Mùa câu ếch

Nguyễn Hộp

25/08/2022 22:39

Theo dõi trên

Tiết trời vào Thu rồi! Mùa này mà đi câu ếch thì thích lắm! Vừa là thú vui giải trí, lại được bữa ếch đồng, chế biến món ngon phải biết.

cau-ech-1661473304.jpg
 

 

Cuối tháng tám, buổi sáng sớm màn sương đêm còn giăng bảng lảng, làm ướt lá cây, ngọn cỏ. Gió bấc thổi nhẹ, không khí thật mát mẻ trong lành.

Tiết trời vào Thu rồi! Mùa này mà đi câu ếch thì thích lắm! Vừa là thú vui giải trí, lại được bữa ếch đồng, chế biến món ngon phải biết.

Ếch đồng là loài lưỡng cư, sinh sống được ở cả dưới nước và trên cạn. Nơi sinh sống của ếch là đồng ruộng, ao đầm… nơi có cỏ cây, bờ bụi, hang hốc để ếch kiếm ăn và trú ẩn.

Thức ăn của ếch đồng (ếch sống trong môi trường tự nhiên) là cua ốc, sâu bọ, côn trùng... Khi ở dưới nước thì ếch ăn cua ốc, cá nhỏ. Lúc ở trên cạn thì thức ăn của ếch chủ yếu là sâu bọ, côn trùng…

Vào cuối mùa Xuân khi tiết trời ấm áp, ếch trong các hang hốc, bụi rậm… ngủ đông thức dậy kiếm ăn, chuẩn bị cho một mùa sinh sản trong suốt cả mùa Hạ. Tiếng ếch kêu vang đồng vào những đêm mưa ẩm cuối Xuân, đầu Hạ, hoà cùng với tiếng kêu của các loại côn trùng, tạo thành một bản nhạc đồng quê du dương, trầm bổng.

Tiếng ếch kêu, báo hiệu mưa rào, đã đi vào ca dao:

“Ếch kêu uôm uôm

Ao chuôm đầy nước”.

Sau những trận mưa rào, ếch tìm nhau kết đôi đẻ trứng vào ban đêm. Ếch đực cứ ôm chặt vào lưng ếch cái để thụ tinh, đến khi ếch cái đẻ hết trứng mới thôi.

Ếch đẻ trứng ở dưới nước, thường là ruộng nước, ao đầm…trứng nở thành nòng nọc, nhìn như con cá nhỏ. Nòng nọc lớn dần, rụng đuôi, mọc chân thành ếch.

Lũ ếch con lúc ở trên bờ, lúc lại ở dưới nước kiếm ăn suốt cả mùa Hạ, sang tận mùa Thu. Lúc này ếch đã lớn bằng nắm tay trẻ nhỏ, gọi là “ếch cốm” hay “ếch một mùa”.

Ếch cốm rất bạo dạn và tinh nghịch, nó thường ngồi trên bờ ruộng, bờ chuôm ngoài đồng. Người đến gần, nó cũng không sợ, nó cứ giương mắt lên nhìn, thế mới có câu “giương mắt ếch”. Nhưng nếu ta đến sát giơ tay ra chụp, thì nó nhảy tũm xuống nước luôn.

Bắt ếch có nhiều cách, như: Đào hang bắt ếch vào mùa Đông, mùa Xuân. Soi đèn bắt ếch vào mùa Hạ, nhất là sau trận mưa rào thì soi đèn bắt ếch rất hiệu quả, lúc ấy ếch đang say tình, ôm nhau đẻ trứng; người đi soi cứ việc nhặt từng đôi ếch bỏ vào giỏ, vào bao tải. Ngay cả khi ở trong giỏ, trong bao tải ếch vẫn ôm nhau đẻ trứng.

Ngày xưa ở quê, nhiều hôm đi gặt lúa bắt được hàng chục con ếch. Có con ếch nằm mà trong ruộng lúa, to nặng tới ba bốn lạng.

Có một cách bắt ếch vào mùa Thu, đó là câu ếch. Lũ ếch sau khi đã đẻ trứng sinh sản, chúng kiếm ăn không ngừng để tích lũy năng lượng chuẩn bị cho việc ẩn nấp, tránh cái rét của mùa đông giá lạnh (ngủ đông). Những ao rau muống, bèo cái, rau nhút…có nhiều côn trùng, sâu bọ là nơi lũ ếch tụ tập kiếm ăn. Đây là nơi câu ếch lý tưởng nhất.

Người câu ếch dùng cần trúc dài khoảng bốn năm mét, cước dài khoảng ba bốn mét. Mồi câu bằng ruột ốc nhồi hoặc nhái, kèm theo một cách hoa mướp mắc vào lưỡi câu để thu hút sự chú ý của ếch.

Người đi câu đứng trên bờ ao, quăng mồi lướt nhẹ nhàng trên bè muống, bèo cái, rau nhút… ếch rất háu ăn, thấy mồi là đuổi theo đớp luôn. Có những ao gần cánh đồng câu được hơn chục con ếch, toàn ếch to béo múp míp.

Ếch chế biến được rất nhiều món ngon, bổ dưỡng như: xào lăn với sả ớt, tẩm bột chiên vàng, nấu om với chuối đậu, xào chua ngọt với khế…

 Thịt ếch giầu chất dinh dưỡng, được so sánh với thịt gà. Vì vậy, người xưa mới gọi ếch là “gà đồng”.

Ngày nay ruộng đồng bị ô nhiễm, không còn tiếng ếch kêu vang đồng như xưa nữa. Môi trường sinh sống của ếch, ngày càng bị thu hẹp.

Ếch đồng bán ở chợ, nhưng không phải là ếch sinh sống ở ngoài đồng các bác ạ!

 

HD-25/8/22-NH

Bạn đang đọc bài viết "Mùa câu ếch" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn