Một quyết định nhức nhối

 Đức Cường

03/03/2022 11:04

Theo dõi trên

Một quyết định liên quan đến tính mạng một con người hẳn đó là một quyết định đặc biệt cần phải cân nhắc kỹ. Cho đến bây giờ kỷ niệm đã hơn bốn mươi năm mà tôi vẫn còn day dứt bởi đúng hay sai về một quyết định tập thể của tổ trinh sát mà lúc đó đều lứa tuổi đôi mươi . Câu chuyện như sau

Khoảng tháng 10/ 1978, đội hình sư đoàn 320A đã sang tác chiến bên kia biên giới thuộc huyện Mi mút tỉnh Công phông chảm (Caamphuchia). Đây là huyện miền núi biên giới của nước bạn giáp tỉnh Tây Ninh của ta. Đại đội 20 trinh sát sư đoàn đóng ở phía Đông cao điểm 202. Nói là cao điểm nhưng thực ra đó là một đồi thấp được phủ toàn bộ cây cao su đã nhiều năm tuổi. Vào một buổi chiều đồng chí Đại đội trưởng gọi toàn tổ lên giao nhiệm vụ, luồn sâu đặt đài quan sát đường 78 từ ngã ba Suông đi đầm Be. Công việc chủ yếu là theo dõi, ghi chép sự di chuyển lực lượng của địch. Thời gian năm ngày. Kết quả về báo cáo trực tiếp tại ban trinh sát.

Nhận lương thực thực phẩm xong chúng tôi lên đường ngay. Anh Duyên tổ trưởng và anh Thịnh thông tin 2W cả hai đều là người Hà Bắc. Còn Tư và tôi đều người xứ nghệ. Riêng Đạt người Thanh Hóa. Anh là lính mới bổ sung vào. Đây cũng là chuyến “ thử lửa “ đầu tiên.

chuytratim1-1646280212.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Gần tối. Xác định vị trí đứng chúng tôi biết còn khoảng 1km nữa thì đến chốt bộ binh. Chúng tôi quyết định nghỉ lại sáng mai đi tiếp để tránh bộ binh ta bắn nhầm. Trước mắt chúng tôi là bản nhỏ nằm giữa rừng cao su. Do làng bản ở K khó đọc nên lính ta thấy trên bản đồ hình thù thế nào, đặc trưng gì thì gọi như vậy. Nào là bản đỏ, bản vuông, bản dài, bản đu đủ ( vì có nhiều đu đủ)... nơi dừng nghỉ là bản vuông.

Chúng tôi nhẹ nhàng tiếp cận. Bản này cách đây 1 tuần địch còn kiểm soát nhưng đã bị trung đoàn 48 đánh mạnh buộc rút ra ngoài . Bản vắng lặng hoang tàn không một bóng người. Có lẽ khi chiến tranh đến dân bỏ chạy vào rừng sâu lánh nạn. Chúng tôi leo lên sàn. Nhà dân chàm ở Cam pu chia giống như nhà sàn của người dân tộc bên ta. Tổ trưởng phân công tôi cảnh giới còn lại mắc võng và đổ nước vào bao gạo sấy để ăn tối.

Tôi ngồi quan sát ở cửa sổ để theo dõi. Bóng đêm ập xuống , chỉ có tiếng xào xạc của gió rừng, tiếng gà con lạc mẹ, tiếng chim lợn bắt đầu đi ăn đêm. Bỗng nhiên nghe tiếng sột soạt ngày càng rõ to dần . Tôi tắc lưỡi 3 cái ra tín hiệu báo động chiến đấu. Qua ánh trăng thượng tuần tôi nhìn thấy một người đang bò một cách nặng nhọc, tiến về phía chân cầu thang. Tôi nâng khẩu AK lên nhưng tổ trưởng ra ký hiệu không được bắn. Phương án tác chiến hình thành nhanh chóng trong tích tắc, Tư và Thịnh cảnh giới còn tôi và Duyên cùng nhảy xuống dùng võ thuật bắt sống. Hai chúng tôi bất ngờ cùng nhảy xuống và hô:

-Lớc lai lơn(giơ tay lên).

Vốn tiếng K quá ít ỏi của chúng tôi chỉ đủ dùng bắt tù binh thôi. Nó không giơ tay. Ồ thì ra đây chỉ là 1 thằng oắt con. Nó không có dấu hiệu sợ sệt. Nó ngước mặt nhìn , ánh mắt lóe sáng niềm hi vọng . Có lẽ nó tưởng dân làng hay bố mẹ về cứu nó. Nhưng không ,nụ cười tắt vội trên môi. Thay vào đó là 2 hàng nước mắt. Trước mắt nó là hai người lính ngoại quốc, súng lăm lăm trong tay. Ngôn ngữ bất đồng nên chúng tôi không thể có cách gì để diễn đạt được ý nghĩ của mình. Thằng bé khoảng chín , mười tuổi, da đen sạm gầy còm, trên tay cầm bắp ngô khô. Nó gầy yếu quá, chân bước không nổi. Nhìn vào ổ rơm thấy còn có mấy bắp ngô và vài củ sắn nữa. Có lẽ đây là "kho" lương thực của nó. Chúng tôi bế thằng bé lên sàn, người nóng quá có lẽ nó sốt cao. Rồi chúng tôi cùng ăn, nó ăn một cách ngon lành mắt nhìn chúng tôi ra vẻ cảm ơn. Ăn no, nó nằm thiếp đi. Có lẽ do đã nhịn đói nhiều ngày.

Chúng tôi thì thầm nói chuyện với nhau phán đoán tại sao thằng bé nông nổi như thế này. Tôi là người hay nói. Đưa ra nhận định đầu tiên:

- Đây sẽ là nhà của nó. Nó quá yếu không leo được nên nằm dưới chân cầu thang để chờ bố mẹ về cứu.

Tư nói:

- Có lẽ nó đi học xa nên khi trở về dân làng đã chạy vào rừng hết. Biết đâu mà tìm?

Tổ trưởng Duyên thì thầm:

- Cậu kém thế. Khơ me đỏ làm gì có trường dạy văn hóa mà học. Nó đang thực hiên chính sách ngu dân mà!

Tư nhận định:

- Vậy có thể dân làng bỏ chạy khi nó đi chăn trâu hay vào rừng làm rẫy?

- Cũng có thể. Duyên trả lời.

Tư nói:

- Nó đói nhiều ngày quá mà sốt cao. Có lẽ nó chết mất. Ta phải đưa nó đi anh à. Mai để em cõng !.

Trời đã tối song tôi thấy Tư đưa tay lên như lén gạt nước mắt. Tổ trưởng Duyên nói:

- Thôi thay phiên nhau ngủ lấy sức mai ta bàn quyết đinh. Nhưng nhiệm vụ chúng ta dài ngày nặng nề lắm nếu đưa nó đi theo e không hoàn thành nhiệm vụ.

Chúng tôi thay phiên nhau ngủ. Chỉ nghe tiếng trở mình, tôi thấy hình như cả bốn đều trằn trọc thâu đêm. Có lẽ vì chuyện thằng bé.

Sáng sớm dậy, cả bốn cùng bàn để có quyết định nhọc nhằn. Mang theo hay để lại. Tư và Thịnh ý kiến phải đưa thằng bé theo vì để lại nó sẽ chết. Nhưng tổ trưởng đã quyết định để lại. Lý do bởi đường còn dài, gặp địch cơ động sẽ khó khăn.

Chúng tôi bớt khẩu phần ăn để lại cho thằng bé . Cho nó uống thuốc cảm với hi vọng ngày trở lại nó còn sống sẽ đưa nó về đơn vị. ( Lính trinh sát trên dây lưng chiến đấu khi nào cũng có dao găm, bi đông nước, túi bao đạn, túi thuốc cá nhân). Trao "tiêu chuẩn" cho thằng bé xong chúng tôi không quên múc cho nó vò nước để cạnh. Lòng thầm nhủ: "chỉ cần em sống đến ngày các anh trở về thì cuộc sống sẽ dang tay đón em".

Trước lúc chia tay, chúng tôi muốn nói với em nhiều lắm song ngôn ngữ bất đồng đành nhìn em yên lặng. Chúng tôi vẫy tay chào, nhìn thấy ánh mắt em đượm buồn nhưng vẫn ánh ngời niềm hi vọng. Em đâu biết được rằng cái chết đang chờ em phía trước. Tôi thấy trong mắt thằng đồng hương đa cảm, nước mắt đã lăn dài trên má. Đi đã được vài chục bước như sực nhớ gì Tư chạy trở lại, hình như dấu chúng tôi cho nó thêm phong lương khô.

Đến chốt bộ binh, chúng tôi hiệp đồng thời gian quay trở lại để tránh bắn nhầm. Các đồng chí bộ binh nói rằng hãy cẩn thận vì cách đây hai ngày địch đánh vào nơi này.

Bốn ngày sau. Hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi quay trở lại. Đến gần bản Vuông chẳng ai bảo ai nhưng mọi người đi rất nhanh. Tư lúc nào cũng đi trước. Những ngày thực hiện nhiệm vụ chúng tôi lúc nào cũng nhắc về em. Tư nói đi nói lại nhiều lần: "Thương nó quá, nó bằng tuổi em út mình"!

Kia rồi, em vẫn nằm kia. Chúng tôi ùa chạy lại. Trời ơi, thằng bé đã cứng lạnh. Trong tay vẫn còn cầm miếng lương khô ăn dở. Mắt em vẫn mở như đang trông chờ chúng tôi trở về. Chúng tôi vuốt mắt cho em khá lâu mới nhắm lại. Có phải vì em chết oan không mà không muốn nhắm mắt!. Chúng tôi nhanh chóng mai táng em ngay vườn nhà rồi để dép của nó dưới chân mộ , với hi vọng sau này bố mẹ nó về còn nhận ra con mình . Mọi người vừa đào, rồi lấp. Tất cả đều ứa lệ.

Xong việc, chúng tôi cắt đường về đơn vị. mọi người thẫn thờ bước. Bước chân luc này thật nặng nhọc. Không ai nói câu nào mà tự thấy lòng mình nặng trĩu. Hãy tha thứ cho các anh, các anh đã về muộn , vì sự hoàn thành nhiệm vụ. Vì cứu cả đất nước hồi sinh nên đành lòng bỏ em lại để rồi lương tâm bứt rứt cho đến bây giờ.

Cuối tháng 7/1979 chúng tôi ra Bắc đóng quân ở xã khôi kỳ huyện Đại Từ - Thái Nguyên. Vào dịp chào mừng ngày thành lập Quân đội 22/ 12 năm đó, tôi được chi đoàn C20 chọn vào ban biên tập báo tường. Đó là số báo đầu tiên khi trở về đất Bắc với chuyên đề chào mừng ngày thành lập quân đội. Đa số bài đều viết về kỷ niệm chiến tranh. Song có 1 bài thơ làm nhức nhối tim tôi. Đó là bài thơ " Qua xóm vắng" . Tác giả là thằng đồng hương Ngô Thanh Tư của tôi. Với ghi chú: " Kỷ niệm chuyến công tác qua bản Vuông". Tôi đọc đi, đọc lại mà nước mắt dâng trào tự trách mình vô cảm. Thằng Tư ít nói mà trái tim giàu đến vậy. Tôi không thể sửa một câu nào bởi nghĩ rằng hãy để yên cho trái tim rung động. Hãy để cho dòng nước mắt tự chảy. Trong bài thơ này có cả trăn trở của tôi, của Thịnh, của anh Duyên và sẽ như bao người lính tình nguyện VN trong hoàn cảnh đó.

Cho đến bây giờ đã 40 năm trôi qua. Quãng thời gian không ngắn trong đời mỗi con người, tôi còn nhớ 8 câu thơ mở đầu bài :

" Qua xóm vắng “

Trên đường công tác anh gặp em

Bản hoang nhà vắng cảnh điêu tàn

Mình em bơ vơ nơi xóm nhỏ

Ổ rơm ai lót đặt em nằm

Em nhỏ mới lên độ 9 - 10

Có biết gì đâu lứa tuổi chơi

Đã mấy ngày nay em sống vậy

Không gạo không tiền không mẹ cha

Chiến tranh lửa khói ngợp trời mây

Tràn đến bản em miền quê vắng

Anh khắc mãi một lời tâm niệm

Em là nạn nhân của chiến tranh

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Một quyết định nhức nhối" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn