Nam Định: Lễ Khai ấn đền Trần trở về đúng nghĩa với văn hóa truyền thống

  Lễ hội Khai ấn đền Trần tại Nam Định diễn ra đêm 4/2 đến rạng sáng 5/2 (tức là đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng) được tổ chức trang trọng với các nghi lễ rước kiệu ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường, không còn cảnh chen lấn "cướp lộc" của du khách.
b2alehoi-16-tyab-1675564785.jpg
 

Từ 5h sáng nay (15 tháng Giêng), Ban tổ chức đã phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương (ảnh trên). Nhiều người đã thức cả đêm trong sân đền Trần chờ đến giờ phát ấn. Công an tỉnh Nam Định đã phân công túc trực đảm bảo an ninh, trật tự, tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy. Việc phát ấn cho người dân và du khách tại đền Trần sẽ tiếp tục diễn ra ở các nhà Giải Vũ từ hôm nay cho đến hết tháng Giêng.

Với các phương án đổi mới tổ chức, Lễ khai ấn đền Trần đang dần trở về đúng nghĩa với văn hóa truyền thống.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Nam Định Phạm Duy Hưng nêu rõ, việc tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn, đồng thời mang tính giáo dục lịch sử sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

b1alehoi-12-aaqh-1675564953.jpg

Sau ba năm không tổ chức để phòng, chống dịch bệnh Covid, năm nay, Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Quý Mão được tổ chức trở lại.  Nguồn: Internet.

 

Trong không khí trang nghiêm, các bậc cao niên trong dòng họ Trần tại làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng và đại diện một số Ban, ngành, đoàn thể chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn vào 14 cánh ấn bằng giấy màu vàng. Những lá ấn ngay sau đó được dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng, như: Đền Thiên Trường; đền Cố Trạch; đền Trùng Hoa; đình Tức Mặc…

Năm nay, tình trạng ném tiền lên kiệu ấn đã được khắc phục triệt để. Ban Tổ chức tiếp tục sử dụng camera an ninh tại khu vực diễn ra Lễ khai ấn để giám sát, phát hiện, nhắc nhở, xử lý những hành vi phản cảm, vi phạm quy định lễ hội. Bàn thờ cũng được thu dọn ngay sau khi kết thúc Lễ khai ấn nên không còn tình trạng tự tiện lấy lộc trên bàn thờ. Những chuyển biến tại Lễ hội Khai ấn đền Trần, hướng đến một lễ hội văn minh cũng được du khách thập phương cảm nhận rõ nét.

Việc tổ chức khai ấn và phát ấn lần này cho thấy, ngoài việc tuyên truyền thì vai trò của chính quyền địa phương trong việc dẫn dắt đời sống tâm linh có ảnh hưởng rất lớn, giúp người dân loại bỏ những thói quen xấu trong lễ hội.

Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý di tích đền Trần cho rằng: “Việc đổi mới trong công tác tổ chức lễ hội, chúng tôi đi vào hướng là đổi mới cách tổ chức để lễ hội thực sự là đúng nghĩa và rõ nét nhất tính truyền thống trong lễ hội khai ấn. Qua đó làm cho lễ hội Khai ấn thực sự có ý nghĩa trong đời sống hiện nay, phát huy truyền thống cũng như giáo dục con cháu “uống nước nhớ nguồn” trong công cuộc dựng nước và giữ nước giai đoạn hiện nay”.