Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 9)

Phạm Việt Long

23/08/2022 14:42

Theo dõi trên

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1968, chúng tôi rời khỏi ô tô, bắt đầu cuộc hành quân bằng đôi chân trai trẻ, để vượt dãy Trường Sơn, vào chiến trường. Bao nhiêu nỗi gian lao, vất vả, nguy hiểm, tôi đã ghi lại trong tác phẩm “Bê trọc”, NXB Thanh Niên, NXB Văn học, 1999. Trong cuốn sách này, tôi kể lại một số câu chuyện gắn liền với giai điệu của Tổ quốc của thời hào hùng “Tiếng hát át tiếng bom”.

bia-ngan-vang-mai-giai-dieu-to-quoc-1660572196.jpg
 

 

Phải nói rằng, hành quân vượt Trường Sơn là một thử thách lớn đối với chúng tôi. Đúng là “Suối sâu, đèo cao, bao khó khăn vượt qua”. Ba lô nặng trĩu trên vai, chúng tôi không còn hơi để hát. May thay, âm nhạc vẫn cứ theo sát chúng tôi, tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi. Thời ấy, Đài Tiếng nói Việt Nam liên tục phát các chương trình ca nhạc. Tôi nhớ rất rõ, là mỗi chương trình kéo dài chừng gần một tiếng đồng hồ, nghỉ mấy phút, lại sang chương trình khác, suốt ngày đêm. Chỉ có các bài hát, không một lời giới thiệu hay tin tức chen vào. Chúng tôi đặt tên cho các chương trình ca nhạc đó là CA NHẠC HÀNH QUÂN. Hầu như tất cả các bài hát về tình yêu đất nước, chiến đấu, hy sinh, chiến thắng quân xâm lược của các nhạc sĩ sáng tác thời đó đều được phát trong các chương trình CA NHẠC HÀNH QUÂN này, trở thành bạn đồng hành thân thiết động viên chúng tôi tiến bước.

Một buổi tối, chúng tôi nghỉ lại tại một trạm giao liên. Hồi đó, mỗi trạm giao liên cách nhau khoảng ngót một ngày đi bộ. Trạm có một số căn nhà lá dành cho cán bộ, chiến sĩ của trạm và một số “khách” (tên gọi những cán bộ, chiến sĩ hành quân theo sự dẫn đường của giao liên), còn lại có một bãi khách lớn dành cho những người khách bình thường. Chúng tôi dăng tăng, mắc võng rồi nấu cơm. Ăn uống xong, đã tối mịt. Nằm đung đưa trên võng, chuyện trò một lúc, chúng tôi lại bật đài, nghe CA NHẠC HÀNH QUÂN. Trong cái âm u và hơi lành lạnh của rừng núi, tiếng hát vang lên từ chiếc đài bán dẫn nghe sao mà nồng ấm. Bỗng, tôi thấy một bóng người nhỏ bé bước tới. Vượng vặn nhỏ đài, hỏi: “Ai đấy?” Bóng người nhỏ bé đáp: “Em, bộ đội”. Tôi bật đèn pin, chiếu chênh chếch về phía tiếng nói, nhận ra một chàng bộ đội mặt non choẹt, gầy gò. Với giọng nói yếu ớt, chú bộ đội trẻ năn nỉ: “Mở đài to lên các anh ơi, cho em nghe ca nhạc với”. Tôi bảo: “Cậu chuyển võng tới đây nghỉ với bọn mình, nghe ca nhạc cả đêm…” Chú bộ đội quay đi một lúc đã quay lại với chiếc ba lô trên lưng và chiếc võng trong tay. Chú bảo rằng, do bị sốt, chú bị tụt lại, đơn vị đi trước rồi. Chú mắc võng gần chỗ Vượng. Đến lúc đài phát bài hát Hà Tây quê lụa  của Nhật Lai qua giọng hát Quốc Hương, chú bộ đội reo lên khe khẽ: “Hà Tây, quê em đấy!”. Biết ý, Vượng mở đài to hơn một chút để nghe bài hát rõ hơn:

“Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh

Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa

Sữa trắng Ba Vì, thóc vàng khu Cháy

Hồn thơ Nguyễn Trãi dệt thành vần.

 

Sông Tích sông Đà giăng lụa mênh mông

Đan Phượng ơi quê hương người gái đảm

Đồng hợp tác xanh tươi cấy dày thẳng tắp

Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc.

 

Hà Tây... Cửa ngõ thủ đô

Áo giáp chở che ngàn năm bền vững

Ngăn bầy giặc Mỹ vẩn đục bầu trời

Hà Tây... Vọng gác thủ đô

Cô gái Suối Hai chàng trai Cầu Giẽ

Giữ lấy màu xanh biếc cho tấm lụa thanh thiên

Hà Tây...”

“Tác phẩm này được sáng tác năm 1965. Đó là thời điểm máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc. Từ thực tế những cánh đồng lúa bị bom đạn cày phá, cộng thêm trải nghiệm, Nhật Lai đã sáng tác ra ca khúc này. Giai điệu của bài hát mềm mại, êm ái. Đó cũng là năm thành lập tỉnh Hà Tây.

Ca khúc này được đặt làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tây và được coi là "tỉnh ca" không chính thức.” (Theo wikipedia.org).

Bài hát kết thúc cũng là lúc chiếc võng của chú bộ đội rung lên từng đợt. Tôi nghĩ “Chú chàng này nhạy cảm thật, nghe bài hát về quê mình mà khóc rung cả võng”. Nhưng, thực ra, tôi đã nhầm. Bởi vì, sáng dậy, tôi thấy võng của chú bộ đội im phăng phắc. Gọi mãi không thấy trả lời, tôi mở bọc võng thì thấy chú đã lạnh ngắt. Hóa ra, đêm hôm qua, chú bị sốt rét ác tính! Võng rung lên từng đợt là theo cơn sốt giật từng hồi. Tôi tự nghĩ cho lòng mình thanh thản trước sự ra đi lặng lẽ của một đồng đội quá non trẻ: Rất may, bạn ra đi trong tiếng hát ngọt ngào về quê hương của mình.

Ngày qua ngày, chúng tôi vượt Trường Sơn, có chương trình CA NHẠC HÀNH QUÂN là bạn đồng hành thân thiết. Bài hát  Chiếc gậy Trường Sơn qua giọng hát Mạnh Hà hầu như ngày nào cũng tạo lực đẩy giúp chúng tôi leo núi mạnh hơn:

“1. Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân

Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn

Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi

Luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui.

Gậy trong tay mồ hôi đã bóng

Màu gỗ quê hương mang cả mối tình dân

Như nhắn nhủ những ai lên đường (mà) lời hứa với bao người thân.

Trường Sơn ơi... Nơi núi mờ xa mà ta chưa qua

Có suối reo có gió ngàn cây, có dốc cao vực sâu mất lối

Mây trắng quyện dưới chân bước bồi hồi

Có nắng lửa đốt thiêu vách núi... (ớ ơ…).

Trường Sơn ơi... Ta đến bên Người với gậy quê hương

Trường Sơn ơi ta đã lên đường

Khi lửa tiền phương đang nhắc ta dấn bước đường xa

Khi thù giặc cướp nước cháy bỏng trong lòng ta.

2. Thanh niên quê tôi luyện sức thật dẻo dai

Hành quân đêm ngày cùng súng đạn nặng vai

Người thân yêu trao gậy Trường Sơn khi lên đường

Càng sôi trong lòng bao truyền thống quê hương.

Đạn bom quân thù đang vấy máu

Gương sáng trung kiên bao liệt sĩ còn đây

Như nhắn nhủ những ai lên đường (mà) lời hứa sắt son đừng phai.

Trường Sơn ơi... Cho dẫu hiểm nguy bền tâm vững chí

Trong bước đi nghe tiếng đồng quê

Nghe gió reo bờ tre gốc lúa, nghe tiếng người mến thương vẫn dặn dò

Giữ vững truyền thống của đất nước... (ớ ơ...).

Trường Sơn ơi... Ta đến bên Người với gậy quê hương

Trường Sơn ơi, chan chứa bao tình

Cho gậy mòn dốc núi vẫn luôn giữ vững tấm lòng son

Sức trẻ đi cứu nước vững vàng hơn dãy Trường Sơn.”

Bài hát này phản ánh chân thực và sinh động lớp thanh niên chúng tôi lúc đó bởi nó được lấy cảm hứng từ xã Hòa Xá, nơi có phong trào tòng quân rầm rộ và thanh niên coi chiếc gậy Trường Sơn, một vật kỷ niệm từ một chiến sĩ Giải phóng gửi về Hòa Xá, là biểu tượng cho tinh thần tòng quân cứu nước, không ngại gian lao của thanh niên thời đó.

Trường Sơn thử thách chúng tôi, cho chúng tôi trải nghiệm và hiểu rõ thế nào là “núi cao”, “đèo sâu”, và chúng tôi luôn luôn “vượt qua” như lớp lớp cha anh được phản ánh trong bài hát “Qua miền Tây Bắc”. Nhưng, Trường Sơn cũng có những nơi đẹp đến nao lòng, những nơi gió mát lồng lộng đưa hồn chúng tôi bay bổng lên trời xanh. Và chúng tôi nghe như nuốt lấy những bài hát nói về Trường Sơn với tinh thần lãng mạn như thế. Đây là Bài ca Trường Sơn  của Trần Chung do nghệ sĩ Quốc Hương trình bày: 

“Trường Sơn ơi!

Trên đường ta qua không một dấu chân người

Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác.

Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát

Ngắt một đóa hoa rừng gài lên mũ ta đi.

 

Trường Sơn ơi, Trường Sơn ơi

Đèo vút cao vượt qua mây gió

Đạp đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân

Đi ta đi những trai làng Phù Đổng

Còn gì vui hơn đường ra trận mùa Xuân

Ôi có những vì sao thức cùng ta đêm nay.

 

Như mắt em sáng lên muôn niềm tin

Ta nhớ má Năm Căn, ta thương em Cửa Việt

Mười bốn năm rồi giấc ngủ chưa tròn

Cả miền Nam đang gọi chúng ta đi.

 

Trường Sơn ơi, Trường Sơn ơi...

Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió

Trời vắng trăng sao nhưng tim ta rực lửa

Đi ta đi tung cánh đại bàng

Vang khúc nhạc hùng giải phóng miền Nam

Giải phóng miền Nam.”

Ca từ có những chỗ biến hóa đi một chút, thăng hoa khỏi thực tế, nhưng không phải là sự bịa đặt, như “không một dấu chân người”, có thể là giai đoạn mới mở đường thôi, còn bây giờ đã có hàng ngàn vạn dấu chân cùng hướng về phương Nam. Nhưng đúng là có lúc chúng tôi sững người bởi nhìn thấy một chú nai vàng “giương đôi tai ngơ ngác”, hoặc gặp chú chim công với bộ cánh lộng lẫy bay vụt lên. Đặc biệt, là chúng tôi luôn luôn được “nghe suối hát”, được “ngắt một đóa hoa rừng”, để “vượt vách đá tai mèo” theo tinh thần của những “trai làng Phù Đổng”. Lúc ấy, tâm hồn chúng tôi phơi phới, chúng tôi thăng hoa cùng câu hát “còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân”! Nghe hát, nhìn cảnh sắc Trường Sơn, lòng chúng tôi càng dào dạt tình yêu quê hương, đất nước và yêu cả những “bà má Năm Căn”, những “em Cửa Việt” của miền Nam đau thương và anh dũng. Chúng tôi lại thêm lạc quan khi nghe bài hát Trên đỉnh Trường Sơn ta hát của Huy Du:

“1. Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca

Gửi tới quê nhà bao la biển xanh sóng vỗ hiền hòa

Đường Trường Sơn bát ngát có bao nhiêu ghềnh thác

Hòa theo trong tiếng hát đem mùa xuân tới cho cuộc đời.

 

Này Trường Sơn ơi!

Ta đi trong gió. Ta đi trong mưa

Từng ngày từng tháng là từng bài ca

Tiếng hát cùng ta vượt qua gian khổ...

 

Ta băng qua suối! Ta băng qua khe

Từng đồi từng núi là từng bài thơ

Thắm tươi trang sử mới

Dù bom rơi đất xới bước chân luôn thẳng tới

Vì ta yêu lẽ sống! Yêu tự do! Yêu cuộc đời!

 

2. Trên đỉnh Trường Sơn ta hát bài ca

Đất nước chan hòa mênh mông rừng xanh chiến lũy điệp trùng

Đường Trường Sơn ta qua trái tim sao rộn rã

Hành quân đi lớp lớp như dòng sông nước chảy dạt dào.

 

Này Trường Sơn ơi!

Ta đi trong gió, ta đi trong mưa

Từng ngày từng tháng là từng bài ca

Tiếng hát cùng ta vượt qua gian khổ ...

 

Ta băng qua suối! Ta băng qua khe

Từng đồi từng núi là từng bài thơ

Thắm tươi trang sử mới

Trường Sơn bao dốc núi gót chân in mòn lối

Lửa Trường Sơn chiếu sáng cho tình ta trên đường dài.

 

Này Trường Sơn ơi! Trường Sơn ơi!

Khúc hát từ trái tim xôn xao đồi núi cao

Chắp cánh cùng ánh sao mang theo lòng khát khao

Nhìn về tương lai đang bừng sáng

Ta hát khúc hát tự hào

Gửi về quê hương thân yêu.”

Với giọng hát cao, vang và mượt, đầy truyền cảm, nghệ sĩ Hoài Thu đã khiến chúng tôi được hành quân trên một Trường Sơn mới lạ, một Trường Sơn được dựng lên bằng làn sóng âm thanh, cũng đầy thử thách, nhưng tràn đầy lạc quan, phơi phới nhìn về tương lai bừng sáng. Đoạn miêu tả bước chân hành quân sao mà tài tình, tiết tấu của bài hát được nghệ sĩ Hoài Thu xử lý tinh tế, khiến chúng tôi rưng rưng cảm động vì chính những đoạn đường hành quân gập ghềnh, khúc khuỷu đã được diễn tả qua các cách ngắt đoạn và nhấn nhá cực kỳ sinh động “Ta đi trong gió/ Ta đi trong mưa/Từng ngày từng tháng/ là từng bài ca”... Đặc biệt, một câu ca bình dị, nhưng lại thẳm sâu ý nghĩa về giá trị của âm nhạc đối với những người vượt Trường Sơn như chúng tôi: “Tiếng hát cùng ta vượt qua gian khổ”. Đúng như vậy, ngày nào chúng tôi cũng trèo đèo lội suối, đổ mồ hôi, đau nhức mình mẩy. Và ngày nào, tiếng hát cũng cùng chúng tôi hành quân! Tiếng hát còn nói hộ chúng tôi niềm thương nhớ gia đình, quê hương, nhớ đến quặn thắt nhưng không bi lụy, mà đầy tự hào, bởi, như lời bài hát khẳng định “Khúc hát từ trái tim/xôn xao đồi núi cao/Chắp cánh cùng ánh sao/mang theo lòng khát khao/Nhìn về tương lai đang bừng sáng/Ta hát khúc hát tự hào/Gửi về quê hương thân yêu.”

