Một vài suy nghĩ về Hồ sơ quy hoạch tổng thể Quốc gia

Đóng góp ý kiến vào Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia có “Một vài suy nghĩ về Hồ sơ quy hoạch tổng thể Quốc gia”. Vanhoavaphattrien.vn trân trọng giới thiệu suy nghĩ đó.

b1quy-hoach-1680747237.jpg

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước? (Hình từ Internet).

 

Tôi ủng hộ và đánh giá cao chất lượng khoa học, nội dung cũng như phương pháp xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia qua bản cáo báo tóm tắt đã được đọc.

Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tổng thế quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 với 4 nội dung chính:

Thứ nhất: Điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia.

Thứ hai:Quan điểm, mục tiêu phát triển và những vấn đề trọng tâm trong thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ ba: Định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành, các lĩnh vực và theo vùng, lãnh thổ.

Thứ tư: Các giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Tôi đặc biệt đánh giá cao 5 bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác quy hoạch và tổ chức không gian đất nước giai đoạn vừa qua, trong đó có bài học kinh nghiệm số 3 và số 5.

Từ góc nhìn văn hóa, tôi đóng góp mấy ý kiến như sau:

Quy hoạch Tổng thể Quốc gia cần được xem xét từ góc nhìn chiến lược phát triển tổng thể của đất nước.

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển tổng thể của đất nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu “phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc … Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam”.

Theo thiển nghĩ của tôi, đồng bộ ở đây phải được hiểu là sự đồng bộ giữa kinh tế - chính trị - văn hoá. Và đặc biệt, văn hoá và con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển. Bởi vì suy cho cùng, mọi sự phát triển cũng là vì sự phát triển của con người và vì hạnh phúc cho chính con người. Có lẽ đây là một trong những điểm đổi mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng mà chúng ta rất cần quan tâm khi xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhằm phục vụ chiến lược phát triển tổng thể đất nước. Vậy, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải thống nhất được nhận thức về bản chất và nội hàm của khái niệm phát triển. Lâu nay chúng ta vẫn quen lấy tổng thu nhập quốc gia (GDP) và bình quân thu nhập tính theo đầu người như là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá sự phát triển của một quốc gia. Nhưng theo quan điểm hiện đại, phát triển được xem xét từ mấy góc độ sau đây:

Trạng thái phát triển của một quốc gia có khả năng đáp ứng tốt nhất cho các nhu cầu của con người và xã hội hay không?

Trạng thái phát triển có tạo cơ sở thuận lợi nhất để con người phát huy tối đa năng lực sáng tạo của cá nhân và cộng đồng cho sự phát triển hay không?

Trạng thái phát triển có tạo điều kiện và khả năng để con người thích ứng với hoàn cảnh tự nhiên và khai thác hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho phát triển hay không?

Trạng thái phát triển có khả năng nâng cao năng lực của con người trong xu hướng toàn cầu hoá về kinh tế và quốc tế hoá về văn hoá để vừa tiếp tục có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại, vừa sáng tạo được các giá trị văn hoá mới trên nền tảng bản sắc văn hoá dân tộc hay không?

Quy hoạch tổng thế quốc gia được tiếp cận theo quan điểm tổng hợp, hệ thống, liên ngành và đa ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hoá về kinh tế và quốc tế hoá về văn hoá là hoàn toàn đúng đắn

Đóng góp quan trọng nhất là Quy hoạch tổng thể quốc gia là đã xác định rõ và cụ thể hoá Mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất, tạo ra không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững nhằm đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Có thể coi đây là những cơ sở pháp lý và khoa học để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, cũng như tạo căn cứ cho việc xây dựng các chương trình mục tiêu ưu tiên của quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch phải xử lý hài hoà mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quan tâm đúng mức đối với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu2

Một số ký kiến trao đổi thêm

Thứ nhất: Quy hoạch tổng thể quốc gia cần xây dựng quan điểm tiếp cận biển, sông ngòi và tiếp cận lục địa vì Việt Nam là thuộc bán đảo có đường bờ biển dài hàng ngàn ki lô mét với nhiều lợi thế cạnh tranh cả về cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan sinh thái biển cũng như lợi thế cạnh tranh về cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan sinh thái biển cũng như lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp mạnh. Vậy tư duy biển cần được đặt ra thật rõ ràng và cụ thể. Phải chăng kinh tế biển và kinh tế nông nghiệp phải được phát triển như một lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam.

Thứ hai: Nhiều bạn bè quốc tế mà tôi có dịp tiếp xúc và trao đổi đều đưa ra lời khuyên xác đáng là: Việt Nam khó có thể trở thành “Công xưởng của thế giới” nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “Điểm đến của thế giới” và “Bếp ăn của thế giới”. Quy hoạch tổng thể quốc gia nên lưu ý với lời khuyên chân thành và cũng rất thực tế như vậy.

Thứ ba: Quy hoạch tổng thể quốc gia đưa ra định hướng không gian phát triển thành 6 vùng kinh tế - xã hội tương ứng với 6 vùng không gian văn hoá là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên phải chỉ rõ thế mạnh, những vấn đề đặt ra cho từng vùng để có kế hoạch phát triển phù hợp và khắc phục được những hạn chế. Từ đó chỉ ra các giải pháp và nguồn vốn ưu tiên đầu tư. Ví dụ Thành phố Hồ Chí Minh có hiện tượng triều cường gây ngập lụt đường phố, hoặc vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh có nguy cơ bị nước biển dâng làm cho diện tích trồng lúa bị thu hẹp hay hệ thống đập thuỷ điện ở thượng nguồn là vấn đề trước mắt chứ không phải là lâu dài, đòi hỏi được giải quyết ở tầm chiến lược cấp quốc gia.

Thứ tư: Tôi có cảm giác, Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa quan tâm tới vấn đề vận hành kinh tế thị trường trong lĩnh vực văn hoá, đặc biệt là những giải pháp tích cực nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hoá mà Việt Nam có tiềm năng lớn (thủ công truyền thống, du lịch di sản ….). Theo đó, ngoài sản phẩm Ocops trong nông nghiệp cũng rất cần có Ocops trong lĩnh vực văn hoá. Thành phần kinh tế tư nhân trong lĩnh vực văn hoá cũng rất cần được quan tâm.

Thứ năm: Tôi nghĩ Việt Nam không nhất thiết phải phát triển các đô thị quá lớn theo kiểu “Siêu đô thị” mà cần có hệ thống đô thị vừa phải và nhỏ với hệ thống kết cấu hạ tầng có khả năng kết nối mạng lưới làng xã trong cả nước vì đấy là những cái nội dung từ bản sắc văn hoá. Cảm giác chung là Việt Nam đô thị hoá quá nhanh, thiếu kiểm soát nên rất lãng phí tài nguyên đất, không biến “đất đẻ ra tiền” qua đô thị hoá.

Thứ sáu: Các giải pháp và chính sách qua thực tế tôi thấy thiết thực nhất là việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có khả năng công khai minh bạch để các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng thực hiện việc kiểm soát.

Trên đây là một số suy nghĩ bước đầu mang tính chủ quan mong góp phần hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia.

PGS TS Đ.V.B

----------------

Tài liệu tham khảo:

Đảng Cộng Sản Việt Nam, văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tập 1, tr33-34

Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tr 21