Mở cửa du lịch quốc tế từ 15/3: An toàn, linh hoạt, hiệu quả - Cơ hội và thách thức

Ngành du lịch chính thức mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3. Đây vừa là cơ hội và cũng là những thách thức cho các công ty du lịch, lữ hành trong việc thích ứng trong điều kiện bình thường mới.

Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam xung quanh nội dung này. 

Chú thích ảnh Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2 năm nay đã tăng 49,6% so với tháng trước và tăng 169,6% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh tư liệu: TTXVN

 

Từ ngày 15/3, Việt Nam mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, xin ông cho biết, ngành du lịch đã có sự chuẩn bị như thế nào cho sự trở lại này?

Hiện nay, các công việc chuẩn bị triển khai mở cửa như đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, quảng bá điểm đến, xúc tiến sản phẩm, liên kết, hợp tác… đã được tiến hành nhằm đảm bảo khi mở cửa lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đều sẵn sàng đưa ra các sản phẩm phù hợp với xu hướng, nhu cầu và tình hình mới.

Ngành du lịch đã có soạn thảo phương án mở lại dịch vụ du lịch làm sao đảm bảo việc an toàn phòng chống dịch nhưng tạo thuận lợi hết mức cho các cơ quan, doanh nghiệp du lịch và du khách. Đồng thời, áp dụng đồng bộ trên toàn quốc, đảm bảo an toàn khoa học và hiệu quả.

Chúng tôi biết Bộ Y tế đã soạn thảo các văn bản thay thế quy định cũ, liên quan tới khách nhập cảnh, các điều kiện chống dịch… Mong rằng trong điều kiện hiện nay, Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để ngành du lịch có thể áp dụng khi mở cửa trở lại.

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và triển khai các gói kinh phí hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng lao động trong ngành du lịch.

Tổng cục Du lịch tiếp tục kiến nghị Chính phủ kéo dài chính sách về giảm giá điện, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên đến hết năm 2023.

Để tăng cường truyền thông mở cửa đón khách, Tổng cục Du lịch có kế hoạch tăng cường chiến dịch truyền thông, quảng bá với chủ đề: “Live fully in Vietnam” - “Trải nghiệm trọn vẹn ở Việt Nam”.

Tổng cục Du lịch hướng các doanh nghiệp tìm đến là thị trường các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Âu, châu Úc…; trong đó ưu tiên những nước có chính sách công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với Việt Nam. Các nước được miễn thị thực (trong trường hợp chính sách miễn thị thực được khôi phục như trước dịch).

Để mở cửa du lịch an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, theo ông, sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, doanh nghiệp như thế nào?

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên vùng, liên ngành cao. Do đó, du lịch chỉ có thể phát triển khi có sự phối hợp, đồng thuận của các Bộ, ngành, địa phương. Theo đó, để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.

Về vấn đề công nhận hộ chiếu vaccine, do hiện nay, chưa có nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam cho nên hoạt động du lịch đưa người Việt Nam du lịch nước ngoài sẽ gặp khó khăn. Ngành du lịch sẽ tiếp tục cùng với ngành ngoại giao phối hợp với ngành y tế tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận Chứng nhận tiêm chủng COVID-19 của Việt Nam.

Trong điều kiện bình thường mới hiện nay, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến như: chính sách đơn phương, song phương miễn thị thực và cấp thị thực điện tử cho công dân từ các thị trường nguồn tiềm năng của du lịch Việt Nam như thời điểm trước dịch COVID-19.

Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ 15/2/2022, các chuyến bay quốc tế thường lệ trở lại hoạt động như trước khi xảy ra dịch COVID-19. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các hãng hàng không phối hợp với các doanh nghiệp du lịch tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với khách nhập cảnh.

Theo ông, ngành du lịch, doanh nghiệp du lịch gặp những trở ngại gì khi mở cửa trở lại, Bộ có sự hỗ trợ như thế nào để việc mở cửa được an toàn, hiệu quả?

Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, đến nay, phần lớn các doanh nghiệp du lịch đã rơi vào tình trạng rất khó khăn, thậm chí là kiệt quệ. Do vậy để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại ngành sẽ kiến nghị kéo dài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên đến hết năm 2023.

Ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ phục hồi du lịch; trong đó, có hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19. Bên cạnh đó, triển khai các nhiệm vụ phục hồi ngành du lịch từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Xây dựng và triển khai các gói kinh phí hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng lao động trong ngành du lịch tại một số địa bàn.

Ngành tổ chức các đoàn khảo sát cho doanh nghiệp du lịch kết nối, xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan quản lý du lịch tại địa phương có hướng dẫn đối với cơ sở du lịch trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch, phương án xử lý phòng, chống dịch; phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ nhân lực du lịch cho phù hợp với tình hình mới.

Ngành du lịch rút được kinh nghiệm gì sau thời gian thí điểm mở cửa du lịch?

Với việc triển khai chương trình thí điểm, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực cũng như trên thế giới mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế đến một cách chủ động, qua đó thể hiện uy tín và năng lực phòng chống dịch COVID-19 của đất nước thời gian qua, khẳng định chủ trương đúng đắn về “chiến lược vaccine” của Đảng, Chính phủ.

Tuy nhiên, chương trình thí điểm vừa qua mới đón được số lượng khách du lịch chưa nhiều, chỉ khoảng trên 10.000 lượt khách, do một số quy định hạn chế. Đó là việc áp dụng chính sách xét duyệt nhân sự, cấp thị thực nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc kết nối lại, thu hút du khách từ các thị trường trọng điểm trước đây vốn đã được Chính phủ đồng ý miễn thị thực, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến du lịch trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực áp dụng chính sách thị thực linh hoạt hơn đối với du khách quốc tế.

Việc quy định đối với du khách chỉ được tiếp xúc với cộng đồng sau khi đã tham gia các chương trình du lịch trọn gói, tại các điểm được chỉ định sẵn, trong thời gian tối thiểu 7 ngày của chương trình thí điểm gây khó khăn trong việc thu hút khách nghỉ dài ngày, nhất là các thị trường các nước Đông Âu.

Du khách mong muốn được tự do di chuyển và lựa chọn dịch vụ do cộng đồng dân cư địa phương cung cấp, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh.

Chương trình thí điểm chưa quy định được đón khách du lịch quốc tế đến bằng đường bộ và đường biển, trong khi lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua hai hình thức này rất tiềm năng. Đó cũng là một trong những hạn chế để có thể thu hút và gia tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế đến.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 10688/BYT-MT ngày 16/12/2021, các doanh nghiệp lữ hành có thể tổ chức cho du khách đi du lịch nước ngoài (outbound). Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế chưa khả thi do chưa nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam.

Vì vậy, việc mở cửa lại hoạt động du lịch các doanh nghiệp cần chú ý các vấn đề như: đảm bảo an toàn phòng chống dịch là điều kiện tiên quyết đón khách du lịch. Để mở lại hoạt động du lịch hiệu quả, an toàn trong thời gian tới, việc đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch phải được các địa phương, doanh nghiệp du lịch quán triệt triển khai và được xem là nội dung ưu tiên hàng đầu trong hoạt động du lịch.

Các công ty cần tăng cường khai thác các đường bay quốc tế kết nối các thị trường trọng điểm với các điểm đến du lịch tại Việt Nam, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với khách nhập cảnh; tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận chứng nhận tiêm chủng COVID-19 của Việt Nam để tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch outbound.

Trân trọng cảm ơn ông!