Nhẽ :
Ngày xửa ngày xưa, mùa cưới là vào mùa thu trăng thanh gió mát. Dựng rạp cưới vui lắm, người người đi gíup nhà có đám cưới dựng rạp, mượn bàn ghế, mâm bát, mổ lợn, giã giò, tham gia các bước cưới gả... rồi vào mâm tỉn rượu nút lá chuối khô nghe "vào lắm"..
Từ thời vua Hùng đến hết Thế kỷ 20 lẻ dăm năm, các vụ cưới xin xứ ta cứ nếp xưa thế mà diễn. Cỗ quê chủ yếu cưới dịp cuối năm. Gọi là có "rét mùa cưới", nhưng các cụ cũng bảo dịp ấy mới qua vụ bận rộn, lợn gà nuôi từ đầu năm giờ mới có, xu hào, bắp cải, cà chua...mới có mà làm cỗ !. Nhà nhà lo "tầm nhìn đến tháng 8, tháng 10 lịch ta" dành dụm tiền nong, chăn nuôi lợn, tích thóc, nấu rượu, nhờ Thầy bấm cho ngày đẹp chạm ngõ-ăn hỏi-cưới xin. Lễ gia tiên, Lễ Tơ hồng, Lễ động phòng... đủ đầy các bước.. Chắc chả có trang trí đám cưới như ngày nay ?
Nay thì :
Cụ thể cưới quanh năm trừ tháng Cô hồn, thay áo các Cụ. Nóng bỏ mịa ra thì cỗ cười rầm rập khắp xứ.. Các đôi yêu nhau muốn "góp gạo thổi cơm chung", không muốn xa nhau đưa đón cách rách nữa, cho các ông Bô bà Bô yên tâm.
Thời @ chúng nó chăm lễ bái, vẫn cứ đi xem Thầy, tra Mạng xem có hạp "ăn đời ở kiếp" với nhau không?. Thời đại @ công nghệ 4.0 ngu gì mà không tìm hiểu cho kỹ lưỡng? Gần ngày cưới chúng nó sẽ mất mấy ngày, ngót chục triệu đồng cho chụp ảnh nghệ thuật để có MV ảnh cưới long lanh. Đôi trẻ thoắt thành ngôi sao Hàn Quốc trong phim phát video và ảnh chui vào các khung kính to nhỏ... Ỷ có ô tô, có diều hoà nhiệt độ, cái sự xa xôi, nắng mưa chả là cái định gì, thành ra cưới lúc lào mà chẳng được. Quan viên hai họ, ba bề bốn bên vất vả đi ăn cỗ vì nắng nóng.
Thời nay cưới "đời sống mới" đã xuất hiện hàng chục vạn Văn nghệ sỹ tay ngang - nửa mùa sáng tạo ra hàng triệu tác phẩm "để đời", cho muôn đời sau.
Xem các album ảnh cưới, từ cái thời chụp bằng máy ảnh 3 chân mà ông phó nhòm chui đầu vào cái khăn choàng chỉnh nét, rồi sẽ giật dây mở ống kính...đến cái thời máy ảnh 1 cuộn phim chụp 36 pô trắng đen. Cam đoan sau cô dâu chú rể, quan viên hai họ là phông cưới, là các tranh vẽ quanh phòng cưới...
Ngược dòng lịch sử về cái sự trang trí phông cưới, phòng cưới từ 1954 trở về sau do các Văn nghệ sỹ chả tên tuổi gì. "Nghề" trang tí đám cưới dễ mà khó, dễ vì quen tay làm hoạ tiết, mô tip theo gu thời đó, khó vì chiều theo ý thích cô dâu, chú rể. "Hoạ sỹ vườn" gò lưng tôm trang trí cho đến phút cuối cùng. Thuở ấy trang trí là giúp nhau. Gia chủ bồi dưỡng bao thuốc, lạng chè ngon, chai cuốc lủi là chính, hoạ hoằn mới có phong bao chút đỉnh. Tôi rất mong được mọi người bổ sung chuẩn chỉ lịch sử mốt trang trí cưới (đại cương), ước ao sưu tập đủ các đám cưới mình đã làm ra là khó lắm, dù chỉ lườm cho vui lúc nông nhàn.
-1954-1964 phông cưới có khẩu hiệu "Tổ quốc trên hết" và "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ" có ảnh Bác Hồ treo chính giữa phông, hai bên có hai bình hoa (Phông cưới mượn phông văn nghệ của HTX, cơ quan. Bí thì tháo chỉ cái vỏ chăn vải "xanh chéo" làm "phông"). Tặng phẩm thau nhôm, xoong nấu bột, phích nước đặt tất cả lên bàn, lần lượt đọc tên từng chủ nhân của tặng phẩm...Đèn bão hay đèn măng sông , trà nước, không có cỗ bàn, văn nghệ "ai đi hò lờ" và " khoan khoan hò khoan", Dân ca và Chèo
-Thời đánh Mỹ, trang trí khẩu hiệu treo phông "vui duyên mới không quên nhiệm vụ", "Tổ quốc hòa bình, gia đình hạnh phúc", "Trai yêu vợ hăng say công tác-Gái yêu chồng gánh vác việc đồng", hay "Trai yêu vợ chắc thêm tay súng/ Gái yêu chồng thêm vững tay cày"...sang trọng thì cắt giấy dán, màu vẽ là mực cửu long, thuốc đỏ... bút tre dập đầu viết lên giấy; họa hoằn có cả phấn màu viết lên giấy màu...
-1965-1970 xuất hiện chữ lồng tên cô dâu chú rể ngoặc nhau và chữ Song Hỷ, đôi bồ câu trắng ngậm mỏ vào nhau có dây tua đỏ cách điệu. có bó hoa hồng hai bên phông, có đèn lồng đỏ ngoắc vào khóm tre đủ ngọn la đà và 2 quả măng mập mạp chồi lên mặt đất, có xong quấy bột, phích, chậu tráng men đầy bàn cho đỡ trống
-1971-1975, ngoài chữ lồng, chữ song hỷ có hình trăng sao cắt từ giấy bạc thuốc lá đính lấm tấm trên phần trán phông (nom vui mắt đáo để) phụ 2 bên hoa, nai hươu ngơ ngác, diềm hoa lá cành, hoạ tiết đôi nam nữ ngả đầu vào nhau, có dây đèn nhấp nháy xanh đỏ vàng vui mắt, có cỗ cưới tuy không nhiều
-1976-1985 thêm hình tre trúc, cây thông, ban nhạc Tây đủ kèn trống người nhảy múa, ở diềm dưới chữ lông và chữ song hỷ. cái ti vi màu đôi thùng loa xập xinh nhạc Tây băt mắt quan viên dự cưới, video chưởng Hồng Kông chát chúa, súng cao bồi giòn đanh thu hút người xem ông già và con trẻ trước giờ khai mạc
-1981-1985 xuất hiện cắt dán chữ xốp, hoa xốp, hình người cắt xốp phun nhũ vàng xanh đỏ các cái (cái này phải đặt mua, khi mang về "nâng như nâng trứng-hứng như hứng hoa") và các hoạ tiết cắt giấy màu bán sẵn (kỷ hà, cách điệu các tư thế ôm hôn nhảy nhót, nom vui mắt đáo để) vi deo phát nhạc quốc tế xập xình, chát chát bùm vui
-1986-1995 Đông Tây y kết hợp chữ xốp, tranh vẽ lâu đài châu âu, cảnh nai vàng ngơ ngác, thông xanh, đôi trẻ mũ vua hoàng hậu... đàn ghi ta hay piano dính khuông nốt nhạc uốn éo mềm mại. nhà sàn bên suối mây trắng vắt sườn non mí đôi nam nữ được sản xuất hàng loạt, ra Hàng Mã (Hà Nội) xem cuốn album nhà hàng-ưng mo đen nào chỉ tay-nhà hàng chọn ra các cụm hoạ tiết (giấy màu, xốp) gói gọn mang về mà dán.
-1996-2010 chữ lồng to xưa nhường cho tên cô dâu chú rể dăng ngang, song hỷ lui về thứ yếu gọi là cho có mặt (kim cổ giao duyên) dưới riềm là hình màu in ôp sét võng lọng đón dâu ngày xưa, nhộn thì dăng đám cưới chuột dòng tranh Đông Hồ. Sẽ có ảnh tân lang tân nương to đùng gắn trên phông, đung đưa khi phông phập phùng trong gió trước các quạt điện công nghiệp đế gang cần dài, xé gió quay tít.
Còn tiết mục văn nghệ trong các đám cưới.
Thập niên 1970-1980 là các bài hát trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thời đó không có tăng âm loa đài. Thập niên 1980-1990 có loa đài nhạc Boyney, Modeltaking. Thập niên 1990-2000 nhạc Joy. Top Dance thời ấy, thường được phát trong các tiệc cưới,
Những năm gần đây, phông màn rạp cưới Nam tiến ra Bắc. Các chữ xưa vu quy, thành hôn xuất hiện trở lại, hình trang trí phông được sản xuất hàng loạt, đại lý rải đầy thị trấn, phố nhớn...Các đôi uyên ương tha hồ chọn lựa. Các "văn nghệ sỹ nửa mùa" trang trí đám cưới đâm nhàn. Chú rể mua đồ hàng mã bán sẵn, không phải mó tay mà "chỉ đạo Khắc Huề" treo dán. Màn chiếu 100-300 ính sờ chiếu sê ri ảnh cô dâu chú rể từ hồi nhỏ cón-học hành-phượt cùng bạn-hẹn hò-ảnh cưới nền Châu Âu, Đu bai, Ja pan... liên tiếp nối nhau đã làm thay các đẫn MC (từ hôm dựng rạp tới "giờ phút trọng đại bắt đầu"). Bài diễn văn của các MC vui sống động, live mọi nhẽ. Chúng ta đi dự chuẩn bị phong bì có nhân đến phòng cưới để bỏ thùng hình trái tim, tìm gặp người quen ngồi chung mâm cho vui. Các phụ huynh cùng đôi Tân lang đến từng mâm cảm tạ.
Chuyện làng quê