Nhà thơ Hồ Minh Thông tại Huế, tháng 5/2024
NÉP VÀO BÓNG AI
Hồ Minh Thông
Thông nép vào bóng núi
Hay núi nép vào thông
Sông tựa vai bến bờ
Bờ tựa vào nước rộng?
Mẹ nép vào cánh đồng
Cánh cò nương dáng mẹ
Cỏ non tựa bóng nghé
Nghé nép vào vú thơm
Mây nép bóng trăng non
Trăng đổ mình đáy nước
Bóng con chuồn chuồn lướt
Nép vào tiếng sóng xao
Sấm nép cơn mưa rào
Áo nép căng bờ ngực
Trăng tàn đêm nguyệt thực
Nép vào đâu...đêm thâu?
Rượu đổ xuống ly sầu
Ta nép vào men rượu
Tỉnh lại rồi mới thấu
Mình ta nép vào ta...
HMT
Lời bình:
Đây là bài thơ mới nhất của nhà thơ Hồ Minh Thông chăng? Có thể chưa phải là sáng tác mới nhất, nhưng là bài thơ mới nhất được chị công bố trên trang cá nhân. Và tôi đọc, nhận ra đó là bài thơ nhiều suy tư, thành công của chị.
“Nép vào bóng ai?”, bản thân đó là một câu hỏi rất đời, rất người. Nhà thơ đi tìm câu trả lời quan sát hiện thực, rất dễ thấy, nhưng cũng rất dễ bị bỏ qua.
“Thông nép vào bóng núi / Hay núi nép vào thông / Sông tựa vai bến bờ / Bờ tựa vào nước rộng?”. Đây là khổ đầu của bài thơ.
Cây thông (họ nhà thông) là một loài thực vật, phân bố ở nhiều nơi, thích nghi với nhiều loại khí hậu. Đặc biệt, thông tuổi thọ rất cao. Ở Việt Nam nhắc đến thông, ai cũng nghĩ ngay đến Đà Lạt, đó là nơi có những rừng thông bạt ngàn, điệp trùng. Rất nhiều cây thông ở các biệt thự cũ do người Pháp để lại, hơn 100 tuổi. Các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là Hà Giang; Bắc Trung bộ, nhất là dãy Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) – quê hương của nhà thơ Hồ Minh Thông, không hiếm.
Thông gắn với núi, mọc trên núi, đấy là tự nhiên. Từ tự nhiên, thông “bước vào” văn hóa, tâm linh. Thông dù khí hậu khắc nghiệt, vẫn xanh tốt, trường tồn, dũng mãnh trước gió bão. Chính vì thế, thông từng được xem là “hình ảnh” so sánh với người quân tử. Uy viễn Tướng công, nhà thơ Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858), người sinh ra đầu dãy Hồng Lĩnh từng ao ước hóa kiếp thành cây thông: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.” Nhắc đến thông, người ta nghĩ đến Lễ Giáng sinh, đêm Noel với hình ảnh cây thông và bản nhạc Thánh ca trong khuôn viên Thiên chúa.
Thông mọc ở núi, lớn lên cùng núi thì đúng rồi. Người đời nhìn ra, nhận ra. Thế nhưng chỉ có nhà thơ mới có cách nhìn không phải bằng mắt thường, và tự đặt câu hỏi: “Thông nép vào bóng núi / Hay núi nép vào thông?”.
Thông ở Đà Lạt. Ảnh: NĐH
“Nép” trong trường hợp này là “động từ”, có sự chủ động; thường được dùng trong trường hợp phải “nương tựa”, thể hiện sự “khiêm tốn”, “khiêm nhường”...Thông và núi cùng nương tựa vào nhau mà trùng điệp. Ở đây vừa có quy luật “nhân – quả”, có “nhân”, có “quả”, có “trước” có “sau” trong sự sáng tạo của Mẹ Thượng ngàn.
Hồ Minh Thông nghĩ ra từ “nép” là một sáng tạo. Có thể nói, với thi ảnh “nép” xuất hiện làm “thiên chức” bà đỡ cho cả tứ thơ. Tuy nhiên, trả lời được câu hỏi không dễ, đòi hỏi phải trải đời, biết chiêm nghiệm. Tương tự, ở thi ảnh thứ hai của khổ thơ “Sông tựa vai bến bờ / Bờ tựa vào nước rộng?”, từ quan sát, suy tư, phải trải qua “ngộ giác”.
“Nép vào bóng ai” là bài thơ có 5 khổ. Khổ đầu, nhà thơ quan sát hiện tượng “thông” với “núi”, “sông” và “bến bờ”; khổ 3 là hình ảnh “mây”, “nước”, “trăng non”, “chuồn chuồn”, “tiếng sóng”; khổ 4 là “sấm”, “mưa rào”, “áo”, “bờ ngực”, “nguyệt thực”, “đêm thâu” với các tầng ẩn của ngôn ngữ thi ca. Rất nhiều hình ảnh này, từ lâu đã trở thành ngôn ngữ thơ ca; ví dụ: “Lúa chiêm lấp ló đầu bờ / Hễ nghe tiếng sấm mở cờ mà lên”, (ca dao).
...
Mẹ nép vào cánh đồng
Cánh cò nương dáng mẹ
Cỏ non tựa bóng nghé
Nghé nép vào vú thơm
“Cánh cò nương bóng mẹ”, thơ Hồ Minh Thông
Ở khổ thứ 2 của bài thơ, có hình ảnh mẹ và cánh đồng “Mẹ nép vào cánh đồng / Cánh đồng nương dáng mẹ”. Đây là hai câu thơ xúc động. “Cỏ non tựa bóng nghé / Nghé nép vào vú thơm”. Đây là hai câu thơ ám ảnh về luân lý, có ý nghĩa nẩy nở, tái tạo, phồn sinh. Người mẹ và cánh đồng đều tần tảo, dâng hiến; mẹ “nép” vào “cánh đồng” có hiện thực đời sống, có hiện thực huyền diệu. Mẹ cho mỗi người cuộc đời, để biết mặn, nhạt, đắng, cay.
Theo nhà thơ, TS. Ngô Tự Lập, đó đều là những cung bậc của hạnh phúc, khi được làm người. Cánh đồng cho con người lương thực, thực phẩm; quan trọng nữa, cánh đồng là nơi “ươm”, “trồng” và lưu giữ ký ức của những người sinh ra, lớn lên từ làng. “Mẹ” và “cánh đồng” nép vào nhau mà thành thơm thảo.
Tất nhiên, “mẹ” trong câu thơ có tầng ẩn, có thể là “mẹ thiên nhiên”, “mẹ vĩnh cửu”; “cánh đồng” là một phần sáng tạo của mẹ thiên nhiên, một sắc thái của cân bằng sinh thái.
...
Rượu đổ xuống ly sầu
Ta nép vào men rượu
Tỉnh lại rồi mới thấu
Mình ta nép vào ta...
“Nép vào bóng ai?” là sự phát triển của logic từ hình thức đến nội dung, từ mình đến người, từ tự do đến tất yếu.
“Nép vào bóng ai”, bài thơ mang tính tự sự rất cao. Với việc sử dụng thể thơ “5 chữ” – có nguồn gốc từ đồng dao, truyền thống làm gia tăng tính trữ tình, giàu nhân cảm của bài thơ. Dẫu ở khổ cuối cùng này, câu thứ nhất “Rượu đổ xuống ly sầu”, đặc biệt là hai chữ “ly sầu”, từ ngôn ngữ đến thi ảnh quen thuộc, cũ càng. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du từng viết: “Sầu đong càng lắc càng đầy,/ Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”, để nói về tâm trạng của Kim Trọng, sau khi gặp Thúy Kiều. Tuy nhiên, câu thứ hai: “Ta nép vào men rượu” thì đó là sự sáng tạo. “Men rượu” không chỉ là thứ “men say” mà đã trở thành có đời sống, linh hồn.
Nhà thơ hơn ai hết, giàu có hơn người đời về sự cô đơn. “Sầu” của nhà thơ khác với “sầu” của chàng Kim Trọng, không cần “đong” đã “đầy”, lỡ “lắc” là trào ra ngoài “đổ” lên trang thơ. Với Hồ Minh Thông, chắc không ngoại lệ. Nhân vật “ta” trong bài thơ “Nép vào bóng ai” không ngoại lệ. “Ta” là nhân vật trữ tình của nhà thơ Hồ Minh Thông đang tự chất vấn.
Thường khi sầu, ta – giới nam hay nhờ vả “ly rượu”, và có thể uống đến say túy lúy. Sau say, tỉnh rồi mới nhận ra, “Mình ta nép vào ta” – thì chỉ có “ta” của nhà thơ . Câu thơ hay, tạo nên “động lực” đẩy bài thơ lên. Đó là câu thơ giàu triết lý, không ai “nép” được vào ai.
Thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau trên đường đời của mỗi số phận, do mình quyết định. Nhiều khi phải đủ nghị lực, bản lĩnh như cây thông trên núi, biết “nép vào bóng núi” làm nên lồng lộng. Đó còn là thông điệp về sự uyển chuyển, biết mình, biết người...
Hồ Minh Thông là cây bút nữ thế hệ 8X của tỉnh Hà Tĩnh. Chị vốn là học sinh giỏi văn, giáo viên dạy văn trường chuyên. Chị đã xuất bản 3 tập thơ, 2 tập tản văn; từng đoạt các giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Giải thưởng văn học mang tên Nguyễn Du của tỉnh Hà Tĩnh. Thơ Hồ Minh Thông gần đây được chọn, giới thiệu nhiều trên báo chí về VHNT ở Trung ương và địa phương./.
Hà Nội, ngày 30/4/2024
NĐH