Ngày xửa, ngày xưa...

Có thể nói hầu hết các truyện (được gọi là “truyện cố tích Việt Nam hay nhất” này) đều đã được thay đổi về độ dài, về tình tiết cốt truyện, đặc biệt là về ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật.

237170746-1897002950476863-3342580270031570869-n-1629424822.jpg

      Nhân sự kiện sách giáo khoa ngữ văn có ý định sửa đoạn kết của truyện Tấm Cám (bỏ chi tiết Tấm bỏ xác Cám (sau khi bị giội nước sôi) vào chĩnh làm mắm gửi về cho mụ dì ghẻ) để truyện có cái kết có hậu mang tính “nhân văn”, tôi liền tìm đọc lại tập Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất dành cho thiếu nhi (NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2010, tác giả: Phương Thanh) mà tôi đang có trong tay. Thú thực, tôi rất ngạc nhiên và không giấu nổi thất vọng vì hầu hết các truyện được tuyển chọn vào đây đều không giống như những gì tôi đã đọc từ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (của Nguyễn Đổng Chi, đã tái bản nhiều lần). Những truyện ông kể đã hằn sâu vào tâm khảm và theo suốt tuổi thơ tôi (cùng rất nhiều bạn đọc khác).
       Có thể nói hầu hết các truyện (được gọi là “truyện cố tích Việt Nam hay nhất” này) đều đã được thay đổi về độ dài, về tình tiết cốt truyện, đặc biệt là về ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Ta hãy thử bắt đầu từ truyện Tấm Cám (là truyện đang có “vấn đề”).
       Trước hết, truyện của Phương Thanh đã rút gọn đi quãng 500 chữ (từ hơn 2.600 xuống hơn 2.100 chữ). Hầu hết các đoạn thoại cần phải xuống dòng đều bị cắt bỏ, chỉ giữ lại một số câu và đặt tiếp ngay vào lời dẫn truyện rồi in nghiêng. Thành ra, người đọc chỉ cảm nhận câu chuyện qua lời kể là chính mà mất đi nhiều đoạn đối đáp của các nhân vật, vốn rất sinh động và thể hiện rõ tính cách của họ.
       Tiếp đó, truyện đã bỏ đi một số chi tiết được coi là rất “đắt” làm nên hồn vía câu chuyện:
      - Không có từ mở đầu “ngày xưa (ngày xửa ngày xưa)” vốn là lời dẫn chuyện quen thuộc và bắt buộc phải có khi bắt đầu các câu chuyện cổ. Phần giới thiệu sơ lược về 3 nhân vật Tấm, Cám, dì ghẻ và gia cảnh cũng thay đổi;
      - Lời Bụt dặn Tấm cần phải nói thật chính xác câu “Bống bống, bang bang/ Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta/ Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người” (“Nếu không gọi đúng như thế thì nó không lên, con nhớ lấy!”) đã bị cắt (nên nhớ câu này có giá trị như một câu thần chú);
      - Các chi tiết: “cục máu nổi lên” khi Tấm gọi mãi mà không thấy cá bống đâu; vua chỉ gọi sau khi Vàng Anh nhắc nhở Cám chuyện phơi áo (chứ không nói trước khi có chuyện đó); Cám nói dối vua về chuyện ăn thịt chim; Vua nhận ra vợ cũ sau khi nghe bà lão hàng nước kể lại sự tình (chứ không chỉ qua miếng trầu têm cánh phượng); Tấm sai đem xác Cám bỏ vào chĩnh làm mắm gửi về cho mụ dì ghẻ (nói là con gái gửi biếu); lũ quạ trên nóc nhà kêu “Ngon ngỏn ngòn ngon/ Mẹ ăn thịt con/ Có còn xin miếng” dẫn đến mụ dì ghẻ nhận ra đầu lâu con mình trong chĩnh mắm và uất lên lăn đùng ra chết, v.v. đều đã bị lược bỏ;

237549328-1897003013810190-4613065783144485786-n-1629424886.jpg

     - Lời xưng hô của Tấm với vua (thiếp/ bệ hạ), lời mỉa mai của dì ghẻ về Tấm (con nỡm), lời bà lão bán nước (xưng là “già”), và từ phương ngữ (rặt rặt = chim sẻ)... và khá nhiều tình tiết ngôn ngữ khác cũng không còn. Điều này đã làm mất đi giá trị làm nên “tính lịch sử” của các tác phẩm văn học dân gian. Vì các áng văn chương (ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích, truyện cười, câu đố...) là sản phẩm folklore cần phải ghi chép thực địa, từ người thực (có ghi tên người kể, nghề nghiệp, nơi sinh sống của người kể, chứng tích có liên quan...). Trong các truyện của Nguyễn Đổng Chi, ông đều có chú rất rõ ràng các chi tiết này. Những truyện sưu tầm lại, ông đều ghi xuất xứ các sách tham khảo mà đa số là những sách rất cổ. Đấy không chỉ là một thái độ tôn trọng văn bản trích dẫn mà còn giúp giữ lại tính chân thực của các sản phẩm ngôn ngữ dân gian (như từ ngữ cổ, phương ngữ...).

236176947-1897003100476848-5992184072788772219-n-1629424932.jpg

      Không chỉ riêng truyện Tấm Cám (còn nhiều chuyện nổi tiếng khác như Bánh chưng, bành giầy; Sự tích trầu cau và vôi; Thạch Sanh;...) và không chỉ cuốn sách của Phương Thanh mà tôi vừa dẫn, còn rất nhiều cuốn truyện cổ tích khác (mới xuất bản gần đây) cũng bị thay đổi theo hướng “hiện đại hoá” như thế. Đây là một cách ứng xử hết sức tùy tiện với đối với các di sản dân gian đã tồn tại bao đời nay. Sửa đổi nội dung và thay đổi ngôn từ các sản phẩm văn học cổ rõ ràng là một thái độ thiếu tôn trọng với di sản cha ông và là một hành động “xuyên tạc lịch sử”.