Suốt thời gian hành quân dọc Trường Sơn, chúng tôi có những đồng chí giao liên dẫn đường. Đó là những chiến sĩ chuyên làm nhiệm vụ dẫn các đoàn quân (được gọi là đoàn khách) vượt qua núi qua sông để về đích. Bình thường, đã hết sức mệt nhọc, vì ngày nào cũng phải trèo đèo, lội suối, băng rừng. Còn khi gặp chiến sự, gặp địch phục kích... các chiến sĩ ấy phải đi lên trước thăm dò, có khi phải hi sinh thân mình bảo vệ đoàn “khách”. Từ thực tế này, nhạc sĩ Vũ Trọng Hối đã dùng âm nhạc để tạc nên bức tượng chân thực, vô giá về các chiến sĩ giao liên, qua bài hát  Dường tôi đi dài theo đất nước:

“Đời giao liên bước tôi đi dài theo theo đất nước,

Đường tôi đi núi chênh vênh, có mây bay dưới chân giăng thành.

Đời tôi như những con thoi, dệt tình yêu quê hương thống nhất.

Đời tôi như cánh chim bay, cánh chim bay suốt dãy Trường Sơn.

1.  Ôi non xanh nước biếc, luôn luôn dìu chân tôi bước tiếp.

Nghĩ cũng lắm gian nguy song khi mà quê hương rớm máu.

Dẫu thác lũ băng băng, dẫu bão lũ giông rừng.

Dù đường trơn, trời nghiêng hề chi,

Đường Trường Sơn từng quen nhịp đi,

Những bước chân coi khinh gian nguy.

 

Dẫu nắng khét đôi vai, dẫu giá buốt chân tay.

Gùi nặng vai đường khuya vực sâu,

Ngày ngày qua đường mây đèo cao,

Vẫn vui cùng Trường Sơn mấy thương yêu.

2. Ôi non xanh nước biếc luôn luôn dìu chân tôi bước tiếp.

Nghĩ cũng lắm gian nan, xung quanh đạn bom rơi chắn lối.

Đất nước vẫn bên tôi, rẽ nối vết chân ai.

Đường Trường Sơn thuộc như bàn tay,

Từng bờ khe, cầu treo ngọn cây,

Những bước đi, đi theo tương lai.

Đất nước vẫn bên tôi, suối róc rách trăng soi.

Đường hiện ra gần theo tầm mây,

Cảnh đẹp như giục tâm hồn tôi,

Đất anh hùng Trường Sơn mấy thương yêu....”

Không cần nói gì thêm, bởi từng chữ từng câu trong bài hát đã khắc họa chân thực, tài tình mọi chiều cạnh của cuộc sống người chiến sĩ giao liên, cũng là cuộc sống của những người vượt Trường Sơn như chúng tôi, ở đó có khó khăn, thử thách, có thương yêu, có tình thần phấn đấu vươn lên, và bao trùm là có lý tưởng sống đúng đắn, luôn tin vào ngày chiến thắng.

Sau này, tôi được biết, để có bài hát hay như vậy, Vũ Trọng Hối đã phải trải qua quá trình thâm nhập thực tế, “mạng nặng đẻ đau”. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha viết trên cand.com như sau:

“Vũ Trọng Hối đã xốc balô lên vai ở tuổi 40, đã có vợ và hai con, đã 20 tuổi quân, để lại chịu đựng như một người lính mới khi ròng rã vượt qua đèo dốc Trường Sơn với ước vọng tìm ra giai điệu hào sảng “kiểu Vũ Trọng Hối” cho con đường kỳ tích này.

Xuất phát ngày 18/12/1965, gần một tháng sau, 15/1/1966, Vũ Trọng Hối mới tới điểm đầu mối của trục giao liên Bắc - Nam. Ở đấy, ấn tượng về cuộc sống đàng hoàng của người giao liên Trường Sơn, nhất là ấn tượng tiếng cười thiếu nữ “thức tỉnh rừng xanh” đã gợi cho Vũ Trọng Hối âm hình chủ đạo về một bài hát Trường Sơn. Đầu xuân 1966, bài hát “Đường tôi đi dài theo đất nước” đã ra đời. Nửa năm tiếp theo ở Trường Sơn là nửa năm Vũ Trọng Hối tự chứng nghiệm sức sống tác phẩm này trước những thính giả mà bài hát là viết về họ, dành cho họ. Bằng nét nhạc mở đầu như cánh chim vút bay và liệng chao giữa trời, tác giả đã tìm được lời tự sự giản dị và tha thiết:

Đời giao liên bước tôi đi dài theo, theo đất nước

Đường tôi đi núi chênh vênh, có mây bay dưới chân giăng thành

Đời tôi như những con thoi dệt tình yêu quê hương thống nhất

Đời tôi như cánh chim bay, cánh chim bay suốt dãy Trường Sơn…

Khi trở về Hà Nội, qua giọng hát Minh Nguyệt, bài hát “Đường tôi đi dài theo đất nước” của Vũ Trọng Hối đã được tung lên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và đã bay cao, bay xa trong mọi người. Được ấn định bằng giọng vàng Bích Liên, “Đường tôi đi dài theo đất nước” đã trở thành bài hát thành công nhất trong top ten “Những bài hát Trường Sơn.

Cũng những ngày đèo dốc Trường Sơn, Vũ Trọng Hối muốn viết một bản hành khúc về cả một thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Trong nhật ký, ông từng tâm sự: “Hãy làm một bài hát ca ngợi người chiến sĩ Trường Sơn kiêu hãnh, lớn sừng sững như khí thế đi lên của dân tộc”. Thế là lại nung nấu. Thế là lại nghiền ngẫm. Thế là “lại đi, lại đi trời xanh thêm”. Cho tới cuối tháng 4/1966, nét nhạc mới hình thành. Lần đầu tiên, Vũ Trọng Hối hát hành khúc này cho họa sĩ Phạm Việt nghe giữa rừng và được họa sĩ tán thưởng. Song phải đến khi gặp Tào Mạt (khi ấy lấy bí danh Nguyễn Đăng Thục) thì bản hành khúc mới có lời ca xứng với giai điệu.

Cũng trong nhật ký, ông đã ghi: “Sáng nay qua, Thục phác thảo cho xong lời bài hát “Chiến sĩ Trường Sơn”, mình có thu vén lại làm thêm đôi chút và tương đối hoàn chỉnh về lời. Thật ra mà nói, bài này đúng là qua một quá trình thâm nhập, tìm hiểu, suy nghĩ mới đẻ ra được nó. Tự mình thấy nó khá xinh xắn. Về tính tư tưởng mà nói, nó đạt được mặt thiết tha, tươi sáng. Bản thân mình cũng không muốn nó ồn ào làm chi. Cái vĩ đại không phải ở đâu ra mà ở chỗ giản dị, chịu đựng, lạc quan”. Bản hành khúc Bước chân trên dải Trường Sơn đúng là bản hành khúc “Xẻ dọc Trường Sơn”, là bản quân ca của người lính Trường Sơn vô danh và lớn lao:

“Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn

Đá mòn mà đôi gót không mòn.

Ta đi nhằm phương Nam gió ngàn đưa chân ta về quê hương

Quân về trong gió đang dâng triều lên

Máu thấm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình.

***

Xưa Trường Sơn rừng vắng, núi mù sương

Theo Đảng mạnh chân bước lên đường.

Trên con đường ta đi lũ trào, thác xối, muỗi rừng, vắt núi

Ôi miền Nam đó dang tay gọi tới

Núi vút thành vách đứng nắng hè khét đá, rừng khuya mất lối

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình.

* * *

Ta là con của núi non Trường Sơn

Nối mạch tình quê giữa hương ngàn

Ôi núi rừng che ta, núi rừng bao vây quân thù bốn phía

Con đường Nam - Bắc thiêng liêng tình nghĩa

Nơi chân trời đang dâng sắc hồng đang lan, lòng ta như nắng

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình.

* * * *

Con đường đi lửa máu theo từng giây

Chuyến hàng vào Nam nghĩa thêm đầy

Mỗi thước đường vươn xa chuyến hàng ta vô góp phần chiến thắng

Tấm lòng miền Bắc đang trông chờ ta

Tiến dưới cờ chiến thắng quyết giành thống nhất đời cao tiếng hát

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim ta...”

Chiếc đài bán dẫn đeo chéo vai Vượng thường xuyên vang lên bài hát “Bước chân trên dải Trường Sơn” từ chương trình CA NHẠC HÀNH QUÂN của Đài tiếng nói Việt Nam. Có ngày, chúng tôi vừa thở phì phò vừa leo dốc mà tai vẫn lắng nghe bài hát ấy động viên mình. Có ngày, gặp đường bằng, đi thảnh thơi, chúng tôi cao hứng hát theo. Thú nhất là hát câu “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”, bởi nó chính là lời của trái tim những người trai trẻ yêu nước, tự nguyện vượt Trường Sơn vào nơi gian khổ, ác liệt, dám hi sinh vì nghĩa lớn.

Vào ngày 5 tháng 6 năm 1968, chúng tôi hành quân sang đất bạn Lào. Thời gian này, là mùa mưa. Chúng tôi phải hành quân dưới trời mưa tầm tã, có lúc xối xả. Chúng tôi gặp đồng bào người Lào Thưng, có nước da đen giống người Xá ở vùng Tây Bắc nước ta. Bà con ở đây nói tiếng Lào, giống tiếng Thái nên tôi giao lưu với họ rất thoải mái. Người dân phải sơ tán về vùng núi này, vì bị máy bay Mỹ oanh tạc bản cũ. Những bà mẹ, cô gái đem cho chúng tôi sắn, ngô, rau rừng với thái độ rất thân thiết. Tôi nhớ tới bài hát  Cô gái Sầm Nưa của Trần Tiến mà tôi rất thích, từng nghe rất nhiều khi đang công tác tại Sơn La:

“1. Ồ lê ê...

Này cô gái trên nương ơi

Chịu khó nuôi chiến sĩ người diệt thù vì dân (ơ) chưa về.

Ồ lê ê....

Rồi mai đây đất nước vắng bóng thù

Đợi chờ anh lại về bên em người đẹp ơi (ời).

(ĐK)

Ơi này cô gái, ơi này cô gái Lào

Mình anh hát, mình anh Lăm-tơi

Múa một mình sao nó không đẹp, không đẹp, không đẹp, không đẹp

Em hỡi em ra đây cùng điệu Lăm-tơi, khèn anh ngân vang

Trông kìa đôi tay mềm thân uốn cong Lăm-vông nhịp nhàng

Nhịp nhàng, nhịp nhàng, nhịp nhàng

Anh đã nhìn thấy em cười tươi, anh đã nhìn thấy em cười rồi

Ơi nụ cười sao duyên dáng

Lá na na nuôn nà, lá na na nuôn nà

Ơi cô em Sầm Nưa, nhớ thương anh đợi chờ

Ơi cô em Sầm Nưa, nhớ thương anh đợi chờ.

(KẾT) Đợi anh em nhé người đẹp ơi anh về.

2. Ồ lê ê...

Này cô gái trên nương ơi

Chiều đã buông kín núi mà sao em chưa về.

Ồ lê ê....

Ngày mai đây anh đi chiến đấu về

Lại cùng em Lăm-vông vui hát người đẹp ơi (ời) (vào ĐK)”.

Sẵn có tình cảm tốt đẹp với nhân vật cô gái Lào trong bài hát, tiếp xúc với những người phụ nữ Lào trên đỉnh Trường Sơn này, tôi càng thấy nồng ấm tình hữu nghị Việt Lào. Mối quan hệ tốt đẹp ấy đã tạo nên cảm hứng và chất liệu cho nhiều sáng tác văn học nghệ thuật, trong đó có sáng tác ca khúc, mà tôi sẽ nói đến ở phần sau.

***

Đi trên đất bạn Lào đúng 36 ngày thì chúng tôi vượt lại đỉnh Trường Sơn để trở lại Tổ quốc. Kong Tum đây rồi. Tây nguyên đây rồi. Không còn là những hình ảnh mà chúng tôi mường tượng qua các ca khúc viết về Tây nguyên nữa, mà đất rừng, cây cối, con người Tây nguyên đã hiện hữu cùng chúng tôi. Tới một vùng đồng bào đang làm rẫy, tôi thấy bầu trời như rộng thêm ra, sáng thêm ra, không khí nhẹ nhõm, thơm mùi ngô lúa.

Nghỉ giải lao trên một đỉnh dốc, tôi phanh áo, vươn mình, hít căng lồng ngực làn không khí phóng khoáng của Tây Nguyên. Trong tôi vang lên bài hát Chim Poong Kle của Nhật Lai, qua giọng hát nghệ sĩ Kim Nhớ:

“Chim ơi! Nhìn theo đôi cánh poong kle.

Chim của ta ơi!

Chiều êm nghe tiếng bâng khuâng trong lòng bao giờ

Lặng đưa lời hát buông trôi.

Dòng Xê - Băng - Hiêng lững hờ ơ ơ ơ ơ

Chan chứa bao nhiêu tình và bao nguồn mơ

 

Hỡi cánh chim poong kle trong sớm mai lộng gió ngàn

Ta muốn nói với ai mà sao lòng ngại với lòng

Gửi lời về với tiếng gió sớm, hòa cùng lòng với cánh chim non,

Con nước Xê-Băng- Hiêng dạt dào

Mà ai đứng im bên dòng sông vững tay súng biên thùy rừng núi.

Hỡi cánh chim Poong Kle trong sớm mai lộng gió ngàn...”

Bài hát sao mà tinh tế, nói về người chiến sĩ biên thùy mà không cần miêu tả hình vóc, hành động, chỉ cần dùng giai điệu, ca từ vẽ nên cánh chim chao lượn mạnh mẽ và phóng khoáng, để người nghe tự hình dung về tình cảm thắm thiết của con người với cánh chim, cũng là tình cảm sâu nặng với người chiến sĩ đang bảo vệ biên cương, bảo vệ Tây Nguyên!

Rồi lại đi tiếp. Đường ngắn, đi thoải mái. Nhiều rẫy bắp sắp đến ngày thu hoạch nằm cạnh đường đi. Quanh rẫy, đồng bào cắm những cây nứa lớn được chẻ làm 2, 3, có một sợi dây dài chằng trên các cây đó, trên dây buộc nhiều giẻ rách và đầu dây nối với một guồng nước. Nước chảy rì rào làm cái guồng nhảy lên nhảy xuống, kéo sợi dây khiến những cụm vải đung đưa và những cây nứa bị tẽ ra, dập vào nhau phát lên những tiếng “Crập! Crập” đều nhịp. Đó là loại vật dụng đuổi chim, sóc, không cho chúng phá bắp. Xen vào đó là những tiếng hờ của đồng bào nghe âm u, rờn rợn. Rừng núi Trường Sơn có những âm thanh huyền bí như vậy đó. Có lẽ, đây là chất liệu âm nhạc có nhiều sức gợi cảm, nhưng chưa được nhạc sĩ nào khai thác. Cũng dễ hiểu thôi, cuộc sống bao giờ chẳng phong phú, đa dạng, khó nắm bắt được hết.

(Còn nữa)

Bạn đang đọc bài viết "Ngân vang mãi giai điệu Tổ quốc (phần 9)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn