Nét chữ nét người

Tuy ở xa, nhưng bố tôi thường xuyên viết thư về dạy dỗ chúng tôi, nhắc nhở 2 anh lớn việc học hành. Mỗi khi có thư của bố gửi về là anh em chúng tôi cùng mẹ  ngồi yên để nghe anh Cả dõng dạc đọc cho cả nhà nghe. Ai được bố nhắc nhở, dặn dò gì thì tự giác làm rồi viết thư báo cáo cho bố biết. Ngày ấy Telephon còn là một thứ xa vời vợi.
net-chu-1644331504.jpg
 

 

Năm 1964, bố tôi nhận nhiệm vụ đi làm công tác tăng cường miền núi. Tức là đi 3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân để phát triển nông nghiệp ở tỉnh Yên bái. Một năm bố tôi mới được về nhà một lần gọi là nghỉ phép.

Khi ấy, gia đình tôi lại lục tục chuyển cả nhà từ Hà Nội về Thái Bình để mẹ tôi tiện việc buôn bán. Anh Cả tôi 12 tuổi, anh thứ 10 tuổi, tôi 5 tuổi và thằng út mới 2 tuổi.

Tuy ở xa, nhưng bố tôi thường xuyên viết thư về dạy dỗ chúng tôi, nhắc nhở 2 anh lớn việc học hành. Mỗi khi có thư của bố gửi về là anh em chúng tôi cùng mẹ  ngồi yên để nghe anh Cả dõng dạc đọc cho cả nhà nghe. Ai được bố nhắc nhở, dặn dò gì thì tự giác làm rồi viết thư báo cáo cho bố biết. Ngày ấy Telephon còn là một thứ xa vời vợi.

Hai anh của tôi đều học rất giỏi (chưa nói là rất đẹp trai nữa). Anh Cả thì hào hiệp nhưng lộc ngộc (ấy là mẹ tôi vẫn nói thế để chỉ sự vụng về tay chân của anh ấy) nên học thì giỏi mà chữ viết như gà bới. Còn anh thứ 2 thì vẽ giỏi và rất khéo tay.

Một hôm có thư của bố gửi về, cả nhà lại xúm quanh anh trai lớn để nghe anh đọc. Anh Cả cầm lá thư cẩn thận bóc và lôi ruột thư ra. Mọi người sững sờ vì không thấy có thư mà chỉ thấy có một cái phong bì của chính anh Cả đã gửi cho bố.

Trên phong bì ấy, bên phải là tên và địa chỉ người nhận, bên trái là dòng chữ của bố :

"Xin cảm ơn ông bưu điện.

Đề thế này mà thư cũng đến.

Con ơi sao không học cách làm người

Thói hư tật xấu sao vẫn giữ?"

Thì ra, trên phong bì thư gửi cho bố, anh Cả tôi viết rất nguệch ngoạc, tẩy xóa lèm nhèm, cẩu thả. 

Hai anh tôi nhìn nhau. Lúc ấy tôi còn bé thì vô can rồi. Nhưng chúng tôi đều biết là bố rất giận.

Thế rồi, anh Cả tôi hàng ngày tập viết. Mỗi ngày anh viết một trang giấy. Và điều không ai nghĩ tới là sau một thời gian, chữ viết như gà bới của anh đã thành con chữ ngay ngắn, đẹp đẽ. Bố nhận thư anh viết cũng không tin đây là chữ của con trai mình.

56 năm đã trôi qua. Cô bé 5 tuổi lúc ấy vẫn nhớ như in trong đầu hình ảnh cái phong bì của anh Cả bị bố gửi trả lại. Mép phải phía trên là con tem và dấu bưu điện hình sóng. Bên phải phía dưới là tên của bố và địa chỉ. Bên trái là bốn dòng nhắn nhủ của bố tới các con mà trực tiếp là anh Cả. Tuy còn rất nhỏ nhưng cô bé cũng đã có ý thức - cái ý thức đã ăn sâu theo suốt cuộc đời - làm việc gì cũng phải cẩn thận, chu toàn, phải biết tôn trọng người khác, đấy cũng là tôn trọng chính mình.

Bố tôi dạy các con theo kiểu của bố như thế đấy.

Giờ thì bố đã đi công tác xa lâu rồi. Chắc bố cũng đã gặp anh Cả và lại tiếp tục giáo huấn. Con thì vẫn là cô học trò giỏi nhất nhà của bố. Vẫn luôn nhớ những điều bố dạy để vận dụng vào cuộc sống hàng ngày. Con vẫn như thấy bố luôn nhắc nhở con, động viên và tin tưởng con.

Con cũng hay thầm nói với bố rằng, con luôn tự hào về bố, con may mắn được làm con của bố. Con yêu bố vô cùng bố ạ.

 

Viết nhân ngày giỗ bố.

Berlin - ĐNL