1. Chợt nghĩ trên đường đến Măng Đen
Sân bay Pleiku chào đón chúng tôi bằng một buổi sáng cao nguyên rạng rỡ và thoáng đãng. Bắt đầu từ đây những ngả đường đất đỏ ba zan thảm nhựa at phan phẳng lì, êm ru đưa chúng tôi đến những vùng đất nằm ở phía Bắc của cao nguyên trung phần với những núi đồi và thảo nguyên thơ mộng phía Tây dải Trường Sơn hùng vĩ. Những con đường đất đỏ trải nhựa đen bóng nối phố với rừng dải đầy hoa nắng lung linh khiến cho bầu trời cao nguyên mênh mang gió trở nên thênh thang và lộng lẫy hơn rất nhiều. Cao nguyên thanh bình và trong lành đến lạ. Dường như chiến tranh chưa từng đi qua nơi này. Cứ thế, đắm chìm trong những suy tư và cảm nhận về một miền đất lạ như vậy trên cao nguyên, bất chợt tôi lại nhớ đến những câu thơ của Phạm Tiến Duật, đã được phổ nhạc mà ít nhiều ai cũng đã một lần được nghe: “Một dãy núi mà hai màu mây/ Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác … Trường Sơn Tây anh đi, thương em/ Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo/ Muỗi bay rừng già cho dài tay áo/ Hết rau rồi em có lấy măng không… Em thương anh bên Tây mùa đông/ Nước khe cạn bướm bay lèn đá/ Biết lòng anh say miền đất lạ/ Chắc em lo đường chắn bom thù”. Dường như lúc này trí nhớ trong tôi đang lục lọi và muốn huy động mọi các giác quan, các khả năng để cắt nghĩa, khám phá về những điều kỳ thú đang dần hiện lên trước mắt ở xứ sở diệu kỳ của vùng đất Kon Tum.
Với Tây Nguyên, vùng đất phương Nam xa xôi này trong tôi thời còn là học sinh phổ thông của những năm 80 ở thế kỷ trước từng hiện lên qua trí tưởng tượng khi được đọc một vài tác phẩm văn học ít ỏi của nhà văn Nguyên Ngọc hay Trường ca Đam San. Tôi ấn tượng mãi về vùng đất ấy với những thiên nhiên và con người kỳ vĩ. Những con người như anh hùng Đinh Núp ở ngoài đời, như chàng Đam San ở trong sử thi … Còn thiên nhiên là những bóng cây Kơ nia hay những rừng xà nu (cây thông ba lá)… Và cách đây gần chục năm, có dịp được ngang qua Gia Lai, đi trên con đường chạy dài trên cao nguyên đất đỏ khi mặt trời đang lên tôi đã nghĩ đến trường ca Đam Sam với suy nghĩ đi bắt Nữ thần Mặt trời. Phải chăng những con đường đất đỏ của cao nguyên bao la, mênh mông dài hun hút nên khi mặt trời đỏ rực nhô lên khỏi đỉnh dốc phía trước cùng với bụi đỏ của đất bazan mà người Tây Nguyên dễ dàng liên tưởng đấy là con đường lên trời. Và rồi từ đó trí tưởng tượng dân gian đã sáng tạo ra một hình tượng vô cùng kỳ vĩ, có một không hai: đi bắt Nữ thần Mặt trời. Nếu đúng là thế thì nay con đường đó đang hiện hữu trước mắt chúng tôi. Khác rằng, không có bụi đỏ, mặt đường được trải nhựa at phan êm như như ru, đen bóng. Những con đường dài rộng trên cao nguyên bao la hòa trong màu đất đỏ tựa như son môi dọc hai bên đường và màu xanh của cây lá trong chập chùng rừng thông đang xao động trong gió chiều vi vu khiến cho cung đường trở lên đa sắc dễ làm cho người ta liên tưởng đến một vẻ đẹp hoang dã, du mục.
Trên dặm dài con đường của Đam San, tôi chợt nghĩ đất nước mình có khá nhiều cao nguyên. Ở phía Bắc có cao nguyên đá Đồng Văn, cao nguyên Mộc Châu, cao nguyên trắng Bắc Hà, cao nguyên Sín Chải … Còn ở phương Nam có cao nguyên Vân Hòa, cao nguyên Pleiku, cao nguyên Lang Biang, cao nguyên Di Linh, cao nguyên Kon Tum, cao nguyên Gialai, cao nguyên Đắc Lắc … Những cao nguyên ở phía Bắc tôi đã từng qua và đầu tháng trước tôi đã từng được chào cờ trên đỉnh Lũng Cú ở cao nguyên đá Đồng Văn nơi địa đầu tổ quốc. Đầu tháng này tôi lại có duyên với những cao nguyên Trung phần trên dải Trường Sơn mênh mông, nhất là cao nguyên Kom Tum với nàng thơ Măng Đen. Chiêm ngưỡng các cao nguyên tôi chợt nhân ra rằng mỗi cao nguyên có một sự kỳ thú riêng. Dường như tạo hóa ban cho mỗi nơi một vẻ đẹp mà không thể nào so sánh được. Nhưng tựu trung lại ta cũng nhận ra sự ưu ái khác biệt của từng vùng miền. Những cao nguyên phía Bắc có vẻ đẹp hùng vĩ của đèo hiểm, núi cao, vực thẳm, sông dài còn cao nguyên phương Nam nói chung và của Tây Nguyên nói riêng lại có cái đẹp rộng mở của tầm mắt không giới hạn. Tất cả đều hoang sơ mà thuần khiết, trong trẻo mà tinh khôi, dung dị mà hồn nhiên.
Đến Kom Tum, theo quốc lộ 24, về với nàng công chúa Măng Đen tôi sực nhớ cao nguyên Langbiang với thành phố Đà Lạt ngàn hoa mơ mộng. Thấy rằng cái xứ sở thơ mộng ấy giờ đây cũng đang ngày càng phát triển theo hướng hiện đại hóa của các thành phố lớn ở đồng bằng hay vùng duyên hải. Bỗng nhớ, một thời những tưởng Đà Lạt sẽ trở thành một thành phố cao nguyên êm đềm, thơ mộng, tươi mát, quyến rũ theo phong cách của phương Tây ở giữa trời Đông để trở thành một đô thị di sản. Nhưng rồi đó cũng chỉ là một viễn cảnh còn xa lắm với tầm tay. Và thấy số phận của phố núi ấy cũng như Tam Đảo và Sa Pa. Cơn lốc khách sạn đã và đang làm cho Đà Lạt ngạt thở và để cho người đến nơi đây thay vào việc nhìn thấy những khung cảnh trữ tình, lãng mạn của những con đường quanh co bên triền dốc, dưới rặng thông già trầm mặc, chập chùng dưới các thung lũng xanh mướt, mờ ảo trong làn sương khói mong manh như hư ảo là những khối bê tông sừng sững, trọc trời, lạnh lùng, vô cảm. Ấy vậy với Kom Tum và đặc biệt với xứ sở sương mù Măng Đen cơn lốc đó vẫn còn chưa quét tới, vẫn đang đứng ở ngoài xa, mong rằng nó đừng đến nơi đây.
Măng Đen được người ta yêu quý và dành cho không ít mỹ từ để ngợi ca. Nào là nàng công chúa giữa đại ngàn, nào là nàng thơ của cao nguyên Kom Tum, nào là xứ sở mù sương …, thậm chí có người lại ví von là “Đà lạt thứ hai” của Tây Nguyên. Tôi nghĩ với những gì hiện có Măng Đen chẳng cần phải mượn tên tuổi của ai để trở thành nổi tiếng cả. Măng Đen là Măng Đen. Măng Đen không cần phải là Đà Lạt. Không có Đà Lạt thì Măng Đen vẫn có những giá trị riêng đủ để quyến rũ và thu hút mọi người. Chẳng thế vào những dịp nghỉ lễ không ít những người sành chơi người ta sẵn sàng dời bỏ Đà Lạt để tìm về với nàng thơ của núi rừng Tây Nguyên ở Kon Tum.
Dù chỉ là thị trấn huyện lỵ của Kon Plông, cách thành phố Kon Tum khoảng chừng 60 km nhưng Măng Đen đang được nhiều người biết đến và tìm về bởi nơi đây thực sự là một phố núi xinh đẹp và còn giữ được cái vẻ hoang sơ của đại ngàn Tây Nguyên. Cái tên Măng Đen là đọc theo tiếng phiên âm của người Kinh, còn thực tế người M’Nông bản địa gọi vùng đất này là T’mang deeng, có nghĩa là vùng đất của thần linh (T’mang là nơi ở, vùng đất rộng lớn bằng phẳng; deeng là thần linh). Người ta bảo Măng Đen nằm trên độ cao khoảng 1300 m so với mực nước biển, trong vành đai nhiệt đới ẩm gió mùa, lại được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh nên khí hậu quanh năm mát mẻ, ôn hòa với nhiệt độ bình quan khoảng từ 18 độ C đến 20 độ C. T’mang deeng, cái tên gọi theo nghĩa bản địa đã cho thấy sự đắc địa của vùng đất này. Như thế bảo sao mà người ta không yêu thích.
Nói vậy thôi chứ, trăm hay không bằng một thấy, mọi người hãy đến Măng Đen một lần đi để nghe kể và thực dưỡng tâm hồn, tôi tin chắc bạn sẽ rất thích và nhớ mãi về một vùng đất với biết bao điều kỳ diệu. Truyền thuyết kể rằng: Xưa, Măng Đen là vùng đất bằng phẳng và rất đẹp với rừng xanh mênh mông nhưng không có người. Một hôm Yang Plinh (Ngọc Hoàng) nhìn xuống Măng Đen thấy buồn bã bèn phong thần cho 7 người con trai (Gu Kăng Đam, Gu Kăng Lung, Gu Kăng Rpong, Gu Kăng Zơ Ri, Gu Kăng Ziu, Gu Kăng Săng và em út là Gu Kăng Pô) và cho xuống hạ giới để lập làng, cai quản. Yang Plinh cho các con lấy vợ, nhưng các bà vợ phải biến thành loài vật. Yang Plinh dặn các con không được ăn thịt các loại vật do vợ biến thành. Vợ của Gu Kăng Đam, Gu Kăng Rpong biến thành heo thần gọi là Chu Huynh, vợ của Gu Kăng Zơ Ri, Gu Kăng Ziu, Gu Kăng Săng biến thành nai thần gọi là Zoi Huynh, vợ của Gu Kăng Lung biến thành cá thần gọi là Ca Huynh và vợ của Gu Kăng Pô biến thành thằn lằn thần gọi là Pô Huynh. Các bà vợ có trách nhiệm cai quản những con vật cùng loài với mình. Đất đai màu mỡ 7 vị thần cùng 7 bà vợ sinh con đẻ cháu phát triển buôn làng nên Măng Đen trở thành vùng đất trù phú. Hàng năm khi lúa đầy kho; trâu, bò, heo, gà, dê … đầy sân đầy vườn 7 thần cho mở hội. Các thần uống rượu, ăn thịt, nhảy múa cùng dân làng. Có một lần, vui chơi, ăn uống cả tuần nên các thần quên lời cha dặn (trừ người con út) đã ăn cả thịt những con vật cùng loài với vợ mình biến ra. Yang Plinh tức giận nổi lửa trừng trị 6 người con trai lớn. Giông tố nổi lên, 6 cột lửa trên trời đánh xuống 6 làng của 6 người anh biến mọi thứ thành nước chảy khắp vùng và nhấn chìm toàn bộ. Người em út tuy không ăn thằn lằn nhưng không nhắc các anh nên cũng bị trừng trị bằng một cột lửa. Yang Plinh cho người con út lựa chọn: mình chết hoặc dân làng phải chết. Thương dân làng nên Gu Kăng Pô tự nhận cái chết về mình và xin mang theo một đứa nhỏ để hầu hạ. Sau đó các cột lửa tắt. 6 miệng cột lửa đó biến thành 6 cái hồ lớn. Dân làng Huynh Pô sống sót chuyển đi nơi khác và tại miệng hố lửa làng này cũng biến thành một hồ nhỏ. Trong khi Yang PLinh trừng phạt những đứa con trai, có ba cột lửa bắn lên và biến thành ba thác nước ở Măng Đen bây giờ. Bởi thế Măng đen còn có tên gọi khác là vùng bảy hồ ba thác.
Vậy đấy. Sự tích Măng Đen là như thế. Mảnh đất chẳng những trù phú tươi đẹp mà còn linh thiêng huyền bí. Tư duy thần thoại của người xưa thật diệu kỳ. Khẽ vén bức màn huyền thoại ta sẽ nhận ra câu chuyện đâu chỉ là lời lý giải cho sự xuất hiện của bảy hồ, ba thác ở Măng Đen. Hóa ra đằng sau huyền thoại ấy đồng bào kể cho ta nghe về một hành trình kiến tạo địa chất với những núi lửa đã từng diễn ra ở nơi đây và lùi sâu vào trong quá khứ hàng trăm triệu năm về trước để lại cho Kom Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung những cao nguyên đất đỏ bazan tươi tốt, mầu mỡ trên độ cao hơn 1000 m để sau này mọc lên những dải rừng nguyên sinh với muôn loài cây gỗ cùng những rừng thông đỏ và muôn ngàn cây hoa đêm ngày vi vu trong gió dụ ong quyến bướm bay lượn dập dìu ....
Đến Măng Đen, ta như lạc vào một miền huyền thoại. Những con đường dài hun hút chạy thẳng vào tim, xuyên qua những rừng thông bao la hoặc uốn lượn quanh co bên những triền đồi dưới ánh bình minh hoặc hoàng hôn làm thành muôn ngàn đường ray ánh sáng đẹp đến nao lòng. Trong những khoảnh khắc như thế Măng đen như một bữa tiệc thị giác làm cho người qua không khỏi ngơ ngẩn. Không những thế, đi dưới tán rừng, hương thơm dịu nhẹ của mùi thông non thoảng đưa trong gió khiến cho khíu giác cũng trở nên khoan khoái bởi dưỡng khí tự nhiên vô cùng tinh khiết và trong lành. Gặp hôm mây đẹp, ở Măng Đen người ta không cần phải đi săn mây. Sớm mai thức dậy, mở cửa là thấy mây tự ghé thăm. Mây nhiều vô kể, bồng bềnh như biển, quấn quyện chân người khiến cho cả núi rừng như thể tiên giới. Măng Đen còn có vẻ đẹp hoang dại của một cô gái digan đang độ xuân thì bởi những con suối quanh co, luồn qua các khe đá, đêm ngày róc rách hợp lại để làm thành ba ngọn thác Pa Sỹ, Đăk Ke, Đăk Pne; trong đó Pa Sỹ hùng vỹ nhất với độ cao khoảng chừng 45 m tung bọt trắng xóa tựa như dải lụa trắng mền mại phất phơ giữa đại ngàn Trường Sơn. Giữa những ngày hè oi bức đến bên ngọn thác ta mới thấy được sự diệu kỳ của thiên nhiên. Những giọt nước mát lạnh được bắn ra từ dòng thác đang ầm ầm tuôn chảy khiến cho da thịt cảm thấy mát lạnh và làm cho cả một vùng xung quanh trở nên tươi mát. Cảnh đẹp hùng vĩ và nguyên sơ như thế dễ làm cho ta có cái cảm giác rợn ngợp và thấy mình trở nên bé nhỏ vô cùng trước thiên nhiên bao la. Tiềng suối, tiếng nước đổ hòa cùng tiếng chim chuyền cành ríu rít gọi nhau làm thành một bản hợp xướng giữa đại ngàn càng quyến rũ, níu bước chân người. Người ta bảo vẻ đẹp và khí hậu trong lành, tự nhiên của nàng thơ Măng Đen dẫn dụ mê mệt người đến còn bởi bảy hồ nước tự nhiên. Đó là Toong Đam, Toong Ly Leng, Toong Ziu, Toong Zơ Ri, Toong Săng, Toong Pô và Đăk Ke. Dưới những đồi thông hay rừng già nguyên sinh những hồ nước hiện lên như thể còn rất nguyên sơ, không bao giờ cạn, xanh màu ngọc bích làm cho núi rừng Măng Đen trở lên ma mị. Mỗi buổi sớm mai hay hay hoàng hôn gác núi thơ thẩn dạo quanh bên bờ hồ ta sẽ thấy Măng Đen như chìm trong màn sương mờ ảo, cũng có khi còn thấy long lanh những giọt sương mai buông rơi từ những cành thông khiến cho cảnh vật trở nên rất trữ tình. Ở Măng Đen thời tiết cũng có khi một ngày có đủ bốn mùa. Buổi sớm tiết trời hơi se lạnh của mùa xuân với những màn khói sương nhè nhẹ. Buổi trưa tiết trời của mùa hè với những tia nắng ấm áp, trong veo. Buổi chiều về gió thổi hiu hiu mơn man da thịt hẳn là dư vị của mùa thu. Buổi tối trời trở lạnh khi màn đêm buông xuống đưa mọi vật vào trong giấc ngủ sâu ngọt ngào, khoan khoái. Và cũng như các vùng cao nguyên khác trên dải Trường Sơn, ở Măng Đen cũng có những cơn mưa chợt đến chợt đi chẳng bao giờ báo trước.
Măng Đen là vậy. Phố núi lặng lẽ, trầm mặc trên cao nguyên vơi nguyên vẹn sự hoang sơ của núi rừng. Nó thích hợp với nhịp sống chậm. Không ưa sự ồn ào, náo nhiệt. Bởi thế nơi đây mới đích thị là thành phố buồn, chứ chưa hẳn đã là Đà Lạt. Có lữ vậy mà nàng thơ của Kon Tum đã dẫn dụ không ít người thi thoảng phải bỏ phố lên rừng.
2. Nơi con gà gáy ba nước cùng nghe
Đất nước chúng ta có chiều dài biên giới trên đất liền khoảng 4510 km. Là người thích xê dịch nên đôi chân cũng đã từng đi đến khá nhiều vùng biên ải nhưng thú thực cứ mỗi lần đến những giao điểm của bờ cõi quốc gia dù là lần đầu hay đến lại tôi đều trào dâng một cảm xúc khó tả về đất nước – Tổ quốc, yêu quý và thiêng liêng. Với vùng biên viễn Bờ Y tôi đã từng được nghe rất nhiều nhưng đây cũng là lần đầu tiên được đặt chân lên vùng phiên dậu xa xôi mãi tận miền Tây Nam của tổ quốc. Bởi thế, tâm trạng háo hức, thích thú và mong ngóng, đợi chờ ngày xuất hành lúc nào cũng thường trực là điều khó tránh.
Ngã ba Đông Dương - cột mốc không số Bờ Y từng được dân phượt điểm danh là một trong sáu điểm nhất định phải đến ít nhất một lần trong đời, gồm: cực Bắc Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây A Pa Chải (Điện Biên), cực Đông Mũi Đôi (Khánh Hòa), cực Nam Đất Mũi (Cà Mau), đỉnh Fansipan (Lào Cai), ngã ba Bờ Y (Kon Tum). Hơn thế nữa, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vùng đất này nổi tiếng về vị trí chiến lược và sự tàn khốc, ác liệt của chiến tranh. Tây Nguyên được ví là nóc nhà của Đông Dương cho nên cả Pháp và Mỹ đều ra sức giành giữ vùng đất chiến lược này, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ. Kon Tum nói chung và huyện Ngọc Hồi nói riêng (trong đó có xã Bờ Y) từng là chứng nhân của cuộc chiến tranh tàn khốc. Núi đồi nơi đây từng loang lổ, nham nhở bởi bom đạn cày xới; mặt đất thấm đẫm chất độc dioxin, núi đồi trơ trụi … Đặc biệt chiến dịch mùa hè đỏ lửa năm 1972 với những trận đánh quyết định làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, “Học thuyết Nich Xơn” tạo sự thay đổi cục diện chiến trường miền Nam buộc kẻ thù phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Pari, rút quân khỏi Việt Nam. Những vết tích đau thương và chiến công oanh liệt đó hẳn vẫn còn in dấu trong lòng đất và tạc khắc trên những bia đá, tượng đài ở các khu di tích lịch sử: chiến thắng Plei Kần, khu chiến trường xưa – Đường mòn Hồ Chí Minh, Di tích lịch sử Đắk Xiêng …
Vết thương bom đạn trên mặt đất bây giờ đang lành da, những con đường đất đỏ bazan được trải nhựa phẳng lì rực lên trong nắng vàng ươm nhìn thật đẹp mắt; đường Hồ Chí Minh như một sợi chỉ xuyên suốt dặm dài đất nước… Mặt đất đang được xanh lên bởi dọc hai bên đường là vườn hồ tiêu, vườn cà phê và rừng cao su xanh mát, thẳng tắp, dài hun hút nhìn đẹp nao lòng. Cứ thế, xe đưa chúng tôi qua Quốc môn Cửa khẩu Bờ Y có hình cách điệu của một mái nhà rông vô cùng hoành tráng và uy nghiêm. Chúng tôi đi qua cửa khẩu quốc tế, rồi xe chạy vòng vèo quanh mấy ngọn đồi, khoảng 10 km thì tới chân một quả đồi chính giữa ngã ba Đông Dương, nổi tiếng với Cột mốc ba biên (Việt Nam - Lào - Campuchia), từng là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ sáng tác.
Cột mốc Bờ Y cao khoảng 1.5 m, làm bằng đá hoa cương, nặng gần 1 tấn; nằm giữa một vòng tròn ốp đá đen có đường kính khoảng 7 m; đứng sừng sững, trang nghiêm trên đỉnh đồi tròn xoe, cao 1086 m so với mực nước biển. Đường lên cột mốc phải đi qua hơn 100 bậc cầu thang đá. Khác với các cột mốc thường thấy dọc trên đường biên, cột mốc Bờ Y có ba mặt (tam diện) in tên quốc gia bằng màu đỏ; in hình quốc huy Việt Nam, Lào, Căm Pu Chia và hướng về phía ba nước: Đông Bắc (Việt Nam), Tây Bắc (Lào) và Tây Nam (Cam Pu Chia). Theo các thông tin được ghi trên bảng chỉ dẫn thì ngoài các thông số về tọa độ, phương vị, độ cao … chúng ta được biết về thời gian khởi công xây dựng (29/11/2007) và thời gian hoàn thành (18/1/2008) của cột mốc chủ quyền này. Trên lãnh thổ Việt Nam chúng ta có không nhiều cột mốc như thế này, chỉ có 2 địa điểm là Bờ Y và A Pa Chải. Cột Mộc Bờ Y là ngã ba biên giới, ba tỉnh tiếp giáp nhau là: Kon Tum (Việt Nam), Attapeu (Lào) và Rattanakiri (Campuchia). Nơi đây được ví von là một tiếng gà gáy cả ba nước cùng nghe.
Đứng bên cột mốc Bờ Y, đặt tay lên ngực, ai đấy đều có cảm xúc tự hào, trân quý và thành kính. Nhớ lại cách đây vừa tròn một tháng, anh em chúng tôi cũng đã nghiêm trang đứng chào đất mẹ ở nơi tột cùng cực Bắc bên cột cờ Lũng Cú (Hà Giang). Cái cảm giác rưng rưng xúc động dường như vẫn còn nguyên. Nơi đỉnh cao của bờ sông ngọn núi, giữa mây trời bao la ta nghe tiếng tổ quốc thiêng liêng như đang gọi tên mình. Cứ thế cảm xúc dâng trào trong những nỗi niềm yêu quí, thiết tha, êm dịu khiến cho tâm hồn không khỏi lâng lâng, sung sướng. Và rồi chợt nghe trong gió đâu đó cái giai điệu tự hào, du dương của bài ca Chiều biên giới em ơi lại vọng về trong tâm tưởng: “Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như quê ta ngọn núi/ Như đất trời biên cương”. Hình như biên giới ở nào cũng vậy. Bắc hay Nam đều là cương vực của tổ tiên để lại và ông cha bao đời gây dựng. Bởi thế cái tâm trạng thành kính và thiêng liêng đều là có thực. Mỗi một hành trình đâu chỉ là sự trải nghiệm của thị giác. Đó còn là cả sự trải nghiệm của cảm xúc và tâm hồn. Khi đi trên những nơi vành đai biên giới, đứng bên các cột mốc chủ quyền ta mới ngấm sâu hơn câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Đất là quê, là nơi ta đến ở và rộng hơn nữa khi đi ra khỏi đất nước thì chính là tổ quốc yêu thương. Tình yêu đất nước, ý thức công dân, tổ quốc là trên hết đều bắt đầu từ đó.
Đứng bên cột mốc Bờ Y nhìn về bốn phương, ta không khỏi mãn nhãn bởi bao la núi đồi cùng bồng bềnh may trắng và cây cỏ trùng điệp vô cùng đẹp mắt cùng bầu không khí thoáng đãng trong lành của cao nguyên đất đỏ. Nhìn về đất mẹ, phía xa xa trước mắt là dải Ngọc Linh hùng vĩ và tươi đẹp; ngó xuống Bờ Y thị trấn vùng biên cũng xanh mát, trù phú, thanh bình. Trong miên man cảm xúc dâng trào như thế, chợt nghĩ, nếu không có các đài tưởng niệm dọc bên những đường đi thì hẳn là dẻo đất Tây Nguyên chiến tranh chưa từng có mặt. Giữa đất trời bao la nơi ngã ba biên giới, cái nắng, cái gió ngập tràn cùng hương sắc cà phê, cao su; hòa trong âm thanh trầm hùng những lễ hội cồng chiêng khi mỗi mùa lễ hội, đất nước mình đâu chỉ hùng vĩ mà còn tươi đẹp quá. Cứ thế chúng tôi đã ở lại thật lâu, thi nhau chụp hình để lưu lại nhưng khoảnh khắc thiêng liêng bên bờ đất nước; để cảm nhận rõ hơn hương vị đất trời của vùng biên ải Tây Nam. Chiều biên giới thật diệu kỳ. Trong bóng hoàng hôn buông xuống, ngã ba Đông Dương ánh lên một màu cam sáng rực hòa trong màu xanh của đại ngàn Trường Sơn. Nhưng chưa hết. Cái đẹp diệu kỳ ấy trong lòng mỗi người hẳn không chỉ có màu núi sắc rừng mà còn có cả những cột mốc biên ải, sừng sững, hiên ngang như dáng hình Tổ quốc. Bất chợt lại nghĩ, hình như có phải nơi này, những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng ngang qua và kịp thời ghi lại cảm xúc bằng một bài thơ đượm chất hùng ca (sau được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc): “Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ/ Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường/Đoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” (Lá đỏ). Có lẽ đó là trời thu, mùa cây thay lá. Nghĩ thế thôi nhưng cũng đã thấy đẹp quá!
3. Nhà rông, hồn làng của Tây Nguyên
Nhà rông là một trong những di sản văn hoá tiêu biểu ở xứ cafê với những con đường đất đỏ bazan. Có thể nói đó cũng là một biểu tượng của buôn làng ở Tây Nguyên hùng vĩ. Nhà rông trong tâm thức người Tây Nguyên giống như cây đa, giếng nước, mái đình trong tâm thức của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Đi ra khỏi buôn ngoái đầu nhìn lại hoặc đi làm ăn nơi khác trở về, chân chưa bước về đến buôn làng nhưng từ đằng xa mắt đã nhìn thấy hình ảnh của một mái nhà cao, to sừng sững như “một lưỡi rìu khổng lồ dựng ngược” hoặc như “một cánh buồm lớn đột ngột vút lên giữa rừng núi bạt ngàn và âm u”, tuỳ vào trí tưởng tượng của mỗi người.
Theo người Tây Nguyên, vị trí được lựa chọn để làm nhà rông phải là chỗ thực sự “đắc địa”. Nơi được chọn làm nhà rông không chỉ đơn giản là ở chỗ cao ráo, thoáng mát, rộng rãi, bằng phẳng mà còn phải ở chỗ trung tâm của buôn, giao thông dễ dàng để mọi người đứng ở đâu cũng có thể nhìn thấy và đi đến được thuận lợi. Nhà rông là trung tâm sinh hoạt văn hoá của cả buôn. Đây là nơi lưu giữ và thờ cúng những vật thiêng theo tín ngưỡng của đồng bào Tây Nguyên như hòn đá thần, sừng trâu, cồng, chiêng … Hàng năm tại nhà rông dân làng tổ chức các nghi lễ hoặc lễ hội như cúng nhà rông, cúng cồng, cúng chiêng, cúng cơm mới, lễ cầu an, lễ mừng giọt nước, lễ cầu mưa … Đây cũng là nơi phân xử các vụ kiện, tranh chấp lẫn nhau của dân trong buôn đồng thời cũng là nơi đón tiếp khách của buôn làng. Đặc biệt nhà rông còn là nơi nam thanh nữ tú giao lưu, hẹn hò, gặp gỡ và nên duyên. Chức năng của nhà rông ở Tây Nguyên tương đối giống nhau nhưng hình thức và kết cấu của ngôi nhà này ở mỗi tộc người lại có sự khác nhau, tiêu biểu nhất về nhà rông phải kể đến nhà của người Ba Na. Ở Tây Nguyên người ta nhìn vào nhà rông để đánh giá sự hùng mạnh của mỗi buôn làng. Mặt bằng sàn nhà rông hình chữ nhật. Diện tích sàn này to hay nhỏ phụ thuộc vào số dân trong buôn làng. Làng đông dân thì diện tích phải lớn. Còn làng ít dân thì diện tích có thể bé. Nhà rông của đồng bào Ba Na có kết cấu ba phần: sàn và khung nhà, mái nhà, cầu thang. Sàn nhà nằm trên hệ thống cột của bộ khung nhà, cách mặt đất khoảng từ 1.5 m đến 2.0 m; chiều dài của sàn nhà khoảng từ 8 m đến 10 m, chiều rộng khoảng 4 m. Trên cơ sở chiều dài của ngôi nhà mà bộ khung có hai hàng cột to, tròn từ 10 cột đến 14 cột. Nhà ba gian thì có 10 cột, nhà 5 gian thì có 14 cột (gồm từ 8 đến 10 cột chính và 2 đến 4 cột phụ). Các cột và cây gỗ làm khung nhà được chọn lọc từ những cây gỗ tốt trên rừng, không bị mối mọt, chắc, khỏe. Hệ thống cột gỗ này được liên kết với nhau dưới dạng vì kèo và được chạm khắc hình mặt trời, sao tám cánh và các hoa văn, đầu thú rất sinh động. Sàn nhà còn có các dầm ngang, dầm dọc bằng gỗ liên kết với cột nhà bằng các mộng. Trên dầm là mặt sàn được làm bằng ván gỗ, phen tre, phên vầu, phên bương. Các vật liệu này được ghép khít vào nhau và đan hình hoa văn cũng rất đẹp. Mái nhà cao cao từ 7 m đến 10 m, cá biệt có thể cao hơn đến 20 m (tính từ sàn nhà lên). Mái nhà rông hình chữ A, gồm bốn mái, trong đó có hai mái chính và hai mái phụ nhỏ hình tam giác cân ở phía hai đầu hồi. Khung mái được dựng thẳng đứng bằng các cây gỗ dài hoặc tre già chụm lại ở trên nóc; liên kết với nhau bằng các vì kèo, đòn tay và được giằng với nhau bằng các chống chéo như các hình tam giác. Liên kết giữa các bộ phận là chốt tre và lạt buộc bằng dây mây. Mái nhà lợp bằng lá cỏ tranh. Khoảng tháng 9, 10 khi cỏ tranh ở thời kỳ bánh tẻ người Ba Na cắt về phơi vàng và đan thành tấm dày khoảng 3 đến 5 cm. Các tấm này khi lợp được trồng lên nhau dày khoảng từ 15 cm đến 20 cm và buộc vào các hàng đòn tay, rui, mè trên khung mái nhà hình chữ A. Phần gần đỉnh có đan nẹp hoa văn chạy song song với nóc nhà để trang trí và tạo sự bền chắc cho mái nhà. Mái nhà rông cao chót vót. Nhìn từ xa ta thấy mái nhà ấy như thể hai bàn tay khổng lồ chụm lại, ấp lòng vào nhau giữa trời cao để khấn Giàng trong mênh mông đại ngàn Tây Nguyên xanh tươi. Bốn phía sàn nhà có các bức vách, từ sàn lên đến mái nhà, cách khoảng hơn 2 m, là các phên tre làm theo kiểu hạ thu thượng thách để chống mưa tạt, trên các bức vách đó có bố trí các ô cửa và cách cửa sổ một cách hợp lý để tạo sự thông thoáng cho ngôi nhà. Ngoài ra bố trí trong ngôi nhà rông còn có bếp lửa, các chỗ để các vò rượu, treo cồng chiêng, treo đầu thú, cung tên, giáo mác … Phần cầu thang nằm ở cửa chính. Trước trước cửa chính có sảnh. Sảnh rộng khoảng hơn chục mét vuông. Cầu thang làm bằng thân gỗ đẽo thành các bậc đi, gác lên hai bên sảnh để bước vào nhà qua cửa chính. Cửa chính thường được mở theo hai hướng Đông và Nam: tạo thành trục Đông – Tây để đón nắng sớm, nhờ những tia nắng xua tan những hôi hám; Nam – Bắc để tránh nắng gay gắt và đón gió mát. Người Tây Nguyên thường làm 3 cầu thang. Cầu thang ở giữa dành cho già làng và khách quý, cầu thang bên trái có 7 bậc dành cho đàn ông, cầu thang bên phải gồm có 9 bậc dành cho đàn bà. Mỗi một tộc người lại có một cách thiết kế, trang trí đầu cầu thang khác nhau. Người Ba Na làm hình cây rau dớn, Người Giá Rai làm hình quả bầu, Người Xê Đăng, Giẻ Chiêng làm hình núm chiêng hay mũi thuyền.
Nhà rông là linh hồn của buôn làng ở Tây Nguyên. Bởi thế buôn làng nào không có nhà rông thì người ta gọi là “làng đàn bà”, ý nói là làng chẳng ra làng, chưa xứng đáng được gọi là làng. Đó chỉ là một khu vực tập hợp rời rác các ngôi nhà với nhau một cách vô hồn. Bởi thế khi lập làng mới, già làng (người có uy tín và hiền minh) phải làm “quy hoạch” tìm chọn vị trí đắc địa để đăt nhà rông. Nhà rông ra đời cùng với làng. Nhà rông là làng, trái tim của buôn làng. Trái tim đập thì cả làng cùng bắt đầu hoạt động.
Nhà rông giản dị, thô mộc như chính những vật liệu được chọn để làm lên nó; cây cỏ ở nơi núi ngàn nhưng cũng độc đáo, kỳ thú dường như chỉ gặp ở Tây Nguyên mà rất hiếm thấy ở những vùng đất khác. Nhà rông nhìn bề ngang ta thấy to khỏe, vạm vỡ, dũng mãnh, hùng vĩ như chàng Đam San đi bắt nữ thần mặt trời giữa núi rừng Tây Nguyên bao la nhưng cũng dịu dàng, uyển chuyển, duyên dáng, trữ tình như cánh chim Chơ Rao nghiêng mình soi dòng nước Đắk Bla vào những buổi sớm bình minh hay trong chiều hoàng hôn khiến các tay máy không khỏi nao lòng.
4. Tượng gỗ, tiếng vọng tâm linh nơi đại ngàn
Cùng với nhà rông, nói đến Tây Nguyên, người ta không thể không nhắc đến tượng gỗ. Có thể nói nghệ thuật điêu khắc nổi bật nhất của Tây Nguyên tập trung chủ yếu ở tượng gỗ. Dù chưa phải là ăn nằm dặm dài trên nẻo cao Trường Sơn phương Nam này nhưng chúng tôi cũng đã được rong ruổi đôi ba bận đến nơi đây; đã từng được xem tượng gỗ bên mộ vua voi Ama Kông, tượng đặt ở nhà rông, nhà dài, tượng bày ngoài khu sinh thái làm du lịch ở Kon Tum, Gia Lai … hay tượng ở bảo tàng Dân tộc học, ở làng Văn hóa các dân tộc.
Tượng gỗ gắn liền với đời sống văn hóa của người Tây Nguyên. Điều dễ thấy người Tây Nguyên dường như dùng tượng gỗ để diễn tả mọi sinh hoạt trong đời sống thường nhật và kèm theo đó là những ý nghĩa tâm linh gắn liền cùng với những khát vọng, ước mơ. Có lẽ điêu khắc tượng gỗ thì không chỉ có người Tây Nguyên, rất nhiều các tộc người ở những vùng miền khác cũng có thú chơi này. Nhưng mức độ đậm đặc và phổ biến thì không phải ở đâu cũng như ở Tây Nguyên. Ở Tây Nguyên dường như nhà nào cũng có. Người ta không bày trong nhà thì cũng để ở hàng rào hoặc nơi cầu thang lên xuống, … đặc biệt là ngoài nghĩa địa, xung quanh ngôi mộ người mất sau lễ bỏ mả.
Người ta bảo tượng gỗ là hồn thiêng của đại ngàn Tây Nguyên. Mỗi bức tượng là một linh hồn theo quan niệm “vạn vật hữu linh”. Và mỗi bức tượng cũng là một tâm sự, một ký thác của người nghệ sĩ thổi hồn vào khúc gỗ. Bởi vậy, nguyên liệu (gỗ) được chọn làm tượng xưa kia phải là loại gỗ tốt. Người Tây Nguyên thường vào rừng tìm những loại gỗ như cà chít (sến đỏ), cẩm lai, hương, gụ, long não, pơ mu, cắm xe… để đẽo thành tượng. Từ cây gỗ tìm được người làm tượng sẽ lựa chọn những khúc, đoạn gỗ và căn cứ vào đặc điểm của từng khúc gỗ để đẽo gọt thành những hình tượng cho phù hợp. Tượng gỗ Tây Nguyên có thể chia thành hai nhóm. Nhóm tượng được bày đặt, trang trí ở không gian người sống và nhóm tượng được bày đặt, trang trí ở nơi người đã khuất (tượng nhà mồ). Trong hai nhóm tượng này tượng dùng để bày đặt, trang trí ở nơi người đã khuất có nguồn gốc cổ xưa nhất và thể hiện sâu sắc, độc đáo nhất những quan niệm nhân sinh của người Tây Nguyên. Đây cũng là một trong những loại hình nghệ thuật tiêu biểu nhất của văn hóa tộc người ở Tây Nguyên.
Ở nhóm tượng thứ nhất, người Tây Nguyên thường đặt ở cầu thang, sân nhà sàn, nhà rông, nóc nhà rông ... để trang trí và bày tỏ khát vọng phồn thực với mong muốn nguồn sống được sinh sôi nảy nở phát triển. Đó là các tượng có hình ảnh của hai bầu sữa mẹ, ngà voi, nồi đồng, sừng trâu, con khỉ, con trăn, con kỳ đà, con rắn, chim công, chim cu, voi, ngựa, bầu nước … Ở nhóm tượng thứ hai, người Tây Nguyên bày đặt, trang trí bên mộ người đã khuất trong lễ bỏ mả. Ở đây nó được xem là một trong những nghi lễ quan trọng của đồng bào. Bởi thế tượng nhà mồ thẫm đẫm linh hồn Tây Nguyên. Đồng bào tin rằng những tượng gỗ này tựa như các hình nhân thế mạng đi theo người đã khuất để bầu bạn, chia sẻ những nỗi niềm buồn vui. Phổ biến nhất trong nhóm tượng này là tượng người ôm mặt trong dáng điệu buồn bã, đau khổ để bày tỏ sự tiếc thương với người đã khuất; tiếp theo là tượng mẹ ôm con hoặc địu con, hình các con vật để thể hiện quan niệm về mối quan hệ giữa cuộc sống của con người với thiên nhiên; cuối cùng còn phải kể đến các bức tượng mang yếu tố phồn thực như thể người chửa, trai gái giao hoan, trai gái phô diễn các bộ phận giới tính …
Ngắm nhìn tượng gỗ Tây Nguyên chúng ta đâu chỉ nhận ra những nghĩ suy, quan niệm về thế giới và con người của những chủ nhân đang sinh sống nơi đại ngàn trên cao nguyên đất đỏ mà còn không khỏi rung động, thán phục trước đôi bàn tay khéo léo tài hoa của những người nghệ sĩ đã thổi hồn vào từng thớ gỗ. Chỉ bằng những dao, rựa, rìu và những phát chém, đục thô sơ mà những nghệ nhân Tây Nguyên đã đưa hơi thở của cuộc sống vào từng khúc gỗ qua những mảng, khối hình học một cách tài tình; biến những khúc gỗ vô tri thành những hình tượng sống động. Mỗi tác phẩm là một dáng vẻ, một trạng thái cảm xúc nhưng ẩn chứa hồn thiêng và cốt cách thần thái của con người và núi ngàn Tây Nguyên.
Tượng gỗ Tây Nguyên hồn nhiên, dung dị, chủ yếu để gợi tả cái hồn. Từ một thân gỗ, người làm tượng Tây Nguyên vung xà gạc, cầm rìu chặt, chém loại bỏ phần gỗ không cần thiết; tính toán đục đẽo những mảng khối; dùng dao cắt, gọt những chỗ chưa phù hợp; lấy đục nạo, xoi các chi tiết thừa. Tuần tự như vậy trong thoáng chốc, khúc gỗ thân tròn nhanh chóng trở thành bức tượng sống động gợi lên trong lòng người xem biết bao điều thú vị. Nói thêm, với nghệ thuật làm tượng gỗ ở Tây Nguyên, khi tượng gỗ chưa trở thành một món hàng thì người Tây Nguyên làm tượng do chẳng thể nào đừng được. Nói như nhà văn Nguyên Ngọc, họ làm “Vì một khát khao tự bộc lộ, tự biểu hiện, tự bóc mình ra, đột ngột ập đến, không cưỡng lại nổi”, những tượng gỗ ra đời “chỉ là sự bùng lên của một khát vọng đột ngột đến, vì kích thích của một dịp thiêng liêng nào đó”. Thành thực mà nói, nếu so sánh về độ tinh xảo thì tượng gỗ Tây Nguyên không bằng tượng của người Kinh. Nhưng mọi sự so sánh đều khập khiễng. Chúng ta không thể lấy con mắt của tộc người này để nhìn vào và phán xét văn hóa của tộc người khác. Ta hãy dùng con mắt Tây Nguyên để nhìn tượng gỗ. Tượng gỗ Tây Nguyên không chú trọng tả thực, ít quan tâm lột tả sâu sắc, kỹ càng các chi tiết; chỉ chú trọng đến các mảng khối để thể hiện tính cách điệu rất cao nhằm diễn tả mọi hành động, sắc thái, trạng thái, cảm xúc. Sử dụng thủ pháp mảng khối, người Tây Nguyên chỉ cần phác họa một vài chi tiết khúc gỗ gay lập tức trở thành bức tượng rất sống động. Chẳng hạn như mặt người được dùng rìu phạt phẳng rồi tạo dáng mũi nhô cao hơn gương mặt một chút, mắt và miệng nhấn sâu vào trong thân gỗ; tai đục hình chữ C. Tượng được đẽo nguyên khối, không lắp ghép các khối gỗ với nhau, không sơn màu. Đó là vẻ đẹp hồn nhiên trong từng phát chém, nhát đẽo nhưng truyền tải và gợi tả được những thông điệp về ý nghĩa và cảm xúc. Thực chất đấy là nghệ thuật đẽo tượng chứ không phải nghệ thuật tạc tượng. Trải qua năm tháng, tượng gỗ ấy được phủ lên mình những mưa nắng, gió bụi của thời gian. Lớp mưa năng, gió bụi này càng dày thì tượng thì tượng càng sống động.
Ở Tây nguyên hình như bất kể việc gì cũng được giải thích bằng những huyền thoại. Tượng gỗ cũng vậy. Có truyện kể rằng: ngày xưa những tù trưởng giàu mạnh ở Tây Nguyên khi chết người ta thường chôn theo gia nhân để hầu hạ ở thế giới bên kia. Sau này người ta không chôn người sống nữa mà dùng tượng gỗ để thay thế. Và cũng có sự tích khác kể rằng: ngày xưa có một cô gái rất xinh đẹp, hát hay, múa giỏi, chăm làm nên được trai nhiều làng yêu quý muốn lấy về làm vợ. Nhưng chẳng may cô bị ốm chết. Có một chàng trai vì quá yêu cô nên rất đau buồn. Chàng tìm đến bên mộ nàng ngồi khóc. Thời gian sau chàng trai cũng chết và hóa thành tượng gỗ bên mộ cô gái.
Có lẽ bắt nguồn từ những truyện kể như thế mà người Tây Nguyên khi làm lễ bỏ mả người ta đã đẽo rất nhiều pho tượng với các hình hài, tư thế khác nhau để bày quanh bên ngôi mộ nhằm bày tỏ sự tiếc thương với người quá cố; thay người sống gìn giữ trông coi phần mộ và hàn tuyên tâm sự với người đã mất. Chẳng thế mà ở Tây Nguyên, vào khoảng tháng Mười, sau khi thu hoạch xong, người ta bắt đầu tiến hành làm lễ bỏ mả cho người đã mất. Đó là “tháng nghỉ làm nhà mồ”. Đây có thể coi là ngày hội của cả cộng đồng; mùa vui “uống tháng, ăn năm, trâu đâm, lợn mổ” để chia tay lần cuối của những người sống với người đã mất, tiễn người mất về với thế giới của tổ tiên. Lễ bỏ mả diễn ra trong vòng từ 3 ngày đến 7 ngày. Người ta san phẳng ngôi mộ, phá bỏ nhà mồ tạm dựng lại một nhà mồ mới to, đẹp, vững chắc hơn và mang các tượng gỗ để xung quanh mộ.
Đến và ngắm nhìn tượng gỗ Tây Nguyên, nhất là tượng nhà mồ, bất chợt tôi lại nhớ lại lời kể của ông thầy quá cố (sau này được viết trong tùy bút Kiếp tượng nhà mồ) có lần nói với chúng tôi rằng: “không giống người dưới xuôi nghĩ con người từ cát bụi trở về với cát bụi, người Tây Nguyên xem con người đến từ rừng rồi lại về với rừng. Rừng là chốn nguyên sinh cũng là chốn siêu sinh” (Tự tình cùng cái đẹp, Chu Văn Sơn). Hóa ra, tượng gỗ Tây Nguyên cũng là một triết lý nhân sinh. Thứ triết lý ấy được biểu hiện một cách hữu hình, trực quan. Đấy là một lối ứng xử của “nền văn hóa rừng” trên các cao nguyên của các tộc người thiểu số giữa đại ngàn Trường Sơn.
Ngày trước, Tây Nguyên là thế. Bây giờ, thật tiếc thay. Những con đường đất đỏ xuyên qua những khoảng rừng xanh mướt xà nu, hồ tiêu, cà phê, cao su và đi bên những ngọn thác kỳ vĩ cùng biển hồ trong xanh giữa trưa vàng rót mật vẫn còn đó, nhưng nhà rông và những pho tượng gỗ thô mộc trầm mặc trước nhà, bên các ngôi mộ đang mai một. Thay vào đó, tôi đang thấy những vật liệu sắt thép, gạch đá, xi măng cùng đồ nhựa, sành sứ… đang thế chân cho cây cỏ của núi rừng. Những nhà rông, tượng gỗ hình như chủ yếu chỉ còn hiện diện trong những bảo tàng và nơi làm du lịch… Và thế là lại ước bao giờ mỗi buôn làng Tây Nguyên lại được trở về với nguyên vẹn của cái không gian văn hóa ngày xưa bên các bến nước!