Một thoáng quê hương

Bùi Trung

17/11/2022 11:01

Theo dõi trên

Dù thời gian trở lại chỉ vài tiếng thôi nhưng khi xa quê rồi ta mới biết "Một thoáng quê hương" là trân quý biết dường nào phải không các bạn

que-huong-1668657612.jpg

Một ngày cuối tuần ngay mùa nước đổ năm 1986, sếp kêu tôi nói :

- Ngày mai có chuyến giao gỗ cospha ở Vĩnh Long ông theo áp tải nhé.

Tôi hỏi :

- Huyện nào vậy anh?

Sếp trả lời :

- Bình minh hay Tam bình gì đó. Hình như tôi nhớ nhà ông ở Bình minh hay Cái vồn gì đó phải không?

Tôi cười :

- Dạ Bình minh hay Cái vồn cũng là một sếp ơi.

Sếp nói :

- Ủa vậy sao? Lâu rồi ông không về quê thì phải ? Giao hàng xong cho thằng Hiền về trước ông ở lại một hai ngày thăm bà con bạn bè rồi hãy về sau cũng được.

Sáng hôm sau...

Sau khi xuống hàng xong chiếc ghe của chú Tư tải trọng 30 tấn, chở gần chục khối gỗ đi xuôi theo con nước đổ nên chạy như bay trên dòng sông Hậu. Cùng đi với tôi có Hiền là thợ thước của trại cưa, Hiền nhà ở cồn Phó quế được cử đi theo để diễn giải các mặt hàng gỗ tạp, trách nhiệm của Hiền là đưa bao thơ cho anh thủ kho mà chuyện này sếp cũng biết là tôi không quen. Lần này sếp giao tôi áp tải hơn chục khối gỗ cho công trình xây dựng trường Tiểu học ở huyện Tam Bình - Vĩnh long, Đi giao hàng bằng ghe nên tôi xung phong đi theo vì muốn đến Tam Bình ghe phải chạy ngang Bình minh, vùng đất thân thương mà tôi có biết bao kỷ niệm vui buồn của một thời tuổi trẻ. Mới bỏ xứ đi mấy năm mà sao mỗi lần về quê dù chỉ đi thoáng qua mà lòng tôi cứ nôn nao như trẻ con chờ tết vậy, nhưng rồi lại sợ gặp người thân quen, sợ họ biết mình bỏ xứ đi bao năm nay nghèo vẫn nghèo nên lại mong là đừng gặp ai.

Tới một trạm đường sông, một chiếc tàu tuần tra đang neo đậu tuổt bên bờ bên phải, thấy ghe của tụi tôi, một cây cờ giơ cao vung vẫy... Chú Tư giao tay lái cho thằng Nam, chú nhảy xuống khoang buồng lái rút cuốn sổ, tay thì rút một tờ tiền nhét vô, miệng lẩm bẩm :

- Kẻ có cơm người có cháo thầy Út ơi.

Tôi hỏi :

- Ủa sao Chú nói ghe nổi mấy sếp không thèm kêu mà?

Chú Tư cười hà :

- Chắc hôm nay mấy sếp ế thầy Út ơi.

Ghe băng băng theo con sông Hậu vừa chạy qua bến phà Cần thơ tôi hỏi chú Tư :

- Mình đi đường nào chú?

Chú Tư :

- Mình đi ngã Trà Ôn cho mau.

Tôi hỏi :

- Mình đi ngã Bình minh được không chú?

- Được nhưng hơi xa hơn một chút.

Tôi nói nhỏ :

- Quê con ở Bình minh mà chú Tư. Nếu mình đi ngã Bình minh sẽ chạy ngang nhà Nội con.

Chú Tư gật gù :

- À biết rồi, thầy Út quê ở đây còn Long xuyên là quê vợ phải không?

- Không phải chú Tư ơi, con bỏ xứ đi còn quê vợ ở Cần thơ nè.

Vừa lúc đó ghe tới vàm Khu Trung, chú Tư bẻ lái sang trái rồi nói :

- Vậy mình đi ngã Bình minh nghe thầy Út.

Tôi nghe vậy vui lắm qua khỏi xóm nhang là tới Cầu đường 72, khỏi một chút là tới nhà Cậu Ba tôi, rồi mới tới bến đò qua sông ở con lộ 71, bên kia là những lò tàu hủ ky nổi tiếng của xứ Mỹ hòa Bình minh. Một chiếc tàu đò đi Cần thơ chạy vụt qua tôi chợt mỉm cười nhớ lại hình ảnh tôi và thằng Mừng ngày xưa cứ vài hôm là hai đứa xuống đò đi Cần Thơ xem phim. Muốn xem phim màn ảnh Đại vĩ tuyến thì đến rạp Casino, phim Hồng kông mới chiếu một lượt với các rạp phim ở Sài gòn thì đến rạp Tây đô, xem phim Mỹ thì đến rạp Huỳnh lạc, muốn xem phim Việt Nam thì tới rạp Lido, còn xem phim cũ chiếu thường trực 2 phim một lúc thì đến rạp Minh Châu. Và bỗng nhớ một ký ức buồn là ngày xưa cô bạn gái của mình gia đình cô ấy có đến 2 chiếc tàu đò chở khách đi Cần thơ như vậy.

Tới ngã tư chợ Bình minh, tôi chỉ cho chú Tư rẽ phải (nếu rẽ trái 200 mét là tới căn nhà ngày xưa của mẹ tôi ở xóm lò heo) phía bên kia sông gần chùa Ông là nhà của chị Hồng Sa, người chị đã cưu mang tôi gần một năm trời, qua nhà chị chỉ hơn một cây số là đến vàm Phù ly, qua vàm tầm 100 mét là tới nhà Bác Hai, bác Sáu, phía sau là khu vườn của nội xanh ngát một màu xanh, dưới bến sông trước cái miễu ông Tà cây me ba trồng vẫn sum suê trái. Từ dưới sông nhìn lên khu nhà Nội được hai lần, một lần theo ghe hát từ Trà Ôn chạy lên và bây giờ một lần theo ghe chở cây từ Long xuyên chạy xuống. Nhìn lên bờ tôi gặp dáng cao nghều của Bác Sáu tôi, vẫn đầu quấn si nhông, chiếc áo bà ba trắng và chiếc quần lửng màu đen không lẫn đi đâu được. Muốn kêu với lên nhưng ghe đang chạy bên bờ bên phải muốn kêu cũng khó...

Tới chợ Tam Bình đã đầu giờ chiều, giao hàng xong đã 4 giờ, Hiền thợ thước khều tôi nói :

- Kiếm cái gì đem xuống ghe quất anh Bầu ơi.

Tôi trả lời :

- Nhiệm vụ hoàn thành bệnh gì cữ.

Lúc đó mấy anh ở công trình ngõ ý muốn thuê chú Tư chở một chuyến hàng là những đồ vặt vụn về một công trình khác. Chú Tư lắc đầu vì còn phải chở tôi và Hiền về Long xuyên.

Tôi bàn với Chú Tư :

- Chú cứ nhận chở để kiếm tiền, hai đứa tôi đi xe ôm ghé Bình minh thăm mấy đứa cháu rồi qua Cần thơ đi xe đò về cũng được mà.

Vậy là kêu một chiếc xe hôm tống ba về Bình minh. Vừa ghé đến nhà anh hai, sau màn thăm hỏi tôi khoe với anh là tụi em đang đi giao hàng ở Tam bình, đang uống ly cà phê thì  thằng Dũng con trai anh hai từ trong nhà bước ra, gặp tôi nó có vẻ mừng và kéo theo nó xuống quán nhậu Tám râu, nó nói :

- Tụi con hôm nay hẹn nhau nhậu ở đây, sẵn dịp mời hai chú đi nhậu với tụi con vài chai bia cho vui. Chú Tám cũng hỏi thăm chú hoài.

Tám râu là một người em bạn từng quen biết nhau lúc Tám theo đoàn hát An giang Khánh Hồng, nay Tám nghỉ theo đoàn hát về mở quán nhậu Bình dân ở đất nhà dưới bến sông chợ.

Ngồi nhậu trong quán có một người khách đang ngồi một mình ở một góc tối trông dáng rất quen, tôi hỏi Dũng :

- Chú thấy người này quen quá?

Dũng cười :

- Quen gì mà quen chú, ổng là chú Minh con ông Thầy Trắng là bạn thân của chú đó. Bây giờ ổng bị vợ bỏ nên nhậu một mình hư hình rồi chú ơi.

Tôi bước đến kéo ghế ngồi chung đưa ly bia mời Hào Minh gật gù hỏi :

- Bạn là ai mà thấy quen quen vậy?

- Tao mà mày nhìn không ra nữa hả thằng quỷ?

Nó hét lên :

- Trời ơi mày bây giờ ở đâu? Vợ con ra sao rồi?

Trả lời nó xong nó cho biết bây giờ nó sống một mình, nhậu một mình và không còn chơi với người bạn nào. (sau lần đó tôi hay tin Minh nó chết vì nát rượu )

Nhậu được một kết bia thì trời đã ngả về chiều, tôi và Hiền chia tay mấy đứa cháu, chia tay thằng Minh, viện lý do đường về Long xuyên còn xa. Phạm Nên một đứa em bạn xung phong lấy xe honda đưa hai đứa tôi ra cầu bắc Cần thơ.

Nên nói :

- Giờ này kiếm xe ra Cầu bắc khó lắm để em chở hai anh ra đó cho kịp xe về Long xuyên.

Chiếc Chaly 50 chở ba, Hiền ngồi trước tôi ngồi phía sau, đường vắng xe Phạm Nên khoe :

- Xe em 50 nhưng máy móc êm lắm mấy anh thấy chở ba mà êm ru phải không?

Vừa qua cầu Cái vồn nhỏ (khu hành chính bây giờ) bỗng một chiếc xe đạp từ con hẻm nhỏ lao ra đường đâm ngay đầu xe một cái rầm, hai chiếc xe đều ngả, chiếc xe đạp cái bánh trước cong vòng, anh chàng chủ xe đạp la lên :

- Mấy anh chở ba, có mùi rượu đụng chiếc xe đạp mới ráp của tôi banh tành hết như vầy mấy anh phải bồi thường cho tui không thì tui báo công an.

Phạm Nên tỉnh queo nói :

- Em nhìn kỹ đi, xe tụi anh chở ba nhưng chạy chưa tới 40 km giờ, tụi anh có uống rượu nhưng vẫn còn bình tỉnh. Trong khi em chạy xe đạp từ đường nhỏ ra đường lớn em phải chạy chậm và phải quan sát có xe hay không rồi tham gia giao thông chứ. Đàng này từ trong đường nhỏ em  chạy ra một cái vù rồi đâm đầu vô xe của anh ai mà thắng kịp? Là em sai chứ đâu phải tụi anh sai.

- Không biết, xe lớn đụng xe nhỏ là xe lớn sai. Chạy xe lớn tống ba có hơi men là mấy ông sai phải đền cho tui.

Người hiếu kỳ ngừng xe lại xem, theo lý của anh chàng chạy xe đạp là phe mình phải đền là cái chắc. Lúc đó anh chàng Hiền (bị văng ra khỏi xe không ai hay) từ dưới mặt đường nhăn nhó đứng lên, tay chỉ vô mặt anh chàng xe đạp quát lên :

- Tụi tao đang lưu thông bình thường trên quốc lộ mày từ trong hẻm lao ra lủi ngay đầu xe như muốn tự vận bà nội tao né mày hỏng được nữa. Sao mày không đợi xe đò hay xe hàng mày đâm vô có tiền nhiều hơn? Mày coi tao nè, tay máu không, chân cũng máu, mình mẩy cũng máu tao chết mày ở tù chớ ở đó mà đòi bồi thường.

Nói xong Hiền lật ngang té xỉu nằm xuống đất, người đứng xem hốt hoảng la lên :

- Trời ơi có người chết, mau giữ thằng chạy xe đạp lại.

Anh chàng chạy xe đạp thấy vậy hoảng sợ vác chiếc xe đạp lên vai bỏ chạy ngược vô con hẻm.

Tưởng Hiền giả bộ ai dè anh chàng thấy máu me tùm lum nên té xỉu. Phạm Nên đưa ra tới cầu bắc rồi cũng quay đầu xe đi. Không ngờ anh chàng Hiền không dám mở mắt ra vì sợ máu? Hắn nói sợ quá cúm chân đi không được tôi đành cõng hắn xuống phà vậy.

Xuống phà Hiền miệng nói leo lẻo :

- Tui có chuyện gì anh cũng phải đưa tôi dìa Long xuyên nhe anh.

Trời đất, không biết lúc nảy té xuống đất anh chàng này có bị gì không nữa mà nói gì nghe thấy ghê vậy? Đưa anh chàng tới lộ 20 vì thời đó trời tối là xe không nằm trong bến mà ra đậu ở cây xăng trên gần lộ 20.

Ngồi yên vị trên chiếc xe đò anh lơ thông báo đúng 9h 45 xe chạy, chỉ 15 phút nữa bỗng anh chàng Hiền chen ra ngoài xin đi tiểu... Đến giờ xe chạy tôi phải xuống xe vì không thấy anh chàng trở lại xe. Cũng may còn chuyến xe chót mà không biết anh chàng này đi đâu? Nếu đến giờ xe chạy mà không gặp anh chàng chắc tôi cũng phải ngồi đây đợi chứ biết phải làm sao?

Cũng may đến 10 h 30, một bóng người trắng toát bên kia đường vẫy vẫy tay, tôi bước qua xem thử. Trời đất ơi anh chàng cho biết là nãy giờ đi tìm bác sỹ để nhờ người ta khử trùng gần 30 vết trầy xước lúc té hồi chiều và năn nỉ người ta dùng băng quấn lại như xác ướp. Vừa giận vừa mắc cười sao mà anh chàng nhát như đứa con nít vậy.

Anh lơ hỏi tôi :

- Ông này ở đâu ra mà thấy ghê vậy?

Tôi nói nhanh:

- Đi nhậu dìa bị con vợ đánh thôi mà te tua như vậy đó.

Trên xe nghe vậy người ta cười ồ lên.

Xe chạy rồi những hành khách trên xe đa số là bạn hàng lên Châu đốc để buôn đồ lậu nên họ tranh thủ ngủ say. Anh chàng Hiền không chịu ngủ mà hỏi :

- Sao im re vậy ông Bầu? Có khi nào mình lên chuyến xe ma không vậy.

Tôi mắc cười chịu không nổi với anh chàng này. Đáng lẽ tôi ở lại chơi đôi ngày theo sự cho phép của sếp nhưng mẹ con tụi nhỏ mới về ở nơi xứ lạ quê người, một xóm phức tạp về ANTT nên thiệt lòng tôi cũng không an tâm nên không đành lòng ở lại .

Về tới Long xuyên đã 1 giờ sáng, chia tay Hiền thợ thước, tôi lội bộ gần 3 cây số mới về tới nhà vì giờ đó đã hết xe, chuyến giao hàng đi về trong ngày nhưng tôi vui lắm, ít ra tôi cũng thấy được những nét thân quen của xứ sở quê hương mà mấy năm trước tôi đã khăn gói bỏ xứ ra đi. Dù thời gian trở lại chỉ vài tiếng thôi nhưng khi xa quê rồi ta mới biết "Một thoáng quê hương" là trân quý biết dường nào phải không các bạn. 

Chuyện Quê

Bạn đang đọc bài viết "Một thoáng quê hương" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn