Mùa đông

Chiều nay gã Mặt Trời còn gắt gỏng hắt nốt những tia nắng  vào mặt, thứ nắng mà người ta không biết tả như thế nào cho đúng nên đành phải gán cho nó chữ "quái". Thật đấy! Quái quỷ như thế thì chấp làm gì. Ai đời hơn năm giờ chiều rồi mà nắng xiên thẳng vào mặt nóng rát da, mắt chói lòa, không khí thì bị nén lại như một cái bếp lò than đang độ bốc để trong phòng kín.
mua-dong-1635705415.jpg
Ảnh do tác giả sưu tầm

 

 "Gái thương chồng đang đông buổi chợ.

Trai thương vợ nắng quái chiều hôm ".       

   Đàn ông chúng tôi thương vợ con thật lòng, chẳng hiểu sao lại bị gán cho cái thứ tình cảm giống như cái nắng quái quỷ này, nó bùng lên một lúc thôi rồi tắt lịm như một sinh vật thu hết sức tàn bung ra trong giây phút cuối cùng để chống lại quy luật sinh tử. Cuối chiều Trời còn nóng thế nhưng rồi đến đêm đã ngửi thấy mùi hanh hao trong những con gió , không khí khô dần, đã thấy làn da man mát, se se, mùi oi nồng không thấy nữa, gió nồm cũng chạy đâu mất. Ào ào ào ... Trời trở gió rồi. Gió mùa Đông Bắc về, mùa Đông đã đến thật rồi!

  Mùa Đông ngày xưa khi Trái Đất vẫn chưa bị con người tàn phá, chưa có khái niệm " biến đổi khí hậu " rét nhiều và rét sâu lắm .

  Đầu tháng chín ta đã có những đợt gió mùa Đông bắc tràn về. Tiết trời bắt đầu se se lạnh. Thầy tôi đã ra đi vào một đêm mùa Đông đầu tháng Mười, gió bấc thổi ào ào rạp cả những bụi tre. Rét lắm, rét thấu xương và buồn thấu tâm can.

   Rét nắng hanh sương muối hàng tháng liền, từ sân nhà thờ nhìn ra cánh đồng buổi sáng sương muối đặc quánh, mặt trời đỏ ối, to như cái mâm, phải đến mười giờ sương mới tan hết, nắng lên nhưng bước vào trong bóng râm vẫn thấy lạnh buốt. Cá chết cóng nổi lờ đờ đầy cả mặt ao. Tay chân ai cũng nứt nẻ, máu rỉ ra từ những kẽ nứt vảy đóng dầy cộp, thỉnh thoảng phải lấy gio bếp nhào với nước đắp vào cho bở ra, lấy hòn đá kỳ cọ sạch lớp vẩy bám, nước gio ăn vào các kẽ nứt xót cứng cả người. Ăn uống thì thiếu chất, thịt cá đâu có nhiều, rau dưa là chủ yếu, nhìn ai cũng gầy hong hong như nhau cả. Mặc thì độn áo đơn áo kép cho dầy, mấy ai có áo len áo khoác như bây giờ .

  Đi làm đồng lội chân trần xuống ruộng , làn nước buốt thon thót như có ngàn mũi kim châm vào da thịt, hết buổi làm bước lên bờ cước tím hai chân như mất cảm giác, rét tái tê và bụng đói cồn cào. Bây giờ đời sống no đủ, quần áo giày tất khăn mũ không thiếu thứ gì thì ông Trời lại ít rét. Rét đã trở thành đặc sản được bao người mong đợi. " Mùa Đông đến sớm với kẻ giàu sang ", mới hơi rét một tí thôi mọi người đã lấy đồ mùa Đông ra mặc. Trang phục mùa Đông làm cho con người ta sang trọng và lịch sự lên rất nhiều. Gần Tết thì câu cửa miệng của những người dân xứ Bắc lúc gặp nhau là: " Không biết Tết năm nay có rét không nhỉ ? ". Tết mà không có rét , không có tí mưa phùn bay bay thì còn gọi gì là Tết. Cơ địa người miền Bắc đã quen với thời tiết bốn mùa thay đổi, mùa Đông mà không có rét thì ai ai cũng ngao ngán, mệt mỏi vì trái tiết như người Nga bị ức chế khi mùa Đông không có tuyết vậy .

  Hai đứa trẻ nhà tôi chúng nó thích mùa Đông lắm, càng rét càng thích, chúng phóng xe máy đi học ăn mặc phong phanh mẹ chúng bắt chúng mặc áo khoác dầy vào, chúng miễn cưỡng nghe theo nhưng ra khỏi nhà lại cởi ra, chúng bảo rằng muốn được thấy cảm giác cái rét ngấm sâu vào người, thích lắm! Ngày xưa người ta hay nói tếu táo với nhau rằng: " Không biết có qua được mùa Đông này hay không? "Bây giờ thì câu ấy đã đổi thành: " Không biết có qua được mùa hè này hay không ? ". Mùa Đông xứ Bắc đã tạo nên nỗi nhớ quay quắt trong lòng những người con xa xứ, đã đi vào thơ ca nhạc họa với những tình cảm da diết đến tuyệt vọng :

" Làm sao về được mùa Đông.

 Mùa Thu cây cầu đã gẫy.

  Thôi đành ru lòng mình vậy.

 Vờ như mùa Đông đã về "

Không có mùa nào trong năm mà ký ức trong tiềm thức trỗi dậy mạnh mẽ, sâu lắng và xúc động dạt dào như mùa Đông. Sự ấm êm theo nghĩa đen chỉ đến mùa Đông chúng ta mới cảm nhận được. Mưa có làm chúng ta ướt áo, rét có làm chúng ta buốt sâu nhưng những người con xứ Bắc vẫn thầm cảm ơn tạo hóa đã cho chúng ta bốn mùa rõ rệt và những mùa Đông xưa vẫn in hằn trong ký ức tuổi thơ!!!

Theo Chuyện làng quê