Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (Phần 23)

Phạm Việt Long

09/09/2022 19:04

Theo dõi trên

Đất nước thống nhất, giao lưu văn hóa hai miền Nam – Bắc được bình thường hóa, thì âm nhạc cũng chuyển động vào – ra mạnh mẽ.

bia-ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-1660572196.jpg
 

 

Vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, Bộ Văn hóa thỉnh thoảng tổ chức cho những nhóm ca sĩ từ miền Nam ra hát tại Hội trường của Bộ. Tôi gặp ca sĩ Cẩm Vân và một số ca sĩ khác trong những buổi biểu diễn đó, và tiếp cận không khí âm nhạc sôi động cùng lối hát bằng giọng thật, không hát theo lối giả thanh với kỹ thuật Bel canto như các ca sĩ miền Bắc, tạo ra sự bất ngờ và thú vị trong tôi. Tôi cũng tìm hiểu để cùng Văn phòng Bộ và các cơ quan quản lý thuộc Bộ đánh giá, đề ra chủ trương đối với một phong trào ca hát đang bùng lên tại miền Nam, đó là “Ca khúc chính trị” (CKCT). Chúng tôi thống nhất đánh giá rằng ca khúc chính trị có nhiều mặt tích cực, như cổ vũ lối sống mới, nhiều ca khúc phục vụ sát nhiệm vụ chính trị của đất nước theo từng thời kỳ, trở nên nổi tiếng, được công chúng hâm mộ, phong trào đang ngày càng lan rộng, mạnh mẽ, cần được ủng hộ... “Mười năm CKCT là mười năm đặc biệt nhất trong lịch sử nhạc trẻ Việt. Nó làm nên, không chỉ một màu sắc riêng, độc đáo, không hề có ở các nước tư bản, mà còn khơi mào và đặt nền móng cho cả một giai đoạn phát triển tiếp nối, tức giai đoạn thị trường hóa”...

Cũng phải nói thẳng về một thực tế, là khi đó chúng ta cấm một dòng nhạc ở miền Nam thời trước giải phóng, gọi là nhạc vàng. Khi vào thành phố Hồ Chí Minh học lớp bồi dưỡng về quản lý văn hóa, tôi được nghe thuyét trình về nhạc vàng, được nghe một số ca sĩ tới hát một số bài hát minh họa, trong đó có bài “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn. Chúng tôi thắc mắc là có những bài hát hay thế mà tại sao lại cấm, thì được giải thích là do chưa phù hợp với tình hình hiện tại. Đúng như vậy, vì sau này, tình hình xã hội khác đi, dòng nhạc ấy, nay gọi là Bolero, được giải phóng, lại lan tỏa trong cuộc sống.

***

Trong chiến tranh, con người tạm đặt chuyện riêng tư phía sau trách nhiệm công dân. Hòa  bình xây dựng, con người lấy lại sự cân bằng, và “cái tôi”, “cái riêng tư” được quan tâm hơn, từ đó, ca khúc về tình yêu lứa đôi cũng phát triển. Tôi cũng vậy, biết nhiều, thuộc nhiều bài hát về tình yêu hơn. Tôi xin dẫn ra một số bài đã ăn sâu vào tâm hồn tôi.

Tôi được nghe lần đầu bài hát “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của nhạc sĩ Trương Quý Hải, phổ thơ Bùi Thanh Tuấn, do nghệ sĩ Quang Huy trình bày tại rạp Kim Mã vào năm 1993, khi bài hát này vừa mới ra đời. Chỉ mới nghe câu hát đầu tiên, tôi đã thấy rung động mãnh liệt, và tin rằng bài hát ày sẽ được công chúng đông đảo yêu quý. Sau này  Hà Nội mùa vắng những cơn mưa được nhiều ca sĩ, kể cả ca sĩ hải ngoại, đã trinh diễn thanh công. Đây là bản do ca sĩ Ngọc Tân trình bày.

 

“Hà Nội mùa này ... vắng những cơn mưa.

Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh.

Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp.

Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về.

Hà Nội mùa này chiều không buông nắng,

phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô,

quán cóc liêu xiêu một câu thơ.

Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ.

Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ.

Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay,

hơi ấm trao em tuổi thơ ngây.

Tưởng như, tưởng như còn đây.”

Bài hát này, cả nhạc và lời, đều bảng lảng như sương hồ Tây, nhẹ nhàng, thoang thoảng mà sao có sức gợi ghê gớm, gợi cho người nghe suy tưởng sâu hơn, rộng hơn để tìm thấy cho riêng mình những ý nghĩa khác nhau của bài hát. Riêng tôi, bài hát gợi lại những kỷ niệm thời học trò, với tình bạn trong sáng, với người bạn gái chưa phải là yêu nhưng cũng có chút gì đó nồng ấm trong ánh mắt, trong nụ cười trao nhau, tất cả gắn với một Thủ đô bình dị, phong rêu.

Tôi cũng được chinh phục bởi bài hát  Hoa sữa  của nhạc sĩ Hồng Đăng, qua giọng ca của ca sĩ Thanh Lam:

“Em vẫn từng đợi anh

như hoa từng đợi nắng

như gió tìm rặng phi lao

như trời cao mong mây trắng...

 

Em vẫn từng đợi anh

trên những chặng đường quen

tiếng hát ai xao động

thoảng mùi hoa êm đềm

 

Kỉ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó

những bạn bè chung

những con đường nhỏ

 

Hoa sữa vần ngọt ngào đầu phố đêm đêm

Có lẽ nào anh lại quên em

Có lẽ nào anh lại quên em...”

Nhạc sĩ Hồng Đăng kể: “Khi sáng tác bài hát, đối với tôi, hoa sữa là tượng trưng cho một tình yêu trong sáng, đẹp đẽ và ngọt ngào. Tôi muốn người nghe cảm nhận như mình ở trong đó, thấy rằng đó là tình yêu của họ. Sau đó, bài hát để lại những ấn tượng về tình yêu và được mọi người đón nhận.”

Nhạc sĩ Thuận Yến, cùng với những ca khúc trào sôi nhiệt huyết cách mạng, còn có những bài hát thắm thiết tình yêu lứa đôi. Một trong những bài hát đó là Chia tay hoàng hôn , phổ thơ Hoài Vũ:

“Em phải về thôi, xa anh thôi

Hoàng hôn yên lặng cũng theo về

Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc

Mà lời từ biệt chẳng lên môi

 

Em phải về thôi xa anh thôi

Xa hàng cây đêm hò hẹn ta ngồi

Hoa khế rụng tím ngăn lối nhỏ

Để mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi

 

Chia tay anh, chia tay hoàng hôn

Chia tay anh, chia tay hoàng hôn

Em mang theo về tình yêu và nỗi nhớ

Em mang theo về con tim cô đơn

 

Chia tay anh chia tay hoàng hôn

Chia tay anh chia tay hoàng hôn

Gửi lại cho anh trái tim thắp lửa

Gửi lại cho anh một nửa vầng trăng”

Tôi nhận ra một Thuận Yến khác với Thuận Yến giục giã bước quân hành thời chiến tranh, đó là một Thuận Yến trầm tư, tinh tế, trong nhạc toát lên một nỗi buồn lặng lẽ và một mối chung tình kín đáo.

Thuộc thế hệ sau, nhạc sĩ Phú Quang đã sáng tác nên nhiều ca khúc trữ tình xinh xắn, khúc triết, tinh tế, nhẹ nhàng nhưng day dứt, trong đó, tôi thích nhất bài Em ơi Hà Nội phố  (lời phỏng thơ Phan Vũ):

“Em ơi Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa

Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ

Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm.

Ta còn em cây bàng mồ côi mùa Đông

Ta còn em nóc phố mồ côi mùa Đông

Mảnh trăng mồ côi mùa Đông...

Mùa Đông năm ấy tiếng dương cầm trong căn nhà đổ

Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân.

Ta còn em một màu xanh thời gian

Một chiều phai tóc em bay chợt nhòa chợt hiện

Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố

Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường.

Ta còn em hàng phố cũ rêu phong

Và từng mái ngói xô nghiêng nao nao kỷ niệm

Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng

Chợt hoàng hôn về tự bao giờ.

(ĐỂ KẾT)

Em ơi Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa

Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ

Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm.”

