Nét văn hoá độc đáo ba làng nghề của Vân Hà (Kỳ 1)

 Xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang  có ba làng: Làng Thổ Hà, làng Vân (Yên Viên) và làng Nguyệt Đức. Ba làng này bên bờ bắc sông Cầu là ba làng nghề khác nhau, tạo nên cấu trúc xã hội độc đáo xã Vân Hà.. 

b1noi1a-1699346928.jpg

Cổng lang Thổ Hà. Tác giả bài viết đứng ngoài cùng bên phải.

 Làng thứ nhất - Làng Thổ Hà, một trong những làng cổ ở Bắc Bộ, trước 1970, nghề chính là làm Cang gốm, không làm ruộng và cũng chẳng có ruộng. Dân làng ở tuổi lao động thường làm công nhân Xí nghiệp Công tư hợp doanh ngói gốm Thổ Hà hoặc là xã viên HTX cang gốm Thổ Hà, đều hưởng lương theo tháng, theo năng suất lao động. Gia đình được cấp gạo theo sổ. Sản phẩm cang gốm hồi đó chủ yếu là chum, vại, tiểu … sành, được đốt nóng trong lò bằng cỏ gianh, dương xỉ, củi và không sử dụng men. Nếu ai đã từng xem phim “Đến hẹn lại lên” sẽ thấy cảnh sân phơi chum, vại (chưa nung) và người thợ làng gốm Thổ Hà. Nghệ sỹ nhân dân Như Quỳnh thì chắc còn nhớ lắm những cảnh quay đầy chất thơ nơi ấy. Làng Thổ Hà, trước 1975 là một làng có khung cảnh, kiến trúc đẹp vào bậc nhất (theo tôi) ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

b2noij2-1699349178.jpg

Cảnh chọi gà trong ngày hội làng Thổ Hà.

 

Làng Thổ Hà cùng với làng Vân được dòng sông Cầu bao quanh giống như một bán đảo. Cổng chính của làng Thổ Hà hướng ra phía Đông, hướng ra đoạn đường đê quai duy nhất nối Thổ Hà với làng Vân. Cổng làng Thổ Hà cho đến nay vẫn là một cổng làng đẹp của làng quê Việt Nam, vẫn giữ được nét kiến trúc xưa lại được bao bọc trong vòm đa cổ thụ; chỉ cần tra cứu google “cổng làng Thổ Hà” là sẽ thấy rất nhiều ảnh cổng làng Thổ Hà trên mạng. Học sinh các trường kiến trúc, mỹ thuật thường về Thổ Hà để thực tập, để lấy cảm hứng sáng tác và cổng làng Thổ Hà luôn là điểm dừng chân đầu tiên.

b3noij-3-1699349773.jpg

Cảnh chợ trong ngày hội làng Thổ Hà.

 

Đoạn đê quai ấy ôm trọn một phía của hồ nước rộng khoảng 5 ha. Phía bên kia hồ là địa phận xóm 1, xóm 2 của Thổ Hà. Trước khi đến cổng làng, mọi người phải đi qua nhà cầu 3 gian - giống một điếm canh đê, diện tích khoảng 30m2 nằm dưới tán một cây đa cổ thụ. Chùa Thổ Hà nhô ra phía  ngoài cổng làng, được ngăn cách với con đường đê quai bằng một lũy tre dày và một ao nước, có tên là ao Dối. Muốn vào được chùa thì khách buộc phải đi qua cổng làng. Qua cổng làng là tới một đường lớn, rợp bóng những cây đa cổ thụ có tuổi đời gần 100 năm, cắt ngang làng. Cuối con đường lớn này là bến đò chính, Bến Chùa để sang sông Cầu. Bên kia sông là địa phận của huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ngay trên Bến Chùa là chợ Thổ Hà và cũng là ngã ba, kết nối con đường ngang từ cổng làng  với con đường lớn không kém chạy dọc làng - đường cái làng và cũng chạy dọc theo sông Cầu (một bên là sông Cầu, một bên là làng Thổ Hà, không có đê ngăn).

b4noij-4-1699349833.jpg

     

b4anoij4v-1699350231.jpg

Hai ảnh trên: Lễ rước trong hội làng Thổ Hà.

Làng Thổ Hà có bốn xóm (xóm 1; xóm 2; xóm 3; xóm 4). Xóm 1 là xóm đầu làng tiếp giáp với làng Vân); xóm 4 là xóm cuối làng. Con đường chạy từ cổng làng ra Bến Chùa chia làng thành hai nửa (xóm 1, xóm 2 và xóm 3, xóm 4). Mỗi xóm của làng Thổ Hà có nhiều ngõ, các ngõ đều chạy song song hướng ra phía đường làng và kết nối với đường làng hướng bờ sông, cấu tạo kiểu xương cá. Các ngõ của Thổ Hà có chiều rộng khoảng 1,5m, chiều dài khoảng 200m, hai bên là tường nhà xây bằng mảnh sành, gạch, tiểu phế phẩm cao khoảng 4-5m. Đi trong ngõ sẽ có cảm giác như đi giữa hai bức tường thành.

    Làng Thổ Hà từ thời Pháp thuộc, hoặc trước nữa, đã toàn là nhà xây hoặc nhà cột lợp ngói móc. Những gia đình khá giả ở Thổ Hà từ xưa đã có những khu nhà ở được quy hoạch khang trang. Ngõ nào của Thổ Hà cũng có vài ba khu nhà ở như vậy. Một căn nhà chính 5 gian hoặc 7 gian, hoặc 5 gian hai chái hướng ra phía sông Cầu (hướng Tây); hay hướng về phía cuối làng (hướng Nam). Đa phần cột, kèo, rui, mè đều bằng gỗ lim, có những cột gỗ lim phải một vòng tay ôm. Trước mặt căn nhà chính là một khoảng sân rộng, hai bên là nhà ngang và bếp đều là nhà gỗ lợp ngói móc. Cổng mỗi nhà đều xây kiên cố, cửa gỗ chắc chắn. Nhiều nhà trên cổng còn có chòi canh nữa. Trong Sân nhà thường có bể hoặc chum to đựng nước mưa; có trồng thêm cây Bưởi, cây Lựu, Mai tứ quý… để lấy bóng mát và làm đẹp cho sân - những khu nhà ở mà dân  đô thị giàu có hiện nay thường mong được sở hữu. Đường làng Thổ Hà ngày xưa được lát bằng gạch xây (gạch chỉ), bền, đẹp, dễ thoát nước, thân thiện với môi trường. Nghe đâu mỗi đám cưới ở làng thì nhà trai, nhà gái phải nộp một số gạch cho làng để lát đường. Những con đường đẹp như mơ ấy đã thật sự đi vào giấc mơ, chúng đã được thay bằng những con đường bê tông rộng hơn.

b6anoi6-1699361055.jpg
 

b6noi6-1699361110.jpg

Hai ảnh trên: Liền anh, liền chị quan họ trong ngày hội làng Thổ Hà.

   

Các lò gốm hình con cóc ngày xưa của làng Thổ Hà thường nằm phía bờ sông Cầu, dọc theo đường làng, bên cạnh các lò gốm là nhà xưởng sản xuất đồ gốm trước khi nung, bãi chứa chất đốt, sân phơi, khu lưu giữ sản phẩm tạm thời… Việc bố trí các lò gốm, khu sản xuất phía bờ sông có nhiều cái lợi, tập kết nguyên vật liệu (đất sét; củi; cỏ…) từ thuyền lên hoặc xuất sản phẩm xuống thuyền; khi đốt lò thì khói lửa, bụi than luôn được gió mùa Đông Nam hoặc Đông Bắc thổi ra hướng sông chứ không thổi vào làng. Đốt lò gốm và điều tiết nhiệt độ của lò gốm sao cho phù hợp để tạo ra những sản phẩm tốt nhất là nghề của những nghệ nhân được coi trọng nhất của làng gốm Thổ Hà; họ được gọi là Sư lò. Sư lò luôn theo dõi ngọn lửa được đốt, tiếp củi cỏ để tăng nhiệt độ của lò đốt, đóng bớt cửa gió để giảm nhiệt độ của lò đốt, quan sát bề mặt các sản phẩm đang được đun nóng đỏ, sự chảy ra của lớp men tự có của các sản phẩm để quyết định khi nào dừng đốt lò, đắp cửa lò để ủ sản phẩm chờ ngày ra lò. Các sản phẩm gốm sành của Thổ Hà từ chum, vại đến tiểu, ấm chén khi ra lò đều có mầu nâu sậm, cứng như kim loại, nước không thể thấm qua lớp mỏng bên ngoài chứ đừng nói đến thấm qua độ dày của sản phẩm. Nếu lấy thanh tre hoặc thanh kim loại gõ vào sản phẩm gốm sành của Thổ Hà sẽ nghe thấy âm thanh như của tiếng chuông đồng. Những mảnh vỡ của các sản phẩm gốm sành Thổ Hà sẽ có cạnh vỡ sắc như dao, không người thợ gốm nào của Thổ Hà (đúng hơn là không người dân nào của Thổ Hà) mà không bị những cạnh sắc của các mảnh vỡ gốm sành Thổ Hà làm đứt tay, đứt chân. Thật tiếc cho một làng nghề gốm sành đặc biệt đã bị thất truyền, các lò gốm đã bị phá bỏ hết. Nếu được một điều ước, tôi ước có một lò nung gốm sành hình con cóc ấy, phục dựng nguyên mẫu tại làng để những thế hệ sau của cư dân Thổ Hà, để khách du lịch được mục sở thị nơi cho ra đời những sản phẩm gốm sành huyền diệu (vẫn còn nằm đâu đó trong nhiều nhà, nhiều vùng quê và cả trong lòng đất).

          Dọc theo bờ sông Cầu, bên cạnh các bến nước của các ngõ thường có các cây Sung, Si, Bàng, Gạo mọc hướng ra sông, nước sông Cầu thủa ấy (1960 -1970) còn trong vắt, có thể nhìn sâu xuống hơn 1m nước. Tôi thường bơi ra giữa dòng sông, bơi dọc theo dòng chảy của nước sông vào các buổi chiều, khi khát thì uống vài ngụm nước sông mà chẳng thấy bụng dạ hề hấn gì. Các cây sung ở bờ sông thường già và luôn chi chít quả (cả quả xanh lẫn quả chín). Tôi có một may mắn, cấp I (tiểu học cơ sở), tôi học ở Thổ Hà; cấp II (trung học cơ sở), tôi học ở làng Vân. Ba năm học ở làng Vân, khi đi học tôi thường đi qua cổng làng, qua điếm canh đê để lên làng Vân. Buổi trưa, khi tan học tôi lại đi tắt vào trong đường làng từ xóm 1 về xóm 3 (nhà tôi ở xóm 3), vậy là ngày nào cũng được trèo sung để ăn sung chín (đang đói bụng, lại thích leo trèo). Một lần, mải với chùm sung chín, tôi dẫm vào một cành sung bị sâu đục thân, cành sung gãy rơi xuống mép sông, tôi rơi theo từ độ cao hơn 4m. Thật may, nước dòng sông đã đỡ tôi khi rơi xuống nên tôi không bị xây sát, bầm dập. Bàng thì ở sân Đình nhiều quả chín hơn, quả rụng thì đập hột để lấy nhân (ăn ngon hơn quả óc chó bây giờ), thích ăn quả chín thì phải trèo cây để hái. Tôi nhớ có lần trèo hái bàng, khi đang ở trên cao thì phát hiện ra một tổ ong vàng ngay trước mặt. Lũ ong lao vào mặt tôi đốt mà tôi đâu dám buông tay, vừa chịu trận cho ong đốt vừa tuột xuống gốc bàng thật nhanh. Xuống đến mặt đất thì cắm cổ chạy, nhưng mặt mũi đã sưng vù – nhớ đời.

   Làng Thổ Hà có ba danh thắng mà du khách khi đến thăm không thể bỏ qua, đó là Đình Thổ Hà (di tích lịch sử quốc gia đã được xếp hạng); chùa Thổ Hà (Đoàn Minh Tự, di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia) và Từ Chỉ (hay Văn chỉ, nơi thờ Khổng Tử; di tích lịch sử văn hóa). Mỗi xóm của Làng đều có một Từ đền, nằm sát và quay mặt ra đường làng, đó là nơi để mỗi xóm chuẩn bị lễ thờ mang ra cúng ở Đình làng trong ngày chính Hội Chùa (21 tháng Giêng). Mỗi xóm chịu trách nhiệm chuẩn bị lễ cho Hội Chùa một năm, sau bốn năm lại đến lượt. Chính vì sự thay phiên chuẩn bị Hội và lễ cho Hội Chùa mà đã nảy sinh ra sự ganh đua không ngừng của các xóm. Lễ của năm nay thường to hơn, hoành tráng hơn năm trước; cứ thế, cứ thế …  Sự ganh đua quá trớn trở thành  một tệ nạn. Ngày xưa đâu có thế? Lạ nữa là Hội Chùa nhưng Lễ vật của các xóm chỉ mang ra Đình để cúng, chắc để cúng Thành hoàng làng nhân dịp Hội Chùa; và có lẽ cũng vì vậy nên bây giờ người ta đã dùng chữ “Hội Làng Thổ Hà” thay cho “Hội Chùa Thổ Hà”?

       Hội chùa Thổ Hà là một Lễ Hội đặc trưng cho các lễ hội vốn có ở trung du cùng  miền núi và cả đồng bằng Bắc Bộ. Hội chùa Thổ Hà thường được tổ chức trong hai ngày (21, 22 tháng Giêng hàng năm). Phần Lễ được tổ chức ở trong chùa và ngoài sân chùa, kết thúc bằng lễ Diễu Phướn vào 12:00 đêm 22 tháng Giêng ở sân Chùa. Phần Hội thì bao gồm hát Quan họ tại Chùa và trên thuyền ở ngoài sông. Các trò chơi như chọi gà; đấu vật; cờ tướng; cờ người… Ngày xưa rất đông các phật tử đi bộ 5-10 Km từ nhiều nơi về Hội chùa Thổ Hà, họ thường cơm đùm cơm nắm, tối nằm ngủ trên chiếu được các phật tử của làng trải ra sàn chùa, rất vất vả mà sao chẳng ai ta thán. Đa phần các phật tử chỉ tham gia phần Lễ, hết Hội lại gồng gánh cuốc bộ về nơi xuất phát chứ chẳng màng đến phần Hội. 

       Diễu Phướn là một nghi lễ Phật giáo, trên đỉnh cột Phướn là một con quạ được tạo từ một tấm gỗ, thân quạ được bôi đen. Đầu quạ được gắn vào một khung vải hình trụ tròn (giống như cái lồng bàn nhưng phía trên không uốn cong như lồng bàn, nghe nói khung vải này tượng trưng cho rốn người). Dưới khung vải là một tấm vải dài chạy từ đỉnh cột xuống đến gần chân cột phướn (tấm vải này tượng trưng cho khúc ruột người). Tôi đã từng nghe kể về tích này nhưng giờ không thể nhớ nổi. Dẫn đầu đoàn Diễu Phướng luôn là sư trụ trì chùa Thổ Hà, tay gõ mõ, miệng tụng kinh. Đoàn Diễu Phướn đi vòng quanh cột phướn, vòng tròn người lúc to, lúc nhỏ tùy theo số phật tử tham gia hoặc rời khỏi đoàn diễu, thời gian cho nghi lễ này khoảng hơn 1 giờ.

(Còn nữa)

N.V.N