Nhớ lại tuổi thơ thế hệ chúng tôi những năm sáu mươi đầu bảy mươi. Lúc ấy sách báo rất hiếm, cả trường chỉ có vài ba đầu sách và vài bản báo Thiếu Niên Tiền Phong.
Chúng tôi thường truyền tay nhau đọc ngấu nghiến. Thật may nếu mượn được sách chúng tôi tranh thủ đọc lúc thả trâu trên đồng hoặc là những buổi trưa dưới tán lũy tre xanh, rồi kể lại cho bạn bè nghe. Truyện thì có Truyện cổ Grim, Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, Mặt trời Quê Hương,Kim Đồng, Hoa Xuân Tứ…. Thời ấy sao ai cũng thèm sách đến như vậy? Có lẽ cũng do chưa có phương tiện nghe nhìn phong phú như bây giờ.
Khi bước vào tuổi thanh thiếu niên chúng tôi được đọc Thép đã tôi thế đấy, Ruồi trâu, Không gia đình, Truyện và Tiểu thuyết Cách mạng. Khi vào bộ đội tôi vẫn giữ được thói quen đọc sách. Thứ bảy tôi thường qua Thư viện Lữ đoàn mượn sách để Chủ nhật có cái để đọc.
Bây giờ người đọc càng ít đi, chẳng còn thấy hình ảnh đọc sách bên bờ đê những buổi chiều mùa hè gió mát. Chẳng còn đâu cảnh bình luận sôi nổi về một nhân vật trong cuốn sách mà họ vừa đọc
Tôi từng nhớ ai đó đã nói : “ Văn học là tấm gương soi của xã hội. Văn học thời kỳ nào thì nó phản ánh trung thực về đời sống xã hội thời kỳ đó “. Chẳng biết có đúng không?
Tôi cũng từng thấy ngành Giáo dục tổ chức “Cuộc thi tìm hiểu & giới thiệu sách “. Nhưng thực tế là các thí sinh có sẵn cẩm nang, thí sinh chỉ cần học thuộc cẩm nang có sẵn và thêm năng khiếu diễn thuyết thế là được giải. Tôi tin rằng thí sinh ấy chắc gì đã đọc hết cuốn sách đã giới thiệu.Biết bao nhiêu thư viện mở ra chỉ là hình thức, có bao nhiêu người hàng ngày đã bước chân vào thư viện? Giá sách kia thì ngủ im lìm kệ cho bụi thời gian bao phủ
Bây giờ và mãi về sau sẽ chẳng còn Danh hiệu “Con mọt sách “. Một thực trạng buồn và đáng báo động.Khi đọc sách con người ta sẽ nhân hòa hơn, điềm tĩnh hơn trong mọi biến cố của cuộc sống hàng ngày. Sách là bạn của ta vừa là thầy của ta.Nếu không đọc sách, rồi dần dần chúng ta sẽ chỉ là con người robot mà thôi . Bao giờ cho đến ngày xưa chẳng lẽ là sự thật.
Chuyện làng quê