Nhạc sĩ Phú Quang tâm sự: “Nụ hôn lạnh giá mùa đông, vòng tay bồi hồi ướt giá dưới trời mưa bụi của những ngày tháng tình yêu còn nồng ấm. Rồi nỗi nhớ về căn nhà tôi đã sống ở Hà Nội qua suốt tuổi ấu thơ mà mùa đông năm 1972 khi những cành bàng trụi lá thì căn nhà ấy, và người bạn thân thiết nhất của tôi cũng đã vĩnh viễn bị bom B52 dập vùi. Thay vào đó là tượng đài về những người đã chết như một vết sẹo dẫu đã phủ kín rêu xanh mà chẳng bao giờ nguôi rát bỏng mỗi lần tôi nghĩ tới”. Nghe Ngọc Tân hát bài “Em ơi Hà Nội phố”, tôi thấy có một nỗi day dứt, có mầu xám của nỗi buồn đau, lại có sự nồng ấm của một tình yêu gắn với nhiều hoài niệm. “Em ơi Hà Nội phố” có sức lan tỏa mạnh mẽ, vượt ra khỏi biên giới, đến với công chúng yêu nhạc trên nhiều quốc gia. Ca sĩ  Khánh Ly  đã thể hiện rất thành công bài hát này trên nhiều sân khấu hải ngoại và trên những sản phẩm nghe nhìn nổi tiếng.

Có một bài hát của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh sáng tác từ năm 1959, nhưng bây giờ lại trở nên “hot”, gợi lại cho tôi bao nhiêu kỷ niệm về vùng Tây Bắc mà tôi đã sống và làm việc thời trai trẻ, với dòng suối trong vắt cùng cô gái Thái có làn da nõn nà, đó là Tình ca Tây Bắc :

“Rừng cây xanh lá muôn đoá hoa mai mừng đón xuân về

Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa

Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn

Nghe trong tiếng rừng nhịp sáo ai đưa khúc ca hòa vang...

  1. Em là dòng sông Mã, anh là núi Mường Hung

Cho thuyền em ngược (ơ ờ) dòng, gió đưa em về núi.

Em hãy về bên suối đợi anh anh ở bên nương

Anh làm no lòng mường, em làm vui ấm bản.

(ĐK, 2 lần)

Rừng rừng hoa với chim ca vui tưng bừng

Suối nước trong xanh soi bóng em và bóng anh

Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng

Đất nước mai ngày bừng sáng lên bao mùa xuân

 

2. Anh là rừng xanh thắm, em là suối ngàn sâu

Cây rừng anh làm (ơ ờ) cầu bắc ngang bên dòng suối.

Khi nắng mùa xuân tới rừng anh in bóng suối em

Nước chảy quanh êm đềm cho lòng anh mát rượi...

(ĐK).

Gợi cho tôi nhớ tới con suối nước trong vắt trên núi rừng Tây Bắc và cô gái Thái hồn nhiên năm xưa, còn có bài hát  Lời ca gửi noọng  của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Cần “dịch” cho bạn đọc hiểu rằng, “noọng”, tiếng Thái hay tiếng Tày đều có nghĩa là “em”. Bởi, đối với những người đã sống cùng đồng bào Thái hay Tày, tiếng “noọng” thân thiết lắm, cho nên nhạc sĩ không kìm được lòng, mới dùng nhiều lần từ “noọng” trong bài hát của mình:

“Ma giào nằng lo noóng ơi noọng

Ma chằm nằng nâu u chỉn cha

Văn nay chư vằn nây râu noọng,

Văn nay châu vân câu râu noọng.

 

Xuân về nở hoa thắm ngàn nơi

Xuân về đời tươi thắm noọng ơi (ớ ơ ới)

Nghe gió chiều gọi trăng về suối,

Nghe tiếng ca gọi tâm tình, ới noọng.

 

Noọng ơi, ơi noọng cùng ta,

Lừng câu “sli” “lượn”

Noọng về cùng ta non ngàn nở hoa ta hát vang lời ca

Nghe sáo chiều vi vu (ú u ú u) ta về ới noọng.

 

Noọng ơi, ới noọng cùng ta

Cùng chung mái nhà

Noọng về cùng ta tiếng ca lừng núi ta tắm chung dòng suối

Nghe sáo chiều vi vu (ú u ú u) ta về noọng ơi.

Noọng ơi…”

Có lẽ hồi ấy nhạc sĩ mạnh dạn hơn tôi, cho nên đã được “tắm chung dòng suối” với “noọng” cho nên tiếng ca mới vang lừng rừng núi!

Ca khúc về tình yêu bây giờ nhiều vô kể, tôi không nghe đủ cho nên cũng chỉ viết chấm phá về những ca khúc gần gũi với tôi nhất. Bản thân tôi cũng đóng góp vào dòng chảy cuồn cuộn ấy một giọt nước nhỏ bé. Đó là ca khúc Nhớ nắng , tôi viết vào năm 2004:

 

 

“1. Giữa mùa đông phương Bắc

Em nhớ nắng phương Nam

Nhớ cái nắng nồng nàn

Thắp lửa hồn em suốt thời con gái

Giọt sương long lanh trên cành đào lặng lẽ

Gợi em nhớ sắc nắng vàng trên từng cánh hoa mai

 

Nắng và hoa ấy

thời gian phôi pha vẫn thắm mầu

cho dù trải qua bao bão táp mưa sa...

Nắng và hoa ấy

vượt không gian xa vời vợi

bởi tình ta đã dành trọn cho nhau...

 

2. Gió mùa căm căm rét

Mưa giăng mắc khôn nguôi

Vẫn có ánh mặt trời

chiếu rọi từ nơi phương trời thương nhớ

Vì em luôn luôn giữ gìn từng giọt nắng

mà anh đã thắp lên bằng ngọn lửa trái tim anh...

 

Nắng và hoa ấy

Thời gian phôi pha vẫn thắm mầu

Cho dù trải qua bao bão táp mưa sa

Nắng và hoa ấy

Nhiều khi hiu hiu như thu về

Ru em bồng bềnh trong đam mê

Nhiều khi vỡ oà giữa đắm đuối

Ấy là nắng tình đầu anh dành cho em...

 

Giữa mùa đông hiu quạnh

đàn chim kia trú rét nơi nào?

Em lặng nhìn theo cánh chim bay

Bỗng thấy... nắng tràn về rực rỡ

Nắng PHƯƠNG ANH...”

Đây là ca khúc đầu tay của tôi, may mắn được ca sĩ Anh Thơ đưa vào đời sống âm nhạc rồi được ca sĩ Hiền Anh trình diễn ở nhiều nơi, từ truyền hình tới sân khấu và cả trong những lúc vui với bạn bè.

Cũng vì được trời xe duyên với âm nhạc, cho nên tôi có dịp đi sâu hơn vào đời sống âm nhạc và hiểu rõ hơn sự say mê của những nghệ sĩ muốn dùng khả năng âm nhạc của mình để dâng hiến cho cuộc đời. Tôi đã từng cùng nhạc sĩ Thuận Yến lọ mọ chuẩn bị bộ máy phóng thanh và mời ca sĩ đến phục vụ ở một buổi sinh hoạt câu lạc bộ, hoặc hội thảo, để cho tác phẩm của mình được vang lên trước công chúng. Nhạc sĩ Thuận Yến nổi danh là thế, nhưng chẳng nề hà dẫn vợ là nghệ sĩ Thanh Hương cầm đàn tới những cuộc hội nghị, hội thảo phục vụ một cách vô tư – Thanh Hương có khả năng vừa ngâm thơ vừa đánh đàn, vừa hát dân ca lại diễn được cả kịch. Cũng có buổi, nhạc sĩ Thuận Yến cầm đàn ghi ta hát, nghệ sĩ Thanh Hương ngâm thơ, kể chuyện về các giai thoại liên quan đến ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ. Lúc ấy, Ban Tổ chức cũng chi trả thù lao khá ổn, giúp anh chị có thêm thu nhập để lấy sức mà sáng tác, biểu diễn. Thuận Yến nói với tôi rằng, thời nay, muốn chuyển tải được những nội dung mang tính giáo dục, thì phải lồng vào ca khúc nội dung về tình yêu đôi lứa và chỉ nên viết một lời cho mỗi ca khúc. Ông cũng thích viết ở cung La thứ, vì ông bảo cung này có tính chất êm dịu, dễ nghe. Tôi nghiệm thấy, rất nhiều ca khúc của Thuận Yến được viết ở cung La thứ, phù hợp với bản tính mềm mỏng, nhẹ nhàng của ông. Ấy vậy mà, khi viết hùng ca, ông lại thoát ra khỏi bản thân, nạp đầy sinh khí của cuộc cách mạng để tạo nên những khúc ca hùng tráng, cuốn hút hàng triệu con tim, như bài “Mỗi bước ta đi” mà tôi đã giới thiệu ở phần trên.

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (Phần 23)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn