Na mở mắt 

Người xưa có câu “Trẻ trồng na, già trồng chuối”. Ý muốn nói người trẻ, tương lai còn dài, nên đầu tư cây trồng dài hạn, thu hoạch nhiều năm (có khi thu hoạch đến mấy chục năm).
qua-na-1658788513.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Người già, tuổi đã xế chiều như ngọn đèn trước gió, có thể vụt tắt bất kỳ lúc nào. Nếu muốn trồng cây, nên chọn cây ngắn ngày, đã cho thu hoạch thì phù hợp hơn.
Cây na là loại cây ăn trái lâu năm, nếu gieo hạt phải mất 4-5 năm cây mới ra trái. Nhưng cây na có sức sống mạnh mẽ, nếu được chăm sóc tốt tuổi thọ của cây sống và cho trái liên tục ba, bốn mươi năm. Có cây lâu niên trên năm mươi năm.
Cây chuối là cây ngắn ngày, trồng bằng cây non. Sáu tháng sau chuối đã trổ bông, ra trái…khoảng 3-4 tháng sau nữa thì thu hoạch được. Cây chuối chỉ thu hoạch được một lần, lần sau là cây con, cháu chắt của nó tiếp tục ra trái. Một bụi chuối cũng chỉ thu hoạch liên tục 2-3 năm là phải phá bỏ, vì thế hệ sau của nó thiếu đất, thiếu dinh dưỡng…trái rất bé, chất lượng kém.
Vườn nhà lão Dần cũng trồng được gần chục cây na, chủ yếu là na bở (giống na bản địa). Có cây na bở do ông cụ thân sinh ra lão trồng từ khi có cháu (đích tôn), bây giờ cháu đích tôn của cụ đã trên ba mươi tuổi, cụ cũng đã về với tiên tổ. Nhưng cây na vẫn xanh tốt và năm nào cũng ra trái, vị thơm ngon đặc trưng.
Sáng nay lão Dần về chăm vườn, lũ chim chào mào đã ríu rít gọi nhau thưởng thức trái chín. 
Lão Dần vội kiểm tra vườn…thấp thoáng trong tán lá, những trái na căng tròn, đang chuyển mầu từ xanh non sang trắng vàng. Mắt na giãn nở, tạo những rãnh trắng xung quanh. Na mở mắt rồi!
Với tay xem một trái! Ôi thôi lũ chào mào đã mổ vỏ, xơi mất gần một nửa (phải nói là lũ chim chào mào tinh thật). Nhưng lão Dần thấy vui lắm! Mình có na chiêu đãi lũ chim, đổi lại chim hót véo von cho lão nghe cũng sướng tai lắm chứ!
Để nguyên trái na ấy cho lũ chim chào mào xơi. Lão Dần tầm soát mấy cây hái được hơn chục trái na đã mở mắt. Giống na bở đã mở mắt thì rất nhanh chín, có trái chỉ vài giờ sau mở mắt đã chín (tụt nõ) rơi xuống đất vỡ tan tành. Vì vậy na bở, đã mở mắt là phải hái ngay.
Đấy là na bở, còn na dai thì thoải mái, chín nhũn trên cây vẫn chưa tụt nõ. Na bở bán ở chợ đắt hơn na dai, thậm chí đắt gấp đôi, gấp ba mà vẫn không có bán. Vì na bở bảo quản, vận chuyển rất khó…mạnh tay một chút là vỡ nát. Nhưng na bở ăn ngon, vị thơm lắm…na dai không có vị ấy.
Trong siêu thị hoặc chợ trên thành phố, mùa này có na bày bán, nhưng toàn bán na dai. Ai muốn thưởng thức trái na bở, phải về chợ quê mới có bán.
Na dai hay na bở, khi sắp chín đều mở mắt. Có lẽ trái na mở mắt, báo hiệu cho chủ nhân biết “Em chín rồi, đến độ rồi…mời bác xơi!”.
Làng quê mùa nào, thức ấy…hoa thơm, trái ngọt, phong cảnh hữu tình! Quê hương đẹp thế? Ai mà không nhớ, không thương.

Chuyện làng quê