Một trưa hè

Mùa hè năm ấy đẹp lắm. Trời xanh trong và nắng vàng rực rỡ. Trong kí ức của tôi, quê nhà lúc nào cũng là nơi tuyệt vời nhất.
240531676-133498748932746-676624463428502464-n-1630149592.jpg

Trong cơn oi ả với gió lào thổi như roi mây quất vào mặt, mấy đứa trẻ chúng tôi vẫn hay trốn cha mẹ giữa trưa chạy xuống tràn nước lấy đất sét về nặn đồ chơi. Mười hai giờ, mặt trời đứng bóng. Cơm nước xong xuôi, tôi ngồi trên chõng tre, tay phe phẩy quạt mo cau y như bà cụ, con chó vàng ngồi cạnh tôi le lưỡi thở vì nóng. Tôi ngồi ăn lạc luộc lúc sáng còn thừa, thi thoảng lại ngó ra đầu ngõ xem có thấy ai không.

Bố mẹ tôi ở trong nhà, cái quạt điện cũ quay kêu phành phạch, ồn ào khiến em tôi ngủ không được, trằn trọc trở mình liên tục. Độ ấy, nhà lợp bằng mấy tấm bia rô làm từ xi măng, mùa hè chẳng khác gì cái lò luyện đan xem trong Tây Du Kí cả. Nhớ có lần mấy chú lái xe tải vô ở nhờ nhà tôi lúc ban trưa, ngủ không nổi phải chạy hết ra vườn, mắc võng vào cây mít để nằm cho đỡ oi bức. Tôi một tay cầm quạt, một tay bóc lạc, chân đung đưa, miệng nhai sột soạt, thi thoảng lại bỏ xuống cho con vàng mấy hạt. Mẹ tôi lâu lâu lại nói vọng ra:

- Đứa lớn vô nhà ngủ đi. Trưa nắng chang chang mà mò đi chừng là mi chết với mẹ.

- Dạ. Con biết rồi. Tôi đáp tỉnh queo.

Miệng thì bảo biết rồi nhưng vẫn ngồi chờ, mắt liếc ra đầu ngõ. Đợi một hồi nóng quá, tôi định vào nhà ngủ thì nghe tiếng hú. Tiếng hú dài ngắn có nhịp điệu hẳn hoi. Là tiếng chúng tôi dùng để gọi nhau mỗi khi muốn trốn khỏi nhà mà không ai hay biết. Tiếng hú này là anh Quân bày cho cả bọn. Khép hai tay lại, để lộ một khe hở, thổi hơi vào đấy và điều chỉnh tay, nó sẽ trở thành tiếng “nhạc”, nhưng tôi vẫn chưa học được, và thay vì hú tôi chuyển thành huýt sáo. Tiếng huýt sáo của tôi trong veo và rất vang, nghe cũng hay ho phết, nên tôi nghiện. Có một dạo cứ chu mỏ huýt sáo làm mẹ tôi nhìn thấy là bực bội. Sau đó sợ bị đánh nên tôi biết điều không chu mỏ huýt sáo ở nhà nữa, thay vào đó là mỗi khi đi ra ngoài, tôi chẳng khác gì con chim sổ lồng cả, nhọn mỏ hót véo von. Sau này mẹ tôi bảo con gái cứ chu mỏ huýt sao vậy vô duyên lắm. Nên tôi bỏ đi, không huýt nữa.

Tiếng hú vang lên ba lần, nghe rất hay, như tiếng chim vậy. Là anh Quân, tôi chắc chắn là anh Quân, vì trong số tụi con trai cùng chơi, anh thổi cái này giỏi nhất. Anh còn có thể thổi bằng lá tre nữa và cái Thư làng bên từng say anh như điếu đổ. Tôi cũng thích nghe anh thổi lắm. Anh cũng rất chiều tôi, thành ra tôi thuở nhỏ cũng khá ngang ngược và ngông nghênh. Tôi ngó vào nhà, mẹ đang quay mặt vào tường, bố nằm trên cái võng Trường Sơn ngáy khò khò. Tôi rón rén chạy đi, cẩn thận tới mức kẹp dép vào nách, nhón chân bước từng bước rất nhẹ. Con vàng ngồi bên chõng thấy tôi chạy thì quýnh quáng cả lên, chạy theo vẫy đuôi liên hồi, tôi vừa phải để ý mẹ, vừa nhỏ giọng quát con vàng để nó chạy vô nhà, không nó mà đi nghịch bùn là to chuyện.

Mãi một lúc sau tôi mới ra được đến ngõ. Nắng xác xơ, vệ cỏ xanh héo rũ. Anh Quân đứng dựa vào gốc mít nhìn tôi, anh cười, trán anh vã mồ hôi.

- Anh đợi Hi lâu không?

- Không. Anh mới qua có tí thôi. Bữa nay gọi mấy đứa tê đều không được.

Anh lắc đầu, lấy mũ phớt xanh của anh đội lên đầu tôi, tôi giật mình, vội quá quên mang mũ rồi.

- Chết, để em vô nhà lấy mũ không nắng bể đầu như chơi.

- Thôi, muộn rồi. Đi nhanh không tụi thằng Khanh nó chiếm chỗ.

- À.

Tôi gật gù, anh nhìn tôi một hồi, sau đó quay mặt đi chỗ khác. Anh Quân hơn tôi bốn tuổi nhưng có vẻ già dặn và trưởng thành hơn tuổi nhiều.

Tôi vừa đi vừa ngoái lại nhìn anh:

- Anh đội mũ đi. Em không cần mô. Nhìn nè, em còn bận cả áo cộc tay nữa mà, can chi.

- Em đội đi, anh phơi nắng tí cho khô tóc.

Nói rồi anh đưa tay vuốt tóc, mái tóc ướt nhẹp chẳng biết là mới gội hay là do mồ hôi nữa. Tôi cũng không để ý, chạy vèo vèo qua nhà thằng Đại.

Trước nhà thằng Đại có cây nhãn to, dưới đó có đống đá, nó với thằng Tư ngồi vắt vẻo đợi sẵn, ăn nhãn non. Thấy tôi, cả hai đứa bật dậy:

- Chị Hi.

Dứt lời thì ném cái vèo chùm nhãn về phía tôi, tôi đón được, đưa cho anh Quân một nửa, bắt đầu vừa đi vừa ăn. Đoạn tôi quay sang hỏi:

- Anh Đạt với anh Nam không đi ạ?

- Không.

Anh Quân lắc đầu. Tụi tôi vừa đi vừa nói rộn rã cả con đường. Trời trưa chỉ còn nghe tiếng ve râm ran, chim vườn nhà ai giáo dác gọi con, thi thoảng lại nghe thấy tiếng gà cục tác, có lẽ là nhảy ổ. Chúng tôi giữa trời nắng hơn 40 độ hi hi ha ha như dở hơi vậy.

Hồi ấy chẳng có khái niệm về áo chống nắng hay bịt khẩu trang che chắn đâu. Đứa nào đứa nấy cứ phơi mặt dầm mưa dãi nắng vậy. Đứa đen thì vẫn cứ đen, đứa trắng vẫn hoàn trắng, thằng Tư đen như hòn than. Mọi người toàn trêu tối ra đường không nhe răng thì chẳng ai biết có người cả. Ở quê các bác vẫn hay bảo, con trai đen tí cho khoẻ, chứ trắng quá nhìn yếu nhớt. Mà anh Quân, ảnh trắng lắm, như con gái vậy đó, nên nhiều người bảo anh yếu chẳng làm được gì. Chỉ có chúng tôi mới biết, ảnh mà yếu tụi tôi đi đầu xuống đất luôn.

Chúng tôi chạy tới tràn nước. Tràn này người ta đã đổ bể tông rồi, ngăn cách con khe với khu vực mương sâu rậm rạp phía dưới, có từng bậc dài và rộng, mùa lũ về tràn chảy nước như thác, đẹp lắm, giống trong ti vi vậy. Tụi tôi thường chui vào các kẽ hở giữa nước và thành tràn, rồi ngồi trong đấy mỗi khi đi chăn trâu, tự tưởng tượng đây là Hoa Quả sơn, Thuỷ Liêm động của Tôn Ngộ Không.

Mùa hè nước cạn, chỗ đấy khô queo, bùn đất bong tróc từng mảng. Ở phía dưới tràn một đoạn là cây bụi gai cùng cây xấu hổ mọc chằng chịt, thêm đoạn nữa là chỗ xoáy nước mùa lũ, có nhiều người không may bị trôi từ tràn xuống, đến xoáy nước đều bị vướng lại, kẹt trong các bụi gai mà chết. Nhìn nó bình thường thôi, nhưng đã có không ít người bỏ mạng ở đấy rồi. Thằng Đại sợ chỗ đấy lắm, bởi vậy chúng tôi lấy đất sét ở gần tràn, không đi xa quá. Đất dẻo quánh, màu gần như màu cam, nhưng lại sẫm hơn, dùng nó nặn đồ chơi y như đất nặn được học ở trường vậy. Chúng tôi ào ào chạy xuống, anh Khanh với tụi làng bên cũng ở đó rồi. Thấy tôi, anh cười trêu:

- Nhóc con không sợ mẹ đập cho một trận à?

Tôi bĩu môi, không trả lời. Chuyện là hôm kia ở ngoài cánh đồng, tôi không may làm đứt dây thừng buộc trâu nên bị mẹ tôi quất cho mấy roi. Xui thế nào bị anh Khanh thấy, nên bữa nay anh mới trêu tôi vậy.

- Bác Hằng ngủ rồi. Còn lâu chị Hi mới bị đánh.

Thằng Đại nhảy vô cãi. Tôi thấy buồn cười quá, bảo nó thôi, ổng ngứa miệng kệ ổng. Chứ cãi qua cãi lại chi cho mất thời gian, mà ổng thấy trêu hay lần sau lại được đà. Thằng Đại nghe tôi im lặng không nói, anh Khanh thấy tụi tôi bơ đẹp ảnh nên cũng không trêu nữa. Đất sét lấy mỗi đứa một cục to oạch. Chúng tôi bắt đầu ngồi chỗ trạm bơm nước nặn. Ô tô rồi siêu nhân đủ loại, sau đó bắt đầu phơi khô. Tôi mải miết tô vẽ hình hai người một trai một gái mãi. Anh Quân nhìn tôi, hỏi:

- Chi đây Hi?

- Người đó. Anh ni hỏi hay. Tôi không ngẩng mặt lên, nói.

Anh Quân bật cười, nhấc thử “người” tôi nói lên, anh nhìn tôi chằm chằm:

- Rồi hai đứa nó yêu nhau hả?

Tôi hơi ngơ ngác, giống như đầu óc mới được khai sáng ra một thế giới mới. Tôi quay lại hỏi anh:

- Cứ một trai một gái là yêu nhau hả?

- Không rứa thì răng?

Anh đặt “người” xuống, nhìn tôi một lúc lâu, nhìn tới mức thằng Đại với thằng Tư phải quay sang hỏi:

- Mặt chị Hi bẩn à? Anh nhìn chi nhìn kỹ rứa?

- Nhìn kỹ cho nhớ lâu.

Anh nói một câu không đầu không cuối xong lấy hộp giấy chuẩn bị sẵn ra, là mấy cái bìa cát tông xin được bên cửa hàng tạp hoá rồi lấy cơm nóng dán lại, bỏ sản phẩm của chúng tôi vào đó. Ngày đó còn bé, chẳng ai nghĩ nhiều, cũng chẳng ai hơi đâu mà nói chuyện ẩn ý. Nghe xong không hiểu gì cũng kệ, sau này lớn rồi mới nhận ra, hoá ra là người ta đã để ý mình từ lúc còn nhỏ như vậy rồi. Nghĩ lại tự nhiên thấy buồn cười không thôi. Chúng tôi cẩn thận xách cái hộp về, và tôi đã rửa ráy tay chân mặt mũi sạch sẽ hết mức có thể, mấy tác phẩm nghệ thuật đầu tay đều để chỗ nhà anh Quân để anh phơi thật khô, tôi không dám đem về nhà, mẹ mà thấy chỉ có nước ăn đòn thay cơm thôi.

Tôi chào mọi người, chạy nửa đường thì nhớ ra chưa trả mũ cho anh Quân, bèn chạy quay lại, ảnh đã vô nhà mất rồi. Tôi nghĩ bụng, chiều rồi đưa sau cũng được. Về nhà, bố mẹ vẫn ngủ, tôi lại rón rén bước vào, con vàng đang say giấc, lưỡi lè ra vì nóng, mũi nó còn mấy chấm mồ hôi mỏng, trông thấy dễ thương ghê. Tôi chạy lại nựng nó một cái rồi leo tót lên chõng nằm, giả vờ say ngủ. Trong đầu vẫn hí hửng về phi vụ trưa nay không bị mẹ phát hiện.

Tôi đang mơ màng hạnh phúc, trên miệng còn nguyên nụ cười toe toét, giấc mơ về “hai người” tôi tạo ra lúc trưa yêu nhau thì nghe tiếng gõ vào chõng. Là tiếng chổi lau? Tôi tự hỏi, vẫn đang đấu tranh giữa giấc mơ và hiện thực, cho tới khi tiếng vụt xé gió dừng lại ở mông tôi, tôi mới bật người dậy, phản xạ đầu tiên là hất văng vật vừa đập vào mông mình ra, nhảy khỏi chõng thì mẹ tôi đã nghiêm trang ở đó, mày nhíu hết lại. Tôi vẫn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, quay sang trách mẹ:

- Con đang ngủ mà tự nhiên mẹ đập con chi rứa?

- Vừa đi mô về?

Mẹ hỏi, nét mặt nghiêm nghị. Mẹ tôi là người phụ nữ nghiêm khắc, kiệm lời. Mẹ vẫn luôn dạy tôi theo quan niệm “thương cho roi cho vọt” bởi vậy lúc tôi sai, trăm phần trăm đều phải ăn đòn. Tôi chính là ăn đòn roi mà lớn lên, lại còn trưởng thành vô cùng tốt đẹp nữa. Đó đều là nhờ công lao vĩ đại của mẹ.

- Mô, con nằm ngủ trưa giờ mà.

- Thật không? Mẹ tôi hỏi lại.

Tôi chột dạ nhìn đi chỗ khác, không dám nhìn thẳng vào mẹ, gật gật đầu.

- Mẹ hỏi thật không? Mẹ hỏi lại, bình thản, vẻ mặt của mẹ như đang viết lên dòng chữ “khôn hồn mau nhận tội không mày chết với mẹ”.

- Dạ. Giọng tôi bắt đầu run, ngày bé không sợ trời cũng chẳng sợ đất, chỉ sợ mỗi mẹ. Đôi mắt tinh tường của mẹ giống như đọc được nội tâm đang run rẩy của tôi vậy.

- Dạ là thật hay không thật?. Mẹ hỏi lại lần nữa, gõ nhẹ cán chổi vào chõng tre, tiếng gõ cứa vào lòng tôi, gai hết cả người.

- Mẹ đẻ mày ra đấy con gái ạ!

Mẹ nói, nói như Bao Công xử án trong phim vậy đó. Và tôi biết rõ, sớm muộn gì tôi cũng sẽ bị “hành hình” thôi. Trung thực thì sẽ được giảm nhẹ tội, nói dối thì phạt gấp đôi. Đó là nguyên tắc của mẹ.

- Con sai rồi. Tôi cúi xuống, lần này thì không chối cãi gì nữa. Đã có gan làm phải có gan nhận, không dám nhận thì đừng nên làm. Hèn lắm. Bố tôi từng bảo như vậy. Có thể sai lầm, nhưng hãy thành thật nhận lỗi.

- Mẹ nói bao nhiêu lần rồi, Hi?

Tôi cúi mặt, im lặng, hai bàn tay vân vê vạt áo.

- Sau ni trưa lên giường ngủ, cấm có đi chơi bời nghịch dại biết chưa?

Mẹ chỉ qua cái mũ màu xanh để trên chõng:

- Mũ thằng Quân à? Răng ở chỗ ni?

- Con quên mang mũ rồi ảnh cho con mượn. Tôi nói lí nhí.

- Giỏi lắm, lại còn không mũ không nón mà chạy đi. Lần này mẹ tha, một lần nữa tôi cho chị ngồi xó nhà luôn.

- Dạ. Tôi nói rồi leo tót lên chõng, tôi cũng không hiểu sao tôi lại leo lên chõng nữa.

- Chuẩn bị dậy mà đi chăn trâu đi. Sớm sủa chi nữa mà ngồi đó?

- Dạ.

Tôi dậy, nhẹ nhàng chạy ra hoè, vừa chạy vừa thở phào một hơi, mặt mày hớn hở toe toét. Đây là một trong số ít lần tôi được mẹ tha cho, nên tôi vui lắm. Lát sau đi chăn trâu còn nhảy chân sáo hát hò “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay” khiến cho mấy người xung quanh tưởng tôi sinh bệnh. Nắng quá ấy mà. Nhưng mà trẻ con chỉ nhớ ăn chứ chẳng nhớ đòn, hôm sau tôi vẫn lập mưu kế trốn ngủ giữa trưa chạy đi chơi nữa, và tất nhiên chẳng có sự khoan hồng nào cho tôi nữa cả. Tôi bị đánh toét mông và cấm cửa một tuần.

Thật ra, có người từng hỏi tôi rằng bị đánh nhiều như thế có giận không, kỳ thực nói không thì là nói dối, nhưng tôi cảm thấy mình cũng nên ăn chút đòn roi để trưởng thành. Ở nơi khác tôi không rõ, nhưng chỗ chúng tôi làm gì có đứa trẻ nào chưa từng ăn đòn đâu chứ? Chẳng có gì để phải oán giận cha mẹ cả. So với những đứa trẻ không có mẹ cha mỗi ngày quát mắng, chúng tôi đều là những đứa trẻ hạnh phúc nhất trên đời.

Có lẽ vì tôi ăn đòn hơi nhiều nên nhớ rất lâu. Thi thoảng nghĩ về tuổi thơ, nhìn lại tôi của hiện tại, muốn nghe mẹ mắng đôi câu, đánh vài roi cũng chẳng có cơ hội. Trưởng thành rồi, vĩnh viễn mất đi một vài thứ của thuở nhỏ, những món đồ chơi bằng đất sét, những trưa hè trốn ngủ, những trận roi cháy mông, tiếng huýt sáo lanh lảnh,... mọi thứ bây giờ chỉ có thể ở trong kí ức, chẳng thể tìm lại được nữa.

Tôi gọi đó là một thời đã xa, thời mà chúng ta chỉ có thể hoài tiếc khi nghĩ về.

 

Theo Chuyện Làng quê