Mít đèo

Vượt quãng đường gần trăm cây số lên thủ đô thăm ông cậu ruột. Quà quê đơn giản có hơn chục cân gạo, vài quả mít, mấy mớ rau nhà tự trồng được.

Mấy đứa em con ông cậu nhìn mấy quả mít, nhưng quả nào cũng méo vẹo…thấy lạ, liền hỏi “Mít gì mà méo thế, ăn có ngon không anh?”.

mit-deo-1652154222.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Tôi trả lời “Mít đèo đấy! Ngon lắm”.

Mấy đứa em thấy bảo mít ngon, lấy dao ra bổ luôn…mùi thơm đặc trưng tỏa khắp nhà.

Sau khi ăn thử, mấy đứa em thốt lên. Anh ơi! Đúng là mít trồng trên đèo có khác. Ôi ngon thế, ngon hơn mít thái, mít giai mua ở chợ. Mấy đứa em vừa ăn mít vừa khen rối rít.

Các em tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố. Mặc dù đã trưởng thành, nhưng làm sao mà biết được mít đèo là gì? Những câu nói và nhận thức ngây ngô…của mấy đứa dễ thương quá! Tôi định giải thích ngay, nhưng các em đang vui với suy nghĩ mít trồng trên đèo thì ngon…Vì vậy đợi khi nào các em về quê, tôi sẽ đưa xuống thăm mấy cây mít trong vườn nhà tôi, lúc ấy sẽ giải thích cho các em biết thế nào là “Mít đèo”.

Một tuần sau các em tôi từ Hà Nội về quê. Về đến nơi mấy đứa đã sốt sắng bảo anh đưa đi xem “Mít đèo”. Tôi lấy xe ô tô chở các em xuống vườn nhà tôi vừa thăm vườn, vừa xem mít.

Chỉ tay lên cây mít trĩu quả, tôi giải thích “Mít đèo” không phải là mít trồng ở trên đèo. Những quả mít bình thường tròn và lây đều thì không nói làm gì. Còn những quả mít méo vẹo, người ở quê gọi là “Mít đèo”. Quả mít đèo bao giờ cũng nhỏ hơn quả mít bình thường trên cùng một cây mít.

Nghe xong! Các em tôi cùng ồ lên “Ôi…bây giờ chúng em mới biết. Nhưng tại sao mít bị méo vẹo mà ăn vẫn ngon thế?”.

Tôi giải thích thêm, những quả mít bị méo vẹo là do bị ảnh hưởng của các yếu tố như thời tiết, sâu bệnh, chăm bón…còn mít ngon thì phải do giống kết hợp với chăm sóc nữa.

Nhưng quả mít đèo, đúng là ăn ngon hơn những quả mít bình thường trên cùng một cây mít. Bởi vì những quả mít bị méo vẹo, thì những chỗ méo vẹo không có múi, nó chỉ có múi ở phần không bị méo vẹo, nên ít múi hơn. Quả mít tập trung chất dinh dưỡng vào các múi ấy, nên ngọt hơn, ngon hơn. Nhưng nếu đem ra chợ bán, thì người ta chỉ bán những quả mít tròn, lây đều; vừa dễ bán, lại được giá hơn vì mã đẹp.

Tiện thể tôi đưa ra cây khế, chỉ cho các em biết quả khế đèo. Ra luống dưa chuột, chỉ cho các em biết quả dưa đèo.

Hái vài quả dưa chuột cho các em ăn, vừa ăn dưa tôi vừa giải nghĩa câu “Hồng tròn, thị méo, dọc vẹo trôn” có nghĩa là khi đi chợ chọn mua các loại quả. Nếu mua quả hổng thì chọn quả tròn sẽ ngon ngọt hơn; mua quả thị chọn quả méo sẽ thơm hơn; mua quả dọc thì chọn quả vẹo trôn sẽ ít hạt và chua hơn.

Mấy đứa em con ông cậu tôi, đứa nào cũng tốt nghiệp đại học, có việc làm và thu nhập ổn định trên thành phố. Nhưng đây là lần đầu được nghe và giải thích về những từ ngữ này.

Không giấu nổi cảm xúc, các em tôi tâm đắc: Anh ơi! Có lẽ đây là buổi học trực quan, thực tế…thật có ý nghĩa đối với chúng em. Làng quê mình còn ẩn chứa nhiều câu nói, từ ngữ…nghe tưởng lạ, nhưng giản dị, thú vị và thân thương quá!

Chuyện làng quê