Một đêm Trường Sơn năm ấy…

Phạm Thúy Hậu

20/06/2021 00:44

Theo dõi trên

Bàn tay em lạnh giá, tôi nắm chặt tay em. Em ngả đầu vào vai tôi... Thế rồi, hơi ấm cứ lan tỏa dần, ngấm hương say giữa đất trời. Nụ hôn đầu đời, phút giây hạnh phúc trao cho nhau giữa nơi ác liệt nhất của cuộc chiến…

truong-son-nam-ay-1624124652.jpg
 

"Nơi ấy một thời khói lửa, một thời đạn bom, mọi câu chuyện đều đáng được xem là huyền thoại ở trong lòng những người lính Trường Sơn. Dù là tốt hay xấu, chấp hành nghiêm hay vi phạm kỷ luật thì muôn đời vẫn là những kỷ niệm không quên của một thời kháng chiến gian nan... Xin mọi người hãy hiểu và cảm thông với những người lính nơi sự sống và cái chết mong manh được tính bằng giây phút…"

Hôm đó, khi trời nhá nhem tối, mưa rất to. Xe của tôi đi đến ngầm Ly Tôn (thuộc đường 14 trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh hiện nay) trên đất Quảng Trị thì không thể đi được nữa. Nước lên to không xác định được lối đi an toàn, tôi quyết định dừng xe, ngủ lại, mai tạnh sẽ đi tiếp.

 Đường Trường Sơn vào mùa mưa có những đèo thành vết bánh xe như đường ray xe lửa. Khi xuống đèo, nhiều khi xe cứ trôi hai rãnh của vết mòn. Còn lên đèo thì phải nhả cấp tời lên từng đoạn một, lên hết cập lại phải tìm gốc cây để móc và tời tiếp. Cứ Mỗi năm vào thời điểm như thế này thì xe đoàn chở hàng vào tuyến trong phải nghỉ vì đường trơn nhưng xe phục vụ các đơn vị công binh mở đường thì vẫn phải hoạt động. Hàng thì chủ yếu lấy ở kho của đoàn 559 ở cầu Bến Tắt, hoặc kho của Sư đoàn ở Khe Sanh. Đôi khi còn phải phải ra Quảng Bình lấy hàng về cho đơn vị. Xe dường đi qua nhiều ngầm lớn mà không có cầu.

Vừa mở gói lương khô ra ăn, chợt nghe tiếng gọi không rõ lắm:

- Có ai không? Cho tôi sang với!

Giọng con gái miền Trung. Tôi vội nhìn qua cửa kính xe, chợt nhìn thấy bóng một cô gái giơ tay chấp chới phía dưới hạ nguồn. Tôi vội vớ lấy cái áo mưa, mở cửa xe bước vội xuống đường. Dòng nước đục ngầu, mấy lần chực ngã. Cuối cùng tôi cũng nắm được bàn tay em. May trời phật phù hộ, hai đứa đã sang được bờ.

Cô gái ướt hết, run rẩy vì rét. Tôi vội đưa khăn cho em lau mặt. Làm thế nào bây giờ? Mặt, môi cô gái nhợt đi vì lạnh quá. Tôi vội lục ba lô lấy bộ quần áo của mình đưa cho em mặc.

Mặc dù trời nhá nhem nhưng cũng đủ cho tôi cảm nhận được sự e dè, ngại ngùng của cô gái. Biết ý nên tôi bảo: Cô mặc vào đi, tôi sẽ quay lưng lại.

- Anh không được quay mặt lại!

Tôi vội  trả lời:

- Cô cứ mặc đi, đừng ngại.

- Em cảm ơn anh, bây giờ  anh có thể quay mặt lại - cô gái nói khẽ.

Nhìn em mặc bộ quân phục rộng thùng thình,  tôi quay mặt đi tủm tỉm cười một mình...

- Cô đói không? Tôi có lương khô đây, ăn tạm nhé,

- Em cũng mang theo, nhưng ướt hết rồi.

- Không sao, mình ăn chung.

Tôi bẻ miếng lương khô chia mỗi người một nửa. Sau đó đưa bình tông nước cho cô gái uống. Nhưng em chỉ ăn nửa miếng và đưa lại cho tôi.

Trời tối hẳn, cơn mưa rừng vẫn không dứt. Biết là phải ngủ chung trên xe là chuyện bất đắc dĩ, nhưng biết làm thế nào được giữa đêm tối mịt mùng thế này…Cô gái có vẻ e ngại bảo tôi:

- Anh ngồi ra phía em rồi ngủ. Mai lấy sức đi tiếp. Em sẽ ngồi phía anh, chỗ vô lăng ấy. Đơn vị em cũng không xa lắm. Mai em ngủ bù cũng được.

- Không được, cô cứ ngồi ở đó mà ngủ. Tôi quen ngủ thế này rồi, lính lái xe chúng tôi cứ mệt là ngồi ngủ cũng được một giấc ngon lành.

Rồi tôi khẽ hỏi:

- Này, quê cô ở đâu?

- Dạ, em ở Hà Tĩnh - Cô gái trả lời giọng nhỏ nhẹ.

- Nhưng tôi muốn hỏi cô ở xã nào, huyện nàò? Hà Tinh mênh mang thế thì biết nơi " mô"...

Bỗng dưng cô gái bật cười:

- Chiến tranh anh ơi, mình không cần ghi nhớ nhiều. Chỉ mong chiến tranh kết thúc, được trở về quê với mẹ.

- Vậy quê anh ở đâu?

- Quê tôi ở Hà Bắc.

Thế rồi, tôi kể cho em nghe quê hương tôi có làn điệu Quan họ mượt mà. Mỗi dịp lễ hội có liền anh, liền chị hát giao duyên. Và nổi hứng, tôi hát khe khẽ bài: “Người ơi người ở đừng về…” (Năm 17 tuổi vào quân ngũ, 3 năm rồi mới có dịp hát trước mặt người khác, mà là một cô gái. Chẳng biết có hay không mà tôi cũng hát gần hết bài.)

Cô gái im lặng nghe rồi bỗng sụt sịt khóc. Tôi hoảng hốt:

- Thôi cô đừng khóc, tôi xin lỗi.

- Không sao, em chỉ nhớ nhà thôi. Mấy năm rồi chưa được về thăm mẹ, thăm nhà…Thôi, anh ngủ đi, em ngủ đây.

Mưa vẫn không ngớt. Cái lạnh thấm dần. Hình như em đang rét. Có lẽ mưa rét đã ngấm vào cơ thể nên không giấu tiếng xuýt xoa. Tôi vội nói:

- Cô ngồi sát vào đây, dựa vào tôi cho ấm.

Bàn tay em lạnh giá, tôi nắm chặt tay em. Em ngả đầu vào vai tôi... Thế rồi, hơi ấm cứ lan tỏa dần, ngấm hương say giữa đất trời. Nụ hôn đầu đời, phút giây hạnh phúc trao cho nhau giữa nơi ác liệt nhất của cuộc chiến…

Sáng hôm sau, trời đã tạnh mưa, nước đã rút dần. Khi chia tay, em chỉ nói với tôi:

- Đơn vị em gần đây. Chiến tranh kết thúc, nếu chúng mình còn sống thì sẽ gặp lại nhau. Anh giữ gìn sức khỏe nhé! Mình phải sống nghe anh!...

- Em cho anh địa chỉ ở quê đi. Nhất định anh sẽ tìm em!

Nhưng cô gái không trả lời. Chỉ mỉm cười nhìn tôi nhưng đôi mắt em như muốn khóc, rồi lặng lẽ xuống xe.

Tôi nhào ra, ôm em thật chặt. Em gỡ tay tôi ra và bước đi thật nhanh. Tôi nhìn theo cái dáng mảnh dẻ khuất dần phía rừng xa…

Tôi lên xe, chở hàng về đơn vị cho kịp giờ, kịp phân phối hàng cho các đơn vị chiến đấu. Dù sau hiệp định Paris 1973, Mỹ không còn ném bom xuống đường Trường Sơn nữa nhưng chúng tôi biết cuộc chiến vẫn còn nhiều khó khăn gian khổ. Hi vọng chiến tranh nhanh kết thúc.

Tôi rất nhớ em và thương em. Có nhiều đêm thao thức không ngủ được. Em biết rõ là kỉ luật trong chiến tranh là nghiêm túc. Em không muốn ảnh hưởng đến tôi. Nên khi được chuyển chuyến hàng sau, tôi dừng xe lại hỏi đường về đơn vị em nhưng mọi người bảo đã chuyển đi nơi khác rồi.Tôi đứng lặng hồi lâu. Cảm giác hụt hẫng, bâng khuâng, nhớ nhung…

Mặt trời rọi những tia nắng yếu ớt xiên qua tán lá cây chiếu xuống mặt đất, thỉnh thoảng hắt qua cửa kính xe. Con đường gồ ghề sỏi đá, chiếc xe của tôi cứ chồm lên, lúc nghiêng phải, nghiêng trái. Đến ngầm Ly Tôn, tôi xuống xe, hít thở thật sâu. Nhắm mắt lại, hình ảnh em vẫn như trước mặt. Bây giờ, em đang ở đâu? Có điều gì xảy ra với em không? …Tất cả những câu hỏi đó như xoáy vào tâm can tôi…

Đơn vị tôi tiến sâu vào phía Nam, những năm cuối của chiến tranh cam go và ác liệt là rất nhiều đau thương và hy sinh mất mát…Đồng đội của tôi biết bao người đã ra đi mãi mãi, nằm lại suốt dọc mảnh đất Trường Sơn này. Họ đã hoá thân vào non sông đất nước.

Hòa bình đã lập lại, tôi đi tìm em nhiều lần… nhưng vẫn bặt vô âm tín. Đã mấy chục năm trôi qua, điều tôi day dứt nhất là không tìm được em. Chỉ mong khi em đọc tâm sự của tôi, xin nhận ở tôi một lời tha thứ.

(Ghi theo lời kể của một người lính)

Yên Thế,  tháng 5 /2021 - PTH

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Một đêm Trường Sơn năm ấy…" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn