đi chân đất, tay còn cầm cái muôi khuấy cám, mẹ vồn vã giật vội cái túi rồi lau mồ hôi cho tôi. Mẹ bảo: “Mẹ đang dở tay, nấu nồi cám cho lợn, con vào nghỉ ngơi đi không nóng!”.

Mẹ tôi cứ lạ thế đấy, cứ như thể tôi là “khách quý”, hoặc đứa trẻ con không thể lau nổi giọt mồ hôi của chính mình vậy.

Đợi mẹ vào nhà, tôi kể về lúc gặp vợ chồng bác Viễn. Lúc này, khuôn mặt mẹ rầu hẳn, mẹ nói: “Bác Viễn có tiền sử bệnh tiểu đường, con ạ. Hạ đường huyết xảy ra như cơm bữa ấy. Hôm nay, bác trai phải đi giao chiếu, có lẽ bác gái ở nhà một mình, bị tụt đường huyết cũng nên. Chắc hai vợ chồng nãy lại ra trạm xá xin thuốc.

Tuổi già mà con, gần đất xa trời, lại mắc thêm cái căn bệnh chết tiệt này, thì rõ tội thân!”

Cứ dăm ba hôm, bác Viễn lại ngất một lần, bác trai bỏ dở cả công việc bán chiếu thường ngày, để ở nhà chăm vợ. Suốt rồi, nhìn lại người quê tôi, ai cũng nghèo, cũng khổ. Vợ chồng bác Viễn thì không có con, hai người nương tựa nhau để sống, rau cà thêm mắm, sống qua ngày, nhưng đổi lại, họ rất hạnh phúc.

Song cũng vì nghèo, vì ăn uống thất thường, chủ yếu toàn gạo trắng, thêm mấy con cá khô nên đường huyết bác Viễn cứ thế tăng giảm thất thường, có hôm nặng quá mới ngất, mới hôn mê.

Thế rồi, chẳng biết ai mách bác Viễn bài thuốc chữa bệnh bằng lá ổi. Mẹ tôi bảo, ngày nào cũng thấy bác ấy sắc uống, mà có thấy đỡ, thấy khỏi tẹo nào đâu. Thi thoảng uống, vì không hợp, còn nôn lên nôn xuống ấy.

Bệnh thì ngày một nặng, nhiều lúc bác Viễn còn lặng người hồi lâu, khi nói chuyện với mẹ, bác buồn vì có hai vợ chồng già, không con cái, giờ chẳng may bác mất thì bác trai khéo cũng chỉ được ít bữa…

Hai hôm sau, tôi qua nhà bác Viễn để hỏi thăm xem bác đã đỡ hơn chút nào chưa. Thấy bác ngồi đầu hè, còn rạng rỡ, trêu: “Con gái lớn mà sao mãi chưa chịu lấy chồng, cháu?”. Hai bác cháu cứ thế cười nói rôm rả!

Ấy thế mà tự dưng, đang đứng lên, bỗng bác Viễn ngồi quỵ xuống, người cứng đờ, mắt bác trừng trừng, chỉ thấy mỗi lòng trắng, người bác vã mồ hôi. Bác vội khua tay, nắm lấy chân tôi, ú ớ…

Từ nhà bác, tôi la lớn sang tận nhà mình, nhà chị Huyền bên cạnh. Mọi người túm tụm lại, cùng nâng bác Viễn đặt lên xe, chở bác ngay tới trạm xá. Lần này, bác trai không có nhà.

Vừa về đến, nghe tin vợ ngất, bác hớt hải chạy vội ra trạm xá với vợ. Vừa đi bác vừa ngấn lệ, bác than: “Ông trời ơi, bao giờ, đến bao giờ… ông mới buông tha cho vợ chồng tôi…”. Giọng bác ca thán đến bất lực…

Tưởng đâu rằng, tình cảm thiêng liêng của vợ chồng bác sẽ cảm hoá được ông trời. Nhưng không, bác gái vì đường huyết tăng cao, liên tục trong một thời gian dài, đã dẫn đến xuất huyết não, miệng bác méo hẳn sang một bên, bác khó vận động và không thể nói chuyện như bình thường được.

Bác nhìn bác trai ú ớ, rõ là bác vẫn nhận biết được mọi thứ nhưng không thể nói, nước mắt bác chảy ròng, mắt bác đỏ hoe, bác nhìn khuôn mặt bác trai, mãi không rời.

Còn lại, bác trai ngồi kế bên, nắm lấy tay bác Viễn, vuốt tóc rồi đấm bóp chân cho vợ. Cử chỉ của bác rất ân cần, vừa lau mồ hôi cho vợ, bác trai vừa cười bảo: “Mình sẽ mau khỏe thôi, chiến tranh còn không sợ, căn bệnh nhỏ nhoi là thứ gì, sao có thể chia rẽ chúng ta được cơ chứ…”.

Nhìn hai bác ai nấy cũng xúc động rơi lệ, cả phòng im bặt, để hai bác trò chuyện với nhau. Tuy bác gái không thể nói, nhưng chỉ cần nhìn vào đôi mắt, là bác trai có thể hiểu bác gái đang cần gì. Vợ chồng bác Viễn là minh chứng cho tình yêu vĩnh cửu mà lâu nay tôi vẫn luôn ngờ vực.

Tôi đến bên động viên hai bác và cũng qua lời khuyên của bác sĩ, tôi nhận thấy những điều mà bác sĩ chia sẻ cho người bệnh tiểu đường tương tự như những kiến thức tôi đọc được trên kênh thông tin “Chuyện tiểu đường”.

Những kiến thức mà tôi lướt đọc trên trang mỗi ngày rất bổ ích và thiết thực với người bệnh tiểu đường. Từ phương pháp ổn định đường huyết cho người bệnh, hạn chế tối đa biến chứng, đến thực đơn ăn uống, chế độ tập luyện một cách cụ thể, để bệnh nhân tiểu đường sống khỏe mỗi ngày.

Và rồi, ba ngày nghỉ ở nhà, tôi đã ghi rõ từng loại thực phẩm, từng món mà bác Viễn nên ăn ra một cuốn sổ để gửi bác trai nấu. Bao nhiêu gam thức ăn là đủ, cách nấu như thế nào, thêm số lượng rau ra sao, tôi đều ghi lại đầy đủ như trên trang Chuyện tiểu đường hướng dẫn. Tôi khuyên hai bác nên dành thời gian vào sáng sớm hay chiều muộn tập các bài tập thể dục đơn giản cùng nhau.

Tôi còn tặng hai bác chiếc loa nhỏ, để chiều đến, hai bác bật loa lên, nghe những nội dung của Chuyện tiểu đường, chứ không phải đeo kính lão mà đọc. Thật tuyệt!

Từ hôm đó, cứ cách vài ba hôm, tôi lại gọi về, hỏi thăm tình hình bác Viễn, bác ấy vẫn đang bấm huyệt, tập luyện cơ miệng tại nhà.

Trên tất cả, là hai bác vẫn kiên trì dành tình cảm cho nhau, cho cuộc sống này. Đấy mới là điều đáng quý, khiến tôi cảm động.

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Tận cùng nỗi đau tiểu đường: Khi tình yêu thương trở thành “liều thuốc quý”!" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn