Múa rối nước: Du khách hào hứng, người trẻ Việt thờ ơ?

Múa rối nước vốn từ lâu đã là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo của Việt Nam. Tuy vậy, có một sự thật rằng thật khó bắt gặp được những bạn trẻ Việt tới rạp xem biểu diễn, trong khi các vị khách nước ngoài rất hào hứng với loại hình văn hoá nghệ thuật này.

image001-1717382222.jpg

Các nghệ sĩ múa rối nước 

Du khách hào hứng với nghệ thuật văn hoá Việt Nam  

Múa rối không phải lại hình nghệ thuật sân khấu xa lạ với bạn bè thế giới, nhưng múa rối nước lại là loại hình nghệ thuật sân khấu duy nhất có mặt tại Việt Nam. Loại hình nghệ thuật độc nhất chỉ có tại Việt Nam với sân khấu nước kì lạ và đặc sắc, cùng hình tượng đặc trưng là chú Tễu, múa rối nước là bộ môn nghệ thuật đậm đà sắc thái, tâm hồn người Việt, phản ánh chân thực chất đời, chất dân dã và văn hóa của nông thôn vùng châu thổ sông Hồng, đồng thời là “cuốn lịch sử sống” về dân tộc Việt Nam. 

Chính vì vậy, xét về góc độ du lịch múa rối nước vẫn luôn được đẩy mạnh và đón nhận được nhiều sự hưởng ứng từ khách du lịch nước ngoài. Theo Nhà hát múa rối nước Thăng Long (đường Đinh Tiên Hoàng, phường Hàng bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) những năm trở lại lượng du khách nước ngoài tới nhà hát có xu hướng tăng, tính từ quý IV năm 2023 đến hết quý I năm 2024 mỗi ngày đều tiếp đón đều đặn hơn 1000 khách tới xem với 6 đến 7 xuất diễn với những khung giờ khác nhau.

Để so với những loại hình sân khấu nghệ thuật khác như Tuồng, chèo,.. thì sân khấu múa rối nước vẫn là loại hình nghệ thuật sân khấu dễ dàng tiếp cận thu hút du khách nước ngoài mỗi khi đến Việt Nam. 

Sức nóng của nghệ thuật múa rối nước trong lòng du khách là không thể phủ nhận, khi nhiều người chấp nhận xếp hàng hơn 1 tiếng đồng hồ để mua vé xem biểu diễn. Gia đình ông Hendrik và bà Nidhi đến từ Hà Lan đã dành ngày cuối cùng tại Hà Nội để tới xem biểu diễn chia sẻ: “Đây là một vở diễn rất thú vị, đậm chất văn hoá Việt Nam, những nghệ sĩ đã thực hiện các động tác rất nhuần nhuyễn dưới nước kết hợp cùng các ca nhạc sĩ đã taọ nên một vở diễn vô cùng thành công. Là vở diễn về các câu chuyện dân gian Việt Nam, chúng tôi như đã được sống cùng với nền văn hoá của các bạn khi xem vở diễn”.

image002-1717382223.png

Bà Nidhi hào hứng lưu giữ khoảnh khắc sau buổi biểu diễn rối nước tại Nhà hát múa rối Thăng Long . Nguồn ảnh: Ngọc Ánh

Không chỉ riêng gia đình bà Nidhi, nhiều du khách nước ngoài cũng có những cảm nhận tương tự dù phải xếp hàng lâu nhưng họ vẫn vô cùng phấn khích và bày tỏ sự hài lòng với tiết mục múa rối nước.

“Được một người giới thiệu phải tới xem buổi biểu diễn múa rối nước 1 lần khi tới Hà Nôi. Tôi cảm thấy thật xứng đáng, giá vé không quá cao, thời gian trình diễn khoảng 50 phút mà tôi đã được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Khán giả nước ngoài như tôi cũng vẫn dễ dàng hiểu được nội dung các nghệ nhân muốn truyền tải. Loại hình nghệ thuật này cần được bảo tồn và phát triển hơn nữa để tránh thất truyền.” ông Arvin (34 tuổi, Ilford UK) phấn khích chia sẻ sau buổi biểu diễn.

Người trẻ nước thờ ơ - vì đâu nên nỗi?

Kể từ hậu giãn cách xã hội đại dịch Covid-19, nhà hát múa rối Thăng Long đã nhiều lần phát triển hướng đi mới, đẩy mạnh phục vụ đối tượng du khách nội địa, dù có nhận được phản ứng tích cực nhưng theo xác nhận từ phía nhà hát, tính đến hiện nay khoảng 95% khán giả tới nhà hát xem biểu diễn vẫn là du khách quốc tế. Cũng bởi vậy, mới thật khó để bắt gặp được những khán giả nước nhà nói chung và người trẻ Việt nói riêng trong khán phòng với sức chứa 300 ghế của nhà hát.

Tình trạng này khiến nhiều nguời làm nghề lo ngại và đặt ra câu hỏi: có hay không các loại hình nghệ thuật dân gian đang dần mai một, nghệ thuật truyền thống khó tìm được người kế thừa và phát triển.

Để hoà nhập với câu chuyện của tập thể, mỗi người thường có xu hướng cập nhật nhanh chóng các trào lưu và biến nó trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.  Đặc biệt, đối với các bạn trẻ - nhóm đối tượng luôn tìm kiếm sự mới mẻ, hợp thời, lứa tuổi muốn chứng minh bản thân qua việc tiếp cận nhanh với các xu thế mới hay cảm thấy lo lắng khi bị bỏ lỡ một xu thế đang thịnh hành. Vốn không phải hâm mộ nhóm nhạc Black Pink, tháng 7 năm ngoái nhưng Mỹ Linh (22 tuổi, Hà Nội) vẫn chi khoảng 1,8 triệu đồng để tới xem buổi biểu diễn nhóm nhạc nổi tiếng này, đồng thời Mỹ Linh cho biết thêm “Các nghệ thuật truyền thống như Chèo, Tuồng, Múa rối tôi đã thấy được truyền thông trên tivi, mạng xã hội nhưng tôi cảm thấy không hứng thú lắm nên cần cân nhắc để đi xem".

Không chỉ riêng Mỹ Linh, bạn Nguyễn Hồng Phương Linh (23 tuổi, Hà Nội) một trong số các bạn trẻ có niềm đam mê đặc biệt với văn hoá cosplay (hoá trang nhân vật trong truyện, phim) của Nhật Bản đã nhiều lần “chịu chi" hàng triệu đồng cho những bộ trang phục hoá trang thành nhân vật truyện tranh, hoạt hình để tham gia sự kiện nhưng khi được hỏi có sẵn sàng bỏ khoảng 200.000-300.000 đồng để xem buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống hay không bạn thẳng thắn chia sẻ “còn phải xem xét".

image004-1717382222.jpg

Bùi Yến Linh - phụ trách truyền thông nhà hát Tuồng Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Trường Ca Kịch Viện (Ảnh NVCC)

Khi tiến hành phỏng vấn ngẫu nhiên với một số bạn trẻ khác về múa rối nước nói riêng và các loại hình sân khấu nghệ thuật truyền thống nói chung, các câu trả lời đều có mẫu số chung là chưa hiểu rõ, chưa hứng thú, chưa sẵn sàng chi trả.  

Tuy nhiên, vẫn có những bạn trẻ có niềm yêu thích, sự tò mò với nghệ thuật truyền thống nước nhà. Chẳng hạn như bạn Bùi Yến Linh (25 tuổi phụ trách truyền thông tại nhà hát Tuồng Việt Nam; Trưởng Ban tổ chức “Trường Ca Kịch Viện" cho biết dù bản thân có đam mê với văn hoá nhạc Rock nhưng đồng thời cũng vẫn có sự yêu thích với các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt, cũng nhờ sự hứng thú mà bản thân Linh đã có cơ hội hợp tác với nhà hát Tuồng hiện nay.

“Tôi phần nào có thể hiểu được sự yêu thích của các khán giả trẻ đối với thần tượng, văn hoá nước ngoài ngày nay. Chính sự mới lạ từ các nền văn hoá thế giới mà sự ưu ái của khán giả trẻ theo đó cũng được nâng lên, tuy nhiên việc nuôi dưỡng từ bên trong tình yêu các giá trị truyền thống nước nhà qua tuyên truyền giáo dục cũng là điều rất quan trọng trong một xã hội đang phát triển hội nhập văn hoá quốc tế.” Yến Linh chia sẻ thêm.

Dẫu có các cá nhân sẵn sàng “mở hầu bao" cho nghệ thuật truyền thống và được truyền cảm hứng từ chính những giá trị dân tộc, nhưng vẫn tồn tại nhiều yếu tố khách quan dẫn đến đại đa số giới trẻ có ít sự quan tâm với nghệ thuật dân tộc. Như chưa có nhiều cơ hội tiếp cận, khó cảm thụ với nghệ thuật cổ, khoảng cách thế hệ và sự cạnh tranh giữa muôn vàn loại hình giải trí hiện đại hấp dẫn khác. Trước những lời từ chối dứt khoát và việc phải canh tranh với các loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại cả trong nước và quốc tế khiến hành trình tìm chỗ đứng vững chắc của các loại hình nghệ thuật truyền thống nước nhà trong thời buổi hội nhập hiện nay khó chồng thêm khó. Cần có những giải pháp căn cơ thiết thực từ Nhà nước và các cơ quan các cấp liên quan, để từ việc giữ gìn giá trị dân tộc, nuôi dưỡng sự tò mò, niềm yêu thích của khán giả sau đó mới tính đến chuyện kế thừa và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống.