Một cuộc chuyển quân

CCB Dương Công Bắc

05/09/2021 23:17

Theo dõi trên

Vào đầu tháng 4/1972, Sau 8 tháng huấn luyện tân binh kể từ ngày nhập ngũ vào Lực lượng CAVT 06/9/1971, tất cả đại đội tân binh gồm 99 sinh viên các trường ĐHBK, ĐH Tổng hợp và ĐH Ngoại ngữ nhận được lệnh sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ, chúng tôi ai cũng náo nức, hồi hộp và đôi chút lo âu không biết mình sẽ được biên chế về đâu và đi đâu?

239721140-1543460875988043-5712185751553990437-n-1630814361.jpg

Còn nhớ, đó là thời kỳ cam go nhất của cuộc chiến. Trong khi Đông Hà, Cửa Việt và Thành cổ Quảng Trị đang là những quyết chiến điểm của cả 2 phía thì Trung Quốc mời NiXon sang thăm và mang Việt Nam ra làm món hàng mặc cả để được vào Liên Hợp Quốc. Thế là từ 2/1972, Mỹ lại quay trở lại tiếp tục ném bom miền Bắc và dùng thủy lôi để phong tỏa các cảng biển quan trọng. Trong đại đội đã có 2 đồng chí được cử đi trước để tăng cường cho công tác khai thác tù binh ở Cửa Việt, đó là Đàm Chiến Thắng và Nguyễn Trọng Hứa, các đồng chí này là sinh viên năm cuối của trường ĐH Ngoại ngữ, một người tiếng Anh, một người tiếng Pháp. Lúc phổ biến, chúng tôi mới biết khối Đại học Ngoại ngữ sẽ đi sau còn tất cả Bách khoa và Tổng hợp sáng sớm hôm sau sẽ chuyển quân, giờ nào không biết. Đêm ấy thật khó ngủ, quân tư trang đã gói ghém cẩn thận từ chập tối mà đêm vẫn có người lục sục cởi ra, gấp vào. Kẻng đi ngủ đánh rồi nên không ai được chuyện trò nhưng ai cũng biết giường bên còn thức.

Khoảng 4h sáng, kẻng báo động chuyển quân khua vang, cả đại đội rùng rùng trở dậy ra sân tập hợp. Sau khi điểm binh và nghe phổ biến mệnh lệnh hành quân, chúng tôi lặng lẽ theo đội ngũ nối đuôi nhau tiến ra cổng doanh trại. Thị xã Sơn Tây vẫn chìm trong giấc ngủ, ngọn đèn vàng lẻ loi phía xa đủ để chúng tôi nhận thấy hàng xe phủ bạt kín mít âm thầm đứng đợi từ lúc nào. Xe chuyển bánh một lúc mà chúng tôi vẫn chưa biết đi đâu nhưng cũng không ai thắc mắc, mệnh lệnh hành quân đã quy định như vậy. Bỗng trong xe có tiếng thì thào “đi về hướng Hà Nội”, rồi lại có tiếng khác “hay là tăng cường cho Trung đoàn 600?” Trung đoàn 600 là đơn vị bảo vệ Trung ương Đảng và Chính phủ (bây giờ đã được chuyển sang Cảnh vệ), tôi nghĩ người đưa ra câu hỏi đó chắc chỉ để thăm dò và cũng chẳng tin điều mình vừa nói. Nhưng rồi phố phường Hà Nội cũng đã hiện ra, lần lượt bến xe Kim Mã, Cửa Nam, đường Nam Bộ và cuối cùng đổ quân ở ga Hàng Cỏ. Lại điểm binh và giao nhận quân. Các cán bộ khung chia tay bịn rịn kèm theo những lời dặn dò, một vài người lau nước mắt, hình như họ đã biết chúng tôi sẽ đi đâu và trong chúng tôi sẽ có những người không trở về.

Theo một lối nhỏ, chúng tôi đi dần vào trong sân ga. Đến lúc này đã có thể biết là sẽ tiếp tục hành quân về phía Nam bằng tàu hỏa. Nhiều phỏng đoán đã được đưa ra, trong đó có cả ý kiến cho rằng chúng tôi sẽ đi B và tăng cường cho An ninh Miền, một vài ánh mắt đã có chiều lo lắng. Hôm đó cùng chúng tôi còn có rất nhiều đơn vị nữa, họ thuộc “quân Đỏ”, phần đông còn rất trẻ mặt bấm ra sữa. Nhìn trang bị tăng võng là biết ngay là các đơn vị đó sẽ “đi B”, còn chúng tôi vẫn không được trang bị gì thêm (thuở đó,Công an vũ trang thuộc Bộ CA, quân tư trang do Liên Xô cấp còn Bộ đội “quân Đỏ” do Trung Quốc cấp nên có sự khác nhau). Đoàn tầu quân sự chuyển bánh, chúng tôi lên đường!. “Tạm biệt Hà Nội, tạm biệt bố mẹ và các em” tôi nói nhỏ chỉ đủ mình nghe.

Tàu chầm chậm chạy đến địa phận công viên Thống Nhất, tôi tiến dần ra phía cửa sổ tranh thủ nhìn Hà Nội lần nữa. Đường Nam Bộ đã tấp nập dòng người đi xe đạp, chủ yếu là một màu xanh công nhân, thỉnh thoảng một vài cái xanh trứng sáo. Tất cả đều hối hả, chỉ có một vài người là ngoái nhìn đoàn tàu, người Thủ đô đã quá quen những đoàn tàu chở lính như thế này. Thấy một tốp các cô gái đi làm ca về, bên toa chở lính đỏ có một vài chú buông lời chọc ghẹo nhưng các cô cũng chỉ cười đáp lại, thậm chí có cô còn bạo dạn vói theo: “Anh bộ đội ơi! đi nhé, em chờ” kèm theo là những chuỗi cười trong trẻo. Hình như người ta thường dễ dãi hơn với những người ra trận, bởi vì “Cổ lai chinh chiến, kỷ nhân hồi”?

Bỗng nhiên có tiếng reo hò rất to từ các toa khác dội lại, từ trong các cửa sổ toa tầu, hàng chục rồi hàng trăm mảnh giấy trắng được tung ra như bươm bướm, hàng trăm cánh tay giơ lên vẫy vẫy cùng với tiếng reo hò không ngớt. Lúc đầu người qua đường ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xẩy ra, có vài người cúi nhặt và họ cũng đã hiểu: đó là những lá thư, những mảnh giấy viết vội để từ biệt người thân mà những người lính ra trận đã vứt xuống đường nhờ người dân Thủ đô chuyển giúp. Chúng tôi chợt bừng tỉnh, thì ra phía quân Đỏ có nhiều kinh nghiệm chuyển quân nên họ đã nghĩ ra trò này và chuẩn bị từ trước. Chúng tôi hối hả học theo, một vài người đã xé sổ tay, tôi cũng nhặt được vỏ bao thuốc bẹp dí ai vứt dưới sàn, lộn trái ra và xé chia cho người bên cạnh một nửa, viết nguệch ngoạc mấy dòng gửi bố mẹ báo rằng tôi đã vào Nam ngày... gửi lời chào bố mẹ và các em, ngoài ra cũng không quên viết thêm dòng chữ “ai nhặt được giấy này xin chuyển hộ tới gia đình tôi theo địa chỉ...”, sau khi vứt mảnh giấy xuống đường, tôi cũng nhoài người ra cửa sổ hò reo thật to và nói những lời lộn xộn đại ý rằng: Tạm biệt Hà Nội, tôi yêu Hà Nội, hẹn ngày trở về... vân vân và vân vân, nghĩa là nghĩ được cái gì nói cái đó mà chẳng cần biết người nghe mình là ai và người ta có hiểu được mình nói cái gì hay không. Nhìn sang, đồng đội tôi cũng vậy, họ cũng nhoài ra các cửa tàu để vẫy chào, để hò reo và vứt giấy.

Nhưng kìa tôi bỗng im bặt khi tàu bắt đầu chạy qua trường Bách khoa nơi tôi đã học, tôi đã nhìn thấy các Ban công của tòa nhà C9 đang lố nhố người, chắc là đang giờ giải lao giữa các tiết học. Trước đây vào giờ này, mình cũng hay ra đứng ở đây để ngắm người qua đường. Tôi đã hình dung ra cô bạn gái mà mình đã thầm yêu trộm nhớ và các bạn của tôi, chắc họ cũng đang nhìn ra và cũng bị những tiếng hò reo cuốn hút. Thế là tôi hét lên như điên “Tao đây chúng mày ơi, có nhận ra không”? Không thấy có cánh tay nào vẫy lại, tàu chạy xa dần, tôi lẩm bẩm “quên hết rồi, chúng mày quên hết tao rồi”. Tự nhiên nước mắt tôi ứa ra, lòng tôi đầy những trách móc “Tao đi để chúng mày được học, thế mà chúng mày lại chóng quên tao thế”. Tôi đâu biết dù đấy có là các bạn của tôi, dù họ có nghe được tiếng gọi của tôi thì họ cũng chẳng thể nhận ra tôi giữa hàng trăm, hàng ngàn trai trẻ, ăn mặc và trang bị hoàn toàn giống nhau đang giơ cánh tay vẫy vẫy.

Tàu tăng tốc khi ra khỏi Hà Nội, bao nhiêu làng mạc, đồng ruộng lùi dần về phía sau. Trong toa im ắng dần, rồi cũng chẳng ai nói với ai, chắc vẫn còn đang loay hoay với câu hỏi ta sẽ đi đâu? Sẽ chẳng có gì đáng nói thêm nếu không có sự kiện Khi tàu đến ga Nam Định chờ tránh nhau thì thằng Trần Quốc Huấn sinh viên khoa Văn ĐH Tổng hợp, nhà ở phố Cổng Hậu đã nhẩy xuống tàu, tranh thủ tạt về thăm gia đình. Chùng chình thế nào mà khi tàu chạy rồi cu cậu vẫn mất dạng. Cả toa nhốn nháo, chẳng lẽ đào ngũ? Ôi thế thì nhục lắm, nhục cho dòng họ, nhà trường và cả đồng đội nữa! Nhưng khi tàu đang hú còi vào ga Ninh Bình thì tiếng reo hò bỗng nổi lên vì thấy cu cậu chỗm chệ ngồi trên một chiếc Xitđơca (mô tô 3 bánh) đang dần dần bám kịp, thì ra bố cu cậu là Sếp Công an đã cho xe chở cu cậu đuổi theo. Tất cả đều thở phào sung sướng!

Chập tối, tàu đến ga Đò Lèn thì dừng lại, không thể đi thêm được nữa vì đường tàu đã bị hỏng do trúng pháo kích. Tất cả được lệnh xuống tàu, tập kết ở một khu vườn rộng (sáng hôm sau mới biết đấy là nghĩa địa). Khẩu phần bữa ăn chiều đã được “thanh toán” từ lâu nên đêm hôm ấy, có một số chiến sỹ (trong đó có cả tôi) đói quá mò vào thị trấn kiếm cái ăn, cầm đầu là Trần Đại Đức, sinh viên Chế tạo máy ĐHBK. Riêng chuyện mò ăn này thú vị lắm và cũng có thể viết được thành truyện, chỉ biết là sau khi no bụng trở về, chúng tôi nói với nhau rằng “mình còn thế này thì chẳng trách được mấy thằng biệt kích nhảy dù ra miền Bắc, ăn đ...gì đến 2 bát phở một lúc để bị phát hiện” (hồi ấy phở là một thứ xa xỉ vô cùng). Đêm ấy chúng tôi cũng được chứng kiến màn pháo kích từ tàu chiến của địch đậu ngoài biển câu vào, đạn đỏ lòe vọt qua đầu, nổ ùng oàng phía xa cách hàng cây số. Đến sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên xe ô tô đi tiếp, cảnh vật bắt đầu lạ lẫm. Dọc đường, khi đến Ngã 3 Diễn Châu, chúng tôi chia tay với số được phân về CAVT Hà Tĩnh. Số còn lại cuối cùng thì cũng đến nơi, đó là địa điểm tập kết tân binh của CAVT Nghệ An tại một xã của huyện Thanh Chương. Đêm hôm đó, tôi được phân về ở một nhà dân cùng với mấy thằng nữa. Buổi tối, chúng tôi đã được thết đãi một bữa sắn nướng. Trong ánh lửa lập lòe, cụ chủ nhà gầy gò đã ngoài 70, để chòm râu dài, xem tướng cho từng thằng chúng tôi. Tôi không nhớ ông đã nói gì với mấy thằng kia, chỉ biết khi nói về tôi, cụ phán đại để “chú cao số lắm, mũi tên hòn đạn nó chừa chú ra nên chú đừng sợ chi hết”. Chẳng biết có phải vì tôi nghe lời cụ hay không mà đúng là sau này tôi chẳng sợ gì hiểm nguy, mặc dù ở địa bàn bom đạn cực kỳ ác liệt nhiều lúc cứ như là phơi mặt ra hứng thế mà cũng chẳng sao cả, có lẽ bom đạn nó chừa mình thật!

Sáng dậy có lệnh tập họp. Trên bãi đất trống, ngoài chúng tôi còn có thêm một số tân binh khác, chủ yếu là lính Vĩnh Phú đã vào từ mấy hôm trước. Chúng tôi biết rằng giờ phút xa nhau đã tới, sau đây mỗi đứa sẽ được phân đi một nơi. Trong khi chờ đợi các cấp chỉ huy họp bàn, không ai bảo ai, chúng tôi đã làm ra một buổi chia tay thực sự cảm động và có lẽ cũng là “vô tiền khoáng hậu”. Ai đó đã hô lên “hát đê”! Trần Đại Đức liền ôm cây ghi ta mang theo, dạo khúc mở đầu của bài hát “Đêm trên Cha lo”, tất cả chúng tôi đã say sưa hát đủ cả 3 lời (bản hợp ca này chúng tôi đã từng giành giải nhất trong Hội diễn quần chúng thị xã Sơn Tây). Và cứ như thể bị nhập đồng, chúng tôi hát hết bài này sang bài khác. Thôi thì Tây ta đủ cả, ai nhớ được bài nào thì chỉ cần cất lên câu đầu, ngay lập tức tất cả hòa theo dù lời chỉ thuộc lõm bõm. Tôi nhớ là có cả những bài đã bị cấm nhưng vẫn cứ được đem ra hát. Mặc kệ, lúc này không sợ gì sất! Có một bài nhạc ngoại hình như là “Bài ca sinh viên”, lời đại ý: “Đừng khóc nữa em, rồi ngày mai anh lại sẽ về, kề đôi môi hôn làn tóc thề, nắng chiều lan dần. Giờ chia tay em đi đến tiến anh ra đi, đời sinh viên bay theo gió cuốn trôi đi, đã biết mấy thu xưa qua rồi vắng em, bao ngày rồi chờ mong thương nhớ, chiều xuống quanh ta. Đừng than khóc thêm phai mờ dung nhan, chiều xuống bên mình...”. Lời ca dẫu có phần ủy mị nhưng rất hợp với chúng tôi lúc này.

Điều đáng nói ở đây là chúng tôi đã hát như lên đồng, không còn biết xấu hổ là gì, hát như thể hôm nay là ngày tận thế, hát như thể ngay sau đây từng đoàn người sẽ nối đuôi nhau xông vào cõi chết, mắt ai cũng rực sáng long lanh. Mặc cho xung quanh có nhiều người lạ, chúng tôi gào to vang cả một vùng. Người dân kéo đến mỗi lúc một đông xem chúng tôi hát, các chiến sỹ đội Vĩnh Phú thì cứ tròn xoe mắt vì thấy rất lạ, còn chúng tôi như được đô pinh nên càng gào tợn, tiếng ghi ta phừng phừng đệm chẳng theo gam gì nhưng nghe vẫn rất máu. Hát chán, chúng tôi liền chuyển sang diễn trò hát sẩm, hết sẩm chợ, sẩm tầu điện rồi cả thơ Nguyễn Bính cũng vào sẩm. Tạ Quang Thuấn (Tổng hợp văn) không biết kiếm đâu cái nón rách đi vòng quanh đóng giả người đi xin tiền trông rất tội nghiệp!. Cứ như thế chúng tôi hát cho đến lúc có còi tập hợp để nghe đọc danh sách ai về Đồn nào. Người nào được đọc tên thì bước ra khỏi hàng tiến về nơi có vị Chỉ huy Đồn đang đợi và lập tức lên đường. Thường thì vài ba người cùng về một đồn, nhưng cũng có nơi chỉ một người về (đó là Trần Thúc Việt, Tổng hợp văn về Cảng Bến Thủy). Những ai được về Đồn biên giới thì phải xác định chiến đấu tiễu phỉ, phải chịu gian nan, vất vả với sốt rét, mưa rừng và sên vắt... Những ai về Đồn miền biển thì phải hứng chịu đạn bom. Tôi với Tạ Đình Nam (Tổng hợp văn) và Phan Đình Dũng (Vô tuyến Bách khoa) được phân về Đồn 96 Cửa Lò cùng 3 đồng chí tân binh Vĩnh Phú. Phải nói rằng: Chỉ đến giờ phút này, khi cuộc chuyển quân bi hùng kết thúc thì đại đội tân binh C9 CAVT của chúng tôi mới thực sự giải tán.

Sau này, mỗi khi nhớ lại tôi vẫn không thể hiểu tại sao ngày ấy chúng tôi lại có những giờ phút bi tráng đến như vậy? Chúng tôi cứ ngỡ mình như Đoàn quân Tây tiến của Quang Dũng sẵn sàng “không mọc tóc” dù cho “Áo bào thay chiếu anh về đất”, hoặc băng mình vào chiến trận khiến “Bụi trường chinh phai nhòa áo hào hoa” (Chính Hữu). Phải chăng đó chính là chất sinh viên, chất tiểu tư sản còn sót lại trong mỗi chúng tôi mà 8 tháng tân binh vẫn còn chưa gột rửa hết?. Cùng với những quyển Từ điển, những cuốn Triết học, những giáo trình Toán cao cấp nặng trĩu trong ba lô, chúng tôi đã không khỏi phải gánh chịu bao nỗi rầy rà, phiền toái sau này. Đó chẳng phải là những nét rất riêng của những người lính sinh viên thời đó hay sao?

Hôm nay, viết những dòng này, mắt tôi đã nhòe lệ! - (Kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ 6/9/1971 - 6/9/2021)

 

Theo Trái tim Người lính

Bạn đang đọc bài viết "Một cuộc chuyển quân" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn