Cáy là loài sinh vật sống ở vùng bãi triều các con sông. Thức ăn của cáy chủ yếu là sinh vật phù du, rong rêu, xác tôm cá chết…
Quê tôi có sông Thái Bình và sông Kinh Thầy chảy qua. Vùng bãi triều của hai con sông này là nơi sinh sống lý tưởng của loài cáy.
Bắt cáy có nhiều cách, như: Thả rọ, bẫy, đào hang, đánh dậm…Có một cách bắt rất đơn giản nhẹ nhàng, đó là “Câu cáy”.
Câu cáy nói là đơn giản, nhưng muốn câu được cáy cũng cần phải nghiên cứu kỹ đặc tính của loài cáy. Cáy có thính giác rất nhạy cảm, thấy tiếng động mạnh là trốn ngay vào hang, lẩn vào bụi cây cỏ. Vì vậy người đời mới có câu “nhát như cáy”.
Người đi câu nhìn thấy cáy rồi, muốn câu được thì phải đi rất nhẹ, tránh phát ra tiếng động, cáy nghe thấy sẽ trốn ngay. Nhưng nếu thấy cáy lẩn trốn, thì chỉ cần ngồi im một chỗ đợi một lúc là cáy lại thập thò bò ra ngay.
Cáy sống, kiếm ăn ở cả dưới nước và trên cạn. Khi nước triều lên thì cáy kiếm ăn ở dưới nước.
Khi nước triều rút, lúc này cáy bò ra khỏi hang hoặc nơi trú ẩn để kiếm thức ăn trên mặt bùn đất, phơi mình tắm nắng và tìm kiếm bạn tình.
Những chú cáy đực cứ bò qua, bò lại giơ đôi càng to khỏe, vàng óng múa may khoe mẽ…nhằm thu hút sự chú ý của các cô cáy cái.
Lũ cáy con chỉ to hơn hạt ngô, hạt lạc kéo nhau hàng đàn cứ chạy lăng xăng trên mặt bùn đùa nghịch. Ngồi quan sát cảnh ấy thật vui đáo để!
Câu cáy cũng như câu cá phải có cần câu. Cần câu cáy phải dài ít nhất hai mét, dây câu chỉ cần một đoạn cước hoặc chỉ dài khoảng hơn một mét.
Câu cáy không dùng lưỡi câu, chỉ cần buộc mồi câu vào đầu dây câu là được. Mồi dùng để câu cáy là một miếng thịt ốc nhồi, cá hoặc thịt lợn…
Người đi câu cáy vừa đi, vừa quan sát dưới bờ bãi, thấy cáy thì nhẹ nhàng đưa cần câu ra thả mồi xuống, cáy thấy mồi là giơ càng cặp ngay. Lúc này chỉ cần nhẹ nhàng nhấc cần lên, con cáy ham ăn, nên cứ cặp chặt miếng mồi. Người câu chỉ việc đưa tay ra tóm lấy bỏ vào giỏ là xong.
Muốn câu được cáy to (cáy mật) thì phải tìm bờ đất hoắm, có nhiều bụi rậm, gốc cây to. Đây là nơi những con cáy già, cáy to trú ẩn.
Câu cáy phải chọn ngày nắng, buổi sáng hoặc chiều hôm. Khi ấy cáy mới ra ngoài để kiếm ăn và phơi mình. Tháng ba là mùa câu cáy, vì cáy tháng ba chắc mẩy, nhiều trứng. Thế mới có câu “cáy tháng ba, cà ra tháng mười”.
Người câu cáy thường chỉ chọn câu con to. Cáy câu được để nhà dùng là chính, nếu nhiều đem ra chợ bán, thì ai cũng muốn mua, vì cáy to và rất mẩy.
Cáy nấu canh bánh đa, nấu canh rau đay mùng tơi, nấu riêu…ngon lắm. Cáy làm mắm, chấm rau muống, rau lang luộc thì tuyệt luôn.
Ngày xưa mắm cáy là món ăn dân dã. Bây giờ là đặc sản, xuất khẩu sang cả Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản…nữa đấy.
Những ngày tháng ba này, mọi người về quê tôi mà gặp từng tốp ba, bốn người đi bộ hoặc đạp xe đạp trên các triền đê lưng đeo giỏ, vai vác cần…là họ đi câu cáy đấy.
Câu cáy cũng là một thú vui, giải trí… rèn luyện tính kiên trì đấy.
HD-16/3/22-NH – Chuyện làng quê