Năm Hổ, lại nói chuyện Hùm

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

18/01/2022 19:21

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu bài "Năm Hổ, lại nói chuyện Hùm" của Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

1

TÊN GỌI “CHÚA TỂ RỪNG XANH”

Loài vật kiêu dũng nhất, được tôn vinh làm “Chúa tể của rừng xanh”, chẳng đâu xa lạ, đó chính là loài hổ. Hổ còn có tên gọi khác là Hùm. Nguyễn Du viết về người anh hùng Từ Hải, khi đã nghe lời Kiều mà mắc lừa Hồ Tôn Hiến, rằng “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”. Hùm thiêng Từ Hải có dáng “râu hùm, hàm én, mày ngài / Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”, từng đã hiên ngang tung hoành trong cõi tự do mà “chọc trời khuấy nước mặc dầu / Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”…

chuyvbl2q-1642508422.jpg
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.

 

Người đời lại cũng từng biết đến ông “Hùm xám núi rừng Yên Thế”, khiến bọn thực dân Pháp và bè lũ tay sai Lê Hoan phải khiếp sợ, phải tốn biết bao công sức mới dẹp được. Đó chính là Hoàng Hoa Thám, người anh hùng chống Pháp buổi đầu. Tên tuổi “Hùm xám núi rừng Yên Thế”, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống Pháp Hoàng Hoa Thám, sáng mãi cùng lịch sử đấu tranh anh dũng bất khuất của dân tộc.

Loài HỔ, HÙM, lại còn có cái tên khác nữa là CỌP. Nếu như Hổ, Hùm, nghiêng về nét nghĩa oai phong lẫm liệt, có phần gần gũi với con người hơn một chút, thì cái tên CỌP lại nghiêng về nét nghĩa dữ dằn, đáng sợ và do đó, cũng có phần đáng ghét. Tất nhiên, cũng tùy theo hoàn cảnh, văn cảnh cụ thể nào đó mà nêu tên.

Hồi chiến tranh chống Mỹ, ở Quảng Ngãi có cái dốc rất đáng sợ. Đó chính là DỐC CỌP. Sở dĩ có cái tên con dốc đặc biệt đáng sợ này, là bởi ở đây có con cọp ba chân rất dữ. Nó bị thợ săn bắn què mất một chân. Chỉ còn ba chân, nên con cọp này rất oán hận loài người. Cọp ba chân thường mai phục ở đầu con dốc, biến hóa khi ẩn khi hiện như thần. Đã có khá nhiều người, kể cả bộ đội ta qua đèo bị cọp ba chân vồ ăn thịt. Bộ đội đi đông người thì không sao. Nhưng ví thử có ai đó leo dốc mệt mỏi, hoặc bỗng dưng nổi cơn sốt rét, buộc phải ngồi lại nghỉ lấy sức để đi tiếp, rất có thể con cọp ba chân ở đây bất ngờ xuất hiện xông ra cắn chết, rồi tha xác biến vào rừng sâu. Chúng tôi hành quân qua Dốc Cọp, được cán bộ chỉ huy nhắc nhở điều này. Dẫu mệt mỏi đến đâu cũng phải bám sát nhau, phải cố gắng vượt qua dốc. Không tuân thủ quy tắc này sẽ rất dễ làm mồi cho cọp ba chân. Tôi không nhìn thấy rõ con cọp ba chân, nhưng đã tận mắt chứng kiến một con cọp vàng vằn đen khá lớn đang cắn vào cổ một con nai nhỏ. Nó dùng hàm răng sắc nhọn, dũng mãnh lôi con mồi khốn khổ từ dưới suối vượt lên lưng quả đồi bên kia, giữa chang chang nắng trưa trên Dốc Cọp. Quả đúng là loài cọp dữ, chúa tể của rừng xanh. Hình ảnh đó còn in mãi trong trí nhớ của tôi, từ đầu năm Mậu Thân 1968 đến bây giờ…

Loài Hổ, hay Hùm, hay Cọp, còn có một cái tên khác nữa là ÔNG BA MƯƠI. Ông Ba Mươi không mang nét nghĩa ác thú chuyên hại người, mà đấy là một biểu tượng linh thiêng gần gũi hơn, được tôn thờ như một vị thần linh xua đuổi tà ma, bảo vệ cho cuộc sống của con người. Loài hổ, đã từ lâu, được một số nước làm tượng bằng đá rất lớn ở Quảng trường, ở công viên. Hình tượng con hổ vươn mình dũng mãnh, đặt đôi chân trước lên quả địa cầu, hoặc mỏm đá, như đang thách thức với mặt trời, với cả thế giới rộng lớn, thật kỳ vĩ mà gần gũi.

Hổ, với cá nhân, tôn giáo, với văn hóa tâm linh đại khái như vậy. Tuy nhiên, loài hổ, hay loài rồng cũng nhiều khi được đặt tên cho một nhóm người, một đơn vị quân đội, một địa chỉ thương hiệu trong kinh tế v.v…

Hồi chiến tranh chống Mỹ, quân đội Đại Hàn dân quốc, vì nghèo đói mà phải đi đánh thuê cho quân đội Mỹ. Lính Hàn Quốc được Mỹ “phân công” đóng quân ở khu vực từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đến Phú Yên. Có tới ba bốn sư đoàn lính Đại Hàn tham chiến. Có sư đoàn mang tên RỒNG XANH, MÃNH HỔ…Lính Đại Hàn rất lỳ lợm và tàn bạo. Chúng càn quét, đốt nhà, cướp của, hãm hiếp phụ nữ, xé xác trẻ con ném vào đống lửa. Có nơi chúng tàn sát cả một làng, giết chết hơn bốn trăm người. Lửa căm hờn bốc cao như núi. Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo địa phương và lời kêu cứu của nhân dân, tiểu đoàn đặc công 409 QK5 của chúng tôi được lệnh tập kích một căn cứ lính Đại Hàn trong đêm mưa gió. Kết quả, khoảng bốn trăm lính Đại Hàn bị tiêu diệt. Đây cũng là trận đánh tiêu diệt quân Đại Hàn đánh thuê cuối cùng trên đất khu 5… Quả đúng là những sư đoàn hổ dữ của Đại Hàn. Tội ác của chúng cần phải được ghi nhớ, để con cháu đời sau hiểu được giá trị của máu xương cha ông mình đã đổ, mới có được đất nước hòa bình, thống nhất như ngày nay!

2

HỔ TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA NHÂN LOẠI

Loài hổ được tôn vinh là “Chúa tể sơn lâm”, trước hết là ở sức mạnh phi thường của nó. Sự nhanh nhẹn, dũng mãnh, mưu trí, cùng với hàm răng, móng vuốt sắc nhọn, có thể đánh bại đối thủ to lớn hơn. Nó cũng tiêu biểu cho dáng đi, kiểu ngồi vừa kiêu hùng, vừa mềm mại uyển chuyển, cùng những vết vằn vện như sóng cồn ở bộ lông vàng óng, hoặc trắng (bạch hổ), hoặc đen nhánh (hắc hổ)…

Các dân tộc ở châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Triều Tiên, In Đô, hay ở Việt Nam, nhiều nơi, nhiều lúc, loài hổ được xem như một biểu tượng của sức mạnh thánh thần. Các lãnh chúa thường dùng tấm da hổ cực lớn dán hoặc treo lên phía sau ghế ngồi. Có nơi dùng da hổ đặt lên ghế ngồi của thủ lĩnh bộ tộc, thể hiện quyền uy tuyệt đối của lãnh chúa. Quan lại, hoặc sứ thần các nước, các bộ tộc lân bang đến triều kiến, trông thấy quang cảnh vị thủ lĩnh cùng tấm da hổ mang biểu tượng quyền uy, đã thấy chột dạ, sợ hãi. Thế là lấy oai hổ để dọa người, uy hiếp người.

Trong khi đó, một vài bộ tộc ở châu Á cho rằng họ chính là hậu duệ của loài hổ. Truyền thuyết kể rằng người phụ nữ xinh đẹp được ông hổ oai linh mang về làm vợ. Bộ tộc đó lấy con hổ làm linh vật tổ của mình. Thế nên, hổ được tôn thờ như một đấng tối cao, thượng đẳng thần, tổ tiên của bộ tộc. Trong văn hóa tâm linh của dân gian, “Ông Ba Mươi” được vẽ thành tranh dán trước cửa nhà, để xua đuổi tà ma, che chở cho dân lành.

Hổ có sức mạnh ghê gớm như vậy, nhưng ở chỗ khác trong thực tế, hổ báo thường là con vật hại người. Ở làng Đường Lâm, tỉnh Sơn Tây xưa, vào thời thuộc Đường (Bắc thuộc), trong rừng có con hổ trắng (bạch hổ) ăn thịt người. Tương truyền, Phùng Hưng (?-791) là người anh hùng trẻ tuổi đã đánh chết được con hổ trắng, trừ họa cho dân làng. Chuyện “Võ Tòng đả hổ” bên Tàu, với chuyện Phùng Hưng giết hổ ở Đường Lâm, đã đề cao sức mạnh vô địch của con người trước loài cọp dữ. Lại còn có tích Bồ Đề Đạt Ma “Hàng hổ” (chinh phục loài hổ) hoặc “Hàng Long”, tức chinh phục loài rồng, thể hiện sức mạnh siêu nhiên, sức mạnh thánh thần trong Phật giáo.

Đời Hậu Lý ở nước ta có chuyện Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ định giết vua Lý Nhân Tông ở hồ Dâm Đàm (Đầm Sương Mù, tức Hồ Tây) trong lúc vua đang du chơi bằng thuyền Ngự. Câu chuyện hoang đường, dẫn đến vụ án giết vua rất lạ lùng, oan khuất cả ngàn năm, lại được ghi chép trong sử sách. Thực ra, đây chỉ là một cuộc đấu đá tranh giành vị thế giữa Phật giáo đang là Quốc giáo, với Nho giáo, mà Lê Văn Thịnh khởi xướng mà thôi. Mãi đến khoảng giữa triều Trần (1226-1400), đại thần Trương Hán Siêu viết bài ký có nội dung phê phán Phật giáo, cũng bị vua Trần bắt phải xuống chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều, Quảng ninh, để tự “cải huấn” mấy năm trời.

Gần đây, do có nhiều tư liệu nghiên cứu, lại thêm việc khai quật được con rồng đá ở khu nhà thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, tại làng Đông Cửu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, người ta mới hiểu ra nhiều điều lý thú. Làm gì có chuyện Lê Văn Thịnh hóa hổ trong đám sương mù hồ Tây để giết vua? Lý Nhân Tông là trò thầy Lê Văn Thịnh. Triều Lý đang thịnh, cớ sao phải giết vua? Mà giả sử có giết được vua, thì làm sao Lê Văn Thịnh có thể ngồi lên ngai vàng lúc bấy giờ được? Con rồng đá đời Hậu Lý quay đầu cắn vào lưng mình, là ý làm sao? Chẳng phải dân gian muốn nhắn gửi rằng, nhà Lý hại Thái sư Lê Văn Thịnh, chẳng phải là đã tự hại chính mình hay sao?

Vua các triều đại phong kiến ở nước ta thường mặc Long bào màu vàng, thêu rồng. Hoàng hậu thì thêu Phượng. Tuy nhiên, ở các nơi khác như cổng thành, bình phong, mái nhà…thường trang trí phù điêu mặt hổ (hổ phù). Mỗi thời, hổ phù cũng có đôi chút khác nhau. Cung điện triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam hiện còn khá nhiều hổ phù, kể cả y phục võ quan. Hổ phù không những được dùng làm biểu tượng của uy quyền, mà còn là biểu tượng linh thiêng trong văn hóa tâm linh của người Việt.

3

HÌNH TƯỢNG HỔ TRONG VĂN CHƯƠNG NƯỚC TA

Từ ngàn năm trước, loài hổ đã được các thế hệ thi sĩ nước ta đưa vào trong thơ, trong văn chương nghệ thuật nói chung. Ở đời Trần, Lê Quát cùng Phạm Sư Mạnh là hai học trò giỏi của thầy Chu Văn An. Cả hai đều làm quan to, vào hàng trụ cột của triều đình. Trong số không nhiều những bài thơ chữ Hán còn lại của Lê Quát, có bài vịnh con hổ bằng đồng. Tạm dịch:

Một đôi hổ bằng đồng ngồi ở góc thành,

Canh gác cung điện đã mấy thu.

Chất đồng kết tụ ở núi Thú Sơn, đã qua trăm lần luyện,

Oai phong được chia sẻ từ chốn Nham Điện, sáng quắc đôi ngươi.

Dê đá kỳ quái, rút cục tin làm sao được,

Ngựa vàng khoa trương, nào có gì đáng sánh (với hổ đồng) đâu!

Hổ hệt như kẻ trung thần, lòng dạ sắt đá,

Uy danh lừng lẫy, nằm trấn ở chốn biên thùy.

Bài thơ vịnh đôi hổ được đúc bằng đồng, ngồi gác bên cửa cung nơi góc thành đã nhiều năm nay, vẫn nhơn nhơn ngồi đó “trơ gan cùng tuế nguyệt”, như vị trung thần, oai phong lừng lẫy. Ở núi Thú Sơn có mỏ đồng, được khai thác, luyện đúc thành chuông vạc. Đôi hổ đồng ở đây, theo tác giả, có thể nó cũng được đúc bằng đồng khai thác từ Thú Sơn, nhưng “đã qua trăm lần luyện”. Thêm nữa, oai phong của nó được chia sẻ từ linh khí núi Nham Điện, mãi tận bên Tàu từ đời Hán, Đường. Đến như chuyện “dê đá kỳ quái” trong truyền thuyết hay cổ tích đời xưa, cũng chỉ là câu chuyện hoang đường, làm sao mà tin được? Còn như câu chuyện “kim mã” (ngựa vàng) kia, chẳng qua cũng chỉ là chuyện khoa trương, phóng đại mà thôi. Sao có thể đem ra so sánh với đôi hổ đồng kia được! Hãy xem kia: “Hổ y hệt như kẻ trug thần,lòng dạ sắt đá / Uy danh lừng lẫy, nằm chấn ở chốn biên cương!

Những năm đầu thế kỷ 20, thơ ca nước ta có sự cách tân, đổi mới, kể cả tư duy thơ và hình thức. Phong trào Thơ mới như một luồng gió lạ thổi đến từ phương Tây, làm cho văn đàn nước ta có phần khỏi sắc. Thế Lữ là một nhà thơ tiên phong. Chính Thế Lữ đã viết bài thơ NHỚ RỪNG, để lại ấn tượng sâu sắc, đến nay vẫn còn sức gợi cảm.

Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt

Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua,

Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ

Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm…

Hổ đã sa cơ, phải nằm trong cũi sắt, bị người đời xem như một thứ đồ chơi, diễu cợt. Biết bao cay đắng và nghĩ ngợi. Phải cam “chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi, hay cặp báo chuồng bên vô tư lự”…Thế nhưng, hổ bị nhốt trong cũi sắt kia vẫn nhớ rừng, “nhớ cái thủa tung hoành hống hách những ngày xưa, với khi thét khúc trường ca dữ dội / Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng / Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng / Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc / Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc / Là khiến cho mọi vật đều im hơi / Ta biết ta, chúa tể cả muôn loài”…

Thế Lữ mượn hình tượng con hổ bị giam cầm trong cũi sắt, đương nhiên mất hết cả tự do, cả cái quyền uy chúa tể rừng xanh nữa, để làm gì? Chẳng phải là để biểu trưng cho tâm sự một lớp người trẻ Việt Nam phải sống trong cái “cũi sắt” của chế độ nửa thực dân, nửa phong kiến “dở hơi” đó sao?

Ngày nay, đất nước đang ở trong xu thế hòa nhập của thời đại. Nền kinh tế của nước ta nói chung, buộc phải hòa nhịp cùng guồng quay khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường. Nhiều doanh nghiệp nước ta cũng lấy những cái tên RỒNG, tên HỔ làm thương hiệu của mình, biểu thị sự dũng mãnh vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Ngành DẦU KHÍ nước ta cũng không nằm ngoài xu thế đó. Những mỏ dầu được đặt những cái tên mang khí phách loài chúa tể rừng xanh, như mỏ BẠCH HỔ, bể CỬU LONG (CHÍN RỒNG). Bên cạnh, còn những cái tên oai linh khác như cụm mỏ SƯ TỬ ĐEN, SƯ TỬ VÀNG, SƯ TỬ TRẮNG, SỬ TỬ NÂU. Chưa hết, còn có các mỏ TÊ GIÁC TRẮNG, RỒNG ĐÔI, RỒNG ĐÔI TÂY (Bể NAM CÔN SƠN). Rồi thì HẢI THẠCH, MỘC TINH. Rất thú vị, bên cạnh những tên mỏ mang tên những loài thú dũng mãnh, những địa danh lịch sử tâm linh, còn có cả những tên mỏ mềm mại, nữ tính, biểu hiện mỹ cảm nghệ thuật, ví như mở LAN TÂY, LAN ĐỎ…Quả là biểu tượng của một đất nước anh hùng, “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”…

Chiến lược đầu tư và phát triển kinh tế của nước ta đã thể hiện ý chí và khát vọng vươn lên của dân tộc Đại Việt. Không cam chịu đói nghèo. Đầu tư và phát triển đúng hướng trong thời kỳ hội nhập mới, sẽ đưa đất nước tiến lên vững mạnh. Dẫu vô vàn khó khăn, nhưng với trí tuệ Việt, tài năng Việt, ý chí ngoan cường của người Việt, chúng ta sẽ vươn mình như mãnh hổ, rồng bay!

Bạn đang đọc bài viết "Năm Hổ, lại nói chuyện Hùm" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn