Nhưng trước hết, ông là một Con Người theo đúng nghĩa viết hoa của hai từ này. Một nghệ sĩ đa tài, lịch lãm và hào hoa đến kỳ lạ!
Trước khi Nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi qua đời 2 năm, tôi có may mắn thực hiện một cuộc phóng vấn để viết bài về ông, giới thiệu trên tờ "An ninh Thế giới Cuối tháng" và lưu giữ được tấm ảnh quý này.
Sinh ngày 20 tháng 12 năm 1924 tại Luang Prabang (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), nhưng ông quê gốc tại làng Vũ Thạch (Hà Nội), tên khai sinh và đồng thời cũng là bút danh chính: Nguyễn Đình Thi.
Năm tuổi Nguyễn Đình Thi theo cha mẹ từ Lào trở về nước và đi học ở Hà Nội, Hải Phòng; 15 tuổi, bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. 19 tuổi, có “chân” trong Hội Văn hóa Cứu quốc; 21 tuổi, tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào và được cử vào Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Nguyễn Đình Thi từng làm Tổng Thư ký Hội Văn hóa Cứu quốc, Uỷ viên Tiểu ban dự thảo Hiến pháp và Uỷ viên Ban Thường vụ Quốc hội (khóa I)...
Nguyễn Đình Thi là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957); là người giữ “kỷ lục” về nhiều năm liền làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (từ khóa I đến khóa III). Từng nhiều năm đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Trong gần 60 năm cầm bút, Nguyễn Đình Thi đã để lại cho đời một gia tài thật phong phú, với đủ các thể loại: văn xuôi (tiểu thuyết, truyện, truyện ngắn, truyện thiếu nhi), tiểu luận phê bình, thơ, kịch, nhạc... Ông là một trong số rất ít văn nghệ sĩ được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt đầu tiên (1996).
Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng sự nghiệp của Nguyễn Đình Thi được hình thành sau Cách mạng tháng 8 năm 1945. Ông không được xếp cùng “chiếu” với lớp nhà văn tiền chiến đi theo kháng chiến như Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, hay Nam Cao, Tô Hoài... mặc dù hồi đó ông đã từng viết một số sách phổ thông và văn chính luận.
Để hiểu thêm về Nhà văn Nguyễn Đình Thi, tôi đã tới gặp Nhà văn Tô Hoài.
Tác giả của "Dế mèn phiêu lưu ký" cho biết: Hồi nhỏ, Nguyễn Đình Thi là người học cực giỏi, nổi tiếng là thông minh ở đất Hải Phòng và Hà Nội. Anh học giỏi tới mức, ngay từ thời học sinh, khi học tới phần triết học - một môn học rất khó mà đa phần các sinh viên đều ngại - Nguyễn Đình Thi đã vừa học vừa viết sách triết học. Anh đã diễn đạt các ý tưởng cao siêu của các nhà triết học lớn như Can (Kant), Nít (Nít-sơ), Đề Các (Des Cartes)... thành những điều giản dị dễ hiểu, và đã được Nhà xuất bản Tân Việt ấn hành rộng rãi. Sau này, trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi, hầu như thể loại nào cũng ít nhiều mang tính triết học một cách tự nhiên vậy.
MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐA TÀI...
Nguyễn Đình Thi cho biết: ông bắt đầu làm nhạc trước khi làm thơ, viết truyện và sau nữa là viết kịch.
Cả đời nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi chỉ sáng tác có vài bài hát, nhưng Hội nhạc sĩ Việt Nam không thể thiếu tên ông khi nói tới Diệt phát xít và Người Hà Nội. Hai ca khúc này, một trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam và một trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Nguyễn Đình Thi tự nhận rằng ông chỉ là người viết nhạc “nghiệp dư”. Các ca khúc nổi tiếng ấy ra đời là nhờ năng khiếu tự nhiên, sự “ăn may” và nó giống như “anh mù chữ học đòi viết văn” (chữ dùng của Nguyễn Đình Thi) vậy. Thế nhưng thật kỳ lạ là chính cái sự “nghiệp dư” đó đã khiến cho nhiều nhạc sĩ phải phát ghen, vì suốt đời họ cũng không dễ có được những ca khúc tuyệt vời như thế!
Nhà văn Tô Hoài, một người có quan hệ thân thiết, từng nhiều năm gắn bó và làm việc cùng Nguyễn Đình Thi, còn cho biết:
- Nguyễn Đình Thi viết văn rất chật vật và khó nhọc. Anh ấy cứ viết rồi dập xóa, sửa chữa vất vả lắm. Chữ viết của Nguyễn Đình Thi lại nhỏ “lắt tắt” (từ dùng của Nguyễn Công Hoan) đẹp mà rất khó đọc. Nhưng anh ấy có tài là đưa đời sống vào trang viết rất nhanh. Vốn sống “nạp” đến đâu, “tiêu hóa” được ngay đến đó. Chỉ tiếc là “vốn” của anh Thi mỏng, không như Nguyên Hồng. Trong Kháng chiến, anh ấy cũng thâm nhập lăn lộn thực tế, nhưng mà là theo sự phân công của tổ chức... Khi viết “Vỡ bờ”, Nguyễn Đình Thi đã rất giỏi về tư tưởng và triết lý; nhưng khi động tới những trang viết về nông thôn, nhiều chi tiết của anh ấy cứ lôi thôi và buồn cười lắm! Ví như đoạn Nguyễn Đình Thi tả về sãi trong chùa. Nhưng mà chùa thì chỉ có sư, làm gì có sãi, bởi sãi thì không ở chùa mà chỉ đến phục vụ sư (cười)...
Khi tôi hỏi: “Ông có nhận xét gì về thơ của Nguyễn Đình Thi?” Tô Hoài không giấu giếm:
- Riêng với thơ, tôi là “dân ngoại đạo”, nhưng theo tôi Nguyễn Đình Thi cũng giống như các anh Văn Cao, Nguyên Hồng... là những “nhà thơ của một bài”. Nói cụ thể hơn, đời thơ của Nguyễn Đình Thi chỉ có mỗi bài Đất nước, còn các bài khác là phát triển từ Đất nước mà ra. Nhiều người như Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận... suốt đời chỉ có làm thơ và họ có nghề làm thơ. Còn Nguyễn Đình Thi thì không thế. Anh ấy chỉ “chơi” thơ theo năng khiếu trời cho... Thế thôi.
Nhiều người cho rằng mấy năm gần cuối đời Nguyễn Đình Thi rất thành công trong lĩnh vực sáng tác kịch bản sân khấu. Vở Rừng trúc của ông đã được Huy chương vàng trong Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc cuối thế kỷ Hai mươi. Tuy nhiên, rất ít người biết điều này: kịch bản Rừng trúc đã được Nguyễn Đình Thi viết từ năm 1980. Nghĩa là sau hơn hai thập kỷ nó vẫn chỉ là bản thảo gần như bị bỏ quên, bỗng sống lại nhờ bàn tay dàn dựng tài ba của Nghệ sĩ nhân dân Doãn Hoàng Giang. Nguyễn Đình Thi tâm sự rằng ông rất tâm đắc với kịch, nhưng không hiểu sao vở nào ông viết ra cũng không suôn sẻ, ít nhiều đều có “trục trặc”. Ví dụ kịch bản Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1980) chỉ được diễn một đợt rồi thôi, mà có quá nhiều ý kiến. Số phận vở Hoa và Ngần (1974) còn “bi đát” hơn: Được công phu dàn dựng xong rồi, nhưng không được diễn. Vở Con nai đen viết từ 1960, mãi 30 năm sau (1990) mới được dàn dựng và diễn lần đầu, nhưng dưới hình thức... chuyển thể cải lương! Và còn điều quan trọng hơn mà “dân trong nghề” nhiều người vẫn nói: Mặc dù Nguyễn Đình Thi có giải thưởng “vàng” về kịch, nhưng kịch bản ông viết ra chỉ hay khi nó được... đọc như văn xuôi. Nếu dàn dựng để biểu diễn thì rất ít công chúng và phải lựa khách xem...
Nhà văn Tô Hoài rất phục Nguyễn Đình Thi về chuyện diễn thuyết và hùng biện. Có người cho rằng Nguyễn Đình Thi đã được trời phú cho giọng nói để làm mê hoặc người khác. Khi ông đã cất tiếng nói, thì hình như những người xung quanh chỉ còn mỗi việc... im lặng mà ngồi nghe.
Chẳng những là người đàn ông nhiều tài hoa, thời trẻ Nguyễn Đình Thi còn nổi tiếng, không phải là đẹp trai, mà phải nói là... “quá đẹp trai”. Tô Hoài nhớ lại: Nếu nói về chuyện “đẹp trai” thì ở Hội Nhà văn Việt Nam hồi ấy có các Nhà văn Đào Vũ và Nguyễn Khải rất to cao và trắng trẻo. Nhưng không “ăn thua” so với anh Thi: Da hơi ngăm đen, lông mày rậm và phong thái thì rất là... đàn ông!
Đời văn của Nguyễn Đình Thi có rất nhiều người khen, nhưng cũng không ít kẻ chê. Tuy nhiên, không ai phủ nhận rằng ông là người đa tài.
... VÀ RẤT ĐA TÌNH
Nguyễn Đình Thi đa tài trong văn chương chữ nghĩa bao nhiêu thì cũng đa tình và “đa đoan” trong đời bấy nhiêu.
Người ta đồn rằng Nguyễn Đình Thi có rất nhiều mối tình. Có bao nhiều phụ nữ đã yêu ông và ông đã yêu bao nhiêu người đẹp thì chỉ có... Nguyễn Đình Thi mới biết.
Người ta còn nói rằng đã có không ít phụ nữ xinh đẹp, tài năng chỉ vì quá yêu đã tôn thờ Nguyễn Đình Thi như một vị thánh, họ có thể sẵn sàng chết vì ông. Có những nữ sĩ đã đơn phương yêu Nguyễn Đình Thi, coi ông là thần tượng của mình. Và khi không được Nguyễn Đình Thi đáp lại, thì cũng vì quá yêu, mà họ đã trở thành người thù ghét ông đến suốt đời.
Nhà văn Tô Hoài bảo:
- Tài hoa cộng với đẹp trai, điều ấy đã khiến cho nhiều phụ nữ đã mê anh Thi như điếu đổ! Và cũng chính điều đó đã làm khổ chẳng những cho anh ấy mà còn rất nhiều người khác nữa, trong đó có tôi...
Và Tô Hoài đã cười rất thoải mái khi kể lại những “bí mật” giữa ông với Nguyễn Đình Thi:
- Trai gái yêu nhau nào có tội tình gì, nhưng hồi ấy người ta quan niệm chuyện “giăng gió” còn nặng nề lắm. Trong cơ quan, tôi lại phụ trách công tác Đảng, thế là nhiều lần người ta buộc tôi phải đưa ông bạn mình ra kiểm điểm... Mệt quá, có lần tôi nửa đùa nửa thật bảo ông Thi: “Này, nếu lần sau có đi với cô nào, ông cứ nói trước với mình một câu, để khỏi làm mất thời gian của nhau!”.
Nói vậy, chứ Nguyễn Đình Thi đã có những mối tình thật sự cảm động như Mađơlen Rípphô (Madeleine Riffaud) là một ví dụ...
Mùa hè năm 1951, nhà văn Nguyễn Đình Thi mới Hai mươi bảy tuổi, vừa in xong cuốn tiểu thuyết đầu tay “Xung kích” rất nổi tiếng, thì được cử đi dự Đại hội Thanh niên quốc tế tại Béclin (Cộng hòa dân chủ Đức). Mađơlen Rípphô là một đại biểu đến từ Pháp, một nữ nhà báo, nhà thơ trẻ, duyên dáng và cương nghị. Chị cũng là một chiến sĩ chống phát xít dũng cảm trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, từng bị bắt, bị tù đày, từng được tặng Huân chương “Bắc đẩu bội tinh”...
Trong giờ giải lao, nhận thấy Nguyễn Đình Thi và Mađơlen Rípphô là đôi bạn trẻ nhất, nên các nhà thơ Nazim Hikmet và Paplo Neruda đã gán ghép hai người với nhau. Vốn giỏi tiếng Pháp, Nguyễn Đình Thi đã chuyện trò với Mađơlen Rípphô thật “ý hợp tâm đầu”. Năm ấy Nguyễn Đình Thi đã có vợ và ba con, còn Mađơlen Rípphô cũng từng có chồng và một con gái. Họ không giấu giếm nhau điều gì, khi kể cho nhau nghe về gia đình và đất nước mình.
Trong những ngày diễn ra đại hội, Mađơlen Rípphô đã nhờ Nguyễn Đình Thi dịch nghĩa một số bài thơ kháng chiến của Việt Nam, để chị dịch thơ và cho in trên các báo chí của Pháp.
Hai người đã “bén duyên” nhau thật nhanh. Khi Đại hội kết thúc, phút chia tay, Mađơlen Rípphô đã khóc và thổ lộ tình cảm của mình với Nguyễn Đình Thi. Trong hoàn cảnh Việt Nam đang kháng chiến gian khổ, nhiều thiếu thốn, chị đã viết cho anh rất nhiều lá thư dài, với một tình yêu chân thành và tha thiết.
Khi nhận được tin người vợ đầu của Nguyễn Đình Thi qua đời, Mađơlen Rípphô đã chủ động đặt vấn đề hôn nhân với Nguyễn Đình Thi. Thậm chí, hai người đã bàn đến chuyện làm đám cưới như thế nào...
Kết hợp công việc làm báo, Mađơlen Rípphô đã sang Việt Nam nhiều lần, có lần lâu đến vài tháng cũng chỉ vì Nguyễn Đình Thi. Nghe nói, Đảng bạn đã đồng ý, đại diện tổ chức phía ta cũng nhất trí... Nhưng hồi đó đang chiến tranh, cán bộ Nhà nước đều sống bao cấp bằng tem phiếu và sổ gạo, khổ lắm. Nguyễn Đình Thi chỉ có một nguyện vọng: Trước khi cưới, đề nghị Chính phủ ta cho phép Mađơlen Rípphô được làm chuyên gia để có tiêu chuẩn sinh hoạt cho đỡ khổ. Nhưng điều ấy là không tưởng, xin mãi chẳng được, thế là họ đành phải chia tay nhau...
NHÀ VĂN GIỮ NHIỀU "KỶ LỤC" VỀ LÃNH ĐẠO
Mấy chục năm liền, trụ sở của cơ quan văn nghệ Việt Nam chưa bao giờ vắng bóng Nguyễn Đình Thi. Ông là vị lãnh đạo đầy trách nhiệm, một viên chức mẫn cán. Làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (chức vụ như Chủ tịch Hội hiện nay) hơn 30 năm liên tục (1958 - 1989) chắc chắn “kỷ lục” này ông sẽ giữ vĩnh viễn, mà không một nhà văn Việt Nam nào sau này có thể sánh được.
Sau đó, tuy tuổi đã cao, nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn đang đảm nhiệm trọng trách là Chủ tịch của ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.
Mấy năm gần cuối đời, Nguyễn Đình Thi không được khỏe lắm, nhất là từ khi ông bị tai nạn giao thông. Đó là vào năm 1996, một buổi chiều trên đường từ cơ quan về nhà bằng xe máy, ông bất ngờ bị một thanh chắn tàu hỏa đánh vào đầu, phải nằm viện cả tháng trời. Trong cái rủi hóa lại có cái may: sau tai nạn đó, ông được cấp trên quan tâm cấp cho cơ quan một chiếc xe hơi của Nhật để đưa đón phục vụ công tác.
Hàng ngày, Chủ tịch Nguyễn Đình Thi thường có mặt tại Trụ sở 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội đều đặn vào các buổi sáng.
Được biết, càng có tuổi, ông càng hạn chế tiếp khách, từ chối nhiều cuộc phỏng vấn của báo chí và truyền hình.
Buổi trưa, bà Tuệ Minh, (người vợ thứ ba của Nguyễn Đình Thi) thường đến để làm bữa ăn cho chồng. Đã lâu lắm Nguyễn Đình Thi không đặt chân đến nhà hàng. Ông kiêng các loại rượu bia, các món xào lắm mỡ nhiều đạm. Vì thế, mâm cơm của vợ chồng ông thường có toàn đồ luộc: ngoài gạo “luộc” thành cơm đã đành, rau luộc và thịt cũng luộc.
“Nguyễn Đình Thi là người không có bạn” - Tô Hoài nói vậy. Nguyễn Đình Thi cũng tự nhận rằng ông rất ít bạn bè. Ông không có thói quen ngồi quán, cũng không bao giờ lang thang “bát phố” như một số nhà văn khác. Buổi chiều, Nguyễn Đình Thi làm việc tại nhà. Ông vẫn đọc và viết đều đặn.
Một buổi sáng đầu tháng 11 năm 2001, theo lời hẹn trước, tôi đến thăm và thực hiện cuộc phỏng vấn “chuyện đời chuyện nghề” Nguyễn Đình Thi. Hồi đó, ông vừa ra mắt bạn đọc tập Sóng reo. Dự định trong năm tới ông sẽ cho xuất bản tập truyện ngắn mang tựa đề là “Tuyết” gồm bảy truyện ngắn viết trong thời gian gần đây, (trong đó có truyện Nước chảy đã in trên Báo An ninh thế giới số Tết năm Canh Thìn). Chúng tôi thấy trên bàn làm việc của ông có mấy tập tuyển văn học Việt Nam từ thời Lý đến thời Nguyễn. Sức viết của Nguyễn Đình Thi không còn ào ạt như xưa, nhưng sức đọc của ông thì vẫn thật đáng nể. Được biết, ngày nào ông cũng dành ra hai giờ đồng hồ để đọc ngốn ngấu một quyển sách nào đó.
Hồi đó, trước khi lên đường đi công tác nước ngoài, Tổng Biên tập Hữu Ước đã giao nhiệm vụ cho tôi thực hiện bài viết về Nguyễn Đình Thi. Lần đầu tiên sau nhiều năm làm báo, tôi đã thật sự lúng túng, vì không biết phải bắt đầu bài viết từ đâu và kết thúc như thế nào? Muốn viết đầy đủ về Nguyễn Đình Thi, chắc chắn phải nghiên cứu cả đời. Năm 2000, Nhà xuất bản Giáo dục đã ấn hành cuốn “Nguyễn Đình Thi về tác gia và tác phẩm” dày gần 400 trang khổ lớn. Các bài được chọn in trong cuốn sách đều đã được công bố trên các báo và tạp chí, nhưng chắc chắn tuyển chọn trên vẫn chưa đầy đủ.
Bởi thế, hy vọng bài viết này cũng chỉ có thể góp thêm cho quý bạn đọc một góc nhìn nhỏ bé về một tên tuổi lớn Nguyễn Đình Thi...
CUỘC ĐIỆN THOẠI BẤT NGỜ...
Sau ba ngày kể từ khi số báo An ninh thế giới cuối tháng có in bài viết trên được phát hành, chuông điện thoại trong phòng làm việc của tôi reo vang.
Tôi nhấc máy, từ đầu dây bên kia, giọng một người đàn ông vừa lạ vừa quen:
- Anh Đặng Vương Hưng đấy phải không?
- Thưa vâng! - Tôi đáp theo thói quen, mỗi khi có bạn đọc gọi cho mình.
- Tôi là Thi đây!
- Dạ xin lỗi, Thi nào ạ?...
- Nguyễn Đình Thi ấy mà!
- Ô... Dạ vâng, thưa bác, cháu là Hưng đang nghe máy - Tôi không khỏi ngạc nhiên vì bất ngờ, bởi lão nhà văn đã chủ động gọi cho mình.
- Tôi đã nhận được báo biếu do tòa soạn gửi và cũng đã đọc bài viết của anh rồi. Xin cảm ơn anh đã viết về tôi.
- Thưa bác, bài in vội quá, nên cháu đã không kịp chuyển cho bác đọc trước.
- Tôi gọi điện cho anh cũng vì chuyện ấy. Giá như anh đưa tôi đọc trước thì hay biết bao. Quả thật là tôi hơi bất ngờ, vì chưa có ai viết về tôi như anh đâu. Có một số chi tiết trong bài chưa chính xác...
- Xin bác cho biết cụ thể, để cháu bổ sung và sửa chữa lại khi tái bản in thành sách.
- Ví dụ như đoạn nói về chuyện bà Mađơlen Rípphô... Sở dĩ tôi không kết hôn với bà ấy là do có ý kiến khuyên bảo của “Ông Cụ” là không có lợi cho cái chung, chứ không phải vì mấy cái chuyện cơm áo gạo tiền và tem phiếu thời bao cấp đâu. Rồi cả việc kiểm điểm chuyện sinh hoạt của tôi nữa, sự thật không phải như vậy ông Tô Hoài nhớ sai nên đã nói lung tung đấy!
- Cháu thành thật xin lỗi bác, không ngờ bài viết lại có nhiều khiếm khuyết đến vậy.
- Dù sao thì chuyện cũng đã rồi. Nó cũng không trầm trọng lắm đâu. Nhưng mà anh em trong cơ quan người ta cứ xì xào... Lần sau anh phải rút kinh nghiệm đấy!
Rồi không đợi tôi chào, lão nhà văn đã cúp máy đánh “rụp”.
Chuyện tưởng thế là xong. Nhưng nghe một người bạn tôi nói lại, mấy hôm sau sau đó, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một chuyền đi “về nguồn” cho một số nhà văn lão thành. Tình cờ, Nguyễn Đình Thi và Tô Hoài được ban tổ chức bố trí ngồi cùng một xe. Dọc đường đi, Nguyễn Đình Thi còn trách Tô Hoài mãi:
- Chuyện riêng của tôi, ông cứ đem ra kể vanh vách cho cánh báo chí nó nghe làm gì... mà tai hại là ông nhớ sai, họ lại đưa cả lên mặt báo... Thật là già rồi mà còn hớ hênh và dại dột quá!
Tô Hoài chỉ cười:
- Thì thỉnh thoảng anh em báo chí chúng nó cũng cần phải có cái “xìcăngđan” để còn bán báo chứ! Mình là người lớn, chúng nó như con cháu, chấp làm gì!
Chưa hết, hôm sau Tổng Biên tập Hữu Ước cũng bảo:
- Sau bài viết ấy, có lẽ cụ Thi đã giận dỗi với chúng ta thật! Lâu lắm chẳng thấy cụ đến Tòa soạn mình chơi. Hôm nọ gặp ở bên Hội, tôi đã cố chào thật to, nhưng chẳng thấy ông cụ nói gì, cứ lừ lừ mà bước đi thẳng. Cũng có thể ông cụ vô tình, không nghe tiếng...
Vâng, cho tới ngày nhà văn Nguyễn Đình Thi đã thanh thản đi xa, rất xa... tôi vẫn tin là hồi đó ông đã vô tình, hoặc đãng trí vậy thôi. Một nhà văn lớn như ông, làm gì có chuyện “chấp vặt” lũ con cháu như chúng tôi!
Sắp kỷ niệm tròn 70 kết thúc cuộc Kháng chiến chống Pháp, trong lòng mỗi người Hà Nội lại càng thấm thía khi nhớ tới những câu thơ tài hoa, chạm tới trái tim bạn đọc của Thi sĩ Nguyễn Đình Thi: "Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội Những phố dài xao xác hơi may Người ra đi đầu không ngoảnh lại Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy..."
Hà Nội, 2001 - 2024
Đ.V.H
Trái tim người lính