Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 6)

Phạm Việt Long

20/08/2022 17:41

Theo dõi trên

Vào mùa xuân năm 1967, tôi chính thức công tác ở Phân xã Việt Nam Thông tấn xã tại Sơn La. Cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đã leo thang khắp nơi.

bia-ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-1660572196.jpg
 

Đúng vào ngày tôi đi về nơi thường trú, thì máy bay Mỹ đánh bom vào một bản của người Thái – bản Mạt. Người chết. Nhà cửa cháy tan hoang. Tôi viết kịp thời bài ghi nhanh “Bản Mạt kêu gọi trả thù”. Tây Bắc đây, đau thương, nhưng đã có biết bao tấm gương chiến đấu dũng cảm, lại cũng có không ít những bài hát khắc họa sinh động cuộc sống, chiến đấu vô cùng anh dũng của các dân tộc Tây Bắc. Tôi thuộc rất nhanh bài hát Tây Bắc mừng vui chiến thắng (Trần Thụ) để rồi dạy lại cho các cháu học sinh Sơn La:

            “1. Tin vui bay đến tận bản làng

Đón mừng vui chiến công tuyệt vời

Đêm nay ta vui hát ta múa xòe hoa

Vui mừng đón chiến công đầu

Súng chắc trong tay gìn giữ bản làng

Kháng chiến năm xưa cũng nơi đây

Tây Bắc là mồ chôn giặc Tây

Chiến thắng sông Đà lừng lẫy Điện Biên.

Kháng chiến năm xưa cũng nơi đây

Ta đánh giặc ngày đêm không ngơi

Gương các anh hùng mãi mãi còn ghi.

2. Sơn La Tây Bắc là của ta

Núi rừng đây đêm ngày chờ giặc

Chúng đến quân dân quyết thi đua lập công

Ta nhằm bắn tan quân thù

Giữ lấy quê hương bản xóm thân yêu.

Chiến thắng reo vang khắp nơi nơi

Chăm bón nhiều đồi nương xanh tươi

Khắp các dân tộc đoàn kết cùng nhau.

Chiến thắng reo vang khắp nơi nơi

Thêm nức lòng đồng bào Tây Nguyên

Khắp các dân tộc đoàn kết cùng nhau.

(KẾT)

Quyết chiến thắng giặc Mỹ!”

Bài hát này mang âm hưởng điệu hát xòe Thái Tây Bắc, phản ánh cuộc chiến đấu và chiến thắng với niềm hứng khởi, rộn ràng.

Cuộc sống của một phóng viên trẻ trên miền rừng núi không hề làm tôi ngỡ ngàng, bởi chính tôi vốn từ rừng núi xuống thành phố. Chỉ trong vòng 4 tháng, tôi nghe nói thông thạo tiếng dân tộc Thái, một thứ ngôn ngữ thông dụng ở vùng Tây Bắc. Chính vì thông thạo ngôn ngữ bản địa như vậy, tôi được đồng bào yêu mến và được tham dự những cuộc sinh hoạt ca hát truyền thống hiếm hoi. Có lần, cùng với đồng chí Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Sơn la đến một bản người Thái ở Thuận Châu, tôi được dự bữa liên hoan thâu đêm suốt sáng của dân bản. Một con lợn nhỏ được thịt đãi khách. Trên một ngôi nhà sàn khá rộng, thức ăn được bày trên những tấm lá chuối trải dài giữa sàn nhà. Mọi người ngồi dọc hai hàng, ăn uống rồi “khắp”. Đây là lối hát đối đáp của người Thái có từ lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cứ một đôi nam – nữ hát đối với nhau, vãn cuộc lại sang đôi khác. Giống như kiểu hát Quan họ, người hát dựa vào một số làn điệu có sẵn mà đặt lời hát, đối với nhau, nối dài. Làn điệu không phong phú lắm, nhưng nghe tha thiết, ngọt ngào và độc đáo. Lời hát khi thì nói về mối quan hệ nam – nữ thân tình, muốn tiến tới yêu thương, khi lại nói về lao động, sản xuất, và bây giờ thêm cả nội dung về chiến đấu bảo vệ đất nước. Cuộc hát đối đáp đem lời hát vọng vào rừng xanh, hòa với tiếng suối nước rì rào, có sức hấp dẫn lạ kỳ. Văn hóa dân gian là thế, phải được sống trong môi trường mà nó sinh ra, và phải được diễn tấu trong cuộc vui thật sự, trong đó những người hát đối đáp trải lòng mình qua các câu hát sáng tác tại chỗ, mới đậm mầu sắc nghệ thuật dân dã và mới độc đáo, cuốn hút. Còn nếu đem cách hát ấy lên sân khấu biểu diễn, tức là đã tách nghệ thuật ra khỏi nguồn sống của nó, thì làm sao để cho nó thể hiện đúng tinh hoa nghệ thuật được? Tôi không biết uống rượu, nhưng cũng uống chút chút để chiều lòng bà con, và say ngất ngây trong các câu hát đối đáp đầy ý nghĩa.

Ở vùng này, tôi còn được nghe hát kể “Sống trụ sôn xao” (Tiễn dặn người yêu), một truyện thơ về tình yêu trải nhiều cay đắng nhưng thủy chung, gắn bó của đôi trai gái Thái.

Một lần, tôi về Mai Sơn công tác. May mắn, đúng dịp ấy, quân dân xã Chiềng Yên bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh, bắt sống giặc lái. Tôi vượt một chặng đường núi, tới tận nơi gặp chính quyền xã khai thác tài liệu, viết bài. Trong khi tôi ngồi nghe anh Xã đội trưởng báo cáo, ghi lại bằng tiếng Kinh, thì bà con dân bản ngồi xung quanh trò chuyện bằng tiếng Thái. Nhờ khả năng nghe – nói tiếng Thái rất tốt, qua câu chuyện của bà con, tôi có thêm rất nhiều tài liệu sinh động về những chàng trai, cô gái Thái nơi này bắn máy bay, bắt phi công để viết một bài báo có chất lượng. Tôi hỏi bà con có biết bài hát Người Châu Yên em bắn máy báy bay của nhạc sĩ Trọng Loan không, bà con trả lời: “Có chứ. Mình được nghe qua cái đài mà!”. Bài hát này ra đời từ năm 1965, ca ngợi nữ dân quân Yên Châu, mà như đang miêu tả chân thực hành động dũng cảm của quân và dân Mai Sơn ngày hôm nay:

Nghe con suối róc rách đang reo vui đón mừng thắng lợi này

Bản Mường em vừa rồi lập công bắn rơi máy bay Mỹ, a ha!

Dân quân Châu Yên ta với súng trường nhằm thẳng vào mặt kẻ thù

Bắn thần sấm phải rơi.

1. Ta quyết giữ cái rẫy cái nương

Lũ cướp Mỹ ác tới đây, bắn ngay!

Có cây súng ta vững thêm cánh tay, núi rừng ta lập công ngày ngày

Khi quân xâm lăng tới (hây), dân quân ta không tha vào nhiều ta càng bắn

Một, hai, ba, cho chúng rơi rơi nhiều nhiều...

2. Con gái trắng nõn những búp tay em có dám bắn máy bay?

Bắn ngay!

Nếu không bắn quân Mỹ hung ác ngay bom giặc gieo vào nương ruộng này

Dân quân ta không khoanh tay

Châu Yên ta xưa nay vừa làm nương vừa bắn máy bay Mỹ rơi

Tây Bắc ta mừng vui...

Chiến thắng....”

Lạ thay, nói về chiến đấu, về máy bay, bom đạn, nhưng chúng ta không lên gân căng cứng, mà hát một cách thanh thoát, dí dỏm, đầy tinh thần lạc quan.

Một lần tới công tác ở bản Thẳm, tôi được lên Hạn Khuống với một cô gái Thái. Đó là một đêm trăng sáng lạ kỳ, núi rừng được phủ một màu vàng của trăng, trở nên lóng lánh, óng mượt. Khi tôi ngồi chơi với mấy em nhỏ trong bản và dạy chúng hát xong, vừa đứng lên, thì nghe tiếng một cô gái Thái nhẹ như làn gió thoảng: “Cán bộ ơi, mưa hạn khuông ỉn cón” (Cán bộ ơi, lên sàn sân chơi một chút). Đánh bạo, tôi bước lên theo chiếc cầu thang gỗ có 5 bậc. Cô gái ngồi ở đầu sàn, nơi có ánh trăng rọi vào nghiêng nghiêng, đủ cho tôi thấy một khuôn mặt trái xoan xinh xinh và đôi mắt sáng lấp lánh. Cô gái ngồi nhích sang, mời tôi ngồi trên một chiếc ghế thấp làm bằng mây. Đây là một đặc ân đối với tôi, bởi theo phong tục, các chàng trai muốn lên sàn phải hát xin lên, muốn ngồi phải hát xin ghế ngồi… Tôi được cô gái chủ động mời lên, đã thế, lại hát cho nghe một đoạn trong Sống trụ xon xao (Tiễn dặn người yêu):

“Chuyện nối chuyện mau qua

Đêm tiếp đêm mặn mà

Đôi ta ngồi khuống tận khi gà gáy

Đeo mộng về nhà lúc xế vừng trăng

Mưa không rơi đừng nỡ để sàn buồn

Trời không buồn đừng nỡ bỏ sàn hiu quạnh anh ơi!” 

         Tiếc rằng, tôi chỉ chuyện trò được bằng tiếng Thái, chứ chưa đủ trình độ hát đối đáp. Dường như thông cảm với cán bộ, cô gái kể cho tôi nghe về phong tục Hạn khuống của dân tộc mình. Nhờ câu chuyện của cô, tôi hiểu rằng sinh hoạt hạn khuống là một nét văn hóa đặc sắc của người Thái, diễn ra liên tục từ mùa thu năm trước đến mùa xuân năm sau. Tới đây vui chơi, có đủ thành phần nam nữ, khách chủ, già trẻ. Nội dung sinh hoạt hạn khuống rất phong phú: Các cụ già kể chuyện cổ tích, dạy con cháu lao động, học làm người. Trai gái thì thi tài hát, với các điệu xin thang, xin điếu, xin ghế ngồi, đối đáp về thiên nhiên, lao động, lối sống, tình yêu… Tôi như được lạc vào cõi thiên thai.

Một lần khác, khi dự cuộc họp của Tỉnh đoàn Thanh niên Sơn La, tôi được nghe một điệu dân ca Thái:

“Non nón giờ ơ

Péng khoòng me nón giờ nọi ơi

Po mứng pày kha sấc giạt au mướng bản nọi ơi…”

(Ngủ ngoan

Con nhỏ của mẹ ơi

Cha con đi giết giặc giữ lấy bản mường…)

Lạ kỳ thay, nội dung bài hát nói về tinh thần chiến đấu diệt giặc, nhưng làn điệu dân ca lại mát ngọt như nước suối từ trong nguồn chảy ra, vấn vít, níu kéo, thương yêu, khiến tôi thấy mềm lòng… Để rồi giai điệu ấy theo tôi suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, tới tận năm 2004, trào dâng lên trong tâm hồn thành ca khúc  Giấc mơ  mang âm hưởng dân ca Thái:

“Non nón giờ ơ

Péng khoòng me, nón giờ nọi ơi

Con hãy ngủ ngoan, hỡi mầm măng bé bỏng của mẹ

Non nước bình yên, bé ngủ ngoan ớ ơ ờ mẹ ru…

Chăn ấm đệm êm, ru con cùng lòng mẹ

Rừng cũng cất lời hát với mẹ, đem đến giấc nồng, hời ru…”

Ở với núi rừng, tôi được một đặc ân là chuyến đi công tác với một thiếu nữ Thái khỏe khoắn, xinh đẹp. Thực ra, chuyến đi này có ba người, gồm tôi, một anh cán bộ địa phương và cô gái Thái, cán bộ phụ nữ huyện Sông Mã. Anh cán bộ luôn đi vượt lên phía trước, cho nên chỉ có hai chúng tôi đi bên nhau. Cô gái yêu ca hát lạ kỳ. Hát các điệu dân ca Thái. Hát cả những bài hát mới. Sức trẻ hừng hực trong cô chuyển thành lời ca cao vút, bay vượt lên khỏi các tán lá rừng cây, tỏa rộng trên bầu trời Tây Bắc xanh thăm thẳm. Tiếng hát của cô gái có tên Cầm Thị Mai ấy truyền cho tôi một sức mạnh lạ kỳ, khiến cho tôi trèo đèo, lội suối cả ngày không biết mệt. Xế chiều, tới bên một con suối nước chảy róc rách, bất ngờ Cầm Thị Mai dừng lại, thả gùi xuống, rủ tôi: “Ắp nậm, cán bộ ơi, ắp nậm!” (Tắm, cán bộ ơi, tắm!). Mai cởi chiếc khăn piêu trên đầu, cởi áo đặt vào gùi, kéo phần trên của váy lên ngang ngực, rồi lội xuống dòng nước trong veo. Đôi gót của Mai đỏ như son, lung la lung linh trong làn nước xao động.  Mai cất lên tiếng hát mời chào theo làn điệu Thái nhưng lời bằng tiếng Kinh:

“Anh ơi, suối trong, suối mát

Anh hãy xuống cùng em, suối mời suối hát

Ta cùng tắm với nhau một dòng suối ngọt ngào

Suối nước rì rào

Mời anh xuống tắm…”

Tôi cũng cởi ba lô, ngồi xuống một tảng đá dưới gốc cây cách bờ suối một đoạn. Nhưng chẳng hiểu vì sao, tôi không bước nổi chân xuống suối. Dường như không để ý đến nỗi e dè của tôi, Mai vừa cười khúc khích vừa bước tiếp ra chỗ nước sâu. Lội tới đâu, cô vén váy ngược lên đến đấy, cuối cùng cuốn thành một búi trên đầu, để rồi một thân hình nõn nà phô ra, phập phồng trong làn nước chảy lao xao. Tôi cảm thấy cơ thể Mai làm cho suối nước bỗng nóng lên, tỏa cả hơi ấm tới tôi. Giọng hát Mai vẫn cứ cất cao, lúc này là một khúc hát trữ tình về đôi lứa yêu nhau mà không lấy được nhau, dù phải chia lìa, họ vẫn mong ngày kết sum họp. Giọng hát ấy, làn da ấy, cơ thể ấy và dòng suối ấy cuốn hồn tôi vào cõi mơ mơ thực thực, và theo tôi đằng đẵng tháng năm, để rồi một ngày trào dâng trong tôi thành một bài hát tình tứ thắm thiết: Sao anh lại nhìn em? :

“Ơ! Chàng trai ơi!

Sao anh lại nhìn em tắm?

Dưới trời xanh bát ngát, giữa núi rừng mênh mông

Sao anh lại nhìn em?

Sao anh chỉ nhìn em!

 

Anh có thấy non cao

Có thấy dòng sông dài

Thấy ruộng nương vàng lúa

Thấy nước chảy trong veo?

 

Non cao là công cha

Sông dài là tình mẹ

Đồi nương là tình quê hương

Suối nước trong chính là em thơ ngây…

 

Tình cha và tình mẹ

Tình quê hương thắm thiết

Đã cho em làn da trắng ngần

Đã cho em cuộc đời trắng trong...

 

Anh nhìn xem trên cành cao chú chim vàng nhảy nhót vui hót

Anh nhìn xem dưới làn nước trong vắt đàn cá lội tung tăng

Anh nhìn xem trên trời cao làn gió lùa mây lướt nhanh

Đẹp như thế mà sao anh cứ mải nhìn em thôi...

 

Chàng trai ơi!

Nếu anh cũng yêu núi rừng

Nếu anh nhớ công cha nghĩa mẹ

Thì xuống đây... ta tắm chung một dòng suối mát

Nào xuống đây... ta tắm chung một dòng suối trong…”

 

Bây giờ, không biết Mai đang ở đâu, tôi vẫn mong chúng tôi được trở về cái thời thanh xuân ấy, để Mai được nghe bài hát của tôi ngày hôm nay, bài hát được hoài thai từ giọng hát ngọt ngào và tràn đầy sinh lực của Mai ngày ấy. Có lẽ, tôi cũng sẽ ào xuống dòng suối trong lành kia cùng Mai… (Cũng cần nói thêm là nhà thơ Mạc Văn Ùi có bài thơ rất hay Nhìn em tắm. Tôi đã đọc bài thơ này từ lâu và có một phần cảm hứng từ bài thơ này để viết ca khúc Sao anh lại nhìn em. Tuy nhiên nội dung ca khúc không liên quan gì đến nội dung bài thơ).

Vào mùa xuân năm 1968, cuộc tấn công và nổi dậy của quân và dân miền Nam tạo nên thế mới cho lực lượng cách mạng. Chiến trường cần hậu phương chi viện thêm nhân tài vật lực. Tôi viết đơn tình nguyện làm phóng viên chiến trường, và thế là tôi đi B, đóng lại một trang sống dạt dào sinh lực, mở ra trang đời mới đầy cam go, ác liệt, nhưng, giai điệu Tổ quốc không lúc nào dứt trong tâm hồn tôi, với những sắc thái mới…

(Còn nữa)

 

Bạn đang đọc bài viết "Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 6)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn