Một số vấn đề về hậu Covid ở phụ nữ mang thai

PGS.TS Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Duy Ánh là chuyên gia đầu ngành về Sản phụ khoa, hiện tại anh đang là Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Anh đã có những chia sẻ đầy tâm huyết về những vấn đề liên quan đến hậu Covid ở phụ nữ mang thai với phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.
pgsts-thay-thuoc-nhan-dan-nguyen-duy-anh-1649658296.jpg

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ, có rất nhiều báo quốc tế, hội nghị khoa học đã lên tiếng, Covid thử âm tính không có nghĩa là hết. Bởi lẽ là thực sự con virus để lại di chứng khá là dai dẳng. Thậm chí có những nghiên cứu nói rằng tới sáu tháng sau vẫn còn những ảnh hưởng. Sáu tháng sau khi đã âm tính rồi vẫn còn những di chứng. Những hội chứng nó gây ra tác động đến tất cả các cơ quan phủ tạng của chúng ta. Từ não, tim, gan, thận, tiêu hóa, cơ, xương, khớp. Tất cả đều có thể bị ảnh hưởng. Đặc biệt liên quan đến hệ thống tim mạch.

Nếu những hội chứng hậu Covid này trên nền tảng ở những đối tượng như người có bệnh nền, vốn dĩ đã tổn thương tim mạch rồi. Ví dụ như đái đường, ví dụ như huyết áp, ví dụ như những người có những bệnh lý về tim. Họ yếu sẵn rồi. Ví dụ như những người có những rối loạn vận mạch như là giãn tĩnh mạch, chi, phình mạch ở đâu đó, thì đó là những vấn đề hết sức nghiêm trọng. Người ta có thể tử vong vì hậu Covid.

Chính vì vậy, chúng ta nên thăm khám. Đặc biệt những người có thai. Người mang thai không phải là bệnh nền. Người mang thai sức đề kháng giảm. Người mang thai là người đang mang và nuôi dưỡng thêm một cơ thể nữa ở trong người. Người mang thai là đang mang một cơ thể lạ ở trong người và cơ thể luôn luôn phản ứng với cơ thể lạ đó. Hậu Covid nữa không có nghĩa là khỏi Covid, người mang thai sẽ có cuộc đẻ an toàn. Rất có thể cuộc đẻ người mang thai đó, dưới góc độ sản khoa chúng tôi biết rất rõ, có thể có những tai biến rất bất ngờ đối với cuộc đẻ. Thêm vào những tai biến sản khoa thông thường đang gặp hiện nay nặng thêm lên hoặc có thêm những tai biến khác. Chính vì vậy, nếu chúng ta đã từng bị Covid, nhất là chúng ta có bệnh nền, nhất là đang mang thai, dứt khoát chúng ta nên đi tầm soát và khám xem ảnh hưởng Covid đến đâu trên cơ thể chúng ta.

Nhất là những người khỏi Covid rồi, thử âm tính rồi nhưng vẫn thấy xuất hiện những triệu chứng về thần kinh như là lơ mơ ở trong đầu, quay cuồng, đầu óc nhiều lúc hoa mờ như là bị rối loạn tiền đình. Có những lúc đau ở vùng ngực trái (bị cơ tim), có những ảnh hưởng như ăn uống khó tiêu, đầy bụng, đau bụng không rõ nguyên nhân. Có người đi ngoài phân sống hoặc những dấu hiệu đau dọc ở các cơ ở chân và tay, đặc biệt hệ thống chân mạch máu sẽ bị tổn thương và có huyết khối ở đó. Huyết khối từ đó có thể chạy ra khỏi chỗ đó, chạy vào tim, chạy vào mạch vành, chạy vào não gây ra tắc mạch ở não, ở tim gây ra  những đột quỵ.

Covid thực sự là một con virus đáng sợ ở chỗ đó. Dù chúng ta có những người khỏi xong rất nhẹ nhàng nhưng chúng ta hết sức cảnh giác. Những triệu chứng mà nếu có thể có, tầm soát lại xem nó để lại trên cơ thể chúng ta là những cái gì. Nhất là những người có bệnh nền, những người đang mang thai, những người già yếu chúng ta càng phải kiểm tra.

Ở phụ nữ mang thai, liên tục họ chịu trận của Covid đó là gây rối loạn đông máu. Tôi chưa gặp một phụ nữ mang thai nào, qua Covid đã thử âm tính, mà lại không có những biểu hiện rối loạn đông máu. Trong cuộc đẻ sợ nhất  là chảy máu. Cái đó là cái chúng tôi luôn luôn phải đặt ra đối với những người phụ nữ mang thai. Phải kiểm tra hệ thống đông máu của họ rối loạn đến đâu. Thử các chức năng đông máu của họ đến đâu. Họ có an toàn trong cuộc đẻ này không? Cuộc đẻ này liệu cần phải dự phòng gì không? Đấy là cái thực tế lâm sàng chúng tôi đang thấy như vậy. Chưa một phụ nữ có thai nào không bị ảnh hưởng bởi rối loạn đông máu.

Hậu Covid tức là khỏi vẫn bị, mức độ khác nhau, nếu thực sự không có thuốc men dự phòng thì triệu chứng nó sẽ nặng dần lên. Một ngày nào đó nó có thể gây hậu quả.

Chia sẻ với phóng viên về vấn đề sau khi khỏi Covid, nhiều người truyền tai nhau về những đơn thuốc, tự mua để uống; vấn đề này ở người phụ nữ mang thai có ảnh hưởng gì khi mà đơn thuốc không được chỉ thị của bác sĩ; PGS.TS Nguyễn Duy Ánh  cho rằng những người truyền tai nhau là hậu Covid nên uống thuốc này thuốc khác, đôi khi tiền mất tật mang. Vì thuốc luôn luôn là con dao 2 lưỡi. Những thuốc mà chúng tôi kê thứ nhất là nhắm vào khắc phục những hậu quả của hậu Covid, thứ hai là an toàn cho thai. Mải chữa mẹ mà quên thai thì rất nguy hiểm, cái thai sẽ chịu trận nếu như thuốc men không đúng. Đôi lúc những thuốc người ta truyền tai nhau không có một tác dụng gì. Cuối cùng thuốc cần có tác dụng lại không đi uống. Cuối cùng triệu chứng vẫn mang mà mình lại đi uống thuốc không có tác dụng gì.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ, người sản phụ mang thai mà bị Covid, đấy là đối tượng nguy cơ xếp vào bậc nhất, rất giống những người đang mắc bệnh nền rất nặng bị Covid. Đặc biệt với những phụ nữ mang thai mà chưa tiêm phòng, chưa đủ lượng kháng thể trong người để chống đỡ, chúng tôi thấy rất khủng khiếp. Nó trở bệnh nhanh không trở tay kịp đối với y tế.

Thực tế, trước giai đoạn Covid lên đỉnh, số người tiêm phòng của chúng ta ở phụ nữ có thai là rất ít. Sau khi chúng tôi thấy thực tế tiêm ít quá, do người ta quan niệm tiêm phòng ảnh hưởng đến thai, thôi mình cố nhịn, chắc gì đã bị làm sao, không bị đâu nên là không tiêm. Lúc mà thấy cộng đồng bị nhiều quá, họ mới đi tiêm, đôi khi cũng đã là muộn.

Khi những người không tiêm, triệu chứng trở nặng, những triệu chứng nặng xuất hiện vô cùng đột ngột mà thầy thuốc không kịp trở tay. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong thời gian chống dịch vừa qua, được thành phố giao nhiệm vụ chữa bệnh Covid cho những người phụ nữ mang thai. Tất cả ở mức độ nặng trung bình chuyển đến chúng tôi, quá nặng thì chúng tôi chuyển lên bệnh viện Nhiệt đới. Chúng tôi biết rất rõ những ca nặng cực kỳ đó toàn bộ là do không tiêm phòng.

Sau khi người ta khỏi Covid rồi, hậu Covid vẫn phải theo dõi cẩn thận. Người phụ nữ dù đẻ rồi hay chưa đẻ, thì những tổn thương hậu Covid vẫn tác động lên người mẹ. Với đứa bé, đó là sự chậm phát triển do tình trạng tuần hoàn của tử cung rau (máu từ người mẹ ở tử cung qua bánh rau) thực sự cũng bị rối loạn đông máu. Quá trình ở đó có những tắc mạch làm cho những phần bánh rau mất chức năng không cấp máu cho đứa bé, làm cho đứa bé chậm phát triển. Bác sĩ phải có thuốc men, điều trị hỗ trợ.

Hiện nay có khá  nhiều khuyến cáo quốc tế, được thông qua Bộ Y tế nữa, về việc thăm khám hậu Covid những khoản nào, điều gì. Tại sao phải khám cái đó, tại sao phải hỏi bệnh nhân những triệu chứng đó? Để tìm ra xem sau Covid người ta có bị ảnh hưởng vùng mình đang nghi ngờ không. Ví dụ não họ bị triệu chứng gì? Mắt thì triệu chứng gì? Tim thì triệu chứng gì? Phổi có cần kiểm tra chụp phổi xem những tổn thương. Có những người bị xong không biết, thấy mình yếu yếu hơn. Hóa ra phổi bị tổn thương, mất đi một phần phổi, khả năng hô hấp kém. Hoặc là mạch máu của  họ, tổn thương rất nghiêm trọng ở trong lòng mạch. Lòng mạch như một cái ống, không còn trơn tru nữa, như bị đào bới lên. Chính sự đào bới lên, kéo tụ tiểu cầu, làm cho rất dễ tảng cục máu đông, tắc mạch máu.

Vấn đề tiêu hóa, từ tổn thương mạch máu mà ra, con Covid này đi theo mấy thụ thể bám vào mạch máu. Thụ thể ACE đi theo mạch máu vào làm tổn thương. Mạch máu bị tổn thương làm sao nuôi dưỡng tốt ruột? Ruột không tốt làm sao hấp thụ tốt? Dạ dày không được tưới máu tốt làm sao nó co bóp tốt để tiêu hóa thức ăn? Gan cũng thế. Chúng tôi đã gặp những sản phụ bị tắc mạch gan do hậu Covid. Hoàn toàn là khỏi Covid rồi, mà cuối cùng chị ấy bị tắc mạch gan do hậu Covid. Mạch máu chạy vào gan tắc mạch to nhất, thế là gan không được nuôi dưỡng. Triệu chứng suy gan đột ngột, gan không được nuôi dưỡng, suy đột ngột luôn, teo gan. Chúng tôi phải cấp cứu, lọc cục máu ra, gan được nuôi dưỡng trở lại, chị ấy thoát khỏi được cái chết. Có những cái chúng ta phải biết để tham khảo.

Với những phụ nữ có ý định mang thai, bị mắc Covid mới khỏi nếu để thực sự khỏe mạnh, tối thiểu nên có khoảng 2 tháng. Các khuyến cáo nói rằng, thời gian từ 8 tuần đến 6 tháng mới bình phục hoàn toàn nếu thực sự Covid. Tốt hơn nữa là để hẳn 6 tháng, khỏe mạnh hoàn toàn hãy có thai, đấy là điều tốt nhất.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh khuyến cáo với những phụ nữ chuẩn bị mang thai mà đã bị Covid, hãy đi khám hậu Covid xem mình có bị tổn thương nặng nề không. Thực sự không phải ai cũng bị, nhưng rõ ràng đã có những người bị tổn thương hậu Covid khá nặng nề. Chúng ta nên đi khám hậu Covid để chúng ta biết được mình có ảnh hưởng không. Nếu ảnh hưởng, chúng ta để bình phục đã rồi hãy mang thai. Không thì mang thai, cái thai đó sẽ chậm phát triển, cái thai có thể là yếu tố làm cho cái bệnh hậu Covid của mình nặng lên. Nếu đang mang thai, càng cần phải đi khám, xem đợt Covid vừa rồi còn tổn thương nào không, từ đầu đến chân có gì tổn thương không? Mình mang thai cần thuốc men như thế nào, chăm sóc ra sao, nghỉ ngơi thế nào.