Mùa đông hi vọng

Mùa đông năm ấy lạnh lắm, cái rét như dao cứa vào da thịt rát buốt. Bà Hồng cắp chiếc rổ vào nách, lom khom ra vườn hái mớ rau khúc. Mùa này rau khúc xanh mơn mởn, sương muối vương một mảnh trắng muốt.

mua-dong-hi-vong-1627917636.jpg

Bà dậy sớm lắm, khi tôi còn lọ mọ nhóm lửa nấu cơm đã thấy bà gọi:

"Đứa lớn nhà Đông đã dậy rồi à? Bữa nay có làm cơm đi học không?"

Tôi sợ mọi người trong nhà thức giấc, vội vàng chạy ra chỗ tường rào, ló đầu sang vườn nhà bà, nói nhỏ:

"Bà hái rau ạ? Con bữa nay học cả ngày nè."

"Rứa à? Hồi ni lạnh lắm, dậy sớm chi cho khổ con? Răng không xin mẹ ít tiền trưa ở lại ăn ít bánh mướt cũng được chi?"

Tôi cười hì hì gãi đầu, không trả lời câu hỏi của bà. Thật ra tôi cũng muốn lắm nhưng mà không dám hỏi mẹ.

Bà Hồng nhìn tôi thở dài, lát sau lại cười bảo:

"Chiều về bà để bánh khúc cho. Con ăn nhân đỗ xanh thôi hả?"

"Dạ. Con cảm ơn bà."

"Thôi, vào nấu nhanh đi. Không muộn học đó."

Tôi chào bà rồi quay vào bếp. Ngồi bên bếp lửa đỏ rực hơ hơ tay. Mu bàn tay có chút rát, dưới ánh đèn vàng lờ mờ, từng đường vân trên da bắt đầu nứt ra, vừa đau lại vừa ngứa.

Mùa đông nơi này khắc nghiệt lắm. Sương muối vùi rau củ hỏng hết cả, chỉ có vài loại cây chịu lạnh tốt thì xanh um đến thích mắt. Mùa này rau khúc nhiều vô kể, vậy mà bà Hồng vẫn để một nương.

Tôi ngồi trong bếp, căn nhà bếp xập xệ, vữa xi măng nứt xuống rụng lả tả, ngày nào cũng phải quét. Tường bong từng mảng, mái bằng bia rô cũng thủng lỗ chỗ, trời mưa thì trong nhà toàn thau chậu, xô sơn hứng nước mà chẳng ăn thua.

Tôi nhét thêm củi vào bếp, nhìn trần nhà, lòng bỗng có chút chua xót.

Tôi thường dậy sớm làm cơm mỗi khi phải học cả ngày, nhà tôi cách trường khá xa, đi lại có chút vất vả. Trước đây tôi không hay ở lại, đạp xe đi đạp xe về hết mấy tiếng đồng hồ, thời gian nghỉ cũng không có. Sau này tôi để ý thấy một số bạn cũng ở lại lớp buổi trưa, nên tôi cũng theo ở lại. Chỉ khác người ta đi ăn hàng quán còn tôi mang cơm tự làm ăn thôi.

Hôm nào học cả ngày, năm giờ sáng tôi đã lọ mọ dậy chuẩn bị cơm hộp, một ít cơm trắng, muối lạc và dưa chuột, tất cả cho đều vào một chiếc hộp nhựa, để cẩn thận trong cặp sách.

Xong xuôi mọi việc, tôi ngồi ngẩn người đợi trời sáng hẳn rồi bắt đầu cọc cạch đạp chiếc xe cà tàng đi học. Mùa đông rét căm căm, sương mù giăng một mảnh chẳng thấy rõ mặt người. Tôi ra sức đạp xe leo lên con dốc thoai thoải, con đường người ta xẻ đôi núi ra để làm. Vừa đạp xe vừa tranh thủ gạt sương vương ướt đẫm khuôn mặt, khẩu trang ướt nhẹp dính sát khiến tôi không thở được, đành phải mở ra, ném nó vào giỏ xe. Đến đoạn dốc cao quá thì xuống xe dắt bộ.

Sáng tinh mơ, sương trắng chùng chình vờn quanh núi, từng tốp học sinh nối đuôi nhau dắt xe leo dốc, tất cả chúng tôi, có hay không đều mơ về một ngày rời khỏi nơi đây, đổi đời. Tôi cũng vì vậy mà không ngừng nỗ lực mỗi ngày, dù nhiều lúc cảm thấy mệt đến không thở nổi, vẫn không muốn dừng lại.

Cuối tháng mười một âm lịch, thi thoảng lất phất mưa phùn, trời đã lạnh lại càng lạnh hơn. Hai bàn tay của tôi bắt bầu nứt chảy máu, tôi không dám gãi, nhìn bàn tay có chút ghê người, y như bị ghẻ.

Tôi không hay dùng nước nóng lắm, chị họ tôi bảo da khô thiếu ẩm với cả tôi hay ngâm nước lạnh. Hôm trước còn đi đãi hến ở sông. Dăm bữa nữa vào mùa cấy, cái tay này mà phát cóng là hỏng bét. Tôi tự nhủ lòng, mẹ sẽ giết tôi mất.

Có nên xin mẹ mua một đôi tất tay không nhỉ?

Tôi mải suy nghĩ thì chị Huệ gọi. Chị hơn tôi một tuổi, năm nay học lớp mười một. Chị đạp xe ngang tôi thì dừng xuống cùng tôi dắt bộ:

"Bữa ni em đi sớm hả? Mấy đứa kia mô rồi?"

Tôi cười híp mắt, giọt nước vương trên lông mi dọc theo gò má chảy dài, hệt như vừa mới khóc xong.

"Mấy bạn kia đổi lịch sang chiều rồi. Sáng sớm có mình em thôi. Trưa chị về không?"

"Không nè. Chiều chị học thêm nữa."

"À, em cũng không về. Em mang cơm trưa ở lại rồi."

Chị Huệ nhìn tôi, lắc đầu ngao ngán:

"Lạnh ri cũng dậy sớm nấu cơm à? Răng không xin tiền mẹ mà ăn bánh?"

Chị nói xong nghĩ nghĩ một lát, quay sang hỏi tôi:

"Khi mô bố em về?"

"Chắc phải đến giáp tết đó."

Tôi nói với chị. Hai chị em chuyện trò câu được câu không cuối cùng cũng qua đoạn dốc cao, chúng tôi bắt đầu tranh thủ đạp xe vù vù xuống dốc.

Ai cũng mải đi, tôi cũng vậy, chị cũng vậy. Không trò chuyện gì thêm nữa.

Đến cổng trường, tôi chào chị rồi vào chỗ để xe của lớp mình, mang cặp sách ôm trước ngực, cái thói quen chẳng biết hình thành từ lúc nào. Sau này lúc chuẩn bị tốt nghiệp, cậu bạn lớp bên còn bảo với tôi rằng tôi học hết ba năm ở đây mà cái vẻ mặt không khác gì mới chuyển đến cả. Tôi lúc đấy bật cười, thật ra nhiều người cũng nghĩ vậy không riêng gì cậu ta đâu.

Bây giờ nghĩ lại, chẳng hiểu sao lại cảm thấy mình ngày đó y như một đứa ngốc.

Chiều tan lớp tôi về, về đến nhà thì trời đã tối mịt, hai bàn tay lạnh cóng. Tôi dựng xe nép vào bờ tường, chạy vào nhà. Mẹ đang ngồi trên chiếc ghế mây cũ đan khăn. Cái khăn hôm qua tôi đan dở.

Tôi chào mẹ rồi cất cặp sách trên bàn, chiếc bàn học cũ từ lúc tôi mới bước vào cấp hai, bạn của bố tôi đóng tặng tôi, trên đó đã chằng chịt vết mực do tôi viết nên.

"Bánh khúc mẹ để trong nồi cơm ấy, bà Hồng đưa sang lúc trưa. Lát nữa con sang thăm bà ấy một chút, chiều bà bị ngã chỗ sân giếng đó."

Tôi sững người nhìn mẹ, dường như không tin nổi mà hỏi lại:

"Bà bị ngã?"

"Ừ."

"Răng không đi bệnh viện ạ? Bà có tuổi rồi, để ở nhà làm răng được?"

Tôi hỏi lại mẹ, trong lòng lo lắng không thôi.

"Bà ấy không chịu, bảo già rồi, sống mấy hơi nữa mô mà sợ."

"Con sang thăm bà một lát."

Tôi nói rồi vội vàng chạy đi. Mẹ dừng tay đan, nói với theo:

"Đi đường ngõ, đừng nhảy qua tường, mới mưa trượt gãy chân coi chừng."

"Con biết rồi."

Tôi chạy vù vù sang nhà bà Hồng. Ở quê đúng kiểu gần nhà xa ngõ, lẽ ra cứ nhảy một cái qua bờ tường là xong, chứ đi vòng vòng mất tận mấy phút. Nghĩ thì nghĩ vậy, tôi vẫn nghe lời mẹ mà chạy một vòng, người cũng có chút ấm lên.

Ông bà ở trong căn nhà cấp bốn cũ, bậc cửa còn chắn gỗ, tôi ngày bé rất hay bị vấp chỗ này tới bầm gối sứt môi.

Đèn vàng leo lét sáng, bà nằm trong phòng, đắp cái chăn bông lồng vào vỏ nhung hoa đỏ, ánh sáng lập loè chiếu lên mặt bà một mảnh nhợt nhạt sợ hãi. Ông Hồng ngồi bên giường, cầm tay bà không rời. Đôi bàn tay gầy guộc, trơ cả gân xanh. Ông năm nay đã chín mươi tuổi, râu tóc đều bạc trắng cả. Ông bà thương nhau lắm, thương đến xóm làng ngưỡng mộ không thôi.

Tôi đứng mép cửa, thò đầu vào, sợ bà đang ngủ nên không dám nói to:

"Con chào ông, bà thế nào rồi ạ?"

Ông nhìn tôi, bà theo hướng ánh mắt ông ngước nhìn phía này, bà ho khụ khụ rồi bảo:

"Đứa lớn nhà Đông học về rồi hả? Ăn bánh khúc chưa? Bảo mẹ mày để vào cái rế mà hấp cho nóng, ăn ấm bụng."

"Lát nữa con ăn. Bà có đau nhiều không?"

Tôi chạy lại bên giường bà. Chiếc giường đôi xập xệ. Ngồi quỳ dưới sàn, tay tôi cầm lấy tay bà, giọng như trách móc:

"Bà không đi bệnh viện cho người ta kiểm tra coi thử? Cứ để ri có được không?"

Bà Hồng cười hề hề, đuôi mắt nhăn nheo đồi mồi, bà bảo:

"Đợi thằng con trai cả về rồi bà mới đi."

"Bác Thành ạ?"

Tôi hỏi lại thì bà gật gật đầu.

Bà ngừng một lát, sau đó bảo ông Hồng mở cái tủ gỗ đầu giường, lôi ra một cái tráp nhỏ, bà bảo tôi mở ra.

Bên trong có mấy cái hộp tròn tròn màu đỏ dùng để đựng vàng. Bà bảo tôi:

"Đứa lớn nhà Đông hồi ni đã mười sáu rồi phải không?"

Tôi gật đầu:

"Dạ. Con mới tròn mười sáu hồi tháng mười âm lịch đó bà."

Tôi nói, sau đó lại cười hì hì, tôi bảo bà:

"Con tên là Hi, Hi trong hi vọng. Bà gọi tên con đi. Hồi giờ cứ toàn đứa lớn nhà Đông."

Tôi nói rồi nhăn mặt, ông bà Hồng đều nhìn tôi bật cười:

"Hi à? Cái tên hay nhỉ? Bà gọi mày là Đông Hi được không?"

"Dạ. Bà gọi thế nào cũng được."

"Thế mà mới nãy đứa nào bảo không gọi đứa lớn nhà Đông nữa?"

Bà liếc xéo tôi một cái. Tôi cười toe toét:

"Thì bà cứ đặt tên con rồi gọi tuỳ ý. Con không thích bị gọi là đứa lớn."

Bà "à" một tiếng rồi nhìn tôi. Ánh mắt dịu hiền, bà thở dài bảo:

"Hồi ni kiếm mô ra đứa trẻ hiểu chuyện như ri nữa. Mẹ mày xem ra tốt số quá rồi. Không như bà. Con một đàn mà không đứa mô nên thân cả."

"Bà nói rứa các bác, các cô nghe được buồn lòng lắm đó."

Tôi nhìn bà cười cười.

"Đông Hi à!"

Bà gọi tôi, giọng bà khàn khàn, nghe thực sự rất thích:

"Hồi sau con lấy chồng thì bà cho chỉ vàng hồi môn nhá? Hai năm nữa là gả chồng được rồi nhỉ?"

"Hả? Bà nói gì cơ? Bà đừng đùa con, mẹ con nghe thấy đánh con chết mất."

"Liên quan gì tới mẹ mày. Là bà thương mày nên mới cho mày chứ?"

"Con còn lâu mới lấy chồng..."

Tôi thì thầm.

Chuyện trò một lát thì bà thiếp đi, tôi xin phép ra về.

Màn sương giăng xuống ngôi làng, bóng tối vươn mình ấp ôm tiết trời lạnh lẽo cô độc làm bạn với nhau.

Tôi xoa xoa hai bàn tay cứng đờ, cho vào túi áo đồng phục. Thở xa một hơi sương trắng muốt y như hồi bố rít một hơi thuốc lào rồi phả khói ra cay xè mắt tôi vậy.

Tôi tự nhiên thấy nhớ bố quá chừng.

...

Hai hôm sau tôi vào Thành phố thi học sinh giỏi. Ở lại hai ngày một đêm. Tôi đi theo đoàn của Trường vì không tự túc xe được. Đêm hôm trước khi đi, ông Hồng còn sang dúi vào tay tôi tờ một trăm nghìn mới cứng. Tôi giãy nảy lên:

"Ông bà làm chi có tiền, con không lấy mô."

"Con không lấy là về bả rầy ông điếc hết cả tai, con thương ông thì nhận giùm ông."

Ông Hồng râu tóc bạc phơ nhìn tôi, thời điểm ấy, ông chẳng khác gì ông Bụt trong truyện cổ tích thuở bé tôi học cả. Ông nhân từ và hiện hậu vô cùng.

Từ chối mãi không được, cuối cùng tôi cũng nhận, cầm tiền mà lòng tôi vừa áy náy vừa cảm động chực khóc.

"Cố gắng thi tốt nha con."

Ông vỗ vai tôi rồi chống gậy đi về. Tôi đứng chỗ ngõ nhìn theo ông mãi.

Lúc tôi từ thành phố trở về, trong lòng hân hoan vì làm bài khá tốt thì nhận được tin bà Hồng qua đời. Bà qua đời vì tai biến mạch máu não.

Tôi chạy qua nhà bà, màn trướng phủ kín hết, giữa căn nhà khăn tang trắng toát, bà Hồng giờ chỉ còn trên di ảnh mím môi khẽ cười. Mắt tôi ầng ậc nước. Không khóc thành tiếng, không kêu gào thảm thiết. Tôi đứng trước bàn thờ bà, đứng như trời trồng, cho tới lúc đôi chân tê rần, mới ngẩn người quỳ xuống, lạy ba lạy rồi thắp nhang.

Tôi về nhà, hôm ấy trời mưa tầm tã, cái rét buốt của gió mùa đông bắc hoà cùng mưa ngấm vào da thịt, đánh lên quần áo từng hồi phần phật. Mắt tôi không chớp lấy một lần, đôi con ngươi cứ trừng trừng như vậy cả quãng đường. Tôi chỉ sợ mình cúi xuống, nước mắt lại trào ra không dừng được.

Về đến nhà, tôi để ba lô một góc, ngồi gục xuống bàn học, bắt đầu gào khóc như nở, khóc đến khản cả tiếng, cuối cùng thiếp đi lúc nào chẳng rõ. Trong giấc mơ vẫn là giọng bà hiền từ gọi: "Đông Hi ngoan lắm." Cái tên bà đặt mới mấy hôm, đặt một cái tên cả bố cả con trong đấy, tôi nghe muốn bật cười, giờ lại thành cái tên cả đời tôi lưu giữ, tôi hoài niệm, tôi nhung nhớ đến thảng thốt.

Hôm sau bác Thành qua nhà tôi, chẳng biết nói gì với mẹ tôi, hồi sau mẹ gọi tôi ra, bác Thành nhìn tôi bảo:

"Bà cụ thương quý con như thế nào con biết đúng không? Cũng may mà có con hay qua thăm nom ông bà, phận làm con cái như chúng ta quả thật xấu hổ vô cùng. Trước khi bà mất, có bảo bác chuyển cái này cho con."

Bác Thành nói rồi lấy ra tráp gỗ nhỏ, tôi cầm trên tay, mở ra, bên trong là cái hộp tròn tròn, tôi ngẩn người:

"Đây là..."

"Phải. Bà cụ bảo cho con làm hồi môn sau lấy chồng."

Mẹ tôi sửng sốt nhìn tôi, như không thể tin vào tai mình. Hồi ấy một chỉ vàng quý lắm. Ấy vậy mà bà cho tôi không tiếc. Tôi ôm tráp gỗ, nước mắt lại trào ra, chẳng biết nói gì cả.

Sau hôm đó, tôi vẫn sẽ như thường lệ qua nhà bà, tưởng như chưa hề có chuyện gì xảy ra cả, thi thoảng hỏi bà đôi ba câu. Mỗi sáng sớm vẫn chạy ra chỗ tường rào, nhìn vào trong màn trướng rực đỏ, nến âm u cháy leo lét, tự nhiên lòng bỗng trống vắng đến lạ. Bên tai chẳng còn nghe thấy tiếng "đứa lớn nhà Đông đấy à" nữa.

....

Mãi sau này, khi tôi đã trưởng thành, mới biết cái tên Đông Hi có ý nghĩa như thế nào. Không phải là ghép từ tên bố tôi và tôi, mà là mùa đông hi vọng. Bà Hồng muốn tôi dù khổ sở thế nào vẫn phải nỗ lực vươn lên, nỗ lực để đổi đời. Mùa đông năm đó, bà cũng hi vọng mình sẽ sống thật lâu mà không phải ngã xuống, về với đất mẹ, với cỏ xanh, hoá kiếp thành cát bụi.

Đời người trôi qua yên lành như vậy, nghèo khó quẫn bách gì cũng không được tuyệt vọng. Tôi nhớ mãi giọng nói "Đông Hi à" khàn khàn năm đó, như rót vào lòng tôi một dong nước ấm áp dịu ngọt.

Hôm nay Hà Nội lạnh lắm, trời về khuya, phố xá vắng lặng, mưa đông rả rích trong đêm phiền muộn, đằng xa vọng lại tiếc rao "xôi lạc bánh khúc đây" làm lòng tôi bỗng dưng thắt lại, nhớ về cụ hàng xóm năm nào bên chõ bánh khúc thơm lừng, hương vị cả đời này tôi không tìm lại được, cũng chẳng có ai làm bánh ngon được như bà cả.

Cụ cố Hồng à, ông bà có khoẻ không? Đông Hi lớn rồi này.

Hồi môn vẫn giữ, lại chẳng muốn gả cho ai cả.

Theo Chuyện quê