Câu chuyện thứ nhất
Cách đây cỡ 10 năm, tôi có dạy một em học trò, tên thật của em là Hoàng Tuấn. Em là con út trong một gia đình có 4 chị em và các chị của em ấy tôi cũng là người dạy. Bố mẹ em ấy là lao động tay chân bình thường như bao nhiêu người khác. Tôi dạy Tuấn từ lớp 6 đến lớp 12. Em học rất giỏi đều các môn.
Năm em học lớp 12, nghe tin em đoạt giải nhất Olympic chi đó (Tôi không nhớ rõ tên cuộc thi và năm em thi), tôi kêu em đến tặng món quà nhỏ và nói:
- Con giỏi quá, cô ngưỡng mộ con bởi vì khi bằng tuổi con, cô không giỏi như thế.
Và em ấy trả lời như sau:
- Con cũng bình thường thôi mà cô, con đậu cũng là do may mắn, bên ngoài nhiều bạn còn giỏi hơn con.
Và ngay trong năm thứ nhất, em đậu đại học Y Đa Khoa thành phố Hồ Chí Minh. Nếu tôi nhớ không lầm thì năm nay em đã là bác sĩ rồi.
Cho đến thời điểm hiện nay, tôi không những ngưỡng mộ về sự chăm học, giỏi giang, đức tính khiêm tốn của Tuấn, mà tôi còn thật sự ngưỡng mộ ba mẹ em ấy, họ chỉ là những người lao động bình thường trong xã hội, nhưng cách họ dạy con làm cho tôi phải cúi đầu.
Câu chuyện thứ hai
Lúc còn dạy trong trường công lập. Một hôm để giới thiệu bài mới, tôi viết một câu ví dụ lên bảng và nói:
- Bạn nào trả lời đúng, sẽ có phần thưởng dưới 1 triệu.
Học sinh mà, chỉ cần nghe phần thưởng dưới một triệu là vui rồi, chứ chưa kịp nghĩ ra một ngàn cũng là dưới một triệu. Hihi, vì thế rất nhiều cánh tay giơ lên một cách hào hứng.
Thật sự là giáo viên ai cũng biết khả năng từng học Sinh của mình như thế nào. Tôi cũng thế, thấy các bạn giơ tay rất nhiều, tôi biết đa số những cánh tay ấy giơ lên để cầu may, chỉ duy nhất có một bạn Hùng (tên đã thay đổi) là có khả năng trả lời, nhưng không lẽ tôi mời bạn học sinh giỏi ấy, rồi còn các bạn khác thì sao? Vì thế tôi dự định mời một hai bạn yếu trong lớp, chắc chắn các bạn trả lời không được, thì tôi sẽ mời Hùng để chốt lại hoạt động giới thiệu bài.
Tôi mời bạn thứ nhất, trả lời không đúng.
Tôi mời bạn thứ hai, bạn thứ hai chưa kịp trả lời thì bỗng dưng bạn Hùng đứng bật dậy, chỉ thẳng vào mặt tôi, nói lớn:
- Cô là đồ mất nết, cô là đồ "dô ziên", cô còn dạy là tôi không học nữa đâu.
Quá bất ngờ, tôi đứng im lặng.
Thứ nhất, tôi bất ngờ vì mấy chục năm đi dạy, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp như vậy và có thể đồng nghiệp tôi cũng vậy, nên tình huống này chưa được đưa ra để thảo luận cách giải quyết. Vì thế tôi đành đứng nhìn em ấy và im lặng.
Thứ hai, tôi biết em ấy là con của một gia đình trí thức, từ một tỉnh miền Tây chuyển về, có mẹ là giáo viên dạy văn, tức là dạy làm người, còn cha là một kỹ sư nông nghiệp. Lúc đó sự ngạc nhiên của tôi dành cho Hùng nhân gấp đôi với câu hỏi trong đầu "Con của một giáo viên dạy văn đây sao? Con của một kỹ sư nông nghiệp đây sao? Con của một gia đình có học là đây sao?". Vì thế, tôi đứng nhìn em ấy và vẫn không nói được câu nào. Có nhiều bạn khi nghe câu chuyện này họ bảo "Sao lúc đó chị đứng im lặng được hay vậy? Chứ gặp em thì có chuyện lớn rồi". Thật sự lúc đó tôi cũng không biết mình nên làm gì, và do tôi có thói quen là khi mình chưa biết làm gì thì nên im lặng. Vậy thôi.
Sau 5 phút đứng lặng, tôi đi ra khỏi lớp thì gặp cô chủ nhiệm bước vào, tôi kể lại tất cả cho cô ấy nghe, cô kêu em Hùng đến xin lỗi tôi. Nghĩ em ấy còn nhỏ dại, cũng không muốn làm lớn chuyện nên tôi nhận lời xin lỗi từ em ấy và tiếp tục đi dạy lớp khác. Xem như không có chuyện gì xảy ra trước đó.
Cứ nghĩ chuyện đã qua, vì từ khi xảy ra câu chuyện, tôi chưa nói với em ấy một lời nào vì thế tôi cũng không bận tâm về nó. Nhưng đời không như là mơ, nên cuộc đời mới có những bài thơ. Ông bà ta có câu "Cây muốn lặng mà gió không muốn ngừng", vậy nên mới có chuyện để kể cho quý vị nghe tiếp.
Ngay tối hôm đó, tôi nhận được điện thoại của bố Hùng hỏi thăm. Tôi kể đầu đuôi câu chuyện lúc sáng, và còn nói thêm "Cháu đã xin lỗi rồi, Bố đừng la cháu". Thật bất ngờ, vị kỹ sư nông nghiệp nói:
- Cô mất nết thì con tôi nói cô mất nết, cô "zô ziên" thì con tôi nói cô "zô ziên". Sao lại bắt con tôi xin lỗi. Cô làm gì đủ trình độ dạy con tôi, con tôi nó nói nếu cô còn dạy, thì nó không đi học đâu. Ngày mai tôi muốn cô phải nghỉ dạy".
Đến lúc này thì tôi đã sốc thật sự và hiểu ra tại sao Hùng có những phát ngôn như vậy.
Sau đó thì vị kỹ sư này còn làm một vài trò bẩn thỉu phía sau tôi, mà học trò và những phụ huynh khác báo lại cho tôi biết, nhưng tôi thấy không cần thiết phải kể ra đây nữa.
Kể 2 câu chuyện có thật 100% trên, tôi không có ý kiến cho trường hợp thứ hai. Bởi tôi biết mỗi người, mỗi gia đình có một kiểu giáo dục khác nhau. Tôi chỉ biết phải dạy con mình để sau này chúng ra đời không bị người ta nói rằng "đồ con nhà có giáo mà không có dục- Có học mà không có dạy" thì đó là một nổi nhục không thể nào tả được, nhất là con của một nhà giáo.
Người VN mình có thành ngữ "có lửa mới có khói", để chỉ ra rằng mọi việc đều có nguyên nhân của nó, nhưng với tôi câu chuyện thứ hai, tôi không biết lửa có từ đâu. Sẵn đây cho tôi hỏi, Có ai thấy "lửa"từ đâu trong câu chuyện thứ 2, xin vui lòng cho tôi biết nhé.
Chuyện Làng Quê
BỞI ĐỜI VẪN CÒN ĐẸP QUÁ MÀ
(Viết tiếp câu chuyện "Ngày mai tôi muốn cô nghỉ dạy)
Huỳnh Lê Lan Khanh
Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn quý đọc giả đã đọc câu chuyện "Ngày mai tôi muốn cô nghỉ dạy" của tôi đã viết cách đây vài hôm. Kính chúc quý vị nhiều sức khỏe, và bình an.
Trước khi viết bài này, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều, vì cảm thấy mình không có nhu cầu nổi tiếng, cũng không có nhu cầu làm mới bản thân, đánh bóng tên tuổi hay mua bán, kiếm tiền từ những bài viết này, nên cũng có một chút đắn đo. Song do có nhiều bạn không biết là cố ý hay vô tình, đã vội dùng những từ ngữ quy chụp, nặng nề để bình luận. Do tôi đăng trên nhiều trang, nên mỗi trang có một vài bình luận như thế.
Để dễ hiểu, Tôi xin nói rõ mấy vấn đề sau: Thứ nhất, có bạn nói "tôi có ở nhà bạn Tuấn đâu mà biết ba mẹ bạn T dạy con như thế nào". Xin thưa tôi không ở nhà bạn T, nhưng tôi chỉ cần nhìn "sản phẩm" của họ là đủ cho tôi phải cúi đầu ngưỡng mộ họ.
Thứ hai, có bạn nói kháy kiểu như "Làm gì có GV dạy từ lớp 6 đến lớp 12". Tôi xin nói rõ là tôi dạy kèm em T môn tiếng Anh từ lớp 6 đến lớp 12. Tôi không biết môn khác như thế nào, chứ còn môn tiếng Anh, GV có thể dạy từ lớp 1-12. Ở Sài Gòn các bạn có thể vào các trung tâm sẽ thấy thứ hai, tư, sáu, cô dạy lớp một, lớp hai; nhưng thứ ba, thứ năm, thứ bảy, cô dạy lớp 11, 12 là chuyện rất bình thường.
Có bạn lại bảo rằng "GV dạy kèm làm gì có đủ trình độ để dạy từ lớp 6 đến lớp 12". Dạ thưa, phụ huynh họ là người trả tiền cho chúng tôi, vì thế chắc chắn họ không dại gì trả tiền, nếu con họ không nhận lại được gì. Câu này tôi xin dành cho vị nào đã bình luận như thế, thì hãy dành một phút để suy nghĩ thêm.
Thứ ba, rất nhiều bạn cho rằng do lỗi của tôi, lỗi từ phần thưởng. Xin đừng đặt suy nghĩ của người lớn vào những đứa trẻ để giải quyết vấn đề. NGƯỜI LỚN NGHE ĐẾN GIẢI THƯỞNG, NGHĨ ĐẾN SỐ TIỀN; HỌC SINH NGHE ĐẾN GIẢI THƯỞNG, NGHĨ ĐẾN NIỀM VUI. Quý vị có thể đọc hết phần sau đây rồi bình luận cũng chưa muộn.
Sau hôm đó, chúng tôi mời phụ huynh lên, chỉ mình mẹ em H có mặt và tôi còn sốc hơn khi nghe chính miệng mẹ em ấy nói "Tưởng cô nói câu gì lạ thì em còn ngạc nhiên chứ nói câu đó là cô nói đúng rồi. Vì ở nhà hàng ngày nó vẫn nói với em "Mẹ là đồ mất nết, mẹ là đồ zô ziên" hoài, em thấy dễ thương mà", rồi cô ấy thêm "Ở nhà em cho nó không thiếu thứ gì. Lần sau thấy nó phát biểu, cô mời nó trả lời là yên chuyện à". Tôi thấy cho tới giờ phút đó, người mẹ vẫn chưa nhận ra vấn đề của con mình mà lại đưa ra giải pháp là "Thấy bạn ấy giơ tay là phải mời bạn ấy ngay". Tức nhiên, chúng tôi không đồng ý, vì còn bao nhiêu HS khác trong lớp nữa. Cuối cùng qua trao đổi, thì người mẹ ấy cũng xin lỗi và hứa hẹn các kiểu. Tôi còn nhớ sau đó thầy hiệu trưởng có nói với tôi "Cũng may hôm qua chị im lặng, chứ nếu chị có động thái gì, tụi em không biết hôm nay chuyện gì sẽ xảy ra".
Thứ tư, khi tôi chọn cách im lặng có nhiều bạn bảo nhân cách tôi có vấn đề, phương pháp dạy của tôi có vấn đề, vân vân và mây mây, nói chung có nhiều bạn đặt hoài nghi vào tôi, vì cho rằng không thấy ai im lặng trong trường hợp như vậy. Thật sự lúc đó tôi rất sốc, nhưng tôi VẪN CÒN TỈNH TÁO để nhớ ra một trong những nguyên tắc để thành công. "Im lặng là cách đối phó tốt nhất với những xung đột và giận dữ đang ở mức đỉnh điểm và "xử lý" là nhiệm vụ của tương lai" của TS Kristen, ĐH Duke, Mỹ và TS Scholl, ĐH Oregon. Các bạn có thể tìm hiểu thêm nhé. Nên tôi đã không cãi tay đôi với học sinh. Và như tôi đã nói, tôi và cô chủ nhiệm cũng giải thích ABC với em ấy và em cũng đã xin lỗi tôi.
Cuối cùng, Kính Gởi đến quý độc giả kính mến của tôi, những người mà tôi chưa biết mặt, chưa trò chuyện bao giờ nhưng rất quý trọng, mấy lời chân thành. Thế giới này bao la, mênh mông, rộng lớn. Trái đất hiện đã hơn 8 tỉ người. Nhiều chuyện xảy ra ta chưa gặp, chưa thấy, không có nghĩa là không thể có được. Ta chưa gặp chẳng qua ta chưa có duyên để gặp, đến một lúc nào đó nó sẽ đến với ta, trong hình dáng câu chuyện này hay câu chuyện khác mà thôi.
Thêm nữa, kiến thức thì lại càng mênh mông, sâu rộng hơn ta biết, ta chỉ là hạt cát bụi nhỏ. Do đó nếu thấy ai đó nói điều mà chúng ta cho là lạ, là chưa thấy bao giờ thì cũng khoan buông lời nặng nhẹ. Vì khi ta buông lời cay nghiệt, nó không làm cho ta cao hơn, sáng hơn, đẹp hơn trong mắt người khác; mà chắc chắn rằng khi ta buông những lời xúc xiểm đó, tâm ta không yên lành, và ta đã tự đánh mất hình ảnh của mình trong mắt người khác. Viết đến đây, bỗng dưng tôi chợt nhớ câu mà GV chúng tôi thường nói với nhau, "Không sợ những HS cá biệt, mà chỉ sợ và ngại đụng chạm với phụ huynh cá biệt".
Để kết thúc tôi xin kể quý vị nghe câu chuyện nhỏ. Tôi thường dạy con khi nói chuyện với người lớn phải dạ thưa trước khi nói. Một lần tôi đưa cháu đi khám bệnh. Con gái ngồi kế bên nghe tôi nói chuyện với bác sĩ, khi ra ngoài cháu hỏi tôi "Con thấy BS nhỏ tuổi hơn Me rất nhiều mà sao Me nói chuyện với BS, Me phải dạ thưa." Tôi giải thích "Me dạ, một là vì đó là Thầy thuốc, một trong những người thầy mà nhân loại phải kính nể; còn hai là vì người đang chữa bệnh cho con mình". Con tôi "À ra thế". Các bạn thấy đó, suy nghĩ của con trẻ rất đơn giản, vì tôi dạy cháu phải dạ thưa "người lớn", nhưng tôi lại dạ thưa "người nhỏ", nên cháu thắc mắc. Còn tôi hôm đó thì cảm thấy rất vui và thấy đời vẫn còn đẹp quá mà.
Huỳnh Lê Lan Khanh
12:21 22/10/2023
BỞI ĐỜI VẪN CÒN ĐẸP QUÁ MÀ: BBT đã chuyển nội dung này sang phần cuối của bài viết mà tác giả nhắc đến.