Một chiều tại bệnh viện – Tưởng nhớ nhà thơ Trần Quang Quý

Tưởng nhớ nhà thơ Trần Quang Quý, sinh năm 1955, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, vừa mới từ trần 11h trưa 10/9/2022.
tuong-nho-nha-tho-tran-quang-quy-1662823886.jpg
Nhà thơ Trần Quang Quý. Ảnh internet

Đó là chiều 6-8-2022, tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Tôi đến để thăm một người bạn năm xưa của mình: Trần Quang Quý.

Buổi sáng đọc trên FB, thấy anh Đỗ Ngọc Yên nói mình vừa vào thăm nhà thơ Trần Quang Quý tại bệnh viện (chiều 5-8). Tôi giật mình vì trước đó không lâu, chị Đào Thị Mùi (vợ anh Quý) còn chia sẻ ảnh ông xã - “bệnh nhân đặc biệt” của chị - tuy ốm mệt vẫn cặm cụi suốt ngày với thơ. Ba bức ảnh chụp ngày 27-6-2022 với dòng tus của chị làm tôi vừa ngạc nhiên, vừa thán phục (và không giấu nổi một nỗi buồn xa vì tình trạng sức khoẻ của Quý):

“Thật sự là tôi kính phục bản lĩnh và sự bất khuất của "ông chủ" nhà mình.

Từ khi trở thành bệnh nhân đặc biệt của tôi ông như khác hẳn luôn.

Với ông, hình như tất cả chỉ còn có thơ và thơ.

Quả thật thơ là cứu cánh để ông thực hiện công cuộc tự chữa lành.

Ông đã vịn vào thơ để tồn tại với thời gian.

Cầu mong trời thương”.

Tôi nghĩ, dù ông Trời có rủ lòng thương đến mấy thì cũng đã muộn. Trần Quang Quý suy sụp lắm rồi. Anh phát hiện ra căn bệnh K dạ dày từ năm 2019. Đã cắt toàn bộ “bao tử” và qua nhiều lần điều trị (cả xạ trị và hóa chất). Nhưng theo bác sĩ, bệnh nhân K phủ tạng nói chung (gan, phổi, dạ dày…) mà phát hiện muộn thì khả năng qua khỏi là vô cùng thấp.

Bao nhiêu ngày nằm nhà điều trị, bây giờ trở lại bệnh viện là gay rồi đó. Đồng hồ bắt đầu đếm ngược.

Chiều thứ bảy 6-8, mây vần vũ báo hiệu thời tiết xấu, tôi một mình đi thăm bạn. Quý điều trị ở khoa Ung bướu và Xạ trị của Việt Xô. Tìm mãi tôi mới nhận ra anh nằm ở góc phòng bệnh có tới 5 bệnh nhân. Vợ anh đến thăm buổi sáng đã về, chỉ có Triển - một anh giúp việc (trên 40 tuổi, cùng quê Phú Thọ, khỏe mạnh, gia đình thuê trông nom) đang ngồi cạnh. Anh nhường ghế cho tôi. Không giống như anh Yên mô tả trên phây hôm trước, gặp anh Quý còn nói chuyện khá nhiều, hôm nay, Quý nằm im, gần như bất động. Chiếc khẩu trang che nửa khuôn mặt gầy hốc hác làm tôi cố hình dung cũng không nghĩ đó là Trần Quang Quý khoẻ mạnh vạm vỡ ngày nào (dù chỉ là 50%). Tôi lay gọi mãi, Quý mới mở hé mắt rồi trả lời ngắt quãng. Dù có nhận ra tôi, có nhìn thấy những dòng chữ trên tập thơ tôi gửi tặng (mà tôi giơ lên trước mặt), nhưng Quý phản xạ rất mờ nhạt, lời nói cứ như từ nơi xa lắm.

Không nói chuyện được mấy (Quý vẫn nằm ngủ không ra ngủ), tôi vẫn cố nán lại ngồi gần hết chiều hôm đó. Không thể nói chuyện với Quý. Tôi chỉ ngồi im lặng và nhìn người bạn – cách đây một năm thôi vẫn còn tràn đầy sinh lực và hết lòng hết dạ cho thể thơ “namkau” (năm câu) rất độc đáo của mình. Bây giờ tôi mới có thời gian quan sát kĩ hơn phòng bệnh. Cả 5 người đều bị K dạ dày. Ông nằm ngay giường Quý, năm nay 82 tuổi. Ông là người có vẻ khoẻ nhất: da mặt sáng, khá minh mẫn, ngồi dựa tường, tự ăn uống được, vẫn nghe đài, nói nhiều chuyện, trong đó có thời sự quốc tế, nhất là chiến tranh Ukraina ông vẫn nắm chắc… Nhưng 3 bệnh nhân còn lại (nằm đối diện) thì “bệt” hơn. Cả ba đều phải nằm, mọi việc do người khác phục vụ. Ba ông có ba bà. Nhưng hai bà hình như là vợ, còn bà thứ ba là con gái (khá trẻ) đến chăm bố. Trong hơn hai tiếng, tôi chứng kiến mọi chuyện thường nhật xảy ra trong một căn phòng đặc biệt. Đó là cả bệnh nhân và người nhà phải vất vả cùng nhau trong chuyện ăn uống, nhất là đi vệ sinh. Dù căn phòng có nhiều người, nam có nữ có, song cũng chẳng thể giữ ý được (mà giữ ý làm sao trong điều kiện như vậy). Các ông hoặc nằm trong tư thế trần truồng đắp chăn, hoặc phải ngồi hay đứng lên tụt quần để các bà thay bỉm hoặc chìa “chim” vào bô vịt để đi tiểu. Có ông lóng ngóng tiểu vãi ra sàn nhà. Mùi nước tiểu và phân khăn khẳn thoảng qua. Ôi, khổ làm sao những bệnh nhân hiểm nghèo đang trong tình trạng “gần đất xa trời”.

Qua cửa số tầng 7 nhà C Bệnh viện, ngoài kia trời đang tối dần lại. Cơn mưa chiều nặng hạt theo gió tạt vào nhà và ông bệnh nhân (tôi vừa nói) phải gọi con khép cửa sổ. Nhìn trời, nhìn bạn mà tôi buồn man mác. Nhìn thấy “ngày tôi xa bạn gần lắm rồi” (sự sống mong manh quá), tôi bồi hồi nghĩ lại mấy kỉ niệm và tôi và Quý từng chứng kiến. Chuyện cũ đã xa.

Đó là hồi tôi còn ở Phúc Xá (nhà ông bác, khi mới ra trường, chưa có nhà ở). Trong số nhiều người bạn, có một nhóm đặc biệt “độc thân, chưa vợ, nợ văn chương”. Đó là những người sau: tôi, Trần Hoà Bình, Trần Quang Quý, Bùi Quang Thanh.

Trần Hoà Bình, Bùi Quang Thanh lúc đó đang dạy ở Trường ĐH Sư phạm 2 Xuân Hoà. Nhưng Trần Hoà Bình, Bùi Quang Thanh còn là dân báo chí nên thường trú ở Hà Nội suốt. Sau đó Bình chuyển về Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trong “nhóm bốn tên” tôi thuộc loại “vét đĩa” nhất. Bởi lúc đó, tên tuổi Trần Hoà Bình đã nổi như cồn (thơ của anh mọi người – nhất là sinh viên – đều mê). Anh còn là chuyên gia viết báo. Hết Tiền Phong lại đến Tuổi trẻ Thủ đô. Bùi Quang Thanh – giảng viên Đại học - thì đã có nhiều trước tác (bài báo, sách) in rải rác khắp nơi. Anh Thanh sau cũng làm thơ và đi dự “Hội nghị những người viết văn trẻ” (rất chi là oai). Trần Quang Quý thì khỏi nói. Thơ anh đã được in và dù chưa nổi như bây giờ, anh vẫn được coi là một trong những cây bút trẻ nhiều triển vọng (có tập sau này được Giải thưởng Nhà nước). Tôi hầu như chưa có “tài sản” gì ngoài mấy bài điểm sách vớ vẩn trên báo. Bù lại, tôi là tay “điếu đóm” có hạng. Sau khi ngao du báo này báo nọ, gặp bạn này bạn nọ, mấy vị kia “hạ cánh” về Phúc Xá Bờ Sông, nhà tôi ở. Tôi chạy chợ mua thức ăn và nấu nướng “hầu chuyện các vĩ nhân”. Tài nấu nướng của tôi thì khỏi nói. Dù ít tiền tôi vẫn có thể làm các món ngon lành, nóng sốt, hợp khẩu vị. Đã thế, nhà tôi lúc nào cũng có rượu “ngâm củ đinh lăng”. Chao, trong lúc chỉ cần có vài bát cơm cho vào bụng mà lại được chiêu đãi thịt kho, cá rán, dưa góp và rượu thuốc thì nhất còn gì. Chúng tôi sống trong những ngày sôi nổi, đầm ấm, tràn ngập không khí văn chương và tình bằng hữu. Hồn thơ và “máu” báo chí của tôi cũng lớn lên: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”.

NĂM CÂN GẠO HẨM

Ấy vậy mà Trần Quang Quý đột ngột tách ra. Anh đi học Trường Viết văn Nguyễn Du danh giá. Nhưng đó không phải lí do chính. Cái chính là trong thời gian lưu lạc anh đã tìm thấy “một nửa” của riêng mình.

Mang máng là thế. Nhưng để mục sở thị, tôi lặn lội đến kí túc xá Trường Viết văn Nguyễn Du (trên Đê La Thành, bây giờ là Trường ĐH Văn hoá HN). Anh Văn Chinh (nhà văn, vốn ở cùng phòng với Trần Quang Quý) nói “Quý không ở trong kí túc nữa. Ông ra khỏi cổng trường, rẽ phải, gặp một cái mương nhỏ rẽ phải tiếp. Cứ đi chừng 500m thì nhìn sang bên kia cầu khỉ có một nhà cấp 4, giống “túp lều ông lão chăn vịt” thì đấy chính là “tổ ấm” mới của Trần Quang Quý.

Không gặp chủ nhân Quý, tôi gặp Đào Thị Mùi (người đang sống chung, sau này thành vợ chính thức). Mùi bằng tuổi Quý (sinh năm 1955) có hoàn cảnh “rất éo le” (mà tôi không thể kế ở đây). Chỉ biết họ đều là những người cô đơn, nghèo khó, thương nhau mà đến với nhau mà tương lai chưa biết đi đâu về đâu. Hai người sống tạm bằng tiêu chuẩn lương thực của Quý (13kg gạo). “Căn lều” tuềnh toàng, đơn sơ quá. Tôi chia tay “cô bạn gái” của bạn mà tự nhủ, mình hóa ra vẫn còn “tươm” hơn bạn.

Hôm sau, tôi quyết định chia số gạo còn trong bao nhà tôi (chừng 5kg) và mang đến tặng Quý. Nhà đóng cửa. Tôi đành phải gửi hàng xóm với vài dòng nhắn gửi: “Tặng ông mấy cân gạo hẩm của tôi. Gạo hẩm thực đấy vì khi tôi mua nó đã nằm trong kho và ẩm mốc. Nhưng với chúng ta vẫn là đáng quý. Hi vọng sẽ giúp ông một chút trong cơn bĩ cực này”.

ĐI BÁN BÚP BÊ NGA

Chuyện thật như bịa. Tôi và Quý đã mang búp bê Nga đi bán để giúp một người bạn khác.

Người bạn đó là nhà thơ Nguyễn Đình Chiến (1952-2014). Năm 1986, khi tôi biết Nguyễn Đình Chiến (qua Trần Quang Quý) thì anh Chiến đã nổi tiếng lắm rồi. Anh là người đoạt Giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1983 và lúc ấy đang là phóng viên kiêm biên tập viên báo Quân đội Nhân dân. Hôm đó, Quý dẫn tôi đến thăm vợ chồng anh Chiến (trên Nghĩa Đô), gặp chị Kim – vợ anh Chiến, bác sĩ – đang ẵm con vừa mới sinh. Dọc đường về, Quý nói anh Chiến rất khó khăn. Nhân việc anh Chiến được cử sang Liên Xô học ở Học viện Gorki, Quý nói: “Ông Chiến đang bí lắm. Vợ không dại nhưng con còn thơ. Nhà trên Yên Bái cũng nghèo. Giờ cần chút tiền trang trải và mua hàng trước khi bay sang Liên Xô (ngày ấy ai cũng thế). Ông là bạn thân của tôi nên tôi nói thật. Ông có khoản tiền dư nào cho Chiến vay nhé. Tôi hết cách rồi!”

Tôi lúc đó, viên chức “ba cọc ba đồng”, ăn chẳng đủ lấy đâu ra tiền dự trữ. Nhưng thương bạn (anh Chiến) và nể lời bạn (Quý) mà tôi lại nảy ra sáng kiến (như “tìm ra châu Mỹ”). Tôi nói: “Này! Tôi mới có một con búp bê Nga. Hay là ta đem bán lấy tiền cho anh Chiến mượn?”

Búp bê do anh Nguyễn Trọng Báu - một đồng nghiệp ở NXB Khoa học Xã hội (đang làm сотрутник tại Moskva) là loại búp bê đặc biệt. Vì biết tôi chưa có người yêu nên anh Báu có nhã ý gửi quà này hi vọng là tôi sẽ tặng bạn gái nhân 8-3, may ra món quà sẽ “làm nên lịch sử”. Xuống Khu tập thể Quỳnh Lôi, nhận quà từ chị Chu Thuý Hoa - PV báo Tiền Phong (vừa sang Liên Xô công tác về) tôi mất khá nhiều thời gian để ngắm “cô nàng” này. Đó là cô búp bê khá to, tóc vàng, mắt xanh, diện váy đầm màu xanh nhạt, chân đi đôi giày rất mốt. Cô nàng không chỉ “sành điệu” về kiểu dáng mà còn biết khóc khi lật nghiêng. Chao, tôi chưa bao giờ nhận được một món quà lãng mạn đến thế!

Chúng tôi biết một điều, dù là đồ chơi, nhưng búp bê Nga lúc đó vẫn là món hàng có giá với dân chơi Việt Nam.

Thế là hai tên bọc cô búp bê sang trọng kia vào giấy báo và đi đến phố Sinh Từ (Nguyễn Khuyến). Phố này ở cạnh Cửa Nam, sát ga Trần Quý Cáp, chuyên mua đi bán lại hàng đánh từ Liên Xô về, thượng vàng hạ cám, từ ruột bút bi, quạt tai voi, bàn là hoa dâu đến phích đá, nồi hầm hay tủ lạnh Saratov. Đang vội, vả lại cũng không thông thạo gì, chúng tôi nhanh chóng ngã giá. Tôi đứt ruột phải chia tay món quà “tặng bạn gái tương lai” với số tiền 17 đồng.

17 đồng lúc đó không nhỏ. Vì chiếc xe đạp tôi đang đi lúc đó (khung Sài Gòn, phụ tùng đủ loại) có giá 30 đồng. Tôi thêm vào 3 đồng nữa để bạn Quý chuyển cho anh Chiến vay 20 đồng chẵn. Chi tiết này cả ba chúng tôi, nhất là anh Chiến không quên và không bao giờ quên. Chính vì quý bạn của bạn mà tôi ra tay giúp bạn (Nguyễn Đình Chiến – nhà thơ tài năng - là người sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật của người Việt tại Moskva, Tổng Thư ký kiêm Tổng biên tập tạp chí Người bạn đường, tạp chí văn chương dành riêng cho người Việt ở LB Nga. Sau anh về nước và mất năm 2014).

Nhắc lại 2 câu chuyện trên để có một hồi ức về Trần Quang Quý một thời gắn bó. Sau này, vì công việc và hoàn cảnh khác nhau mà chúng tôi ít gặp. Nhưng trong lòng mỗi người đều dành cho nhau những tình cảm rất đáng quý. Chiều 6-8-2022, khi tôi giơ tập thơ tôi mới in (Không theo quỹ đạo lăn) ra trước mắt Quý, anh gật đầu nhẹ rồi nói ngắt quãng: “Biết rồi. Tập này ông vào Hội Nhà văn Hà Nội chứ gì!” Tôi rất ngạc nhiên vì anh vẫn tỉnh táo nói được câu này.

Giờ thì Trần Quang Quý đã xa, xa lắm rồi. Mong bạn ngủ yên ở chốn cao xanh thăm thẳm và tiếp tục nặng lòng với thơ.