Năm chuyến điền dã và kết quả bất ngờ

Trần Hữu Sơn

28/01/2024 07:06

Theo dõi trên

Năm 2023, tôi được mời tham gia đề án “Nghiên cứu nghi lễ và dân ca người Dao”. Tôi đã đi điền dã năm đợt ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái.

 Trước khi đi điền dã, tôi đã đọc nhiều công trình của Việt Nam (Phan Ngọc Khuê, 2003; Bàn Tuấn Năng, 2017; Lý Hành Sơn, 2003, 2021 và nhiều tác phẩm của các tác giả khác như Phạm Văn Dương, Bàn Quỳnh Giao, Phạm Minh Phúc…). Đặc biệt, tôi có được đọc một số sách chuyên khảo và các bài báo khoa học của các học giả Trung Quốc viết về nghi lễ tôn giáo người Dao như: Trương Hữu Tuấn (1992), Hoàng Quý Quyền (2005, 2008), Từ Tổ Tường (2006), Ngọc Thời Giai (2010), Triệu Thư Phóng (2013), Lưu Đào (2021)…v.v. Các học giả viết rất công phu. Tuy nhiên, khi tiếp xúc vẫn còn thấy nhiều câu hỏi cần có lý giải cụ thể. Trong năm 2023, tôi cũng tham dự hai hội thảo khoa học được quỹ Vin group tài trợ, gặp gỡ với nhiều nhà khoa học nhưng những câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời.

dt1hson1-1706368112.jpg

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

May làm sao dự án về “Nghi lễ, dân ca người Dao” tài trợ cho các chuyến đi điền dã. Sau năm chuyến đi điền dã ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái tập trung vào hai nhóm Dao Đỏ và Dao Làn Tẻn (Dao Tuyển). Tôi nhận thấy các vấn đề đang mờ mờ tỏ tỏ bỗng rõ nét hơn. Thậm chí, từ thực tiễn điền dã thấy khác hẳn với các công trình nghiên cứu của các nhà Dao học Trung Quốc.

1. Về hệ thống thế giới thần linh của người Dao: Các học giả Trung Quốc (Hoàng Quý Quyền, Từ Tổ Tường, Trương Hữu Tuấn, Lưu Đào) mới nêu các thần linh chung chung, tư liệu chủ yếu dựa vào sách Thần Mục. Nhưng thực tế, các thần linh về dự lễ cấp sắc, lễ cúng làng, lễ Pút Tồng số lượng không nhiều, chủ yếu là các thần linh quen thuộc với đời sống người Dao (các vị thần nhà, thần chính tạ…) chứ không phải 200 đến 400 vị như trong sách Thần Mục.

2. Về vũ trụ của người Dao: Có tác giả cho rằng vũ trụ quan của các ngành Dao là bốn thế giới (tứ phủ) hoặc tam phủ. Nhưng thực ra người Dao phân ra các phủ song dưới các phủ lại có các tầng, các thế giới khác nhau, đan xen vào nhau.

3. Các nhà Dao học nghiên cứu về các nghi lễ lại ít phân tích về đàn lễ của lễ cấp sắc, lễ cúng làng. Trong số sách tôi được đọc chỉ có công trình của Lưu Đào (2021) và Hoàng Quý Quyền viết khoảng mấy trăm từ về các đàn lễ này. Nhưng thực ra, đàn lễ là không gian thiêng rất quan trọng của các nghi lễ. Ở đây phản ánh sự có mặt của các vị thần về dự lễ, phản ánh về đặc trưng của từng nhóm Dao, về lịch sử di cư của các ngành Dao.

Qua thực tiễn điền dã càng thấy người Dao bảo tồn tính đa dạng văn hóa, mỗi một ngành, mỗi một vùng lại khác nhau. Các nghi lễ, các loại hình dân ca cũng khác nhau. Tính đa dạng chi phối ở từng nghi lễ cho đến tổng thể hệ thống các nghi lễ…v.v. Nghiên cứu người Dao có rất nhiều biểu tượng và nhiều cảnh diễn xướng hấp dẫn, độc đáo, đòi hỏi phải tiếp cận theo các lý thuyết nhân học biểu tượng, nhân học trình diễn (performative approach).

T.H.S

Bạn đang đọc bài viết "Năm chuyến điền dã và kết quả bất ngờ" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn