Ngày đông năm ấy chúng tôi đã đến nơi đây

Ngồi sau xe đạp của anh trai, cùng mấy thằng bạn chơi thân với nhau từ nhỏ theo đi tiễn. 8h sáng ngày 21. 12. 1977 tôi có mặt ở sân bóng Xã Đàn, địa điểm tập trung gọi nhập ngũ thanh niên độ tuổi từ 18 đến 20... có mấy trường hợp 21, 22 tuổi.

ngay-dong-nam-ay-1646750006.jpg

Ảnh những người đồng đội ngày ấy

Tất cả đều thuộc các tiểu khu của khu Đống Đa (tiểu khu và khu tên các đơn vị hành chính thời ấy) gồm: Cát Linh, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Nam Đồng, Kim Liên, Vĩnh Hồ, Khương Thượng, Thịnh Quang, Yên Lãng, Thượng Đình( tôi tk Thượng Đình). Hà Nội xưa có 4 khu nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 4 huyện ngoại thành, Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh.

Sân Xã Đàn một sân bóng rộng, xung quanh có nhiều khoảng đất trống, sân nằm kề bên hồ, trời mùa đông gió hiu hiu thổi mặt hồ gợn sóng.... bên kia hồ khu tập thể Trung Tự, nằm ngay cạnh con đường vào làng Kim Liên. 8h30’ người nhà cùng bạn bè đưa tiễn con em mình bắt đầu đến rất đông, ồn ào nhốn nháo... ai cũng tranh thủ dặn dò; ”con đi nhớ giữ gìn sức khoẻ”... ”nhớ gửi thư về em nhé!”... ”bạn ơi đi nhớ “ vv...

Rối rít một hồi chúng tôi cũng ổn định trên xe sau khi cán bộ khu đội lần lượt gọi tên. Đơn vị tiếp nhận là đại đội 1, Trung đoàn 522, Sư 520 thuộc Bộ tư lệnh công binh, chỉ huy đại đội gồm có: anh Lực thiếu uý đại đội trưởng, trung uý Hiếu chính trị viên, thượng sỹ Viên đại phó, trung đội trưởng các B và các tiểu đội trưởng(tiểu đội gọi là A, trung đội gọi là B, đại đội là C), mỗi tiểu đội có 9 người cả A trưởng. Đại đội trực thuộc trung đoàn không có tiểu đoàn.

11h30’ xe chuyển bánh... tất cả lên 3 xe, đi đầu có đại trưởng cùng đi ngồi trên ca bin. Xe chầm chậm qua các phố... người thân cùng bạn bè, có một số đạp xe chạy theo phía sau giơ tay vẫy... rồi cũng khuất xa dần. Phía trước những chặng đường đang chờ, đầy thử thách.

Xe qua cầu Long Biên... rồi cầu Đuống rẽ ngang hướng Cổ Loa, qua huyện Đông Anh tới quốc lộ 3 thẳng tiến đi Thái Nguyên. Khi qua các xã của Đông Anh trên lộ 3, bên đường bí đao lủng lẳng treo những quả bí vỏ xanh phơn phớt mốc từng giàn trong các ruộng.

Vun vút xe tiếp tục lao chạy... đoạn Phù Lỗ- Phổ Yên, bên hướng trái... những đồi cọ của miền trung du, cọ vươn cao xanh mướt xoè lá trông như chiếc ô. Trên xe lúc này mọi người đã nhanh chóng làm quen, những câu chuyện càng thêm sôi nổi, vui nhất cậu Hà( biệt danh Hà sư tử) nhà gần rạp chiếu bóng Đống Đa. Phấn khích cậu ta liên tục hét vang, ngân to lời trong bài “nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn:

“Rừng núi dang tay nối lại biển xa

Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà”

Cậu Tiến phố Nam Đồng nhà trong ngõ gần nhà thờ Thái Hà, bỏ cây ghita đang khoác sau lưng ra đệm “... pập, pập, pập... ” vừa đệm vừa lĩnh xướng hát nối tiếp theo:

“Mặt đất bao la anh em ta về

Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng

Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam...”

Lời ca âm vang... chúng tôi hát, ai không biết lời thì lẩm nhẩm theo, hoặc gõ nhịp vào thành xe phụ hoạ, thật sôi động và khí thế... thời gian như trôi nhanh.

15h30’ đoàn tới thành phố Thái Nguyên, nghỉ chân 30’ tại ngã ba đoạn rẽ đường 37 đi Tuyên Quang. 16h xe chạy tiếp... đường 37 gồ ghề đá dăm, hai bên đường nhà cửa thưa thớt... núi kề núi san sát. Trên núi; mai, vầu dân trồng mọc thành rừng, rệ đường; lau, chít um tùm. Trời chiều chạng vạng, phong cảnh hai bên không còn nhìn rõ... chạy hết quãng đường khoảng hơn 30km, xe dừng lại bên một con dốc: “Dốc Mon”, đứng dưới chân dốc tôi ngước nhìn... trời cuối năm lại là mùa đông, chỉ thấy màn đêm buông trông như màu mực. Theo ánh đèn pin của cán bộ đại đội chúng tôi lần bước về doanh trại, gió núi theo cùng thổi từng cơn lạnh buốt.

Đêm đầu... cũng là ngày đầu tiên đời quân ngũ... 

Đời quân ngũ bắt đầu từ đây

Cùng bạn bè quên luyến thương ngày ấy

Xa người thân xa phố phường Hà Nội

Một ngày đông ta đi với trái tim nồng

nui-dieng-1646758857.jpg
 

5h30’ kẻng báo thức... trở dậy ra ngoài vận động, tập mấy động tác thể dục, ra giếng rửa mặt xong đi dạo xem cảnh vật xung quanh... khí hậu miền núi cao tuy lạnh hơn ở thành phố nhưng thật thoáng đãng... những luồng khí lạnh trong lành đã làm tan những mỏi mệt. Hồi đêm khi tỉnh dậy định thay đổi tư thế cho đỡ mỏi nhưng vướng đôi chân dài của thằng bên cạnh, nó lại ngủ qua say không chịu nhích nên đành phải nằm co theo nó. 

Hôm qua leo (Dốc Mon)... đi bộ vào chừng 1km chúng tôi về tới doanh trại. Doanh trại nằm trên một quả đồi, có mấy dãy nhà: -dãy thứ nhất (nhà chính) nằm dọc dùng làm hội trường kiêm nhà ăn của đơn vị.

- Dãy thứ 2 nằm ngang đầu dãy chính, dùng làm phòng ở cho mấy cô anh nuôi, nhà kho thực phẩm, kho quân khí.

- Dãy thứ 3, cũng nằm ngang đối diện với dãy nhà kho, dùng làm nhà bếp. Ở giữa các dãy nhà là sân chào cờ, xế xuống chân đồi bên khe nước là chuồng trại chăn nuôi của đơn vị, còn bộ đội chia ra lưu trú các nhà dân trong xã, tôi cùng mấy cậu ở Khương Thượng tạm về chung một tiểu đội.

Hôm nay đúng ngày 22. 12... ngày tết quân đội đơn vị cho bộ đội nghỉ, tiểu đội trưởng phân công cậu Lợi kều cùng thằng Thống cá ngão (mấy cậu cùng tiểu khu Khương Thượng thường gọi tên hai thằng như vậy), xuống nhà bếp phụ cùng mấy cậu ở tiểu đội khác, mổ lợn liên hoan toàn đại đội. Còn lại mấy thằng chúng tôi ngồi nói chuyện với anh Chiến chủ nhà, anh kể:

- Tớ cũng đi lính... nhập ngũ năm 1972, tham gia chiến đấu bị thương ở chân. - phục viên về tớ tham gia công tác ở địa phương, được phân công làm xã đội trưởng. Rồi anh giới thiệu:

- Nơi đây là xã Phú Xuyên thuộc huyện Đại Từ, cách ga Quán Triều của Thái Nguyên 33 km, nhân dân trong xã hầu hết là người của huyện Phú Xuyên (Hà Tây) lên khai hoang làm kinh tế mới. Nói chuyện với anh hồi lâu, chúng tôi xin phép đi tham quan quanh vùng.

Ra khỏi cửa, xa xa trước mặt là ngọn núi sừng sững cao nhất vùng có tên “Núi Điệng” chúng tôi quyết định rủ nhau vào chơi và khám phá. Đường vào ngoằn ngoèo men theo bờ suối, nước suối trong xâm xấp chảy từ trong khe núi ra... lòng suối hơi cạn. Tiến sâu vào trong gần chân núi, chúng tôi găp những đồi cây dại, cỏ cây lúp xúp, xen lẫn rất nhiều khóm hoa mua. Cánh hoa tim tím dưới nắng ngày đông dịu nhẹ, màu tím của mua giống màu tím hoa sim làm tôi nhớ đến bài “những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh, phổ thơ Hữu Loan:

Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt

Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai

Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến

Ai hẹn được ngày về...

Đang mê mải... có tiếng ồn ào phía sau, quay lại thấy ckác bạn cũng đang lũ lượt từng toán đi vào, nhập bọn tôi cùng mọi người bám tay vào những mỏm đá leo lên. Đường lên núi đã hình thành lối mòn, có chỗ đi ngang có chỗ lên thẳng ngoằn ngoèo, hai bên lối mòn phía bên dưới gần chân núi độ dốc thoai thoải là những bãi cỏ, càng lên cao càng dốc, giang (một họ tre) mọc rất nhiều, là là sát mặt.  Lên cao nữa tán cây rừng bắt đầu rậm rạp có nhiều cây thân gỗ, thỉnh thoảng có bụi nứa... vất vả mất một giờ tôi và các bạn cũng lên tới đỉnh núi. Từ trên đỉnh phóng tầm nhìn ra xa, xung quanh núi non trùng điệp thật là khoáng đạt... phấn khich chúng tôi thay nhau hét vang... âm thanh loang xa xong lại vọng về... cứ như vậy chúng tôi đùa giỡn.

Trời đã quá trưa tất cả lại kéo nhau đi xuống, khi xuống không mệt nhưng phải quen và biết cách, toàn dân thành phố chưa đi rừng leo núi bao giờ nên khá vất vả, có mấy cậu khoẻ mạnh và đã từng leo rừng núi nhiều, thoăn thoắt xuống trước. Dò dẫm mãi khi xuống tới chỗ độ dốc ít hơn xung quanh là khoảng trống, thằng Sinh thấy đường dốc tương đối phẳng tưởng đã an toàn, đứng thẳng người nó đi... vừa bước được mấy bước, theo đà cứ thế nó phóng xuống rất nhanh. Rất may có cậu Thư (biệt danh cả ngạnh) trong tốp xuống trước, đang ngồi nghỉ phía dưới vùng lên chạy ngang túm được tay vừa chạy theo vừa ghìm... thằng Sinh mặt tái nhợt, thở dốc hoảng loạn, nó định ngồi phục xuống thằng Thư liền vội kéo tay dìu đi thêm một đoạn bắt nó phải ở tư thế đứng để thở, tránh bị đột quị do dừng vận động đột ngột.

Một ngày trải nghiệm có chút sơ sảy, nhưng cũng thật may mắn... thật đáng nhớ của chúng tôi…

Núi kề núi non cao ngày ấy

Leo dốc mòn cố gắng trèo xem

Trời đất rộng bao la hùng vĩ

Thử sức mình vươn tới vờn mây...

 

Hà Nội 10/6/2018

Trích trong: Và một thời chúng tôi là như thế

 

Chuyện làng quê