Một thế kỷ dài hơn một trăm năm

Dày 1.365 trang, với 750 tác giả, thực hiện chỉ bởi một cá nhân, tập “Từ điển tác gia văn học Việt Nam thế kỷ XX” của Trần Mạnh Thường (NXB Hội Nhà văn, tháng 12.2003) là công trình đặc biệt đáng quan tâm và trân trọng.

Dõi qua 750 chân dung trong tập sách, người đọc có thể hình dung khái quát vănhọc Việt Nam thế kỷ XX, trong đó có những đại thụ đã vĩnh hằng cùng thời gian bằng giá trị của trước tác, nhân cách nhà văn, có những danh nhân đã đặt nền móng cho văn hoá – văn học dân tộc buổi giao thời Hán Nôm – quốc ngữ. Có thể kể Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Duy Anh, Huỳnh Thúc Kháng.

dt0104-1665584727.jpg
Bìa sách Từ điển tác giả văn học Việt Nam thế kỷ 20.

 

Có những tên tuổi không thể thiếu: Hoài Thanh với Thi nhân Việt Nam – “Từ ấy đến nay nửa thế kỷ, vậy mà hôm nay đọc lại Thi nhân Việt Nam, điểm lại 45 nhà thơ được ông chọn, thật kinh ngạc: trong số 45 tác giả ấy chỉ rơi rụng đâu có vài người” (Nguyên Ngọc), Vũ Ngọc Phan với Nhà văn hiện đại đến giờ vẫn là nguồn tham khảo đầy tin cậy. Nhiều thế hệ sáng tác đã cùng có mặt bên nhau, không phân biệt khuynh hướng, không thành kiến kỳ thị. Về thơ, nếu có những Tản Đà, Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Văn Cao, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Dần, Phùng Quản... thì cũng có cả Bùi Giáng, Nguyễn Vỹ, Vũ Hoàng Chương. Về văn, bên cạnh những Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Hồ Biểu Chánh, Nam Cao, Nguyển Hồng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Lý Văn Sâm, Vũ Trọng Phụng, ...cũng có cả Phạm Quỳnh, Phan Khôi, và ba anh em Nhất Linh - Hoàng Đạo - Thạch Lam, cùng với Khái Hưng, của Tự Lực Văn Đoàn.
Trong những chân dung cá nhân, Bùi Giáng là nét nhấn hết sức ấn tượng. “Ông sống ở tại thế bơ vơ. Khi tận cùng dĩ vãng, lúc chót vót tương lai. Cái có thì không, cái không thì có...Bùi Giáng là một Thi quỷ hay Thi tiên có một không hai trong nền văn học dân tộc? ” (Bùi Văn Nam Sơn). “Bùi Giáng là hư không, là vô thường, là thiên niên kỷ trước, là lầu không, là vô biên mầu nhiệm, là bát quái trận đồ vô ra bế tắc mà rốt cùng vẫn luân lưu một sự đời miên viễn nói cười hả hê vu vơ mầu nhiệm” (Trịnh Công Sơn). Chân dung Văn Cao là một hoà sắc trong những hoà thanh: “Trong tâm hồn Văn Cao, nhạc, hoạ, thơ ngự trị như một Trinité tam vị thế,
một Đức Chúa ba ngôi trong đó mỗi ngôi bao gồm cả hai ngôi kia” (Dương Tường). Chân dung Nguyễn Trung Đức – dịch giả cũng rực rỡ không kém bởi sự đóng góp- mở đường, với hơn 30 tác phẩm: Trăm năm cô đơn; Ngài đại tá chờ thư; Tình yêu thời thổ tả... “Bao giờ anh cũng sùng kính trước văn học như trước
ngôi đền thiêng và dị ứng với bất cứ sự dối trá nào, dù trong đời sống hay trên trang viết...” (Thanh Thảo).
Đã có “vòng hoa cho người cách mạng” – nhà văn Vũ Bằng, đã có chân dung khá tương xứng với những tác giả từng khiến báo chí phải tốn bao giấy mực. (Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp). Nhưng cũng có những phác thảo còn quá “nhẹ” so với tầm vóc của nhà văn (Trần Dần, Nguyễn Minh Châu, Chế Lan Viên, Tô
Hoài...). Những thiếu sót ấy người biên soạn đã tự nhận và trong lời giới thiệu của nhà xuất bản về “sự có ích của cuốn sách có tính công cụ này” cũng đã nói rõ: “Ông dẫu sao cũng chỉ là kẻ ngoại đạo với văn chương”. Tất nhiên không loại trừ cả những khách quan ngoài ý muốn của người làm sách.