Trong chiến tranh, những mẩu chuyện thú vị về những người lính sinh viên có rất nhiều và cũng nhiều cái kết có hậu. Tôi cũng xin kể một câu chuyện tương tự.
Về công tác một đợt tại Đồn CAVT miền biển năm 1972, nơi được mệnh danh là túi bom của máy bay Mỹ, có 3 lính sinh viên. Phan Đình Dũng (Dũng lùn) sinh viên năm thứ tư Vô tuyến điện ĐHBK, Tạ Đình Nam (Nam bầu) sinh viên năm thứ 3 Khoa Văn ĐH Tổng hợp, còn tôi là sinh viên năm thứ 3 khoa Chế tạo máy ĐHBK. Để giấu cái đuôi "tạch tạch sè" (tiểu tư sản) vẫn được gán cho lũ sinh viên nên các anh đều chọn lối sống "co mình" trong sinh hoạt (chỉ sinh hoạt thôi). Không biết Dũng và Nam thế nào chứ riêng tôi, ai hỏi cũng đều giấu mình là người Hà Nội và từng là sinh viên. Cái huy hiệu ĐHBK trên đó có hình bánh răng, quyển sách và chiếc Com pa tặng cho mỗi
Khi Hiệp định Paris được ký kết , để chuẩn bị cho việc thông thương giữa 2 miền, miền Bắc tiến hành làm Thẻ Căn cước và cả 3 thằng đều được cử đi học lớp tập huấn làm căn cước do CA huyện tổ chức cùng với một số CA xã có trình độ văn hóa được chọn lọc từ các địa bàn.
Cạnh nhà các anh ở cùng với dân, có một toán học sinh cấp 3 đang trọ học, đó là các học sinh cuối cấp trường Huyện ở những xã xa xôi (hồi đó học cấp 3 là oách lắm). Một hôm, thấy bọn chúng cãi nhau rất to, tôi nghe kỹ thì thấy chúng cãi nhau về một tổ hợp nghiệm của bất phương trình lượng giác có tangX ở dưới mẫu và không đứa nào chịu đứa nào. Đợi chúng cãi nhau chán chê tôi mới vói sang: " để chú thử giải xem nào". Và thế là tôi đã giảng giải cho bọn chúng là "trước khi khử mẫu số thì phải biện luận tangX khác "0" và X phải khác Pi/2, ngoài ra còn phải biện luận trong 2 trường hợp nếu tangX dương và tangX âm điều này sẽ phải được loại trừ khi tổ hợp nghiệm", vân vân và vân vân... Bọn chúng xoe mắt nhìn chú bộ đội với ánh mắt lạ lẫm, chúng đâu biết rằng đối với sinh viên ĐHBK thì môn Toán và Ngoại ngữ được coi là "trò tiêu khiển".
Trong suốt thời gian đó, bọn chúng có bài nào khó đều mang đến hỏi, có thể chúng vẫn còn muốn thử chú bộ đội này chăng? và tôi cũng cố tìm những lời giải thật hay, thật độc đáo giành cho bọn chúng. Tôi nhớ có những bài rất khó, cỡ học sinh chuyên Toán mới giải được, dứt khoát những bài này không phải giành cho bọn chúng, tôi đã có cảm giác là vậy.
Và Tôi đã đúng! sau khi biết những bài toán ấy là chính do thầy giáo tổ trưởng bộ môn Toán đã xui bọn chúng mang về để thử trình độ và tất nhiên tôi đã suất sắc vượt qua, "gì thì gì mình cũng từng là sinh viên khoa Chế tạo máy ĐHBK cơ mà", tôi tự nhủ thầm và ngày càng háo hức đợi chờ những bài toán khó cùng ánh mắt ngưỡng mộ của tụi trẻ. kkk!!!
Rồi một tối, tụi học sinh sốt sắng mời anh sang chơi, anh rủ thêm Phan Đình Dũng. Đến nơi thấy bên cạnh nồi nước chè chát và đĩa khoai lang khô nghiền, lố nhố nhiều bóng người. Ngoài lũ HS trọ học còn có thêm 2 nhân vật, một mái đầu hoa râm và một mái tóc mướt dài. Thầy Tổ trưởng bộ môn chừng hơn 4 chục, tóc đã bắt đầu điểm những sợi bạc, người khô gày đặc trưng của những ông Đồ Nghệ nhưng đôi mắt thì rực sáng, giọng nói nhỏ nhẹ và khúc chiết (đặc trưng của những thầy dạy Toán). Cô chủ nhiệm dạy Văn còn khá trẻ, không xinh lắm, người rắn rỏi, nói chuyện lưu loát, cười hóm hỉnh và đặc biệt là ánh mắt tinh nhanh thỉnh thoảng thoáng như chìm vào trong một nỗi buồn vu vơ. Tôi đoán nhất định cô này có người yêu ra trận và lần này tôi lại đúng!
Có lẽ việc giải toán giúp bọn trẻ bước đầu chỉ gây nên một sự tò mò, hiếu kỳ, rồi sau đó khiến bọn chúng háo hức và cuối cùng thì đã tạo nên một phong trào học toán trong lớp khiến Cô chủ nhiệm phải để ý. Những lời giải có phần độc đáo của tôi chắc cũng làm thầy Chủ nhiệm môn Toán động lòng tìm gặp. Thầy Tổ trưởng và cô Chủ nhiệm cám ơn việc giúp đỡ các học sinh nhà trường học Toán và gặng hỏi xem tôi có phải thầy dạy Toán không? Theo lời thấy thì những bài giải của tôi có tính sư phạm, bởi vì mỗi khi kết thúc lời giải tôi đều có sự tổng kết và mở rộng (chỗ này phải mở ngoặc một chút, quả thực tôi cũng có phương pháp sư phạm thật vì đã từng dậy kèm 5 em học, trong đó đã 2 đứa vào Đại học, bọn chúng chẳng phải học thêm ở đâu).
Cố nhiên là tôi giấu, chỉ nói là tại mình thích Toán mà thôi. Nhưng bất ngờ có cậu học sinh tiết lộ các anh chính là các SV nhập ngũ vì chú Nguôn (phó CA xã Nghi Yên) đã nói cho chúng biết (còn tại sao A Nguôn biết được thì tôi cũng chịu).
Sau hồi quanh co, cuối cùng chúng tôi cũng phải nói thật và câu chuyện sau đó cũng dễ dàng hơn. Đặc biệt khi biết Dũng là SV khoa Vô tuyến điện, các thầy cô đã nhờ Dũng sửa cho cái đài bán dẫn XiengMao của nhà trường đang tậm tịt. Bằng những dụng cụ trong phòng thí nghiệm của nhà trường, sau nhiều đêm cặm cụi Dũng cũng sửa được đài và còn làm cho nó nói to hơn bằng cách thay bóng công suất (Những linh kiện này Dũng có vô khối vì khi ở Đồn, Dũng đã tranh thủ tháo hết các bóng bán dẫn và bóng công suất của từng chiếc đài tâm lý của Mỹ thả trôi lềnh bềnh ngoài biển mà người dân đã mang nộp, trước khi mang đi tiêu hủy). Không thể nói là các anh được hoan nghênh nhiệt liệt đến cỡ nào?
Cuối cùng chuyện gì đến cũng phải đến, kết thúc chuyến tập huấn các anh lại trở về Đồn để hoàn thành cấp Thẻ căn cước cho địa bàn, sau đó lại tiếp tục miệt mài công tác trong Đội Công tác cơ sở.
Câu chuyện mà tôi muốn kể tới đây là hết, cũng thú vị đấy chứ nhỉ? Trong chiến tranh, cái anh SV mặc áo lính có những lúc thảm thương nhưng cũng lại có những phút giây tỏa sáng để tự hào. Thế nào cũng có người hỏi: "Chẳng nhẽ câu chuyện không có đoạn vĩ thanh", xin trả lời là "có, nhưng sẽ được trở lại một dịp khác".
P/S: Câu chuyện trên chỉ 1,5 % tôi thêm vào để có chút dấm ớt. Hồi bên Nga tôi có được xem bộ phim VN "Những người sống quanh tôi", đến đoạn anh bộ đội phục viên thái phở thuê (Quốc Tuấn đóng) giải toán cho cô học sinh (Nguyệt Hằng đóng) tôi vỗ đùi reo lên: "Phim nói về tao chúng mày ạ, ngày xưa đi bộ đội tao cũng đã như thế" và tôi lại say sưa kể cho bọn chúng như tôi đã kể cho các bạn, chỉ có điều dấm ớt không nhiều như vầy.
Trái tim người lính